8/7/22

2.439. ĐIÊU KHẮC CỦA ĐÀM ĐĂNG LẠI

Đàm Đăng Lại: sinh 1973, quê Phú Thọ, tốt nghiệp ĐH Nghệ thuật Huế 2000, hiện đang làm việc tại Việt Nam và Nhật Bản. 

Từ ngày 2/7/2022 đến 20/7/2022, tại Bảo tàng Mỹ Thuật Tp ĐN có triển lãm các tác phẩm mỹ thuật của anh. 

Bài viết dưới đây copy từ trang fb Lý Đợi.

***     

 “Triển lãm điêu khắc Đàm Đăng Lại” (*) tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, từ ngày 2/7 đến 20/7.



Về văn hoá - nghệ thuật tại Đà Nẵng trong tháng 7/2022, có ít nhất 2 sự kiện thú vị. 

Thú vị, vì với bối cảnh-mặt bằng của điêu khắc tại miền Trung - Tây Nguyên, cũng như các hoạt động điêu khắc tại Đà Nẵng, đây là triển lãm khá lạ và mới.

Hẳn nhiên sẽ có nhiều người hỏi ri mà là điêu khắc ư?

Vì hỏi cũng sẽ là trả lời, hoặc nỗ lực tìm câu trả lời, để cuối cùng sẽ đưa ra một câu hỏi khác. Ít nhất cũng là: Tại sao ri mà không là điêu khắc được?

Với màu sắc của vẻ ngoài có chút phảng phất không khí cây nêu Tây Nguyên và lễ hội cá chép Nhật, Đàm Đăng Lại dịch chuyển thị giác ra khỏi các ấn định màu quen thuộc của/cho điêu khắc Việt Nam!

Mà không chỉ có thị giác, việc khoác lên màu sắc sặc sỡ cũng là cách đánh lừa rằng các tác phẩm này đơn giản. Chứ thực ra nó cực kỳ phức tạp và nặng nhọc.

Đúc và mài inox là một khía cạnh cho thấy độ khó cao của các tác phẩm. Lại còn phối kết hợp với các vật liệu khác.

Về tạo hình và dựng không gian, Đàm Đăng Lại cũng giấu chất hàn lâm, học thuật vào vẻ ngoài thơ ngây, vui tươi đó. Chính điều này dễ làm nhiều người nghĩ rằng như ri thì có chi mà không làm được.

Trong khi, để đi đến chỗ dễ dàng và đơn giản, phải trải qua hành trình phức tạp, rắc rối.




Chất thơ, chất trữ tình dân gian cũng là một nét rất lôi cuốn. Nó như trả lại cho đời sống chút trang sức, chút sắc màu… mà sự lạnh lùng công nghiệp, kỹ nghệ đang/đã lấn lướt lâu nay.

Có tác phẩm như một hạt mầm đâm chồi, mọc rễ; có tác phẩm như cái nhuỵ phơi phấn hương trong nắng; có tác phẩm như làn gió mát; có tác phẩm như lời tạm biệt tình nhân… Dùng gỗ, inox, đá, đồng… để diễn dạt những cấu tứ trữ tình và cả trừu tượng một cách mượt mà như Đàm Đăng Lại, quả là không dễ dàng chút nào.

Và cuối cùng, thật ghen tị với dân Đà Nẵng, khi họ đã có được một triển lãm điêu khắc mà không phải nơi nào ở Việt Nam cũng may mắn có được.

Không xem quả là uổng phí.


* Nguồn: Bài viết và nhiều hình ảnh lấy từ facebook Ly Doi (Lý Đợi – một nghệ sĩ đa tài, quê quán Điện Bàn, Quảng Nam – hiện sống và hoạt động nghệ thuật tại Tp HCM).

--------------------------

Vài bình luận dưới bài đăng:

Mai Thanh Sơn: Ly Doi à, mình không hiểu nhiều về điêu khắc, nhưng với những gì mình biết, chắc chắn Quảng Đà là một thế lực rất đáng nể trong lĩnh vực này. Phạm Văn Hạng, Lê Công Thành... đều là những cái tên gợi nên liên tưởng về sự trường tồn. Và sẽ còn nữa.

Hien Thi Le: Cảm ơn bài viết. Thật mừng khi có người viết cảm nhận về công việc và tác phẩm của nghệ sỹ một cách thấu đáo và chia sẻ rất giản dị.

Vũ Thuỳ Mai: Ấn tượng quá ạ.

Hạng Phạm Văn: Ly Doi - thưa rằng chìm nổi mông lung/ miệng đời ai cũng a dua một thời ..men trưa.

Mộc Nhân Lê Đức Thịnh: Xem Triển lãm của Đàm Đăng Lại và thấy nó nằm ngoài khả năng hiểu biết về thẩm mỹ, ngôn ngữ hội họa, điêu khắc của cá nhân. Các hình khối lạ phối hợp với nhiều chất liệu (gỗ, inox, đá, giấy, cành cây, màu acrylic, sơn màu…) trong tác phẩm gợi nhiều liên tưởng cho người xem về thế giới tự nhiên và con người. Đặc biệt là khối màu sắc bắt mắt mang đậm chất tây nguyên tạo ấn tượng khó diễn tả. Nương theo những cái tên tác phẩm như: Gió và Màu, Gió, Mặt Trời, Anh Đi Em Nhé, Nổ Màu, Mặt Trời Sáng Chói, Rễ Màu… người xem ngoại đạo có thể tương tác với các ý tưởng của tác giả trong sở tri hạn hẹp của mình. Dầu sao, đây cũng là một triển lãm lạ và biết đâu nó có thể tạo ra một hiệu ứng văn hóa (Effect of Culture) nào đó trong sáng tạo của người nghệ sĩ.








Không có nhận xét nào: