Richard Clayderman (sinh năm 1953) là nghệ sĩ dương cầm người Pháp nổi tiếng trên khắp thế giới – điều đó thì ai cũng biết nhưng có điều khác ít người biết (trừ người Pháp) là tại quê nhà, tên tuổi của ông không được vinh danh, âm nhạc của ông không được đón nhận.
Richard Clayderman học dương
cầm từ nhỏ, cha ông là người dạy đàn piano ở nhà, nhờ vậy ông sớm
thành thạo các kỹ thuật piano và được đi diễn từ tuổi thiếu niên - chủ yếu chơi
đàn trong các ban nhạc hay phụ diễn tiết mục.
Sau đó ông được đào tạo
bài bản trong nhạc viện Paris để trở thành nghệ sĩ dương cầm cổ điển nhưng ông
đã bỏ ngang để chơi nhạc pop – dòng nhạc phổ thông đại chúng và làm nhạc công
piano cho các ban nhạc.
Những bản nhạc nổi tiếng như Yesterday của The Beatles, I Have a Dream của ABBA, Ballade Pour Adeline, Hungarian Sonata của nghệ sĩ Pháp Paul de Senneville, Now Or Never của Elvis Presley, Love story của Andy Williams, những bản nhạc cổ điển For Elise, Moonlight Sonata của Beethoven, Nocturne của Chopin hay Sérénade của Schubert… được ông làm mới qua tiết tấu dương cầm đặc trưng mà người nghe nhận ra là do R. Clayderman - ông hoàng của các bản hòa tấu lãng mạn chơi.
Tiếng dương cầm của Richard
Clayderman luôn gắn liền với những giai điệu trong sáng, những nốt nhạc trầm lưu luyến, nhẹ nhàng.
Trong suốt 40 năm chơi nhạc, Clayderman đã thực hiện hơn 1.300 bản nhạc, lập kỷ lục với 90 triệu đĩa nhạc bán ra bao gồm đủ các thể loại từ cổ điển đến jazz, rock, country nhưng nhiều nhất vẫn là pop và đã tạo nên một phong cách riêng cho mình. Ông đã biểu diễn hơn 2.800 lần ở nước ngoài, trong đó có tới 770 buổi hòa tấu tại Nhật Bản và 1 lần tại Việt Nam vào tháng 8/ 2014.
Người nước ngoài vẫn xem Richard
Clayderman là một hình ảnh lãng mạn, tượng trưng cho dòng nhạc Pháp, ở chỗ nó nhẹ
nhàng tha thiết trữ tình.
Âm nhạc của ông nổi tiếng tại châu Á và được ghi nhận vào sách kỷ lục Guinness là "nghệ sĩ piano thành công nhất trên thế giới". Tuy nổi tiếng nhưng ông vẫn giữ thái độ chừng mực khiêm tốn, ông không xưng mình là một nghệ sĩ dương cầm cổ điển (hiểu theo nghĩa hàn lâm) mà là một người chơi nhạc phổ thông đại chúng.
Nhưng điều trớ trêu là
ngay tại Pháp, ông ít được ''coi trọng'.
Ông rất ít khi được lên sóng phát thanh, truyền hình hay báo chí tại Pháp. Nếu có thì luôn kèm theo những bình luận thiếu thiện chí.
Nhiều nhà phê bình còn mỉa mai nhạc của ông là dành cho các nước thế giới thứ ba, hoặc cho rằng đó là loại "nhạc thang máy" (Elevator music) – hàm ý nhạc của ông được phát nơi không gian chuyển tiếp như thang máy, khu buôn bán, quán café… để thư giãn nhất thời chứ giới am hiểu không nghe.
Richard Clayderman dường
như không cảm thấy phiền lòng với lời phê bình này, đổi lại khi trả lời phỏng vấn
báo chí, ông hóm hỉnh nhận xét rằng, vì là ''nhạc thang máy'' cho nên có thể
nghe ở khắp mọi nơi, nhiều người nghe và nghe lúc nào cũng được.
Còn giới chuyên môn thì
đánh giá ông có kỹ thuật hạn chế, trình diễn nhạc mang chất tính thương mại, chơi
các bản nhạc cổ điển ở dạng cách điệu dễ dãi để đáp ứng thị hiếu công chúng và
họ kết luận: đây là biểu tượng của sự hào nhoáng mà rỗng tuếch.
Trong cách nhìn của người Pháp, Richard Clayderman cũng như Paul Mauriat hay danh ca Mireille
Mathieu không tiêu biểu cho văn hóa âm nhạc Pháp.
Bản thân Richard
Clayderman cho biết ban đầu ông cảm thấy bị đối xử bất công lúc mới vào nghề,
nhưng bây giờ ông không còn xem đó như một vấn đề và ông không hề nghĩ tới việc
tìm cách chinh phục người nghe tại Pháp.
***
Ở tuổi 68, Richard Clayderman dĩ nhiên đã già đi nhưng hình tượng của người nghệ
sĩ dương cầm lãng mạn vẫn ngời sáng trong tâm trí của giới hâm mộ trung thành với
ông từ nhiều thập niên qua.
Năm nay ông lại ra mắt
album mới ''Forever Love'' - tuyển tập gồm hai CD với tổng cộng 32 bản hòa tấu chọn
lọc từ những bản ăn khách trước đây như: Radetzky
March của Johann Strauss, Waltz of
the Flowers của Tchaikovsky, Skater's
Waltz của Émile Waldteufel… với 12 bản nhạc mới phần lớn là giai điệu không
lời những ca khúc nhạc pop đang thịnh hành như: 'Perfect Symphony' của Ed Sheeran, Viva la vida của Coldplay…
Có thể nói album
''Forever Love'' không thay đổi gì nhiều trong cách tiếp cận âm nhạc của
Richard Clayderman, giai điệu ca khúc được ông soạn lại cho piano và dàn nhạc
hòa tấu, sao cho dễ nhớ và dễ nghe nhất (easy
listening).
Nói chung Richard
Clayderman là nghệ sĩ thành công ở các mặt:
- Được thế giới hâm mộ -
dù đó là thế giới thứ ba.
- Bán được lượng đĩa kỷ lục
mà không phải nghệ sĩ tên tuổi nào cũng đạt được.
- Thực hiện số bản ghi âm
kỷ lục (gần 1.300 bản)
- Ông có công trong việc
tạo ra các phiên bản không lời để từ đó những bản nhạc khó nghe thuộc các thể
loại rock, Jazz, blues, cổ điển… đến với công chúng theo phong cách dễ nghe (easy listening).
Nhận xét của riêng tôi: Ông không có đóng góp gì cho âm nhạc nước Pháp cũng như âm nhạc
thế giới; đơn giản ông chỉ là một nhạc công piano thành thạo, đáp ứng thị hiếu
công chúng. Điều dễ thấy nhất là ông không được trao những giải thưởng âm nhạc
lớn của Grammy, Rolling Stone… không được ghi tên vào một Đại sảnh Danh vọng Âm
nhạc nào đó trên thế giới.
Tuy nhiên, nghe nhạc Richard
Clayderman vẫn là một trạng thái thư giãn mà đôi khi chúng ta vẫn hay mở máy.
Mỗi nghệ sĩ chỉ có một cuộc đời để làm nghệ thuật, họ phải chọn lựa con đường theo đam mê và ý thích của mình sao cho hợp nhất - vì bên cạnh sự nổi tiếng còn có thách thức của cơm áo gạo tiền và năng lực cá nhân. Điều quan trọng là R.Clayderman đã có lượng fans đông đảo trên toàn cầu, ông kiếm được nhiều tiền từ lao động nghệ thuật của mình, show diễn của ông dày đặc và âm nhạc của ông phục vụ cho mỹ cảm của công chúng. Vậy tốt rồi.
Tôi đã từng thức cả đêm để nghe nhạc Richard Clayderman bên cái cassette 2 loa cũ mèm, tôi đã tiến bộ trong chơi đàn nhờ đánh theo giai điệu Richard Clayderman, tôi cũng từng tán gái nhờ nhạc Richard Clayderman… giờ đây, tôi nghe âm nhạc Richard Clayderman giữa trung tâm của tiếng ồn.
Và khi hiểu hơn về âm nhạc Richard Clayderman có nghĩa là tri thức của chúng ta tốt hơn lên chứ không phải chúng ta phủ nhận nó trong tâm hồn mình.
***
Một ngày thành F0, viết tặng những người bạn từng yêu nhạc Richard Clayderman.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét