18/7/22

2.451. CÂU CHUYỆN HIỆU ỨNG VĂN HÓA

 Mộc Nhân

Hiệu ứng văn hóa (Effect of Culture) có tác động mạnh mẽ đến tâm lý tiếp nhận của bạn đọc cũng như quá trình sáng tạo của tác giả. Nó mở ra những không gian văn hóa, thẩm mỹ giúp chúng ta hiểu thêm về sự tiếp biến văn hóa và những sáng tạo cá nhân trong trải nghiệm đọc và viết.

Bài đăng trên Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội
 số 993/ Tháng 7 năm 2022

***

Hiệu ứng văn hóa (Effect of Culture) là một khái niệm không mới và có nhiều nội hàm ý nghĩa. Ở phạm vi rộng, nó đề cập đến những hiệu ứng và sự tác động của tác phẩm đến đám đông hoặc tạo thị hiếu công chúng, các khuynh hướng đời sống, xã hội, thậm chí cả chính trị…  Trong phạm vi bài này, người viết chỉ nói đến những khả năng, tác động từ một sản phẩm văn hóa, nghệ thuật tạo cảm hứng dẫn đến việc sáng tạo những tác phẩm văn hóa, văn nghệ khác. Nó có thể là hiệu ứng từ một cái tựa, một nhân vật, một sự kiện, một câu thoại độc đáo… từ tác phẩm nguồn để sản sinh ra các giá trị mới qua các tác phẩm thuộc thể loại khác.

***

Hiện tượng này trên thế giới khá phổ biến. Nhà thơ nổi tiếng người Anh thế kỷ XVII, John Donne (1572 - 1631) thuộc trường phái nghệ thuật siêu hình, tác giả của nhiều bài sonnet, thơ tình, bi ca và những thuyết giáo (sermon). Ông đã viết bài thơ For Whom The Bell Tolls (Chuông nguyện hồn ai) - thực ra đây là một đoạn sermon nổi tiếng. Bài này được nhiều người dịch, tôi chép lại phần Việt ngữ.

 “Không có ai là một hòn đảo/ hoàn toàn của riêng mình/ Mỗi người là một phần nhỏ của lục địa/ Một mảnh của đại dương/ Nếu một đảo nhỏ bị biển xóa/ Châu Âu sẽ bé lại/ Cũng như vậy, nếu đó là một dải đất/ Là quê xứ của bạn/ Hay của bạn bè của bạn/ Mỗi cái chết đều khiến tôi hao hụt/ Vì tôi là một phần của nhân loại/ Bởi thế, đừng hỏi/ Chuông nguyện hồn ai/ Chuông nguyện hồn anh đấy.”

 Từ cái tựa này, nhiều sản phẩm văn hóa khác lần lượt ra đời như cuốn tiểu thuyết For Whom The Bell Tolls (Chuông Nguyện Hồn Ai) của nhà văn Mỹ Ernest Hemingway. Ông cũng đã dùng bài thơ của John Donne để đề dẫn ngay trang đầu cuốn sách của mình. Tiếp đến là bài hát For Whom The Bell Tolls do ban nhạc Úc lừng danh Bee Gees sáng tác trong bộ phim opera nhiều tập Sonho Meu (tiếng Bồ Đào Nha, nghĩa Việt: Giấc mơ của tôi) - thuộc thể loại opera soap Brazil trình chiếu vào năm 1993. Lại có Game show truyền hình For Whom The Bell Tolls của Nhật Bản thu hút hàng triệu lượt xem mỗi số phát sóng…

Một hiệu ứng văn hóa khác mà tôi muốn chia sẻ là tác phẩm Norwegian Wood (Rừng Na Uy) – từ âm nhạc đến văn học và điện ảnh.

Norwegian Wood trước hết là một bài hát nổi tiếng của ban nhạc rock Anh Quốc - The Beatles do John Lennon sáng tác, ghi âm và phát hành trong album Rubber Soul (1965). Rừng Na Uy là loại rừng trồng cây thông phổ biến ở Na Uy, không có giá trị gì lớn, thường chỉ để làm nhà bằng ván thông lắp ghép hoặc làm nguyên liệu chế biến các loại đồ gỗ thông thường. Điều gây tò mò nhất khi nghe bài hát là nhan đề lạ và ca từ hết sức giản dị. Câu chuyện trong ca khúc toàn là những điều “thường” – thường như gỗ thông Na Uy.

Mộc Nhân chuyển Việt ngữ phần ca từ tiếng Anh như sau: “Tôi đã từng có một cô gái hay nói đúng hơn, cô ấy có tôi/ Nàng dẫn tôi về gian nhà làm bằng gỗ rừng Na uy của mình/ Chẳng phải là thật đẹp hay sao/ Nàng bảo tôi ở lại và hãy ngồi xuống bất cứ đâu/ Tôi nhìn quanh và thấy chẳng có cái ghế nào/ Tôi ngồi trên thảm, giết thời gian, uống rượu/ Chúng tôi nói chuyện đến 2 giờ sáng/ Rồi cô ấy nói "đã đến lúc đi ngủ/ Cô ấy nói mình làm việc vào buổi sáng và cười/ Còn tôi bảo nàng rằng tôi không như thế/ Và tôi lê chân vào ngủ trong nhà tắm/ Khi tôi tỉnh dậy chỉ còn một mình/ Cánh chim ấy đã bay xa/ Vậy nên tôi đốt lên một ngọn lửa/ Chẳng phải là đẹp sao/ Ôi gỗ rừng Na Uy”.

Câu chuyện trong bài hát đúng là thường. Thường từ tính cách con người đến công việc, giao tiếp, ứng xử… đến mức đoạn kết chàng trai cảm thấy chả hứng thú gì sau đêm tình tự nên buồn ý mà đốt đi vài đồ vật trong gian phòng. Đốt xong chàng lại thốt lên "chẳng phải là đẹp sao" (isn't it good).

Cần phải hiểu cái chất "thường" trong câu chuyện ấy nằm trong bối cảnh thời đại mà tuổi trẻ phương Tây chịu ảnh hưởng của triết học hiện sinh. Chủ nghĩa hiện sinh (existentialism) là một khuynh hướng triết học bắt nguồn từ một nhóm triết gia thế kỷ XIX với những cái tên quen thuộc như Kierkegaard, Jean-Paul Sartre, Nietzsche và Albert Camus. Chủ nghĩa hiện sinh nhấn mạnh trải nghiệm, hành động, cách sống của cá nhân mỗi người. Hiểu nôm na, chủ nghĩa hiện sinh cho rằng thế giới này chỉ có thể tồn tại nếu như mỗi cá nhân đều sống, đều trải nghiệm và đều tư duy theo cách của mình. Thế giới của một người chỉ có thể tồn tại nếu anh ta tồn tại, và chính bản thân suy nghĩ, tính cách và việc anh ta nhìn nhận thế giới ra sao làm nên tính chất thế giới của anh ta. Ở điểm này, chủ nghĩa hiện sinh tôn trọng sự riêng biệt trong lối sống, tính cách của mỗi cá nhân.

Phần âm nhạc thì bài hát này cũng khá đặc biệt bởi nó là bài hát duy nhất trong số gần ba trăm sáng tác của mình, The Beatles viết theo điệu Waltz (Valse). Phần hòa âm phối khí lạ khiến bài hát thu hút người nghe nhờ sử dụng đàn sitar (nhạc cụ dân tộc Ấn Độ) thay cho guitar để chạy các câu lead cho giai điệu. Điều đó thể hiện ảnh hưởng của âm nhạc Ravi Shankar - Ấn Độ khiến bài hát là câu chuyện hiện sinh phương Tây nhưng được diễn tả bằng âm sắc phương Đông.

Giới phê bình nghệ thuật cho rằng “Không nghi ngờ rằng đây là phần ca từ hay nhất mà The Beatles từng viết giữa làn sóng folk rock”. Trước đó, The Beatles viết về tình yêu, tình dục thường sử dụng ngôn ngữ lãng mạn cổ điển kiểu như: Don't let me down, I'm in love for the first time, All you need is love, Please take hold of my hand… giờ đây họ muốn viết về những gì nhạt nhẽo, thoáng qua nhưng cũng gây được cảm hứng. Tạp chí âm nhạc Rolling Stone đánh giá đây là “Sản phẩm âm nhạc thuần chất, một trong những ca khúc pop hay nhất đương thời” và xếp bài hát ở vị thứ 12 trong danh sách 100 bài hát xuất sắc nhất của The Beatles, thứ 83 trong danh sách 500 bài hát vĩ đại nhất mọi thời đại.

Phải chăng nhiều giá trị thẩm mỹ ẩn trong những điều bình thường. Và nói như William James: “Nghiên cứu thứ bất thường là cách tốt nhất để hiểu mỹ học của sự bình thường” (To study the abnormal is the best way of understanding the aesthetics of normal).

***

          Hơn hai thập kỷ sau, vào năm 1987, Haruki Murakami, nhà văn người Nhật, từ niềm cảm hứng với bài hát này đã viết nên câu chuyện của riêng mình thành tiểu thuyết Norwegian wood. Cuốn truyện nhẹ nhàng, sâu lắng như tình khúc của John Lennon, lấy bối cảnh nước Nhật thời hậu chiến: phồn vinh mà cô đơn, thế hệ trẻ lớn lên sau chiến tranh cảm thấy lạc lõng, bế tắc. Cuốn sách đã lay động trái tim của hàng triệu độc giả trên thế giới và đưa tên tuổi của tác giả lên vị trí của một trong những nhà văn được yêu thích nhất của Nhật Bản và thế giới. Tác phẩm có sự pha trộn của rất nhiều yếu tố: tình cảm lãng mạn, tình dục trần trụi, hoang tưởng thông qua nhiều ẩn dụ cùng những tình tiết mơ hồ, thực tại và tưởng tượng đan xen, chồng lên nhau.

Nhân vật chính trong truyện Watanabe khi nghe bản nhạc Norwegian wood của The Beatles đã nhớ về Naoko, mối tình đầu thời sinh viên 20 năm về trước. Nhưng ký ức về Naoko giờ đây đã nhạt mờ - dù anh vẫn yêu và nhớ về nàng - khiến Watanabe nghĩ rằng anh phải viết lại câu chuyện của mình như một cách để hiểu về Naoko và hiểu về chính con người anh. Các sự việc, nhân vật nối tiếp nhau xuất hiện trong bối cảnh những sự kiện của nước Nhật đầu những năm 70 như: phong trào bãi khóa, sự xuất hiện của những hệ tư tưởng, nỗi cô đơn lạc lõng đến tột độ của con người, nhất là lớp trẻ. Họ chơi vơi trong thế giới của mình vì không tìm được lý tưởng và sự  hòa nhập xã hội nên đã đi theo trái tim, tìm cho mình một lối sống riêng trong đó có cả tình yêu, tình dục, rong chơi… và ít nhiều mâu thuẫn với những giá trị đã được định hình trong xã hội. Tình yêu ở đây không có những mối tình lãng mạn cổ điển mà những mối tình rất thật, rất đời, xen lẫn với tình dục. Nó là điểm tựa cho những nhân vật cô đơn nhưng lại luôn phức tạp, mâu thuẫn, không thể trốn chạy. Tình dục được Haruki Murakami thể hiện tinh tế, là phương tiện để giải phóng con người khỏi những nỗi thất vọng và khỏa lấp cô đơn.

Năm 2010, bộ phim điện ảnh Nhật Bản Norwegian wood do nghệ sĩ người Việt Trần Anh Hùng làm đạo diễn. Bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết nói trên lại tiếp tục tạo nên một hiệu ứng văn hóa mới cho cái tựa này thông qua câu chuyện tiểu thuyết được tái tạo trên màn ảnh cùng với nền nhạc của The Beatles.

Có thể nói trường hợp của bộ ba âm nhạc, tiểu thuyết và điện ảnh của Norwegian wood đã tạo nên một hiệu ứng từ không gian tinh thần của tác phẩm mà chỉ có tình yêu và sự thấu hiểu mới khai quật nên những lấp lánh lạ lùng trong tâm hồn chúng ta và tạo sự lan tỏa những giá trị mới nhưng có sự gắn kết nhau. Nó khác với trường hợp For Whom The Bell Tolls (Chuông nguyện hồn ai) chỉ là hiệu ứng cảm xúc từ một cái tựa; còn nội dung các tác phẩm xuất hiện từ hiệu ứng ấy dường như không có bóng dáng trong nhau.

Và tôi… đến tuổi này vẫn cứ nghe ca khúc Norwegian wood của The Beatles, vẫn cứ đọc Rừng Na Uy của Haruki Murakami và vẫn cứ giữ lấy tình yêu lạ lùng của mình.

Nhiều năm nay tôi đã cá cược cùng bạn bè rằng Haruki Murakami sẽ đạt giải Nobel Văn chương nhưng tôi đã luôn thua cuộc. Nó giống như là đặt cược vào tình yêu của mình. Dù biết là chưa chắc.

***

Tôi muốn nói thêm vấn đề hiệu ứng văn hóa qua bài thơ Gretel in Darkness (Gretel trong bóng đêm) của Louise Glück, Nobel Văn chương 2020 - xuất bản lần đầu trong tập thơ The House on Marshland (1975) của bà.

Chuyện Hansel và Gretel (Truyện cổ Grimm) kể về hai anh em Hansel và Gretel bị dì ghẻ rắp tâm đẩy vào rừng cho chết đói. Hai anh em đi lạc vào nhà mụ phù thủy bị mụ rắp tâm ăn thịt nhưng người em gái là Gretel đã mưu trí giết được phù thủy, cứu anh trai Hansel và trở về nhà. Glück viết bài thơ để tạo góc nhìn về sự mất mát, đau buồn, sợ hãi và chấn thương của con người trong các mối xung đột. Trong bài thơ nhà thơ không kể lại câu chuyện này mà chỉ đề cập đến nỗi kinh hoàng của con người khi sống với những ký ức đau buồn. Dù thời gian trôi qua đã lâu nhưng cô vẫn có thể nghe thấy tiếng phù thủy la hét, nó ám ảnh cô và cô tự hỏi tại sao mình không thể quên những gì đã xảy ra (Why do I not forget?) khi đang sống một cuộc sống hạnh phúc và an toàn trong ngôi nhà của mình. Một bi kịch khác là không có ai an ủi hoặc hiểu rằng cô đang phải chịu đựng trạng thái đó. Giờ cô gánh vác sự ám ảnh đó một mình, mặc dù cô ấy đã làm điều đó cho gia đình.

Mộc Nhân trích dịch một đoạn thơ trong bài: “Đây là thế giới mà chúng tôi muốn/ Những người có thể đã nhìn thấy chúng tôi chết - đã chết/ Tôi nghe thấy tiếng kêu của phù thủy dưới ánh trăng xuyên qua một mái nhà…/ Tại sao tôi không thể quên/… Ngay cả anh, anh trai của tôi/ như thể nó chưa bao giờ xảy ra/ Nhưng vì anh mà tôi giết chóc…/ rừng đen và ngọn lửa như điềm báo.” (Gretel in Darkness) - Louise Glück. Hiệu ứng văn hóa trong trường hợp này một sự tham chiếu từ văn bản nguồn để khơi gợi cảm xúc mới.

Không gian của hiệu ứng văn hóa thường là không gian rộng mà văn bản có thể tác động đến thẩm mỹ công chúng. Nhìn ở góc độ nào đó, nó cũng là một diễn trình của ý thức liên văn bản (intertextuality) xuất hiện trong nghệ thuật đương đại. Trong thời đại thế giới phẳng hôm nay, tôi nghĩ rằng hiệu ứng văn hóa của tác phẩm văn nghệ sẽ có độ lan tỏa sâu rộng hơn trên phạm vi toàn cầu.

***

Quay trở lại với câu chuyện hiệu ứng văn hóa được dẫn từ ba tác phẩm nguồn nói trên, chúng ta có thể thấy được các mức độ và khả năng của nó: Hiệu ứng văn hóa tạo ra các giá trị mới nhưng dường như nội dung không liên quan đến nhau (trường hợp For Whom The Bell Tolls); hiệu ứng văn hóa tạo ra các giá trị mới kết nối các không gian nghệ thuật từ tác phẩm nguồn (trường hợp Norwegian Wood); hiệu ứng văn hóa tạo ra các giá trị mới vừa kết nối các không gian nghệ thuật từ tác phẩm nguồn vừa khơi gợi các vấn đề nhân sinh khác (trường hợp Gretel in Darkness - Louise Glück)…

Dầu gì đi nữa, tôi nghĩ rằng nó có tác động mạnh mẽ đến tâm lý tiếp nhận của bạn đọc cũng như quá trình sáng tạo của tác giả. Nó mở ra những không gian văn hóa, thẩm mỹ mới giúp chúng ta hiểu thêm về sự tiếp biến văn hóa và mở rộng những sáng tạo cá nhân trong trải nghiệm đọc và viết.

“Isn't it good” – Điều đó chẳng phải là đẹp sao (Trích Norwegian Wood – The Beatles).

----------------

* Nguồn tin bài từ: Vannghequandoi.com.vn 

* Đây là bài trên trang cá nhân tác giả, sẽ dẫn link bài trên trang VNQĐ sau.





1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bài viết hay có nghiên cứu nhiều và chuyên sâu. Chúc mừng tác giả