21/7/22

2.454. VĂN HÓA LÀM NGƯỜI

   Mọi thứ văn hóa trên đời nhằm phục vụ cho cuộc sống văn hóa. Thứ văn hóa nào không nhằm phục vụ cho cuộc sống văn hóa là phi nhân bản.


Càng ngày càng xuất hiện nhiều loại hình văn hóa mới: văn hóa giao tiếp, văn hóa ẩm thực, văn hóa đọc… Văn hóa sống ít ai đề cập đến và càng ngày càng bị phai nhạt trong những mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân và giữa cá nhân với cộng đồng. Bao lâu trong mỗi cá nhân không lập được quân bình trong nội tâm, và sự quân bình cho các mối quan hệ xã hội thì bấy lâu cuộc sống văn hóa sẽ bị mai một.

Có nhiều cách định nghĩa về lẽ sống ở đời như: sống là tranh đấu, sống là chiến đấu, sống là hưởng thụ… Tất cả những định nghĩa về cuộc sống có thể đúng nhưng không đủ. Văn hóa sống và sống văn hóa không theo một định nghĩa nào nhất định, cũng không rập khuôn theo một học thuyết cứng nhắc nào cả. Nói một cách đơn giản sống là sống với. Trong cuộc "sống với", mỗi cá nhân cần phải tỉnh thức trong từng giây phút hiện tại, phải biết mình đang ở đâu và mình đang là ai. Sống mà không biết mình là ai và mình đang ở đâu là hiện tương vong thân trong cuộc sống. Vong thân là hiện tượng đánh mất chân nhân của mình.

Trong tâm lý học có đề cập tới ba loại mặc cảm phức tạp: mặc cảm tự  thấy mình cao hơn người, mặc cảm tự thấy mình thua kém người  và mặc cảm thứ ba là tự  thấy mình luôn  bằng người trong mọi tình huống.

Gọi là mặc cảm vì nó mang tính chất phức tạp, không thật như những gì mình có. Mình là mình. Mình không thể đặt mình trong sự so sánh với người khác. Bởi vì mỗi một con người đều có một hoàn cảnh, điều kiện riêng, một nghiệp quả riêng. Khi bị đắm chìm một trong ba loại mặc cảm ấy thì hiển nhiên sẽ bị vong thân.

Nhiều khi vì quá tự ti đâm ra tự tôn và ngược lại. Có nhiều người vì quá tự ti cho mình là thua kém nên cũng thường đi kết thân với người thua kém khác để được tung hô. Đó là những loại tâm lý phức tạp mà những người thiếu tỉnh thức thường hay mắc phải.

Ngày xưa, đức Khổng Tử dạy học trò bằng Kinh Thi, Kinh Nhạc, Kinh Lễ. Ngài cho rằng: "Hưng ư Thi, hòa ư Nhạc, thành ư Lễ". Có nghĩa là muốn làm cho lòng người hưng phấn phải nhờ thơ ca; muốn cho có sự hòa hợp phải nhờ âm nhạc; muốn có sự thành tâm thành ý thì phải nhờ lễ nghi. Trong văn hóa sống điều quan trọng nhất là chữ lễ. Giữ lễ là cách thể hiện sự thành tâm thành ý. Nếu không thành tâm thành ý là lễ nghi hình thức giả dối. Trên thực tế có những cái bắt tay siết chặt thân tình, có những cái bắt tay hờ hững chiếu lệ. Chữ lễ hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa. Người không biết giữ lễ là người thiếu văn hóa cho dù người đó có địa vị cao hay học thức cao. Ngày xưa  khách đến, chủ nhà mặc quần áo chỉnh tề ra tiếp khách. Ngày nay người ta vin vào sư thoải mái, xuề xòa để tiếp khách với quần cụt áo lót. Trong cuộc sống ta có thể thiếu thốn nhiều tiện nghi vật chất song không thể thiếu lễ trong từng giờ từng phút.

Nếu sống có nghĩa là sống với thì văn hóa sống chính là văn hóa làm người. Mọi thứ văn hóa khác đều chỉ phục vụ cho Văn hóa làm Người. Muốn trở thành con người đích thực cần phải học tám chữ: Hiếu, Để, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sĩ. Hiếu là hiếu với cha mẹ ông bà tổ tiên. Để là thuận thảo với anh chị em trong gia đình. Trung là trung thành với tổ quốc, với lý tưởng. Tín là giữ sự tin cậy với mọi người. Lễ là giữ đúng cung cách ứng xử tùy theo vai vế địa vị, nghĩa là giải quyết tốt các mối quan hệ cộng đồng. Liêm là trong sạch không tham lam của công. Sĩ là biết tự biết  xấu hổ khi mắc lỗi.

Trong tiến trình học làm người không có điểm dừng, cũng không có bằng tốt nghiệp. Có thể sống cả đời người cũng chưa học xong bài học làm người. Làm chính khách, làm doanh nhân, làm thầy giáo… trước hết phải làm người. Đạo sư Tĩnh Vân có một người đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học liền theo học thạc sĩ, rồi lại học tiến sĩ. Sau nhiều năm đèn sách cuối cùng anh cũng hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng vui mừng. Một hôm người đệ tử nầy trở về thưa với đạo sư: "Thưa thầy con có học vị tiến sĩ rồi, sau này con sẽ phải học những gì nữa?" Đạo sư trả lời: "Học làm người, học làm người là phải học suốt đời, chẳng thể nào tốt nghiệp được".

Tóm lại , mọi thứ văn hóa trên đời đều nhằm phục vụ cho cuộc sống có văn hóa. Văn hóa học làm người là một thứ văn hóa phục vụ tích cực nhất cho đời sống văn hóa.

Nguồn: Phạm Đạt Nhân

Không có nhận xét nào: