19/3/22

2.331. Bức tượng KÝ ỨC CAY ĐẮNG TUỔI THƠ

 

Những ngày qua, khi Putin phát động "Chiến tranh đặc biệt" xâm lược Ukraine, trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội lan tỏa hình ảnh bức tượng “Ký ức cay đắng tuổi thơ” (Bitter Memory of Childhood) để gợi lại một ký ức đau buồn của đất nước Ukraine dưới thời Stalin. Nó cũng là động lực để người dân Ukraine chiến đấu chống lại quân Putin vì họ không muốn đất nước quay trở về thời kỳ diệt chủng đen tối do bọn độc tài cai trị.

Nhân dịp này tôi chia sẻ vài thông tin ngắn gọn về chuyện này cùng vài chú thích liên quan.



Một bức tượng đầy ám ảnh mô tả một bé gái gầy nhom do đói ăn, chân trần, nước da sạm, đôi mắt buồn, tay ôm một nắm lúa mì. Bức tượng này được đặt tên là “Ký ức cay đắng của tuổi thơ” (Bitter Memory of Childhood) do điêu khắc gia Petro Drozdowsky tạo tác để tưởng nhớ những nạn nhân dễ bị chết đói nhất - trẻ em. Hình ảnh một nắm lúa mì trên tay em bé gợi nhắc một sự thật vào thời hợp tác hóa nông nghiệp lúc bấy giờ là chỉ cần ai đó nhặt (mót) một ít lúa mì còn sót lại trên cánh đồng tập thể dù sau khi đã gặt xong - có thể bị coi là một trọng tội và bị phạt tù tới 10 năm hoặc thậm chí tử hình – dù đó là trẻ em. 

***

(Chuyện này làm tôi nhớ lại thời kỳ HTX ở quê tôi những năm 80s, tuy có khắt khe (chủ yếu khắt khe về chính trị) nhưng không đến mức như ở Nga hay Ukraine. Ban đêm hoặc ban trưa, tôi có thể lẻn vô ruộng ngô HTX vặt trái bỏ bao mang về, miễn sao làm lén để không ai thấy, nếu thấy thì bỏ chạy là xong, nếu cán bộ đuổi kịp và biết con nhà ai thì giỏi lắm là chửi "Mi con ông A đó hỉ, đồ cái thằng con nhà mất dạy" là xong - hehe. Còn mùa gặt lúa thì bà con nông dân cố tình gặt sót bông lúa hoặc đến khâu tuốt lúa thì cố tình cho lúa rơi ra ngoài đất để bọn trẻ và hội mẹ chị bu quanh có cơ hội mót lúa (xúc lúa) rơi đem về nhà. Còn đến lúc gánh lúa điều hòa từ kho ở xã khác về xã nhà (tức là nhà nước điều phối lương thực từ những vùng chuyên canh lúa đến những vùng không trồng lúa để cấp lương thực cho dân) thì  HTX huy động nhân dân toàn thôn đi gánh bộ (thời đó làm gì có xe mà chở). Đoàn người gánh lúa dài nhằng đông đen ai mà quản lý cho xuể, vậy là một số tay lém lỉnh nhận gánh lúa thật nặng, đi dọc đường chui vô bờ tre bụi cỏ đùm bao để giấu bớt ở nơi nào đó hoặc gởi nhà quen vài mươi ký, hôm sau đến lấy... Nhờ thế mà dân nông quê tôi sống qua thời thổ tả - còn HTX thì mãi nghèo và không phát triển nổi cho đến khi nó phải chuyển đổi - phần này chỉ là nhân tiện kể thêm chứ không liên quan đến bức tượng trên).

***

Bức tượng này là một trong hàng trăm hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng quốc gia về cuộc diệt chủng Holodomor - National Museum of the Holodomor-Genocide (1) đặt tại trung tâm thủ đô Kyiv của Ukraine. Đây là nơi nhân dân Ukraine ghi nhớ về nạn diệt chủng Holodomor (2) ở Ukraine những năm 1932-1933.

------------

Chú thích:

(1) National Museum of the Holodomor-Genocide - Bảo tàng quốc gia về cuộc diệt chủng Holodomor là bảo tàng quốc gia và cũng là một trung tâm mang tầm vóc thế giới dành cho các nạn nhân Holodomor giai đoạn 1932-1933. Bảo tàng nằm trên đồi Pechersk, một trong những địa điểm đẹp và cổ kính bên Sông Dnieper thuộc thủ đô Kyiv. Bảo tàng bắt đầu mở cửa vào ngày kỷ niệm 75 năm Holodomor – 2008.

(2) Holodomor (tiếng Ukraina: Голодомор - nghĩa đen: cái chết tập thể vì nạn đói) nói về nạn đói ở Liên Xô vào thời kỳ 1932–1933 xảy ra ở vùng mà bây giờ thuộc Ukraina. Holodomor do 2 chữ trong tiếng Ukraina là “Holod" (nghĩa là đói) và “Mor" (nghĩa là chết). Nghĩa hiện tại trong cả tiếng Ukraina lẫn tiếng Nga là “Sự tiêu diệt".

Thời bấy giờ, Stalin theo đuổi các mục tiêu chính trị để ngăn chặn các phong trào đòi ly khai đòi độc lập ở Ukraina và để củng cố chính quyền Liên Xô tại Ukraine ông ta đã ra tay đàm áp giới trí thức và các giáo sĩ người Ukraine bằng hình thức xử bắn hoặc trục xuất đến vùng hoang vu Siberia. Sau đó, Liên Xô bắt đầu đối phó với những người nông dân chống lại chủ trương tập thể hóa, tiêu diệt thành phần địa chủ và "phản cách mạng" thành lập 2 ngàn Kolchos (Hợp tác xã). Thời điểm này lại xảy ra mất mùa do hạn hán nghiêm trọng nên nông dân thiếu ăn nhưng nhà nước lại tăng thuế để lấy ngũ cốc xuất khẩu lấy ngoại tệ để công nghiệp hóa nền kinh tế của Liên Xô và để điều hòa lương thực cho các vùng khác. Vì vậy nạn đói - ước tính có khoảng 3-5 triệu người chết - đã đến ở vùng Ukraine nhưng chính phủ không có hành động phòng ngừa nào được thực hiện. Thêm vào đó, các lữ đoàn Bolshevik truy lùng thực phẩm cất giấu của nông dân để bắt họ nộp thuế. Nhiều nông dân bị mất tất cả tài sản và kết thúc như người ăn xin ở các thành phố. Tại một số nơi, trong dân chúng đã có nạn ăn xác người chết. Tuy nhiên lúc bấy giờ quốc tế không quan tâm đến Holodomor ở Ukraine mà chỉ tập trung vào Phát xít Hitler.

Chính phủ của Ukraina dưới thời của tổng thống Viktor Andriyovych Yushchenko, đã cố gắng vận động để được quốc tế công nhận Holodomor là một tội ác diệt chủng người Ukraina. Tuy nhiên, đến năm 2010, chính phủ mới của Ucraina dưới thời tổng thống Viktor Fedorovych Yanukovych thân Nga, đã bãi bỏ cuộc vận động và không công nhận việc gọi Holodomor là "tội diệt chủng" nữa. Nga không chấp nhận sử dụng từ diệt chủng cho nạn đói Holodomor bởi theo họ thì nạn chết đói giai đoạn này xảy ra trên toàn Liên Xô (và nhiều nơi khác trên thế giới, kể cả ở Mỹ) chứ không riêng gì Ukraina. Nga cho rằng Holodomor là trò tuyên truyền chính trị.

Vào ngày 28 tháng 11 năm 2006, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu để công nhận Holodomor, một nạn đói kinh hoàng diễn ra vào đầu những năm 1930 ở Ukraina, như một hành động cố ý diệt chủng chống lại Người Ukraine. Dự luật đã được Tổng thống Viktor Yushchenko ký thành luật bao gồm một điều khoản cho các hoạt động tưởng niệm, nghiên cứu và xây dựng các tượng đài để tôn vinh các nạn nhân và lưu giữ ký ức về thảm kịch Holodomor cho các thế hệ tương lai. (Sử dụng nguồn)

 

Không có nhận xét nào: