28/2/23

2.692. NHỚ NGUYỄN HẢI TRIỀU

           Mộc Nhân

Anh Nguyễn Hải Triều đã từ biệt chúng ta tròn 1 năm. Ngày này năm trước, anh ra đi, vào mùa dịch, chúng ta không thể ngồi lại với nhau để tưởng niệm, trò chuyện. Hôm nay nhân ngày giáp năm anh, gia đình cùng với anh em trong Chi hội Văn học/ Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam tổ chức một “buổi thơ” để chúng ta ngồi lại kể cho nhau nghe những ký ức về anh, đọc lại những bài thơ của anh hoặc của bạn bè viết cho anh, hát những ca khúc phổ nhạc từ thơ anh, hát những bài dân ca do anh soạn lời, hoặc hát tặng anh nhân ngày này…


Tôi nhớ đến câu trích của Jorge Luis Borges – nhà văn Argentina: “Khi các nhà văn mất đi họ trở thành những cuốn sách, rốt lại, đó là một sự hóa thân tuyệt vời”. Với hơn mười tác phẩm văn nghệ gồm đủ thể loại: thơ, biên khảo, truyện ngắn, dân ca kịch… để lại cho bạn văn, cho đời, anh Nguyễn Hải Triều đã hóa thân trong những con chữ - mà đôi khi ngồi đọc lại, chúng ta vẫn thấy anh hiện tồn đâu đây trong trang viết, trong ký ức bạn bè. Điều đó hiển nhiên bởi mỗi tác phẩm là đứa con tinh thần của nhà văn và khi nó ra đời thì không chỉ là con của nhà văn nữa mà tác giả muốn nó là con cháu yêu quý của bạn văn, bạn đọc.


Từ Rơm Rạ Mùa, Lời Ru Lá Cỏ, Tròn Tròn Khuyết Khuyết, Tiếng Gàu Rơi Và Dòng Sông Mùa Cũ… đến tập cuối cùng Như Gió Thổi Trăm Nam là một bước đi dài, vững chắc, uy tín, nội lực, tận tâm của Hải Triều trên chặng đường văn nghệ và dường như nó cũng định hình phong cách thơ của anh, mà tôi gọi là phong cách “Đồng quê”. Điều đó thể hiện khá đầy đủ ở các yếu tố ngôn ngữ, hình ảnh, cảm xúc mang đậm bản sắc quê hương trong con chữ, trong tư duy, trong xúc cảm nghệ thuật trong suốt các chặng đường sáng tác của anh chứ không phải chỉ là một cảm nhận thuần túy chủ quan.


Tất cả chúng ta ngồi đây đều có vài kỷ niệm với anh Hải Triều để lưu giữ, chia sẻ trong niềm tiếc thương. Điều ấy có ý nghĩa rằng cái chết là sự kết thúc vật chất nhưng nó lưu lại trong tâm hồn, ký ức nhau.

***



Tôi đọc thơ của anh và nghiệm ra cái chất “nhà quê” hiện ra khá đậm nét từ hình thức đến nội dung. Những hình ảnh bãi bồi, dòng sông, mảnh vườn, con đường làng, tiếng chim, lục bình… dường như là những ám tượng ký ức đồng quê trong thơ anh. Các tác phẩm của anh dù thuộc bất cứ thể loại nào đều được viết với một phong cách ngôn ngữ giản dị, ngồn ngộn chất liệu đời sống và dễ đi vào lòng bạn đọc. Nó đượm cái hồn quê trầm mặc và tình người bao dung trong mọi diện mạo.

Những hình ảnh bãi bồi, dòng sông, mảnh vườn, con đường làng, tiếng chim, lục bình… dường như là những ám tượng ký ức đồng quê trong thơ anh. “Bữa về chỉ bến và tôi/ Ngẩn ngơ một cánh buồm trôi giữa dòng” (Lục bát gởi sông). “Con đường mờ dấu chân trưa/ Cỏ hoang ngập lối chỉ vừa xa xăm” (Chuyện xưa).

Có lẽ cái hồn đất, tình người của miền quê trung du nơi đầu nguồn con sông Vu Gia đã lặm vào trong anh để phát tiết thành những dòng thơ giản dị mà ý vị như dòng chảy quê nhà. “Hình như đã mùa sim đang trổ nụ/ Tim tím đường về em đợi ta không/ Thuở đầu non chúng mình mây bạc tóc/ Mắt cỏ ngậm ngùi nỗi nhớ hóa mênh mông…” (Thơ bốn câu 2).

Những câu thơ đồng quê trong sáng tác của Nguyễn Hải Triều khá nhiều. Nhiều như những bông hoa, lá cỏ bên triền sông bồi lở mà mỗi một cá thể mang nét đẹp riêng không lẫn vào nhau. Có khi đó là cánh hoa hồn nhiên mênh mang đồng nội, có khi là bông hoa e ấp trong lẵng hoa… Chúng được Hải Triều hái lượm, nhặt nhạnh, lưu giữ và cảm thưởng trong dấu khắc khác nhau của kí ức thời gian: “Em có thể vẽ những vòng tròn/ Về ký ức và khát vọng đã làm nên chiếc lá/ Như mùa màng nói với tôi tình yêu hoa trái/ Ở mỗi cuộc đời…” (Khúc lá).

Một mảng thơ khác cũng khá đậm chất trong các trang viết của anh là thơ về những năm tháng chiến đấu gian khổ với tình đồng chí đồng đội. Dường như thời trận mạc đã làm nên cái cá tính của anh: ngang tàng, mạnh mẽ, thích trạng thái cảm giác tới đỉnh, coi cái chết nhẹ hều, chơi ngông tới bến, nói năng thẳng thắn, dám mổ xẻ, không ngại va chạm… Điều này khiến anh được bạn bè, nhất là đồng đội năm xưa yêu mến: “Trận đánh năm nào bạn về đất tuổi hai mươi/ Cứ tưởng mình cũng thành hoang phế/ Mới hiểu rằng muốn quên đâu dễ/ Nỗi riêng chung ray rứt cả một đời” (Hoài niệm chiều cuối đông)…

Trong trang viết của anh, chúng ta cảm nhận cái tôi trữ tình trong chiều sâu của phức cảm bung lung về tình yêu, trắc ẩn con người và cuộc đời: “Ngày sông trôi mất câu thề/ Tròng trành gánh nhớ quảy về phù sa/ Ngày em vàng bóng trăng sa/ Rủ phấn hương/ đợi bướm hoa muộn màng…” (Lục bát nhớ).

Thơ Nguyễn Hải Triều không cầu kỳ triết lý nhưng ẩn chứa nhiều nỗi niềm nhân sinh, tình quê, tình người. Điều thú vị nhất là nhiều câu thơ của anh đã tách ra khỏi chỉnh thể để sống độc lập trong lòng bạn thơ: “Cau vàng vôi trắng trầu xanh/ Ngày em búi tóc  mà thành sơn khê…” (Rơm rạ mùa).



Và quan trọng hơn là anh đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc quê nhà.

***

Nguyễn Hải Triều đã chia tay chúng ta, anh bỏ lại những câu chuyện kể dở, những bài thơ chưa xong, những hẹn hò chưa trọn, những bản thảo để ngỏ…Dù đó là những điều tuyệt diệu mới mẻ hay đùa cợt chọc khuấy thì nó vẫn đẹp đẽ và đáng nhớ trong ký ức bạn bè về một tính cách. Nói như Gabriel Garcia Marquez: “Trí nhớ của trái tim xóa đi những điều xấu và phóng đại những điều tốt đẹp”.

Trong cái cảm xúc dâng lên khi chứng nghiệm vọng âm từ “Tiếng gàu rơi và dòng sông mùa cũ” cùng các trang viết thấm đẫm tình yêu của anh, chúng ta cảm thấy luyến tiếc vì “Có một dòng sông đã qua đời” - nhưng chỉ cần có tình yêu, thì mọi dòng sông dù đã cạn đều sẽ tuôn chảy trong đất đai quê xứ - chúng vẫn đẹp và vẫn tình như vậy.

Cuối tháng Hai/ 2023

Kỷ niệm 1 năm, ngày mất nhà thơ Nguyễn Hải Triều



Không có nhận xét nào: