Mộc Nhân
Tại sao tôi làm công việc này: dịch. Dịch ca từ những bài hát, bài thơ tiếng
Anh sang Việt ngữ? Và tôi cũng không nhớ rõ tôi đã khởi sự làm điều này một
cách nghiêm túc từ lúc nào?
Với một người không chuyên thì lý do chính xác là “dịch để học hỏi”.
Với một người (như tôi) có vẻ chuyên chú hơn (chứ không phải chuyên môn) thì xuất phát từ
sự đam mê. Trong tôi dường như có cả hai – có thể cái này có trước, cái kia có
sau và cũng có thể ngược lại.
Nhưng có lẽ tôi cũng không cần bận tâm lý giải điều ấy, tự tôi biết nó
như thế nào trong đời sống văn nghệ và tinh thần của tôi.
Khi chọn dịch một tác phẩm văn học hay âm nhạc sang tiếng Việt, chúng
ta đều xuất phát từ nhu cầu muốn ngắm nghía cái đẹp ý nghĩa ngôn từ của tác
phẩm ấy từ góc độ tiếng mẹ đẻ của mình.
Từ hồi xưa, đâu như năm cấp III và những năm tháng sinh viên sư phạm,
lúc mới bắt đầu đam mê nhạc ngoại lời Anh được nghe từ BBC, RFI, RFA… qua chiếc
đài bán dẫn – và sau này có tiến bộ hơn là được nghe qua băng cassette hay đĩa
nhựa… ở các quán café, tôi đã từng bị mê hoặc bởi giai điệu du dương trầm bổng
của ca khúc và tự nhủ nếu mình có thể hiểu được ca từ trong các bài hát ấy thì
thích thú biết bao. Dường như đó là khởi đầu của ý muốn học Anh ngữ để dịch.
Sau này, khi làm nghề dạy học, thời gian rảnh rỗi nhiều tôi vẫn nuôi
dưỡng yêu thích của mình và khi sự hiểu biết lớn lên dần, niềm yêu ấy - một cách tự nhiên - trở thành đam mê và tôi đã tự thực hiện đam mê của mình trong ngần ấy thời gian từ đó đến
nay và chưa dừng lại. Tự nhìn lại vẫn chưa thấy mình có gì đáng kể, vẫn là kẻ lửng thửng tự
đi, tự khám phá, tự vui tự sướng trong một không gian ngôn ngữ, trong một chừng
mực bằng niềm yêu hơn là một chuyên môn.
Và phần nào nó đã đánh thức tâm hồn con người khi thỏa mãn một khao
khát: những cái hay ấy sẽ như thế nào nếu được chuyển dịch sang tiếng Việt?
Từ thắc mắc đến nhu cầu và hành động dịch là một sự vận động tích cực
để những tác phẩm dịch thuật lần lượt ra đời.
Ban đầu chỉ là những bài hát easy
listening, dần dần là những bài hát khó và những bài thơ…
Dịch là một công việc dài hơi. Đối với tiếng mẹ đẻ, đôi khi chúng ta
còn chật vật để diễn đạt nó trong ngôn ngữ nghệ thuật; huống chi ngôn ngữ dịch –
lại khác biệt về văn hóa, sở học, hạn chế về xã hội học, đất nước học… thì
chuyển tải một văn bản nghệ thuật Anh ngữ sang Việt ngữ là một việc làm đòi hỏi
dấn thân, công phu và chấp nhận rủi ro trong thử thách đi tìm cái tương đương.
Đọc tiếng Anh ta hiểu nghĩa, chuyển tiếng Việt ta biết nhưng ta lại mất
rất nhiều công sức để có thể tìm ra điểm nối, sự tương đương giữa các xúc cảm
tâm hồn.
Vậy nên, nói như Jacques Derrida: “một mặt, không có gì không dịch được, nhưng mặt khác, mọi thứ đều
không thể dịch; dịch là tên gọi khác của sự bất khả”. Nhất là từ góc độ
ngôn ngữ nghệ thuật khi các vấn đề từ vựng, cú pháp, thi pháp, tu từ, nhạc
điệu…đều mang nhiều ẩn dụ khác, được vây bọc bởi một không gian thời gian riêng
và gợi lên những trường liên tưởng khác nhau thì việc ấy là không hề dễ dàng.
Vì vậy đôi khi dịch, dù muốn hay không, người ta cũng phá vỡ những tổ
chức ấy và đành phiêu lưu vào khu vực có thể là khập khiễng bằng nhiều kiểu
dịch như: dịch thoát ý tức là thay thế ngôn từ này bằng một diễn đạt khác tương
ứng trong cảm hứng chủ quan của người dịch trong đó có cả sự tương nhượng: chấp
nhận đánh mất cái này để đạt được cái khác; hoặc dịch bám sát câu chữ - được về
ý nhưng đôi khi lại mất đi các dụng công nghệ thuật từ nguyên tác như vần,
nhịp, chơi chữ…
Chọn cách nào là tùy vào khả năng, văn bản và cảm xúc của người dịch
miễn sao đừng dịch sai, dịch trật là ổn.
Mà suy cho cùng, dịch cũng là một hình thức sáng tạo, tái tạo, mang một
đời sống văn nghệ mới đến từ nguyên tác – tất nhiên không phải sáng tạo nào
cũng được chấp nhận bởi nó có thể là dở hoặc sai…
Câu chuyện về dịch, học thuật về dịch đã được các dịch giả tên tuổi nói
nhiều, viết nhiều, dạy dỗ chia sẻ nhiều… và ý kiến nào cũng hay và đáng để tiếp
nhận.
Với tôi, đây là việc để học, để theo đuổi đam mê và nhờ đó nó giúp tôi
mở ra nhiều điều mới trong sinh hoạt văn nghệ.
Vậy nên bạn đọc có chuyên môn cùng những dịch giả thực thụ hãy rộng
lòng khi xét nét câu chữ, hình thức văn bản chuyển dịch bởi tác giả (cũng có khi là chúng ta)
chỉ là những trung gian ngôn ngữ với nhu cầu chia sẻ trong niềm say mê nghệ
thuật và thú yêu thương của mình.
-----------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét