1/3/23

2.693. NHỮNG NỖI ĐAU - HAI CUỐN SÁCH

 Mộc Nhân

1. MỘT NỖI ĐAU RIÊNG – tiểu thuyết Kenzaburo Oe (1)




Tôi vừa đọc xong tác phẩm “Một Nỗi Đau Riêng” (A Personal Matter) của Kenzaburo Oe – nhà văn Nhật Bản, Nobel Văn chương 1994. Cuốn tiểu thuyết này cũng  chính là câu chuyện về nỗi đau của gia đình ông.

Vợ chồng Kenzaburo Oe sinh được một bé trai nhưng cậu bé Hikari sinh ra dị hình, dị tật, câm điếc, chỉ có thể phát ra tiếng chiêm chiếp như chim. Sự chào đời của Hikari là một cú xốc cho gia đình, đã có lúc ông nghĩ đến việc tự tử để trốn chạy hay giết con để giải thoát cho nó. Tuy nhiên cuối cùng ông đã chấp nhận những bất hạnh của số phận, đồng thời nỗ lực tìm kiếm cách làm cho đứa trẻ "tái sinh".

Kenzaburo Oe đã dũng cảm nói về đứa con tật nguyền của mình, không phải một lần, mà là rất nhiều lần. Ông muốn từ nỗi đau của riêng mình nói đến một điều lớn lao hơn: Cần phải học cách chấp nhận những nỗi đau của con người cùng với việc tìm kiếm những cách thức để "tái sinh" những con người bất hạnh. Hành trình "tái sinh" của đứa trẻ bị bại não được ông kể lại gắn với quá trình hồi sinh của dân tộc Nhật Bản sau thảm họa thất trận năm 1945 và tử tưởng trong tác phẩm đã vượt qua "Một nỗi đau riêng" ấy để hướng đến xoa dịu nỗi đau của dân tộc.

Trong lễ nhận giải Nobel, Kenzaburo Oe nói rằng, giải thưởng này đúng ra phải trao cho Hikari con trai ông. Ông cũng thông báo sẽ "gác bút" để tập trung cho Hikari vì đối với ông, văn học đã chữa lành nỗi đau của gia đình ông…


2. KHU VƯỜN ƯƠM ÁNH SÁNG – trường ca của Lệ Hằng (2)


Hòa toàn ngẫu nhiên, sau khi đọc xong cuốn “A Personal Matter” của Kenzaburo Oe, tôi chuyển sang cuốn “Khu Vườn Ươm Ánh Sáng” – trường ca của Lệ Hằng – tôi đã bắt gặp câu chuyện tương tự, là nỗi đau riêng của gia đình Lệ Hằng. Tác giả kể lại hành trình “tái sinh” đứa con sinh ra không may mắn - bằng thơ.

Tôi đọc lời dẫn của bác Paul Nguyễn Hoàng Đức – người có cá tính văn chương, quen thuộc trên facebook và nhận ra điều đó. Tôi nhắn cho Hằng: “Thật bất ngờ và xúc động khi trước mặt anh có quyển “Một Nỗi Đau Riêng” của Kenzaburo Oe và trường ca “Khu Vườn Ươm Ánh Sáng” của Lệ Hằng; dường như có sự sắp đặt của Chúa để anh đọc 2 quyển này tiếp liền nhau”.

Vì lý do riêng tư, tế nhị nên tôi không kể lại câu chuyện thực về nỗi đau của em đằng sau hàng ngàn câu thơ của tập “Trường ca” này. Và đó là nỗi đau mà bất cứ người mẹ/ cha nào cũng phải gánh vác khi sinh ra con không may mắn…

Hành trình “tái sinh” đứa con đầu lòng của Lệ Hằng, theo tôi nghĩ, cũng cao cả và đáng để cho chúng ta khâm phục như Kenzaburo Oe chữa lành cho đứa con của mình. Cả hai tác phẩm, hai người cha người mẹ tuy khác nhau về tuổi tác và thời đại nhưng họ đều dùng văn chương để xoa dịu nỗi đau của mình và tiến tới một bước xa hơn là chữa lành chúng về thể xác lẫn trong tâm hồn.

Hay nói như Kenzaburo Oe: “Có một nguồn năng lực chữa lành cho trái tim… Khi ta thể hiện ra một cách rốt ráo nỗi tuyệt vọng của con người, ta sẽ chữa lành được chính mình và biết được niềm vui của sự hồi phục…".

* Cảm ơn Lệ Hằng đã tặng bản sách với những lời nhắn nhận lời cho tôi đến thăm đứa bé của vc em vào một ngày nào đó. Cảm ơn Hồ Xoa đã tặng cuốn “Một Nỗi Đau Riêng” (A Personal Matter) của Kenzaburo Oe với lời cởi mở “Sách quý nhưng khỏi cần trả, bạn giữ luôn cho đủ bộ sưu tập Nobel Văn chương”.

-------------

Chú thích:

(1). Kenzaburo Oe: (1935) là một nhà văn Nhật Bản. Ông là nhà văn thứ 2 của Nhật Bản, thứ 3 của Châu Á đoạt giải Nobel Văn học, vào năm 1994. Ông là tác giả của hơn 20 tiểu thuyết và nhiều tập truyện, là một trong những nhà văn lớn nhất của Nhật thế kỷ XX. Năm 18 tuổi, ông học văn học Pháp ở Đại học Tokyo, viết luận văn tốt nghiệp về tác phẩm của Jean-Paul Sartre. Năm 1963 sinh con trai Hikari, bị dị tật vì ảnh hưởng của bom nguyên tử. Đây là nguồn cơn để ông viết quyển “Một nỗi đau riêng”. Tác phẩm: ''Nuôi kẻ thù” (1957), truyện ngắn; ''Công việc kì khôi'' (1957), tiểu thuyết. ''Niềm kiêu hãnh của người chết'' (1957), truyện ngắn; ''Đàn cừu nhân gian'' (1958), tiểu thuyết; ''Một nỗi đau riêng'' (1964), tiểu thuyết…

(2). Lệ Hằng: Tên thật Lê Thị Lệ Hằng, sinh năm 1988, quê quán Thừa Thiên – Huế, hiện sống tại Tp Đà Nẵng. Cô học chuyên văn Quốc Học Huế và tốt nghiệp ĐH Ngoại Ngữ ĐN. Cô viết văn, làm thơ, dịch thuật, viết kịch bản phim hoạt hình và vẽ tranh. Dường như trên lĩnh vực nào cô cũng để lại dấu ấn cho bạn đọc.


 

Không có nhận xét nào: