Ngày 09 tháng 7/ 2022, Nhà Xuất bản Đà Nẵng tổ chức buổi ra mắt quyển sách "Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam" của PGS.TS Andrea Hoa Pham – Giáo sư ngành Ngôn ngữ học, Đại học Florida, Hoa Kỳ; Nxb Đà Nẵng, tháng 7.2022. Bà là người Mỹ, gốc Việt, quê quán Quảng Nam.
Cùng đề tài này, trước đây có cuốn
sách “Có 500 năm như thế” của nhà văn, nhà báo người Quảng Nam – Hồ Trung Tú (Nxb
Đà Nẵng, 2012) - sách đã tái bản 3 lần.
Hai cuốn sách có hai cách
tiếp cận khác nhau về một vấn đề, cùng một cảm hứng từ giọng nói đặc biệt của
người Quảng.
Tôi đã đọc cả hai cuốn này
và nhận thấy nó mang lại nhiều thông tin bổ ích về lịch sử, văn hóa người Việt
nói chung trong quá trình Nam tiến và cả những kiến thức khoa học về ngôn ngữ,
âm vị học - làm cơ sở cho việc truy tìm đầy khó khăn về cái gốc gác rất mơ hồ,
khó xác định căn nguyên hình thành một giọng nói.
***
Sau khi cuốn sách của bà
Andre Hoa Pham được giới thiệu, đa số là khen ngợi tính khoa học của tập sách (công
trình nghiên cứu) nhưng nhiều ý kiến cũng băn khoăn. Trong đó có ý kiến của ông
Hồ Trung Tú, tác giả cuốn “Có 500 năm như thế”.
Với tôi cuốn nào cũng
hay, hơn nữa nó không thuộc phạm vi hiểu biết của tôi nên tôi đọc cả hai cuốn và thu hoạch
những điều hay và mới, bổ sung, lưu giữ cho mình.
Những entry dưới đây chỉ
là chép lại một số status trên facebook (không phải bài nghiên cứu, chỉ là các ý kiến ban đầu về hai cuốn sách). Với tôi nó
có ý nghĩa như như lưu giữ một sự kiện hơn là đồng tình với một quan điểm nào
đó.
***
1. Status của ông Nguyễn
Thành (gđ Nxb Đà Nẵng):
TUẦN mới, SÁCH mới:
“Chửi cha không bằng
pha tiếng”, vì sao đụng đến giọng địa phương người ta lại nổi giận
đến như vậy? Vì giọng địa phương là “căn cước”, là “hồn cốt” của một cộng đồng.
Khi một giọng địa phương bị mất đi, không phải là chỉ mất đi một “biến
thể” của ngôn ngữ ấy, mà còn mất đi nền văn hóa địa phương, mất đi một
kho tàng giàu có của tộc người nói thứ tiếng ấy, mất đi một phần
kinh nghiệm của loài người thể hiện qua tiếng nói ấy. Điều cực kỳ quan
trọng nữa là mất đi những chứng cứ về sự thay đổi và biến hoá của
ngôn ngữ ấy.
Cũng như mọi thứ khác
trên đời, giọng Quảng Nam không rơi từ trên không xuống. Nó cũng không phải là
kết quả của thuỷ thổ, khí trời, nguồn nước, và không phải là kết quả của “một cộng
đồng nào đó đã thay đổi tiếng nói của họ” (nghĩa là thay đổi hoàn toàn giọng
nói) như vài suy tư lãng mạn từ một nhận xét chung chung. Giọng Quảng Nam là kết
quả của một bản hợp tấu đẹp, tỉ mỉ, phức tạp, đầy bất ngờ, hùng tráng nhưng
cũng đầy khó khăn gian nan của những nhóm di dân Đại Việt đầu tiên từ Thanh Hoá
và Nghệ Tĩnh vào vùng đất Quảng Nam...”
P/s: Bà Andrea Hoa Pham
là người con đất Quảng, tốt nghiệp Tiến sĩ Ngôn ngữ học tại Đại học Toronto
(Canada), hiện là Phó Giáo sư, Tiến sĩ tại Khoa Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa,
Viện Đại học Florida (Hoa Kỳ). Trước đây, PGS.TS Andrea Hoa Pham đã có nhiều
công trình nghiên cứu ngôn ngữ học bằng tiếng Anh liên quan đến đề tài giọng Quảng
Nam và phương ngữ tiếng Việt, được xuất bản tại Amsterdam (Hà Lan), New York
(Hoa Kỳ).
2. Status của tác giả
Andre Hoa Pham:
Nhân tiện xin thưa chung,
là tôi dùng fb để vui chơi với bạn bè, không phải là một diễn đàn khoa học. Tôi
sẽ không trả lời bất cứ một câu hỏi nào về cuốn sách. Còn những comments chất vấn
này nọ trên trang của tôi sẽ bị xóa và người viết sẽ bị block. Niềm tin là tự
do. Kiến thức cũng tự do thu nạp. Viết lách in sách báo khoa học cũng tự do,
nên quý vị tự viết sách của mình đi, thế nhé. Câu hỏi bộc lộ trình độ (và đôi
khi cả mục đích phía sau) nên cũng nên cân nhắc. Muốn hỏi gì tôi nghĩ trước hết
cần đọc toàn bộ cuốn sách đã.
Và như đã thưa, dù viết
"dễ hiểu" song một số chương tôi viết cốt cho sinh viên ngành Ngôn ngữ.
Nếu thắc mắc về những chương ấy thì xin học qua một số giáo trình cơ bản trước.
Mỗi học kỳ một giáo trình, theo tuần tự, như ở các trường Đại học Bắc Mỹ: Dẫn
luận Ngôn ngữ học (Introduction to linguistics), Dẫn luận Ngữ âm - Âm vị học
(Introduction to phonetics and phonology), Ngữ âm học (Phonetics), Âm vị học
(Phonology), sau đó là Âm vị và Ngữ âm học nâng cao bậc 1 (Advanced phonetics
and phonology I), Âm vị và Ngữ âm học nâng cao bậc 2 (Advanced phonetics and
phonology II). Viết một hai bài ở mức báo cáo khoa học để hiểu cách giải quyết
một vấn đề về ngôn ngữ là như thế nào đã. Chú thích thêm là các bạn sinh viên
cũng không ngại lắm đâu, vì lần tái bản tới (tái bản có bổ sung) sẽ kèm theo một
chương hướng dẫn cách dùng sách như một trong những giáo trình Ngữ âm - Âm vị học…
3. Status của GS.TS Nguyễn
Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
– đồng diễn giả trong buổi giới thiệu tập sách trên:
Quảng Nam hay cãi - cãi
luôn chuyện giọng Quảng Nam từ đâu ra?
Người Quảng Nam rất đặc
biệt (thông minh, gan góc, thật thà, nghĩa khí, thích cãi...). Giọng Quảng Nam
cũng rất đặc biệt, hồi nhỏ sống ở Đà Nẵng, tui hay nghe câu đùa "Eng không
eng téc đèng đi ngủ, chớ coá kèng nhèng choá kéng nheng reng" (dịch ra tiếng
phổ thông: Ăn không ăn tắt đèn đi ngủ chớ có cằn nhằn chó cắn nhăn răng) - quá
nửa đời người vẫn nhớ . Vấn đề là giọng Quảng Nam từ đâu ra?
Hồ Trung Tú, trong cuốn
"Có 500 năm như thế" đã thiên về giả thuyết của Trần Quốc Vượng, tác
giả viết: "Chúng tôi lần đầu nghe giáo sư Trần Quốc Vượng giảng ở trường đại
học rằng là: “Đó chính là giọng của các bà mẹ Chàm nói tiếng Việt! Các mẹ Chàm
có chồng Việt phải nói tiếng Việt bằng cái giọng lơ lớ của mình. Cái giọng ấy
đã truyền lại cho con cái để thành nên giọng Quảng hôm nay!”. Những cảm nhận ban đầu là “rất có lý” ấy đã
khai mở cho chúng tôi hướng tiếp cận và quyết định thử tìm cứ liệu để chứng
minh điều “rất có lý” này" (giả thuyết A).
Nhưng Andrea Hoa Pham lại
chọn cách giải thích khác, trong cuốn sách đang rất hot hiện nay “Nguồn gốc và
sự hình thành giọng Quảng Nam" – sách chưa ra mắt đã bán...hết, Nxb Đà Nẵng
đang lên kế hoạch in lại), tác giả thiên về giả thuyết: một số di dân từ Thanh
Hoá và Nghệ Tĩnh đã mang đặc điểm thổ ngữ của quê hương vào xứ Quảng, hình
thành nên giọng Quảng Nam như chúng ta thấy hiện nay (giả thuyết B).
Vấn đề đối với giả thuyết
A: cần có bằng chứng cụ thể, thấy được, kiểm tra được, chứ không thể dừng lại ở
một suy đoán, dù nghe rất có lí.
Vấn đề đối với giả thuyết
B: cư dân Thanh Hoá và Nghệ Tĩnh đi vào Đàng Trong rất nhiều, đi nhiều đợt, sao
những đặc điểm của giọng Quảng chỉ thấy ở Quảng Nam, không thấy ở những nơi
khác? (hãy đọc tập sách trên).
4. Status của ông Hồ
Trung Tú – nhà văn, nhà báo người Quảng Nam, tác giả sách “Có 500 năm như thế”:
Để đưa ra một nhận định rằng
dấu vết Champa trong tâm hồn người Quảng Nam là sâu đậm tôi đã phải dùng đến
nhiều công cụ nghiên cứu như lịch sử, văn hóa dân gian, dân ca, y phục, dân số,
người Chàm ở lại, gia phả, ngôn ngữ... Ngay trong ngôn ngữ cũng khảo sát từ lịch
sử ngôn ngữ đến phương ngữ, thanh điệu, ngữ điệu, vốn từ của người Quảng... Nói
chung là nhiều để dè dặt nhận ra những gì trong tâm hồn mình nổi trội hoặc chìm
khuất hơn. Thế mà nay có người chỉ dựa vào một hiện tượng âm “a” thành âm “oa”
(ví dụ: ba - boa) rồi kết luận người Quảng Nam có gốc Thanh Nghệ - thế là được
ngợi ca rần rần và bảo cách tiếp cận của Hồ Trung Tú là sai.
Hãy công bằng chút đi.
Ngay hiện tượng “a-oa” đó
sao không nghĩ người Chàm nói tiếng Việt là do học tiếng Việt từ người Thanh
Nghệ mà lại kết luận Quảng Nam có gốc Thanh Nghệ một cách vội vàng vậy ? Rồi
còn ngữ điệu, thanh điệu của hai phương ngữ vứt đi đâu? Nghiên cứu khoa học gì
kỳ vậy?
Ảnh dưới là nhóm dân chài
ở Đà Nẵng băm 1906, theo con dấu bưu điện. Chúng ta nhận ra những chiếc quần thắt
lưng đánh nải chứ không có dây rút, dấu vết của chiếc sà rông người Chàm xưa.
Một số hình ảnh trong buổi ra mắt tập sách nói trên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét