15/3/23

2.709. CÂY VẠN TUẾ BA TÔI TRỒNG

   Mộc Nhân

  Cây vạn tuế này do ba tôi trồng trong vườn nhà, chắc khoảng 30 năm tuổi. Tán lá vạn tuế một hoặc vài năm mới trổ một lần. Cây thường trổ lá trong khoảng thời gian từ trọng xuân đến mạnh hạ. Năm nay, nó xòe lá ra một cách kỳ diệu, trong vài tuần lễ trước kỷ niệm lần thứ 3, ngày mất của ông.

Tôi nhớ câu của Herman Hesse, nhà văn Đức, Nobel Văn chương 1946, trong cuốn "Die Morgenlandfahrt", bản Việt ngữ có tựa "Hành trình về phương Đông": “Cây cối cũng là vật thiêng. Chúng không bao giờ ngừng vươn tới thiên đàng" (Trees are sanctuaries too. They’re never stop reaching heavenward).

Cây cối nói chung không chỉ thuộc phạm trù sinh thái mà nó còn thuộc đối tượng của cảm xúc. Nó khiến chúng ta ngạc nhiên và khơi dậy trí tưởng tượng cũng như lưu giữ ký ức của mỗi cá nhân.

Điều đó là hiển nhiên.

Ngoài ra nó cung cấp cho chúng ta những biểu tượng, hàm ngôn, ngụ ngôn, gợi ý, liên tưởng quý giá trong đời sống.

***

Với cây vạn tuế trong vườn nhà, nó khiến tôi nhớ lại những kỷ niệm nhỏ gắn với tuổi trẻ, gia đình, thân sinh tôi. Ông thường rất bận rộn việc đồng áng và việc xã hội nhưng mỗi khi về đến nhà, ông chăm tưới cây hoa trong khu vườn nhà. 

Thời còn khó khăn, mục tiêu chính của con người là kiếm sống, đủ ăn, đủ mặc nhưng ông đã tranh thủ lúc rỗi rãi có thể để tạo niềm vui thú cho mình bằng trồng và chăm cây, làm đẹp khu vườn.

Có lẽ nhờ đó, ông truyền cho các con lòng yêu lao động, yêu cỏ cây.

***

Mỗi khi đến ngày giỗ ông (24 tháng Hai âm lịch), tôi thường nhìn cây vạn tuế mỗi năm mỗi cao thêm một chút ít. Có năm nó ra chùm lá nõn, có năm không ra  chùm lá nào; có năm cây bị nấm phủ cằn khô tưởng sẽ chết, có năm hồi sinh xanh tươi...  

Năm nay chùm lá xanh mơn mởn trổ ra trên đọt cây thật đẹp đẽ và tinh khôi.

Tôi chợt cảm xúc và viết ra mấy chùm tercets: (1)


1.
Cây vạn tuế trổ lá
những câu thơ được viết lên bầu trời
từ thân bút xù xì và mũi gai nhọn.

2.
Những chiếc lá trước khi rụng
luôn nhảy múa, vẫy tay trong một ngày đầy gió
và hóa thân dưới cội rễ.

3.
Cây vạn tuế với những bước tiến chậm chạp
nhưng bền bỉ giành lấy khoảng trời
trong những chiếc lá tua tủa

4. 
Cây vạn tuế có bóng hình cha tôi
và dưới gốc - dường như
vẫn còn hơi ẩm mà ngày xưa ông đã chăm tưới.

***

  Tôi nhớ là mình đã đọc được từ nguồn đăng nào đó, cặp câu đối khắc trên vách đá của Động Hồ Công – thắng cảnh nổi tiếng ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa:
"Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh
Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh"

(Núi không cứ phải cao, có tiên ở thì nổi tiếng
Nước không cứ phải sâu, có rồng nằm thì linh)

Cảm xúc trước cây vạn tuế này, tôi nương theo câu của tiền nhân mà viết thêm:

"Mộc bất tại cao, hữu kỳ tắc thiêng
Nhân bất tại thọ, hữu văn (2) tắc lưu" 

(Cây không cứ phải cao, có dáng kỳ lạ/ vẻ kỳ diệu thì thiêng
Người không cứ phải sống thọ, có cái đẹp thì sẽ được lưu nhớ).

***

  P/s: Viết xong hai câu này, tôi đọc lại, và thật ngẫu nhiên: hai từ đầu tiên trong mỗi câu trên, kết hợp lại tạo nên một cách giải thích mới cho bút danh Mộc Nhân mà trước đây tôi đã có một giải thích khác (tại đây).

-------------

(1). "Tercets" là gì ?: xem tại đây

(2)Chữ “Văn” ở đây nghĩa là đẹp, chỉ những chuẩn mực về đạo đức, văn hóa, phẩm cách, hành động, ứng xử của con người trong xã hội.


  * Viết nhân ngày giỗ Ba




 

Không có nhận xét nào: