27/3/22

2.340. ĐÂU PHẢI CHỈ LÀ GỌI TÊN

              Mộc Nhân


Dịch Covid đã đi qua trên 2 năm và chưa biết khi nào chấm dứt hẳn. Điều đó chắc chắn là không - dù nhân loại vẫn mơ ước chặn đứng được nó. Nhưng cái gì cũng cần có thời gian.

 Ví như dịch hạch (plague) đã từng xảy đến và gây ra “Cái chết đen” (Black Death) cho hàng trăm triệu người ở Châu Âu vào thế kỷ XIV và giờ đây nó đã bị quét sạch; như dịch đậu mùa (variola) xảy ra trên toàn cầu vào thế kỷ XVIII và đến năm 1980 WHO đã tuyên bố xóa sổ nó khỏi địa cầu; như dịch tả (cholera) hoành hành vào đầu thế kỷ XIX ở nước Anh giết chết hàng trăm ngàn người nhưng hiện nay đã được khống chế…

Đại dịch Covid ám ảnh con người trên toàn thế giới với hàng trăm triệu người nhiễm và hàng trăm ngàn người chết. Giờ đây nó vẫn còn lẩn khuất đâu đây với các biển thể Del. rồi Omi. rồi... nhưng có vẻ như nhân loại đã thích ứng và có cái nhìn, cách đối phó khác về nó.

Từ các khẩu hiệu “ai ở đâu ở yên đó” đến “mỗi người dân là một pháo đài chống dịch”; đến các hành động ứng xử của chính quyền: bắt hàng chục ngàn người tập trung vào một chỗ mà chẳng biết để làm gì, cát cứ vùng miền để ngăn dịch, bắt người đi ra đường không có giấy phép… đã gây hoang mang cao độ trong cộng đồng và làm cho mọi sinh hoạt để tồn tại bị sụp đổ hoàn toàn…

Giờ đây, khi chúng ta thích ứng với thảm họa Covid trong “bình thường mới”, cũng có nhiều thái độ ứng xử khác nhau: có khi quá tả hoặc quá hữu. Người đã trải qua hoặc chứng kiến sự tàn khốc của nó thì e sợ, dè dặt, cẩn trọng trong mọi trạng thái đời sống; cũng có người chưa nếm trải nó thì xem như bình thường – thậm chí muốn 1 lần F0, F1 để miễn dịch, miễn nhiễm, miễn bàn…

Giờ đây, cái tên gọi của nó cũng đã được thay đổi. Từ “đại dịch” đã thành bệnh “đặc hữu”  hay “bệnh lưu hành” (andemic) – tức là bệnh dịch xuất hiện ổn định trong một nhóm quần thể hay khu vực địa lý… Tóm lại là nó không còn quá nguy hiểm đến mức phải áp dụng các biện pháp bắt giam, cách ly bắt buộc, ngăn sông cấm chợ, kỳ thị với người nhiễm bệnh… 

Nhưng có điều chắc chắn là dù được gọi tên “đặc hữu” hay “đại dịch” thì con Covid này cũng làm đời sống chúng ta đứt gãy nhiều thứ: những cuộc thăm viếng bị hạn chế, những đám tiệc ma chay thưa người, những cuộc chơi gián đoạn, những chuyện làm ăn bị thất bại…


Và hôm nay, ngày Kỵ Thân sinh tôi cũng không về được để anh em gặp nhau cùng dâng hương bái lễ. Tất nhiên không ai kỳ thị thái quá nhưng với một ý thức giữ gìn sức khỏe cho nhau và để tránh cái “đặc hữu” lây lan trong phạm vi tiếp xúc gần thì đó cũng là điều nên làm.

Cơ bản là chúng ta không coi thường nó bởi “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay” (Nguyễn Du).

Đời này đâu phải chỉ thay đổi một cái tên là xong - nó chỉ làm chúng ta thay đổi cách tiếp cận, ứng xử với một hiện tượng thôi.

(Kiểu như ở nước Nga lúc này, ai dùng từ "cuộc xâm lăng" (Aggression) hay "xâm chiếm" (Invaded) đều bị bắt bỏ tù; còn ai dùng cụm từ "chiến dịch quân sự đặc biệt" (special military operation) thì không sao - nhưng bản chất nó thì vẫn thế - vậy thôi.)

Cầu chúc mọi người sức khỏe và bình an.

Cầu cho thế giới hòa bình, dịch bệnh bị khống chế.

Cầu cho Ukraine chiến thắng trước cuộc xâm lăng của Putin - A Blessing For Ukraine. 

------------------------

Viết trong ngày giỗ lần 3 của Thân phụ - 24 tháng Hai âm lịch


 

Không có nhận xét nào: