23/7/22

2.457. MY AUTUMN LEAVES - by Bruce Weigl

   MN: Nhân đọc một bài phỏng vấn trên Tạp chí Văn nghệ Quân Đội về nhà thơ người Mỹ Bruce Weigl (1), tôi tìm đọc thơ ông trên trang thơ Mỹ - Poetry Foundation và dịch một số bài thơ về đề tài chiến tranh của ông để hiểu thêm về nhà thơ này (2).


NHỮNG CHIẾC LÁ MÙA THU CỦA TÔI

Mộc Nhân dịch từ nguyên tác

MY AUTUMN LEAVES - Bruce Weigl (3)

 

Tôi quan sát khu rừng tìm hươu như thể đang cầm vũ khí

Tôi nhìn vào rừng tìm hươu mà nó không bao giờ đến.

Tôi biết hươu đực và hươu cái vào mùa thu

hẹn nhau trong vườn cây đổi màu

nơi có mùi hương của táo rụng.

Tôi lái xe làm nhiệm vụ theo con đường này

nên tôi có thể chú ý những con quạ trong đám ngô

tin rằng tiếng kêu của chúng là để cảnh báo tôi

và những con rắn chui vào cái hang ấm và bí ẩn

 

Chúng cũng nhận ra tôi. 

Chúng biết cậu bé sống trong tôi vẫn không biến mất.

Những con hươu là bóng ma lẩn khuất giữa ánh sáng

xuyên qua rừng cây, vì vậy bạn chỉ có thể nghe tiếng sột soạt

của những cành cây trong bụi rậm mà chẳng hy vọng gì.

Tôi quan sát khu rừng tìm hươu như thể đang cầm vũ khí.

-----------------

* Chú thích:

(1). Xem lại bài phỏng vấn tại đây

(2). Bruce Weigl: Ông sinh năm 1949. Ngay sau khi bước sang tuổi mười tám, Bruce Weigl nhập ngũ Quân đội Hoa Kỳ và phục vụ tại Việt Nam từ tháng 12 năm 1967. Sau đó ông trở về quê hương Lorain, Ohio. Ông học Trường Cao đẳng Cộng đồng Lorain, tiếp theo là lấy bằng Cử nhân tại Đại học Oberlin, bằng Thạc sĩ tại Đại học New Hampshire, và Tiến sĩ tại Đại học Utah, giảng dạy tại Penn State trong nhiều năm rồi trở lại dạy Trường Cao đẳng Cộng đồng Lorain với tư cách là Giáo sư Xuất sắc đầu tiên của trường. Ngoài công việc giảng dạy, ông còn thành lập một nhóm cựu chiến binh sinh viên và vào năm 2008, ông sáng lập tờ North Coast Review trực tuyến.

   Trong cuốn hồi ký của mình - The Circle of Hanh – năm 2000 (Vòng xoáy của Hạnh), ông viết: "Điều nghịch lý trong cuộc đời tôi với tư cách là một nhà văn là chiến tranh đã hủy hoại cuộc đời tôi và đổi lại, tôi đã có được tiếng nói của mình" (The paradox of my life as a writer is that the war ruined my life and in return gave me my voice). Bị ảnh hưởng bởi nhà thơ James Wright, lối viết của Weigl được đánh giá là “vẻ đẹp của một điều được nói thẳng” (the beauty of a thing said straight). Tác phẩm của Weigl liên quan trực tiếp đến nỗi kinh hoàng về trải nghiệm chiến tranh của ông. Một số tác phẩm gần đây khám phá các chủ đề về gia đình và tuổi thơ. Hiện ông đang thực hành Phật giáo – đó là điều mà ông gọi là “những người bình thường trong những tình huống phi thường” (Ordinary people in extraordinary situations).

   Weigl là tác giả của hơn một chục cuốn sách thơ, bao gồm On the Shores of Welcome Home (2019), The Unraveling Strangeness – 2002 (Sự kỳ lạ được sáng tỏ), Archeology of the Circle: New and Selected Poems – 1999 (Khảo cổ học của Vòng tròn: Những bài thơ mới và chọn lọc); After the Others – 1999 (Sau những người khác); và Song of Napalm – 1988 (Bài hát bom Napalm)… Ông cũng đã viết một số tuyển tập tiểu luận phê bình, đã xuất bản các bản dịch thơ tiếng Việt và tiếng Romania, và cũng đã biên tập hoặc đồng biên tập một số tuyển tập thơ chiến tranh. Weigl được đề cử giải Pulitzer và đã giành được nhiều giải thưởng cho tác phẩm của mình, bao gồm Giải thưởng Robert Creeley, Giải thưởng Văn học Lannan về Thơ, Giải thưởng Thơ Paterson, Giải thưởng Nhà thơ của Học viện Nhà thơ Hoa Kỳ, Giải thưởng Nghệ thuật Cleveland và hai Giải thưởng Xe đẩy. Anh ấy đã nhận được học bổng từ National Endowment for the Arts và Yaddo Foundation.

(3). Chia sẻ cảm nhận về bài thơ:

Trong bài thơ My Autumn Leaves (Những chiếc lá mùa thu của tôi), Bruce Weigl viết về một trải nghiệm mà ông trải qua trong những khoảnh khắc cuộc sống thời chiến tranh – lúc ông gia nhập Quân đội Hoa Kỳ, tham chiến tại Việt nam khi mới 18 tuổi. Xuyên suốt bài thơ, tác giả kể câu chuyện dưới góc nhìn của một người từng trải qua tổn thương và luôn suy nghĩ về nó.

Tác giả (người lính) gặp lại chính mình trong một tình huống mà trong đó anh ta phải nhận thức được những mối nguy hiểm sắp đến và bảo vệ bản thân khỏi chúng để sinh tồn. Người kể chuyện cũng cho chúng ta biết những lúc đó anh ấy đã sợ hãi như thế nào (vì anh nhận ra cậu bé sống bên trong anh không bao giờ biến mất – tức là đứa trẻ đầy lo lắng và lo sợ những gì có thể xảy đến). Có thể đó là một chấn thương nào đó mà anh đã trải qua.

Trong bài thơ có sử dụng các biểu tượng như những con hươu trong khu rừng – có thể là ám chỉ những người lính phía bên kia, họ có thể đang rình rập, phục kích hay đã chết trong chiến trận giờ biến thành bòn ma lẩn khuất đâu đây. Những con quạ trong đám ngô là trải nghiệm chiến trường, nó chỉ dấu cho người lính biết ình có bị phục kích hay không…

Tôi nghĩ rằng đó là những ký ức khó quên khi tác giả đã đi qua thời trai trẻ khi dấn thân vào chiến trường, nó là chất liệu để sau này ông tái hiện trong các tác phẩm của mình.

* Nguyên tác từ nguồn: Poetryfoundation

Không có nhận xét nào: