7/7/22

2.437. VỀ ÂM NHẠC GIẢI TRÍ

      Nền ca nhạc Việt Nam hiện tại nặng về giải trí nhiều hơn là nghệ thuật – đó là nhận xét của nhiều người, kể cả những người có chuyên môn hay bản thân hoạt động trong showbiz.

Thử soi điều này trong một số mặt trình diễn ta sẽ thấy rõ:

1. Về phía ca sĩ:

Ca sĩ luôn là nhân vật trung tâm của mọi sự kiện âm nhạc vậy nên họ luôn xuất hiện đẹp từ khuôn mặt đến thời trang và tất nhiên giọng hát phải thuyết phục người đã bỏ tiền ra mua vé xem họ. Tuy nhiên ca sĩ thời này chú trọng ăn mặc, make-up nhiều hơn; có nhiều cái thứ yếu đánh lừa cái chính yếu là giọng hát của họ như: kỹ thuật âm thanh ánh sáng, thiết kế sân khấu, dàn vũ công phụ họa, dàn bè, dàn khói phun hoặc confectti…

Điều này có vẻ trái ngược với phong cách của các ca sĩ nổi tiếng thời xưa như Lệ Thu, Thanh Thúy, Thái Thanh, Khánh Ly… Họ đi vào lòng người và sống mãi với thời gian giờ chất giọng đặc trưng, không kỹ thuật cầu kỳ mà đáng nhớ. Họ không xưng tụng, không tạo đám đông vây quanh nhưng nhắc đến họ là ai nấy đều ngưỡng mộ - dù ca sĩ ấy không thuộc gu thưởng thức của nhiều người.

Ca sĩ ngày nay nổi tiếng nhờ fans, nhờ đám đông, nhờ bầu show, nhờ danh hiệu tự phong như ông hoàng, nữ hoàng, ngôi sao… Thậm chí họ nổi tiếng nhờ cả scandals… Đó là ca sĩ thời thượng chỉ được nhắc đến trong nhóm cùng gu thưởng  thức - ủng hộ; ra khỏi cái gu đó, họ bị dè bĩu ngay.

2. Về phía nhạc sĩ sáng tác:

Trước đây, người nhạc sĩ viết ca khúc từ những cảm xúc thật của họ, họ viết ra để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cho mọi người chứ họ không viết nhạc để bán. Còn bây giờ, nhạc sĩ viết theo yêu cầu đơn đặt hàng, sản phẩm âm nhạc có thể ra đời hàng loạt phục vụ cho một mục đích, yêu cầu nào đó, trình diễn xong rồi quên ngay. Vậy nên các ca khúc âm nhạc không có hồn, ca từ dễ dãi… Có thời kỳ, báo chí và công luận gọi là sáng tác mỳ ăn liền.

3. Về phía nhà tổ chức:

Mọi nhà tổ chức đều có xuất phát điểm đầu tiên là lợi nhuận, nói cách khác người ta làm ca nhạc giải trí để kiếm tiền. Không đạt được điều đó xem như thất bại. Chính vì vậy các bầu show rất ít quan tâm đến hỗ trợ, đỡ đầu ca sĩ. Điều này dẫn đến sự thiên lệch: một số ca sĩ ngôi sao thì không có thời giờ để đi show, đã giàu lại thêm giàu; trong khi các ca sĩ mới vào nghề thì mãi mãi đếm tiền lẻ hoặc hát lót, trình diễn lúc cuối buổi và số phận họ chẳng biết sẽ về đâu.

4. Về phía khán giả:

- Người ta đến sân khấu ca nhạc để xem nhiều hơn là để nghe – xem mặt thần tượng, xem trang phục ca sĩ để hưởng ứng hoặc bắt chước các mode thời thượng.

- Đôi khi họ đến các sân khấu ca nhạc, tụ điểm để khoe khoang hình ảnh giải trí, đó là nơi để họ gặp nhau trong một trend lôi cuốn thị hiếu đám đông.

- Đa số khán giả xem qua một sự kiện rồi lãng quên ngay và chờ đón một sự kiện khác chứ hiếm khi khắc dấu hình tượng nghệ thuật lâu dài. Cái đó gọi là âm nhạc giải trí, nghe qua rồi bỏ, khác xa với nghệ thuật. Giới trẻ bây giờ nghe nhạc theo phong trào, chạy theo trend, thần tượng.

Tất cả những điều trên được cộng hưởng bởi truyền thông và đám đông nên nó có tác động dịch chuyển thẩm mỹ công chúng khá mạnh mẽ. Đây là vấn đề thuộc văn hóa, thẩm mỹ thời đại của thế hệ chứ không chỉ đơn giản là giáo dục hay định hướng…

Nó vận hành theo xu hướng xã hội – cái mà chúng ta quen gọi là thị trường – hiểu nôm na là đồng tiền chi phối và tạo ra các giá trị mới. Tất cả những điều chúng ta thấy trên suy cho cùng cũng là tác động của đồng tiền – nó chi phối sáng tạo của nhạc sĩ, chi phối trình diễn của ca sĩ, chi phối cách tổ chức của bầu show và cách tiếp cận của công chúng đối với ca nhạc.

Từ thị trường âm nhạc, ta có thể nhận ra nó có cách vận hành tương tự như thị trường giáo dục, thị trường quan chức… nơi đồng tiền lên ngôi.

Tuy nhiên có một điều chúng ta tin tưởng là mọi thứ ăn liền không sớm thì muộn rồi sẽ tự động tiêu biến giữa những giá trị cốt lõi trong đời sống.

Cái mà chúng ta mong muốn nhất là sự tử tế. Chỉ có sự tử tế mới đem lại diện mạo tốt đẹp cho các giá trị tinh thần.

Không có nhận xét nào: