Bài “Vespers, More than you love me” (1) của Louise Glück là lời than của con người làm vườn (đại từ "I") với Chúa (đại từ “You”) về những cảm xúc đau khổ và bất an trong đời sống. Dưới cái nhìn của người, Chúa dường như yêu những bông hoa ngoài đồng hơn yêu con người. Lời này dường như lấy cảm hứng từ Kinh thánh, trong đó Chúa Giê-su tuyên bố: “Hãy xem hoa huệ mọc lên như thế nào: chúng không làm việc nặng nhọc hay kéo sợi, nhưng ta nói với các ngươi rằng, ngay cả Sa-lô-môn trong tất cả vinh quang của mình cũng không mặc bộ quần áo nào như một trong số bộ cánh của hoa huệ này” (trích: Luke 12: 27-28).
Trong bài thơ, Glück kêu cầu Chúa một cách phẫn nộ, chỉ trích sự thiếu quan tâm của Chúa: “Con là kẻ duy nhất ca ngợi cha/ thích hợp với lời tụng ca cha/ Vậy thì tại sao phải làm khổ con?". Phải chăng sự đau khổ này là điều cần thiết để con người cần đến Chúa, biểu hiện là dù khổ nhưng họ vẫn ngợi ca Chúa.
Tương phản với nỗi đau của người là niềm hạnh phúc của những bông hoa. Người nói xác định rằng Chúa chắc chắn đã thất hứa, nói cách khác Chúa đã bỏ rơi người mà yêu thương cúc dại, rau diếp, cây mao lương… Chắc chắn, lời than thở của người nói đã được Chúa nghe thấy, và cái vẻ ngoài (raiment) mà Chúa thể hiện là để thử thách con người. Hình ảnh những con cừu trong bài thơ tượng trưng cho con người (con chiên) khắc khổ.
Bài “Kinh Chiều” này là một
bài thơ tạo ấn tượng mạnh mẽ hơn so với loạt bài cùng tựa bởi nó mang đến cảm
giác vừa nghi ngờ vừa xác tín với các đấng siêu nhiên.
KINH CHIỀU
Mộc Nhân dịch
Nguyên tác: “Vespers” (2)
From “The Wild Iris”, by Louise Glück (3)
Nhiều hơn cả cha yêu con,
rất có thể, cha yêu thú đồng hoang,
thậm chí, có thể chỉ yêu cánh đồng
vào tháng Tám điểm xuyết rau diếp dại và hoa cúc
Con hiểu. Con so sánh mình với những bông hoa ấy
phạm vi cảm xúc của chúng nhỏ hơn và chẳng đáng kể
với lũ cừu trắng, thật ra màu xám nhạt cũng vậy
Con là kẻ duy nhất ca ngợi cha.
thích hợp với lời tụng ca cha.
Vậy thì tại sao phải làm khổ con?
Con học cây cúc hoa nhiều màu, cây mao lương
để bảo vệ cho đàn gia súc không bị trúng độc:
Phải chăng đau khổ là món quà cha ban
để con ý thức cần phải có cha,
dường như, con cần có cha để tôn thờ
hoặc cha đã bỏ rơi con vì thích đồng cỏ,
những cừu non khắc khổ
đang chuyển màu bạc trong hoàng hôn
những sóng cúc dại cùng rau diếp sáng lên
ánh xanh đậm nhạt
vì cha hầu như biết rõ
cách thể hiện vẻ ngoài của cha như thế nào.
-----------------------------
(1). Trong tập thơ “The Wild Iris” của Louise Glück có nhiều
bài cùng tựa “Vespers”. Để phân biệt chúng, người dịch gắn tựa với câu thơ đầu
tiên của bài thành “Vespers, More than you love me”.
(2). Nguyên tác: Text Available Here
(3). Xem tập thơ “The Wild Iris”, Louise Glück.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét