11/3/22

2.324. NHỚ NGUYỄN HẢI TRIỀU

      Mộc Nhân - Lê Đức Thịnh 


Hồi anh Nguyễn Hải Triều ra tập thơ “Lời ru lá cỏ”, cái cách anh sung sướng khi đi tặng sách cho bạn văn cũng là đáng nhớ.

Dường như cái sự chia sẻ của người thơ với bạn đọc là một nhu cầu như yêu, như sống, như sướng vậy.

Áo sơ mi ngắn tay bỏ ngoài bình dị, phong trần trên chiếc xe Cub 79 cũ kỹ, chạy xe đến để nguyên máy còn nổ và đề tặng thơ ngay trên ghi đông xe rồi lại tất bật “Để khi khác, để khi khác, tao còn có chuyện vui muốn nói với mi mà lo chi”.

Rồi anh đi tiếp.

Tôi đọc được đó là trạng thái “không thể hoãn cái sự sung sướng lại được” chứ không đến nỗi anh tất bật đến thế. Và tôi không muốn trì hoãn trong anh điều ấy.

Quả đúng. Vài giờ sau anh gọi và hỏi: “Mi đọc chưa, thấy răng?”

Bận quá chưa xem hết nhưng cứ trả lời anh: “Thấy đã, thấy sướng”. Chỉ cần thế, sự sướng hiện lên trong giọng nói chuyện của anh và tôi lại đọc được anh sướng thật sự.

Điều đó hiển nhiên bởi mỗi tác phẩm là đứa con tinh thần của nhà văn và khi nó ra đời thì không chỉ là con của nhà văn nữa mà tác giả muốn nó là con cháu yêu quý của bạn văn, bạn đọc.

***

Sách của anh nhìn bìa ngoài không bắt mắt như nhiều tập thơ của các tác giả khác - giản dị, chân phương, màu nhã và trầm. Có lẽ nó đượm cái hồn quê trầm mặc ngay từ diện mạo.

Tôi đọc thơ của anh và nghiệm ra cái chất “nhà quê” hiện ra khá đậm nét từ hình thức đến nội dung - chợt nhớ Nguyễn Mậu Hùng Kiệt từng gọi vui Nguyễn Hải Triều là “Gã nhà quê” khi viết về tập “Rơm rạ mùa” – của anh ra mắt 2007. Điều ấy chắc đúng.

Trong âm nhạc có dòng nhạc đồng quê (country) mà Mỹ là quốc gia có những ca khúc thuộc thể loại country nổi tiếng như: Green field, Love is blue… và thiết nghĩ cũng nên có một định danh thơ đồng quê như một dòng chảy trong mạch nguồn thơ ca với những điển phạm thi pháp của nó – như lịch sử văn học cũng đã từng ghi nhận Nguyễn Khuyến với chùm thơ thu của ông.

Từ “Rơm rạ mùa” đến “Lời ru lá cỏ” là một bước đi khá vững chắc của Hải Triều trên chặng đường thơ và dường như nó cũng định hình phong cách thơ “Đồng quê” của anh. Điều đó thể hiện khá đầy đủ ở các yếu tố ngôn ngữ, hình ảnh, cảm xúc trong suốt các chặng đường sáng tác chứ không phải chỉ là một cảm nhận thuần túy chủ quan.

Cả sau này, các tác phẩm thơ như “Tròn tròn khuyết khuyết”, “Như gió thổi trăm năm”... hay các tập biên khảo “Tiếng gàu rơi và dòng sông mùa cũ”… vẫn mang đậm cái bản sắc quê hương trong con chữ, trong tư duy, trong xúc cảm nghệ thuật của anh.

Những hình ảnh bãi bồi, dòng sông, mảnh vườn, con đường làng, tiếng chim, lục bình… dường như là những ám tượng trong thơ anh.

“Bữa về chỉ bến và tôi/ Ngẩn ngơ một cánh buồm trôi giữa dòng” (Lục bát gởi sông).

“Con đường mờ dấu chân trưa/ Cỏ hoang ngập lối chỉ vừa xa xăm” (Chuyện xưa).

Có lẽ cái hồn đất, tình người của miền quê trung du nơi đầu nguồn con sông Vu Gia đã lặn vào trong anh để phát tiết thành những dòng thơ giản dị mà ý vị như dòng chảy quê nhà.

“Hình như đã mùa sim đang trổ nụ/ Tim tím đường về em đợi ta không/ Thuở đầu non chúng mình mây bạc tóc/ Mắt cỏ ngậm ngùi nỗi nhớ hóa mênh mông…” (Thơ bốn câu 2).

Những câu thơ đồng quê trong sáng tác của NHT khá nhiều.

Nhiều như những bông hoa, lá cỏ bên triền sông bồi lở mà mỗi một cá thể mang nét đẹp riêng không lẫn vào nhau.

Có khi đó là cánh hoa hồn nhiên mênh mang đồng nội, có khi là bông hoa e ấp trong lẳng hoa … Chúng được Hải Triều hái lượm, nhặt nhạnh, lưu giữ và cảm thưởng trong dấu khắc khác nhau của kí ức thời gian:

“Em có thể vẽ những vòng tròn/ Về kí ức và khát vọng của ã làm nên chiếc lá/ Như mùa màng nói với tôi tình yêu hoa trái/ Ở mỗi cuộc đời…” (Khúc lá).

***

Một mảng thơ khác cũng khá đậm chất trong các trang viết của anh là thơ về những năm tháng chiến đấu gian khổ với tình đồng chí đồng đội. Dường như thời trận mạc đã làm nên cái cá tính của anh: ngang tàng, mạnh mẽ, thích trạng thái cảm giác tới đỉnh, coi cái chết nhẹ hều, chơi ngông tới bến, nói năng thẳng thắn, dám mổ xẻ, không ngại va chạm… khiến anh được yêu mến, nhiều bạn và tất nhiên nhiều kẻ có tật cũng giật mình khi đọc anh.

Nhưng dù gì đi nữa, trong trang viết của anh, chúng ta cảm nhận cái tôi trữ tình trong chiều sâu của phức cảm bung lung về tình yêu,  trắc ẩn con người và cuộc đời:

“Ngày sông trôi mất câu thề/ Tròng trành gánh nhớ quảy về phù sa/ Ngày em vàng bóng trăng sa/ Rủ phấn hương/ đợi bướm hoa muộn màng…” (Lục bát nhớ).

Thơ Nguyễn Hải Triều không cầu kì triết lí nhưng ẩn chứa nhiều nỗi niềm nhân sinh, tình quê, tình người.

Điều thú vị nhất là nhiều câu thơ của anh đã tách ra khỏi chỉnh thể để sống độc lập trong lòng bạn thơ: “Cau vàng vôi trắng trầu xanh/ Ngày em búi tóc  mà thành sơn khê…” (Rơm rạ mùa).

***

Trong khi nhiều nhà thơ đương đại đang nhọc nhằn trong cuộc chơi tung hứng chữ nghĩa, đánh đố người đọc bằng nhiều ẩn ngữ, biến ngữ “Hậu hiện đại” thì Nguyễn Hải Triều tắm gội trên bến sông thơ của riêng mình với niềm vui thú và cá tính của người thơ.

Không lẫn với ai khác, không cách tân ồn ào mà lặng lẽ thăng hoa cái mới từ trong mạch chảy của dòng sông lúc thì bình lặng nhưng cũng có khi vật vã thác ghềnh để rồi tạo ra bản phối tưởng riêng biệt giữa hiện tại với quá khứ trong những ám tượng đồng quê gần gũi mà luôn là niềm ưu trắc.

Và quan trọng hơn là anh đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc quê nhà.

Nguyễn Hữu Vĩnh đã viết về anh: "Trong cái tịch lặng của đêm sông vẫn một mực phù sa và vỗ sóng. Trong cái tĩnh lặng cõi lòng anh vẫn một mực tận tụy và yêu thương. Sông hay phiên bản của đời anh đã sống đẹp trọn cuộc đời mà hóa công ban tặng. Đó là cái bản thể nguyên khôi, nguyên vẹn đáng trân trọng trước biển cạn đá mòn."

Vâng, với tôi, Vĩnh và nhiều người đọc khác, anh là thi sĩ của dòng chảy đồng quê. Là người bạn thơ để chia sẻ và trao đổi. Là người anh để chúng tôi ngồi nghe những câu chuyện vui, chuyện tếu táo, chuyện đời, chuyện lính…

Những lúc như thế dường như anh làm mới mình, hồi sinh mình bằng một phiên bản tươi trẻ, máu lửa từ những thứ anh đã trải qua.

Tôi nhớ một lần nọ, trong cuộc rượu, lúc đã ngà say, Nguyễn Hải Triều khất khưởng nói vui với mọi người trong bàn rượu rằng: “Rượu cũng có số má, có đẳng cấp như người. Có thứ rượu nhâm nhi mới tận hưởng được kì vị như bạn thân như tình nhân. Có thứ chỉ rót ra để tuôn trào xem chơi như rượu Sâm banh trong tiệc cưới cũng như người để xã giao để ngắm nghía. Có loại rượu được ngâm ủ nâng niu kì công nhưng cũng có loại rượu cồn pha chế dễ dãi. Có thứ rượu cất nơi hầm mát mới cho kì hương, kì vị nhưng cũng có thứ rượu phải vật vã trong nồi chưng cất thì mới cho con người những giọt kì linh, kì ảo – những thằng lính như đồng đội tao đây". Câu này tôi đã lưu trong tập sách "Chúng ta từ cõi lao đao" (Nhà xb Hội Nhà văn, 2020) của mình.

Anh nói thật chí lí, hóa ra trong rượu có người và trong người có rượu.

Là người thơ, người rượu, anh nghiệm ra thành lẽ - thú vị và hay.

***

Giờ anh đã ra đi. Có những cái chết là hết nhưng cũng có những cái chết còn lưu lại…

Tôi nhớ đến câu trích của Jorge Luis Borges – nhà văn Argentina: “Khi các nhà văn mất đi họ trở thành những cuốn sách, rốt lại, đó là một sự hóa thân thật tuyệt” (When writers die they become books, which is, after all, very good an incarnation).

Dù hôm nay anh đã chia tay chúng ta, bỏ lại những câu chuyện anh kể dở, những bài thơ chưa xong, những hẹn hò chưa trọn, những bản thảo để ngỏ… nhưng chắc chắn anh Nguyễn Hải Triều còn trong chúng ta những điều "hóa thân" như thế.

Chúc anh an siêu cõi vĩnh hằng.

***

MN LĐT - Viết trong ngày anh NHT từ biệt chúng ta: 11/3/2022.

------------------------

* Bài liên quan: Có một dòng sông đã qua đời


Không có nhận xét nào: