8/7/22

2.440. ÔNG MỐC

       1. Chuyện Ông Mốc quê tôi:

Ngay giữa cánh đồng mênh mông, nơi mốc giới ba làng Bộ Bắc (xã Đại Hòa), Giáo Trung (Thị trấn Ái Nghĩa) và Giáo Ái (xã Điện Hồng, Thị xã Điện Bàn) có một chỉ dấu tâm linh bản địa được dân trong vùng gọi là Ông Mốc. Theo lời ông bà của mấy người già sống lâu năm nơi đây thì Ông Mốc đã có từ mấy trăm năm nay.


Miếu Ông Mốc nằm tại điểm ranh giới giữa 3 làng:
 Bộ Bắc (xã Đại Hòa), Giáo Trung (Thị trấn Ái Nghĩa) và Giáo Ái (xã Điện Hồng)


Mốc là cột mốc, mốc giới.

Thời xa xưa, khi người dân mới khai khẩn đất đai, lập làng mở ấp thường hay có chuyện giành lấn đất giữa các vùng giáp ranh. Vậy là xảy ra chuyện đánh nhau giữa các làng, đổ máu, chết người… Những chuyện như thế này được nhà văn Ngô Tất Tố kể khá rõ trong các tập phóng sự “Việc làng”, “Tập án cái đình” của mình. Nơi này cũng thế.

Về sau, người dân các làng có tranh chấp đất đai họp nhau đặt một mốc giới chung bằng đá để xác định ranh giới nhằm tránh gây hấn vì chuyện đất đai. Đó là Ông Mốc.

Vì tại nơi đặt mốc từng có người chết oan nên dân làng thắp nhang, khấn vái, thờ cúng… lâu dần thành miếu Ông Mốc – một nơi linh thiêng, ma mị, trong vùng. Theo thời gian, những câu chuyện huyễn hoặc cứ phủ đầy quanh tảng đá Ông Mốc.

Hồi chiến tranh, nơi này là vùng trắng. Cả hai phía đều rình rập quanh Ông Mốc để hạ nhau. Về đêm, bộ đội và du kích hẹn nhau tại Ông Mốc để vào làng. Phía lính cộng hòa biết vậy nên cũng phục kích gần đó. Thành ra nơi đây có chạm trán và bắn giết. Đêm nọ, một toán lính đi phục kích tại nơi này. Một anh leo lên tảng đá Ông Mốc để quan sát, cảnh giới bỗng dưng một phát đạn đối phương từ đâu bắn tới chết tức khắc… cả toán lính khiêng xác đồng đội tháo chạy không kịp. Thật ra là do anh ta chủ quan khinh địch nhưng người ta lại bảo do anh lính ấy bất kính với thánh thần, đạp lên đầu Ông Mốc nên bị ông trị.

Lại có chuyện năm nọ nước lũ dâng cao, cả một vùng nước ngập trắng đồng chỉ lất phất vài ngọn cây giữa mênh mông nước lụt. Khi sáng ra nước bắt đầu rút dân làng bơi ghe nhìn thấy một người giơ tay vẫy vẫy tại vị trí Ông Mốc, người ta bơi đến cứu người ấy đang cố níu lấy vài nhánh cây quanh Ông Mốc. Anh ta nói nếu không có Ông Mốc anh đã bị nước cuốn trôi xa và chưa chắc còn sống.

Sau chiến tranh có phong trào bài trừ mê tín dị đoan, đình chùa miếu mạo đều bị đập phá – Ông Mốc cũng không ngoại lệ.

Lúc này, có người quá hăng say, tích cực bài trừ mê tín nên đã khiêng tảng đá Ông Mốc ra khỏi vị trí rồi vứt bỏ lăn lóc đâu đó. Vài tháng sau, nhà ấy đại nạn, cháy nhà, mất mạng người, tan gia bại sản… Dân làng bảo là do phá Ông Mốc.

Sự linh thiêng của Ông Mốc cứ tăng dần.

Trong làng và các vùng lân cận, trẻ con đau ốm hoặc khó nuôi người ta mang lễ vật ra Ông Mốc khấn xin hoặc “gởi”, “bán” cho Ông Mốc nuôi giùm, hẹn thời gian đến tạ lễ, xin được chuộc trẻ về.

Người ta đã biến cây cột mốc trở thành một chốn linh thiêng, là nơi đến để cúng vái nhất là vào các ngày rằm, mồng một, hoặc lễ Tết cổ truyền.

Ai thọ ân từ Ông Mốc đều tìm cách trả lễ bằng cách nào đó. Nhẹ thì một mâm lễ hương đèn bánh trái; đậm hơn thì người ta xin dâng cúng tượng thờ, xây bệ thờ, xây miếu, trồng cây cảnh, xây tường rào cổng ngõ quanh miếu… và mới nhất là ai đó đã thắp sáng miếu Ông Mốc bằng một dàn đèn năng lượng mặt trời.

Vậy nên về ban đêm, giữa đồng không mông quạnh có một quầng sáng lung linh.




***

2. Tín ngưỡng thờ Ông Mốc:

Thực ra việc thờ Ông Mốc là một dạng thức tín ngưỡng cổ xưa tại nhiều làng quê Việt Nam. Tuy nhiên nhiều nơi không có Ông Mốc nên nó có thể xa lạ vì họ chưa nghe chưa thấy bao giờ.

Các nhà nghiên cứu cho rằng người Việt thờ bái Ông Mốc là một dạng thức của thờ đá (thạch thần) - tín ngưỡng mang tính phổ biến của nhân loại chứ không riêng ở Việt Nam.

Để cho những cột mốc, cột đá dựng lên có sự huyền bí, tăng thêm lòng kính sợ của dân chúng, người ta đã dần dần thêu dệt cho tảng đá, cột mốc những huyền thoại. Chúng tạo một lớp sương mù linh thiêng bao phủ lên phạm vi làng xã khiến cho các tảng đá làm cột mốc ngày càng trở nên bất khả xâm phạm. Quá trình “thiêng hoá” diễn ra khiến cho không những việc thờ cúng tảng đá định vị được bảo lưu mà cột mốc giữ đất đai cũng được tôn trọng.

Việc thờ cúng Ông Mốc lại có quan hệ hoặc song hành với nhiều hình thức thờ phụng khác của người Việt như tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng bái vật, thờ Bồ-tát, thờ thành hoàng… với niềm tin rằng việc thờ cúng sẽ tạo ra một sức mạnh cộng hưởng, có thể đem lại hiệu quả tâm linh cho cuộc sống. Bằng chứng là trong miếu thờ Ông Mốc, dân làng còn đặt thêm tượng Bồ tát, hoặc tượng vị thần nào đó.

Tín ngưỡng này tồn tại trong đời sống hàng ngày của mỗi vùng cư dân và ẩn chứa nhiều lớp văn hóa. Có khi nó mang màu sắc mê tín, có khi là văn hóa tín ngưỡng, tập tục. Nhân dân quan niệm đá cũng là sự sống, cũng có phần hồn, phần xác như con người và đá có thể là nơi trú ngụ cho linh hồn con người, hoặc mang theo một biểu trưng nào đó.

Trong trường hợp Ông Mốc, nó là biểu trưng cho vị thần địa giới có chức năng phân định ranh giới giữa các làng xã. Dần về sau người dân đã thần thánh hóa và coi là vật linh thiêng để thờ tự vì nơi đây không chỉ có thần linh ngự trị mà còn có thập loại chúng sinh không nơi nương tựa về đây neo đậu linh hồn nơi cột mốc hay cây cối xung quanh.

***

Ở khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng, việc thờ Ông Mốc còn lưu dấu vài nơi mà rất ít người biết... Tôi được biết một số chỉ dấu Ông Mốc như: Ông Mốc ở ranh giới ba làng Trường An, Mỹ An và Song Bình thuộc xã Đại Quang, Đại Lộc, Quảng Nam giờ đã bị xóa sổ. Ông Mốc ở làng Lai Nghi (thuộc Phường Thanh Hà, Hội An) với tên gọi là Ông Đá – thờ một phiến đá hình trụ, cao khoảng 0,5m trong miếu, rất tiếc di tích này đã bị san bằng để mở đường, hiện nay còn lại tục danh cống Ông Đá dùng để chỉ một chiếc cống thoát nước bên cạnh miếu Ông Đá. Ông Mốc làng Giáo Trung, Thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc là còn nguyên vẹn, thậm chí có phần đẹp đẽ và bề thế hơn xưa do tôn tạo tự phát của nhân dân.

Không hẳn mọi miếu Ông Mốc đều linh thiêng; tuy nhiên có vài Ông Mốc gắn với những câu chuyện huyễn hoặc, linh ứng được người dân gọi bằng những danh từ tôn kính như Ông Mốc, Ông Đá hoặc Thạch Thần.

***

Tín ngưỡng thờ cúng Ông Mốc tuy bó hẹp trong phạm vi một cộng đồng cư dân nhưng luôn là biểu tượng đẹp cho tập tục vùng miền với các ý nghĩa nhân văn: tri ân người đi trước khuất mặt, tôn trọng những giá trị vừa hiện hữu, vừa tiềm ẩn, huyền bí, mang hơi thở của cuộc sống cùng yếu tố tâm linh. Thông qua sự thờ cúng mà hiểu được sức mạnh của siêu nhiên và tự nhiên để bảo vệ không gian sống phi vật thể của cộng đồng.

Tuy dân gian có câu “Chuông làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ” nhưng việc lan tỏa các giá trị và niềm tin là không hề có ranh giới.

Vạn vật hữu linh và sự giao tiếp giữa con người với chúng luôn biến đổi theo nhận thức về văn hoá, tín ngưỡng của nhân dân.

Có điều chắc chắn là chúng luôn hiện diện trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. 

Không có nhận xét nào: