Di sản âm nhạc của Carpenter - Kỷ niệm 40 năm ngày mất Karen Carpenter (1983-2023)
Phim tài liệu, sách nghiên cứu, đêm nhạc chủ đề, album phòng thu …. Đó là những dự án quan trọng nhất trong số các sinh hoạt kỷ niệm 40 năm ngày giỗ của Karen Carpenter. Với góc nhìn trìu mến lạc quan, đa số các dự án này kể cả các buổi hòa nhạc đều được lên chương trình vào đầu tháng Ba nhân dịp sinh nhật của Karen (1950-1983), thay vì tháng Hai vào ngày nữ danh ca đột ngột qua đời.
Trong số các dự án hàng
đầu, có bộ phim tài liệu ''Starving for Perfection” (Khát khao vươn tới
hoàn hảo) của đạo diễn nổi tiếng người Mỹ Randy Martin phản ánh những áp lực
quá mạnh của làng giải trí (showbiz) làm cho nữ ca sĩ bị xuống tinh thần, chứng
biếng ăn của Karen theo thời gian càng thêm trầm trọng. Bên cạnh đó, còn có quyển
sách ''Carpenters: The Musical Legacy'' của tác giả trứ danh Lucy
O'Brien, được phát hành vào đầu tháng 03/2023. Thay vì đơn thuần là một quyển
sách tiểu sử, tác phẩm này thông qua nhận định của giới phê bình, của những người
từng làm việc với nhóm Carpenters (Karen và Richard Carpenter) phản ánh tầm ảnh
hưởng của ban song ca với các thế hệ sau.
Tác giả Lucy O'Brien từng
dành nguyên một chương sách quan trọng cho Karen Carpenter trong quyển tiểu luận
ăn khách trước đây của bà mang tựa đề "The Definitive History of Women
in Popular Music". Trên tột đỉnh danh vọng, đà thành công của nhóm
Carpenters đột ngột bị gián đoạn với cái chết của Karen Carpenter vào năm 1983,
cách đây đúng 40 năm.Theo nhà văn này, tuy chỉ hoạt động trong làng giải trí
trong vòng hơn một thập niên (1969-1983), nhưng Karen Carpenter đã để lại dấu ấn
sâu đậm khó phai, góp phần thay đổi cục diện của lịch sử nhạc phổ thông, ảnh hưởng
ấy tiếp tục kéo dài, cho tới tận ngày nay.
Từ hai thành viên ban đầu,
nhóm Carpenters nay chỉ còn có một người duy nhất là Richard Carpenter. Ngày
Karen vĩnh viễn ra đi, ban song ca The Carpenters coi như đã mất lẽ sống. Tài
hòa âm, chơi đàn piano của Richard, trở nên vô hiệu với cái chết của Karen. Thế
nhưng, Richard vẫn tiếp tục làm sống những gì cô em gái để lại. Album độc tấu
dương cầm với tựa đề ''Richard Carpenter's Piano Songbook'' được phát
hành đúng vào sinh nhật của Karen. Một cách để hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp
nhất với cô em gái. Vầng hào quang chợt tắt khi Karen vĩnh biệt cõi đời, nhưng
di sản của nhóm Carpenters, bất kể thời gian vẫn mãi sáng ngời.
Trong vòng 14 năm sự
nghiệp, nhóm The Carpenters đã đoạt 5 giải Grammy, ghi âm 10 album và bán hơn
100 triệu đĩa hát. Ít có ban nhạc nào ăn khách đều đặn, liên tục như ban song
ca người Mỹ The Carpenters, số lượng đĩa hát của nhóm được bán sau ngày Karen
qua đời, nhiều không thua gì lúc sinh thời. Ngay từ đầu những năm 1970,
khi sự nghiệp của ban song ca cất cánh, các giai điệu ăn khách Carpenters đã
cho ra đời nhiều bản phóng tác kể cả tiếng Pháp hay tiếng Việt. Trong số này có
tình khúc ''Close To You'' (được phát hành vào giữa năm 1970) thuộc
vào hạng kinh điển, ngoài là ca khúc đầu tiên chiếm hạng đầu thị trường Bắc Mỹ,
bài hát này còn giúp cho nhóm The Carpenters đoạt danh hiệu nhóm trình diễn xuất
sắc, trên tổng số 4 đề cử quan trọng nhân kỳ trao giải Grammy năm 1971.
Trong nguyên tác ca
khúc "(They Long to Be) Close to You" do hai tác giả Burt
Bacharach và Hal David đồng sáng tác. Người đầu tiên hát bài này là diễn viên
kiêm ca sĩ Richard Chamberlain, ông ghi âm ca khúc làm nhạc nền cho bộ phim Mỹ ''Twilight
of Honor'', phát hành vào năm 1963. Bài hát ít được ai chú ý vì chỉ được phát
hành trên mặt B của đĩa nhạc "Blue Guitar" của nghệ sĩ
Richard Chamberlain, người sau này thủ vai chính trong loạt phim truyền hình ''Tiếng
chim hót trong bụi mận gai'' (nguyên tác ''The Thorn Birds'' của
tác giả Colleen McCullough, còn thường được gọi theo bản dịch tiếng Pháp
là ''Les oiseaux se cachent pour mourir'' (Những con chim ẩn mình chờ
chết).
Trong số các ca sĩ hát
tiếng Pháp ghi âm lại bài này có các giọng ca nữ Lara Fabian, Tina Arena,
Claudine Longet. Nam danh ca Sacha Distel từng là bạn thân của Dionne Warwick
và Burt Baccarach đã chấp bút đặt thêm lời tiếng Pháp khác cho bài hát này
thành nhạc phẩm ‘‘Comme Moi’’. Còn trong tiếng Việt ''Close to
You'' từng được phóng tác thành ca khúc ''Tình Mộng Mơ'' qua tiếng
hát của nữ ca sĩ Kiều Nga. Nhạc phẩm ''Top of the world'' thì trở
thành ''Thiên đường tình yêu''.
Từ bộ vựng tập của nhóm
Carpenters, có khá nhiều giai điệu nổi tiếng sau đó nhờ các bản dịch sang tiếng
Pháp. Tình khúc ''Yesterday Once More'' hai lần ăn khách trên thị trường
Pháp, đầu tiên hết qua phiên bản ''Hier était près de moi'' (Vẫn gần
như mới hôm qua) của Claude François, Michèle Torr và phiên bản song ca của
Laurent Voulzy với Lénou (con gái của nữ danh ca Nana Mouskouri). ''The
End of the World'' qua cách đặt lời của tác giả Trường Kỳ trở thành giai
điệu ''Thương nhớ trong mưa''.
Trong số các nghệ sĩ từng
hát lại dòng nhạc Carpenters có các danh ca Pháp Richard Anthony, Sacha Distel,
Henri Salvador hay ca sĩ người Thụy Sĩ Alain Morisod. Những giai điệu thoạt
nhìn đơn giản nhưng càng nghe giới yêu nhạc càng cảm nhận nét tinh tế trong từng
nốt nhạc lung linh ngời sáng. Trong cách phối nhạc khi thì soft jazz, lúc thì
easy listening (trong thập niên cực thịnh của tác giả quá cố Burt Bacharach).
Dù là nguyên bản hay phóng tác, dòng nhạc Carpenters vẫn toát lên một ma lực
quyến rũ lạ kỳ, âm thanh tiếng nhạc dễ khắc ghi trong tâm trí. Trong tim người
hâm mộ, di sản của Carpenters nhờ vậy mà có sức sống ''trường kỳ''.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét