29/3/22

2.342. CHUYỆN CÁC NHÀ VĂN (1)

 LTS: Kể từ số này, thỉnh thoảng tôi sẽ lưu lại những câu chuyện hay về cuộc đời, số phận cùng sáng tác của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam được chia sẻ trên các trang. Những ký ức này vừa mang tính văn chương vừa cho chúng ta những suy nghĩ về thân phận nhà văn trong các bối cảnh thời đại cùng tài năng và nhân cách ở họ.

1. BÀ MẸ NUÔI CỦA PHÙNG QUÁN


Bài của Nguyễn Bùi Vợi

Năm 1960, đi lao động thâm nhập thực tế ở Thái Bình cùng các nhà văn Tô Hoài, Hoàng Trung Thông…về, Phùng Quán bị nhiễm lao. Nằm điều trị ở bệnh viên lao trung ương khỏi bệnh rồi nhưng không biết về đâu vì phòng Văn nghệ quân đội không còn tên anh nữa, Hội nhà văn cũng đã khai trừ anh.Phùng Quán về thôn Nghi Tàm xã Quảng An huyện Từ Liêm (Hà Nội) đến nhà ông cả Hàm là trưởng xóm Đình xin ở nhờ ít lâu. Gia đình ông cả vui vẻ nhận lời vì biết anh là tác giả tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo” nổi tiếng. Ông cả Hàm nói với vợ: Tôi cũng có biết anh này có “phốt”. Người ta đầu xanh tuổi trẻ lại có tài ắt là có tật, thôi giúp đỡ người ta, để phúc để đức cho con!

Không có lương, Phùng Quán sắm cần câu, thỉnh thoảng ra hồ câu cá trộm!

Một hôm, anh đi qua trước một túp nhà lá một gian hai chái. Thấy một bà cụ một mình đi ra đi vào, Phùng Quán tạt vào chơi.

Hỏi chuyện cụ, anh mới biết cuộc đời cụ thật gian nan. Cụ ông uống rượu say, “đi” luôn đến mồng một Tết để lại cho cụ bà một mảnh vườn, một ngôi nhà gỗ 5 gian và 3 đứa con dại. Cô gái đầu lòng tiên là Húng mất năm 13 tuổi. Con thứ hai là Nguyễn Văn Thơm vào bộ đội, hy sinh vào năm 1947 ở mặt trận Hà Nội. Con gái út tên là cô Vỏ bị thiên đầu thống, lòa cả hai mắt, mất năm 30 tuổi, chưa kịp lấy chồng. Trước cụ cũng có một gian hàng bán cơm ở chợ hàng Da nhưng vì con bệnh nặng, gia tài khánh kiệt, cụ phải bán đi cả căn nhà gỗ 5 gian, cây que chụm lên túp này…

Nghe cụ trưởng Rơi kể vậy, Phùng Quán không cầm được nước mắt. Anh nói với cụ:

– Mẹ ơi, con là bộ đội chống Pháp. Quê con ở Huế. Ba mẹ con đã mất cả, Con ở Hà Nội một mình. Con vẫn ở nhờ ông cả Hàm. Nay thấy mẹ sống một mình, con muốn xin dựa dẫm vào mẹ, không biết con có được mẹ thương không?

Cụ Mùi cười hai hàm răng đen nhức. (Vâng, tên thật của cụ là Nguyễn Thị Mùi, còn có tên là cụ trưởng Rơi vì hồi trước cụ cố đẻ rơi cụ nên đặt tên là Rơi.)

Cụ Rơi xởi lởi nói với Phùng Quán:

– Thế này, anh bộ đội ạ. Các cụ bảo: “ăn hết nhiều chứ ở hết bao nhiêu!” Nhà tôi chỉ có một túp thế thôi đấy. Anh xem có kê được cái giường nữa thì kê, ở cho ấm nhà!

Phùng Quán đi hỏi bạn bè. Nhà viết kịch Phan Vũ (tác giả vở kịch “Lửa cháy lên rồi”) cho anh mượn một cái giường cá nhân kê cạnh cái phản cụ Mùi nằm, còn thừa một lối đi nhưng phải đi nghiêng vì lối đi chỉ rộng chừng 30 phân. Quán kiếm gỗ thùng đóng một cái bàn viết nhỏ đặt sát với của sổ. Ngày ngày anh quay mặt ra hồ, ngồi viết tiểu thuyết.

Hai mẹ con thổi nấu ăn với nhau. Sáng ra, Phùng Quán cho gánh hàng của mẹ nuôi lên xe đạp, dắt lên đường cái. Cụ Mùi bán quà trẻ con như bánh đa, bỏng ngô, kẹo dồi, ô mai các loại… Mùa mía cụ chỉ bán mía. Buổi sáng Phùng Quán thồ mía cây, mía tấm lên đường cái cho cụ, trưa mang cặp lồng cơm ra hàng, chiều ra thồ bã mía về, phơi khô đun nấu. Túp lều có người ra, người vào, có tiếng nói tiếng cười ấm cúng.

Rồi Phùng Quán dẫn người yêu là Bội Trâm giới thiệu với mẹ nuôi. Thấy cô gái lễ phép, lịch sự lại là giáo viên cấp 3, cụ Mùi rất thương. Năm 1962, Phùng Quán và Bội Trâm đến đăng ký kết hôn ở ủy ban hành chính xã Quảng An huyện Từ Liêm Hà Nội.

Hàng tuần, chiều thứ bảy, Bôi Trâm mới về với chồng ở nhà bà mẹ nuôi thôn Nghi Tàm. Ngày thường chị ở nhà mẹ, số 3 hàng Cân, đi dạy học ở trường Trưng Vương phố Hàng Bài Hà Nội. Đến kỳ lương, chị mang về đưa cho cụ.

Một hôm cụ đưa cho chị mười lăm đồng và bảo:

– Cậu Quán đẹp trai nhưng ăn mặc lôi thôi quá. Cô ra chợ sắm cho cậu ấy một bộ cánh, áo pô-pơ-lin, quần si-mi-ly, diện vào xem có oách không nào?

Hai vợ chồng bàn nhau may áo vải, quần ka-ki cho cụ vui lòng, còn dư tiền còn để mà ăn chứ. Một suất lương nuôi hai người rồi!

Năm 1963, sinh cháu Đỗ Quyên đầu lòng, Quán bàn với vợ sau hai tháng nghỉ đẻ, đi dạy thì cho con vào nôi, đưa lên đây, anh vừa viết vừa trông con hộ vợ.

Thấy thế, buổi chiều khi Bội Trâm ở trường về, cụ Mùi chỉ Phùng Quán, đọc vè trêu chọc: “Công danh sự nghiệp lờ đờ/ Trông con cho vợ còn nhờ miếng ăn!”

Lúc ấy, cụ cười nhưng nước mắt lưng tròng. Phùng Quán bảo vợ “công danh sự nghiệp lờ đờ” thì tài thật, nhà thơ chuyên nghiệp đã chắc hạ được hai chữ ấy à?

Đã ấm nơi ăn chốn ở rồi, bạn bè văn nghệ đã bắt đầu lui tới. Phùng Quán ra vườn chặt mấy cành ổi ghép vào nhau thành ghế dựa. Mặt ghế, lưng ghế anh ghép bằng tre cật, ngồi nhiều đen bóng cả lên. Ai đến cũng khen bộ ghế đẹp. Phùng Quán còn ghép cành ổi thành ghế đu, đặt ngoài vườn nằm đọc sách. Thấy bạn bè Phùng Quán khen anh khéo tay, cụ Mùi đặt vè trêu con nuôi: “Người ta sập gụ, tủ chè/ Nhà tôi cành ổi… Ngứa nghề xa lông!”

Hai chữ “ Ngứa nghề” thật đau đớn, chua chát. Bội Trâm sinh con trai là Quý Quân. Cuối tuần ba mẹ con về với bố với bà. Những hôm ấy, cụ Mùi đi chợ mua thịt, cá, gà, trứng để bồi dưỡng cho các cháu. Có hôm chị Trâm kêu “sao mẹ mua nhiều thế” thì cụ mắng:

– Làm ra được đồng tiền, thấy con cháu nó ăn ngon miệng là mẹ vui. Chết rồi có mang tiền xuống âm phủ được đâu.

Rồi cụ Mùi lại đọc vè, lần này là vè… tự diễu: “Đi buôn từ thuở mười hai/ Tôi thề tôi chẳng yêu ai bằng… tiền!”

Những lần Phùng Quán đi thực tế hay đi viết ở tỉnh này, tỉnh kia, cụ dặn mang áo len, mang lọ dầu cao con hổ, mang thuốc phòng đau bụng. Cụ dặn đừng nên ăn lòng lợn tiết canh, người ta làm không đảm bảo vệ sinh. Những lúc ấy, Phùng Quán quay mặt đi, giấu những giọt nước mắt.

Năm 1975 giải phóng miền Nam, Phùng Quán về Huế rồi vào thành phố Hồ Chí Minh tìm anh em, họ hàng.

Ở ngoài này, cụ Mùi lên Ủy ban nhân dân xã Quảng An làm di chúc: Sau khi cụ qua đời, con nuôi của cụ là nhà thơ Phùng Quán và vợ là cô giáo Bội Trâm có quyền hưởng thừa kế mảnh vườn một sào và túp lều của cụ. Nhờ người viết xong, cụ điểm chỉ ở cuối trang và xin chứng nhận của Ủy ban nhân dân xã Quảng An. Vợ chồng Phùng Quán xin lễ sống bà mẹ nuôi, tỏ lòng cảm kích trước cử chỉ tốt đẹp của cụ nhưng xin không dám nhận ân huệ đó vì không chắc có phụng dưỡng cụ đến hết tuổi Trời được hay không? Anh chị đề nghị mẹ nuôi của mình đón một đứa cháu trong nội tộc về ở chăm sóc cụ cuối đời và hưởng sự thừa kế.

Năm 1982, cụ Mùi qua đời. Phùng Quán thời gian này đang ở trên vùng núi Thái Nguyên trông coi khu đất tăng gia của Bộ Văn hóa, nhận được tin, về không kịp.

Bội Trâm xin phép mẹ đẻ ở số 3 Hàng Cân cho phép được buộc khăn mặc áo xô để tang mẹ nuôi của chồng mình. Cháu trai Quý Quân đi đầu rước ảnh Bà nội. Năm 2000, người mẹ liệt sĩ cô đơn ấy được nhà nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Nguồn: trannhuong.com

-------------------------------


2. NHÀ THƠ THANH TÂM TUYỀN




Thanh Tâm Tuyền (1936-2006), tên thật là Dzư Văn Tâm, sinh quán tại Vinh – Nghệ An, là một nhà thơ, nhà văn nổi tiếng, được biết đến với những cách tân thơ ca táo bạo. Thanh Tâm Tuyền có ảnh hưởng lớn trên văn học miền Nam Việt Nam giai đoạn 1956-1975 và cả những năm về sau này. Ông còn có bút hiệu khác là Đỗ Thạch Liên.

Năm 1952, khi mới 16 tuổi, ông dạy học tại trường Minh Tân - Hà Đông và đăng những truyện ngắn đầu tiên trên tuần báo Thanh Niên (Hà Nội).

Năm 1954, ông hoạt động trong Tổng hội Sinh viên Hà Nội, cùng với Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, chủ trương nguyệt san Lửa Việt.

Năm 1955, ông di cư vào Sài Gòn, cùng các bạn làm làm tờ Dân Chủ mà Thanh Tâm Tuyền và Trần Thanh Hiệp phụ trách phần văn nghệ. Sau có thêm Mai Thảo, chủ trương tuần báo Người Việt (tiền thân của tờ Sáng Tạo), với sự cộng tác của Lữ Hồ, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Quách Thoại. Tháng 10/1956, Sáng Tạo ra đời. Từ 1956 đến 1960, Mai Thảo làm chủ bút.

Lúc mới tròn 20 tuổi, ông đã nổi tiếng với tập thơ Tôi không còn cô độc, và năm 1957, lúc 21 tuổi, với tiểu thuyết Bếp Lửa (viết năm 1954) "mô tả khung cảnh Hà Nội trước 1954, với những người ra đi cũng như những người ở lại, cả hai đều bị giằng co bởi những chọn lựa miễn cưỡng, sự chia ly hay cái chết." Hai tác phẩm đánh dấu sự thay đổi diện mạo văn học miền Nam, đến thời đó vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của lãng mạn tiền chiến.

Năm 1962, Thanh Tâm Tuyền nhập ngũ tham dự Khóa 14 SQTB Thủ Đức, 1966, giải ngũ, 1969, tái ngũ, ở trong quân đội đến 1975; phụ trách chủ yếu việc huấn luyện văn hóa với cấp bực cuối cùng là đại úy trong Quân lực VNCH.

Sau 1975, bị đi tù cải tạo 7 năm qua nhiều trại giam khắc nghiệt ngoài Việt Bắc. Thanh Tâm Tuyền ra tù 1982. Sang định cư tại Hoa Kỳ từ tháng 4 năm 1990 theo diện HO, sống ở tiểu bang Minnesota, Hoa Kỳ, giữ thái độ gần như ẩn dật.

Thanh Tâm Tuyền mất tháng 03/2006 khi mới bước vào tuổi 70.

Một số thơ của ông đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương và Cung Tiến phổ thành những nhạc phẩm rất nổi tiếng như: Bài ngợi ca tình yêu, Dạ tâm khúc, Đêm màu hồng, Lệ đá xanh, Nửa hồn thương đau…

Xin giới thiệu với các một bài thơ của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, một người sâu sắc, uyên bác, tài hoa, nghiêm túc, tư cách, tiết tháo và là người đã mở đường cho phong trào thơ Tự do từ 6 thập niên trước tại miền Nam Việt Nam.

1. Lệ đá xanh

tôi biết những người khóc lẻ loi

không nguôi một phút

những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình

em biết không

lệ là những viên đá xanh

tim rũ rượi

đôi khi anh muốn tin

ngoài đời chỉ còn trời sao là đáng kể

mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em

đến ngày cuối

đôi khi anh muốn tin

ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế

mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em

nguồn sữa mật khởi đầu

đôi khi anh muốn tin

ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết

mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em

vòng ân ái

đôi khi anh muốn tin

ôi những người khóc lẻ loi một mình

đau đớn lệ là những viên đá xanh

tim rũ rượi

(Bài thơ này ông viết năm 1956, đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc thành bài hát Nửa hồn thương đau).

2. Bằng hữu

Và như thế hiện lên ánh sáng

và như thế hiện lên khí trời

chúng chém vào giữa trán chúng bắn vào giữa ngực

khi tuổi anh chưa tròn ba mươi

khi môi anh còn khoe nụ cười

khi tay anh níu tuyệt vọng cuộc đời

đó là giữa trưa hay đêm khuya

hình ảnh tự do đổ vỡ

hình ảnh tự do trưởng thành

chúng hành hình công khai man rợ

bằng hữu gục quỵ đau đớn vô ngần

các con ơi cha anh chết đều chưa đầy ba mươi

bởi vì các con không bao giờ muốn thế

bởi vì bằng hữu tình khăng khít nào hơn

phá mọi cửa ngục tù

đoạt khí giới

không cho chúng giết người đương ban ngày

không cho chúng giết người ban đêm

không cho chúng hủy những cuộc sống thiêng liêng

chúng tôi vẫn chối từ nhìn mặt trời

các con ơi cha anh chết đều chưa đầy ba mươi

(1956)

 

3. Phục sinh

tôi buồn khóc như buồn nôn

ngoài phố

nắng thủy tinh

tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ

thanh tâm tuyền

buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường

tôi xin một chỗ quỳ thầm kín

cho đứa nhỏ linh hồn

sợ chó dữ

con chó đói không màu

tôi buồn chết như buồn ngủ

dù tôi đang đứng trên bờ sông

nước đen sâu thao thức

tôi hét tên tôi cho nguôi giận

thanh tâm tuyền

đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi

em bé quàng khăn đỏ ơi

này một con chó sói

thứ chó sói lang thang

tôi thèm giết tôi

loài sát nhân muôn đời

tôi gào tên tôi thảm thiết

thanh tâm tuyền

bóp cổ tôi chết gục

để tôi được phục sinh

từng chuỗi cuộc đời tiếp nối

nhân loại không tha thứ tội giết người

bọn đao phủ quỳ gối

giờ phục sinh

tiếng kêu là kinh cầu

những thế kỷ chờ đợi

tôi thèm sống như thèm chết

giữa hơi thở giao thoa

ngực cháy lửa

tôi gọi khẽ

em

hãy mở cửa trái tim

tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ

trong sạch như một lần sự thật

(1956)

 

4. Bài ngợi ca tình yêu

1.

Tôi chờ đợi

lớn lên cùng dông bão

hôm nay tuổi nhỏ khóc trên vai

tìm cánh tay nước biển

con ngựa buồn

lửa trốn con ngươi

Ðất nước có một lần

tôi ghì đau đớn trong thân thể

những dòng sông những đường cày núi nhọn

những biệt li rạn nứt lòng đường

hút chặt mười ngón tay ngón chân da thịt

như người yêu từ chối vùng vằng

Tôi chờ đợi

cười lên sặc sỡ

la qua mái ngói

thành phố đồng ruộng

bấu lấy tim tôi

thành nhịp thở

ngõ cụt đường làng cỏ hoa cống rãnh

cây già đá sỏi bùn nước mặn nồng

chảy máu

tiếng kêu

2.

Tôi chờ đợi

phổi đầy lửa cháy

môi đầy thẹn thùng

vục xuống nhục nhằn tổ quốc

nhìn gót giầy miệng uống tro than

nghe tiếng ca của một người không quen

của cuộc đời tình nhân

3.

Trang sách khởi đầu viết

mắt người cần ánh sáng

môi người cần mặt trăng

bàn tay đòi mặt trời

và ngực em tự do

của anh của anh tất cả

Em gối đầu sương xuống

chuyện trò bằng bóng hình

Tôi đẹp như hình tôi

như cuộc đời

như mọi người

như chút thôi

anh yêu lấy em

Em là lá biếc là mây cao là tiếng hát

sớm mai khuya thức nhiều nhớ thương

em là cánh hoa là khói sóng

đêm màu hồng

Vòng tay dĩ vãng và bát ngát

chỗ yên nghỉ cuối cùng

dưới mắt sao dưới bàn chân những đứa con

4.

Tôi chờ đợi

một người không

nhiều người

ở thành phố thiếu thốn

ở làng mạc đọa đày

tôi là tiếng nói là tiếng khóc

những người bỏ đi hẹn trở về

những người mím hơi thừa chịu đựng

tôi chờ đợi

tôi là tiếng thơ là tiếng cười

mai Việt Nam hỡi mai Việt Nam

(Bài thơ này ông viết năm 1964, đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc thành bài hát cùng tên).

 

5. Mai

1.

Hồn thảo mộc giấc ngủ

Nằm mơ những ngôi sao mặt trăng

lá đan mắt ngõ

hôn vào môi vào má vào răng

những lời thơ rất cũ

gõ cửa trái tim nàng

2.

Mùa hè lên tiếng cười trong bàn tay nước suối

mùa tóc mun

đẹp những khu rừng không bóng cây

3.

Em hoàng hôn trút áo

ngực gọi đêm về

vì còn đồi đá sỏi

cần lửa hôn gót chân

hành động tàn nhẫn

sao vỡ trên môi

1964

8. Hạ ca

Em vén tóc cho cao

Trưa nay trời nồng nực

Đầu cành xa hoa đỏ trổ ngời

Óng ánh nắng mật

Ngửng trông giếng khơi tuyệt ngấn mây

Đáy biếc toả

Tháng tư chói lọi vây

Chập chùng lấp loá

Ngày nôn nả ngây

Diễm lệ kinh hoàng

Giấc chon von còn chưa rớt ngã

Rực rỡ im vang.

Này em dừng nghe

Thời gian lặng thiếp cháy

Thong thả thong thả

Tình si thong thả

Lửa đầm say đê mê

Long lanh ngút ảo

Trên phố xá bừng héo hon

Rạng um xanh cây cối

Trổi râm ran điệu ve sầu bôn chôn

Van vỉ như hớt hải mờ tối

Phương hướng nào cũng mở mông lung

Quýnh quáng đốm trời diệu vợi.

Thả em bên kia chiêm bao nghĩ thoáng

Rong suốt giải phân ly

Theo đam mê lững thững

Ô em quỷ mị mùa hè

Sông nước phơi vàng xoá bờ bến

Tịch mịch rơi hạt lệ quạnh không.

Thản nhiên thản nhiên thôi

Tim khờ dại

Ngục tù thênh thang đắm tiếng gọi

Máu thổ hoa ngầu thắm tươi cười

Kìa vầng dương trút rợp huyễn hoặc

Biển khô mù hát trầm vong khôn nguôi.

(1974)

.

9. Đỉnh non xa

Hôm ta từ núi cao đi xuống

Trời phả sương mê lạnh nhạt hồn

Đá vách ngún mây kiêu bạc hống

Nhập nhoà tiếng ngậm bặt tang thương.

Trắng phếu sườn non ngày mới chớm

Một đoá trăng tàn lẩn lút bay

Mùa hiu hắt thổi hoang vu quyện

Lòng ta lạnh vắng như cỏ cây.

Dưới ngọn đèo xa loé nắng xưa

Phiêu bạt rừng già dìu dặt mưa

Triều lũng dựng xanh cuốn gió đáy

Mang mang giọng điệu trí câm mù.

Ta nhớ sau lưng núi thanh thản

Biếc ngây như lệ của đêm điên

Ta nhớ rằng ta không nhớ nữa

Như cây trơ trụi mùa hưu miên

Như phiến gỗ nặng thả theo nước

Bập bềnh trôi nổi ta về xuôi

Như lau lách mọc chen bờ bãi

Phất phơ tóc bạc lả theo trời.

1974

10. Prelude cho những chuyến đi, về

Trong bóng tối ruỗng im quái gở

Lúc dứt lặng trận chiến man rợ

Hắn rũ bỏ ký ức, và đi

Trong rừng sâu thẳm cây trút lá

Ngọn gió mông muội thổi tràn trề

Bấy giờ hồi trằn trọc lịch sử

Lịm từng cơn ảm đạm ê chề

Sớm hay khuya không biết nữa

Thời khắc tự huỷ hoại vắng tanh

Giòng nước suối chảy không tiếng vang

Giữa bờ bến đắm chìm lấp lú

Những con trốt quặn thắt huyền bí

Xoay quanh sự thế vui trầm ngâm

Hắn đưa chân theo bước khôn cầm

Trên lối u mê mờ hoặc

Mọi nỗi niềm đều giấu mặt

Mọi sự thực đều lang thang

Hắn đi như thế, không thể khác.

1982

 

Bài của Hoài Nguyễn – biên tập và đăng trên trang fb Văn học miền Nam

 -----------------

Xem tiếp phần (2): Hồ Dzếnh và Hữu Loan

Không có nhận xét nào: