Có bao giờ các bạn luyện tập thiền định, ngồi im một chỗ, nhắm mắt lại và cảm thấy thoải mái về việc này? Hay một chuyện khác đơn giản rằng trong những ngày cách ly xã hội, bạn chỉ ở nhà và thấy việc không tụ tập bạn bè, không nói chuyện nhiều như trước không hề làm bạn thấy khó chịu?
Không có mạng xã hội, bạn
vẫn sống vô tư? Không có TV, âm nhạc hay các chương trình giải trí, bạn vẫn
không hề cảm thấy cuộc đời nhàm chán? Trong các cuộc đối thoại, bạn không cần
phải tranh cãi với người khác? Thậm chí, khi gặp khó khăn nghịch cảnh trong đời,
bạn cũng chẳng kêu than lấy một lời, dù chỉ trong suy nghĩ? Có bao giờ bạn làm
được như vậy hay tập để làm được như vậy? Đừng hỏi rằng “tại sao tôi nên làm thế?”.
Câu trả lời mình đã vừa nói ở trên cả rồi. Đó là khi tĩnh lặng, bạn hoàn toàn
bình an cho dù bất kể chuyện gì đang diễn ra, bạn thoát khỏi lực hấp dẫn của sự
khổ.
Trước kia, mình chưa bao
giờ biết bình an là gì và làm sao để tĩnh lặng. Tất cả những gì mình làm là chạy
theo cái guồng xoáy của tâm trí, phản ứng bừa bãi với mọi rung động xung quanh
chẳng khác gì một con rối. Nấu cái gì đó ăn đi. Mở loa đài lên đi. Ra ngồi phơi
nắng đi. Chụp ảnh hoa đi. Nhảy nhót đi. Đánh răng rửa mặt đi. Lao động kiếm tiền
đi. Vào facebook đăng ảnh cho vui đi. Tranh luận với mấy người kia đi. Suy nghĩ
về God đi. Ngoái đầu lại nghe xem ai đang cãi nhau ở đằng kia đi….
Mình đã sống theo vô hạn
những câu lệnh đó từ ngày này qua ngày khác mà không hề có một lần nào dừng lại
để đánh giá rằng câu lệnh đó từ đâu phát ra và nó có cần thiết phải thực hiện
theo không. Không chỉ có mình, mà đa số con người không thể vươn lên khỏi những
câu lệnh tương tự trong tâm trí mà lựa chọn một lối sống có ích cho riêng bản
thân mình, để thường xuyên được ngơi nghỉ trong sự thinh lặng và thư thái.
Mình đã chứng kiến không
ít người kêu than rằng họ không thể ngồi thiền nổi vì tâm trí suy nghĩ đủ thứ
như thác đổ. Rồi họ lấy đó làm lý do để không thiền nữa, trong khi, họ vẫn đi
tìm những người có thể gỡ rối cho chuyện tình cảm, nhà cửa và công việc của
mình như thể những chuyện này chẳng hề liên quan gì đến việc họ có luyện tập
tĩnh lặng hay không. Tình huống này cũng giống như một người được nhìn thấy sự
dao động dữ dội của chính mình và phẩy tay bảo rằng “thôi, tôi cứ tiếp tục ồn
ào như vậy cũng chẳng sao, tôi quen rồi, giờ thì hãy nói cho tôi cách để không
giận dữ với người hàng xóm đi!”
Đúng vậy, chúng ta đã
quen thuộc với những thứ ồn ào, quen với một tần số dao động mạnh và đầy kích
thích rồi. Sự tĩnh lặng làm những tần số đó bị nôn ra và rất ít người chịu đựng
được cú nôn ấy mà tiếp tục nạp sự tĩnh tại vào bên trong tâm hồn. Chúng ta
thích được nói chuyện ồn ào, được suy nghĩ vô độ về đủ thứ chẳng cần thiết trên
đời, thích được làm chuyện này chuyện kia, thích được thể hiện. “Tôi đây, chính
là tôi đây, cả thế giới này nhìn thấy tôi chưa, tôi vừa nhặt được một cục sỏi
đây, tôi siêu chưa, hãy nhìn đây!” Nhưng bạn biết thế giới nhìn thấy gì từ bạn
không? Một sự phóng đãng.
Từ xưa tới nay, tất cả những
bậc Thánh trong lịch sử chẳng bao giờ nói về chuyện làm sao để trở nên giàu có
sau 7 ngày hay chuyện làm thế nào xây được một tập đoàn khổng lồ. Tất cả họ đều
nói về một điều quan trọng nhất mà một người nên đạt tới là tĩnh lặng tâm trí.
Họ có tầm ảnh hưởng và trở nên vĩ đại vì tầng thực tại mà họ đứng là tầng cao cấp
hơn tầng của con người. Ở đó, họ nhìn thấy tâm trí, và gọi nó dưới nhiều cái
tên như maya, Sa-tan, bể khổ, giấc mơ, bộ phim, con ngựa hoang, con khỉ đu
cành, người chủ tồi, bản ngã, cái tôi giả, v.v… Và việc họ làm là khai sáng cho
những người còn sống ở tầng đó về cái nhà tù mà họ đang phải chịu đựng, để từ
đó con người chúng ta có thể trỗi lên các tầng cao hơn như họ.
Nhưng cái khó là khi còn
sống đồng hóa với tâm trí, bạn trở thành hiện thân của sự ồn ào và đau khổ. Bạn
không muốn nghe, không có đủ khả năng lắng nghe. Bạn muốn đi làm kiếm tiền như
cách bạn vẫn đi, muốn cãi cọ sân si như cách bạn vẫn cãi, muốn khóc lóc khổ sở
như cách bạn vẫn khóc, muốn suy nghĩ như cách bạn vẫn thường nghĩ, nhưng tuyệt
nhiên, bạn không bao giờ muốn im lặng. Vì trong nơi tận cùng, tâm trí biết rằng,
nếu bạn bắt đầu im lặng, nó sẽ chết, những thói phóng đãng bừa bãi mà nó vẫn
xúi bẩy bạn làm sẽ đến hồi tận diệt. Trong khi, bạn thì lại thích làm những
chuyện đó hơn là lột xác để trở nên điềm tĩnh, vì những chuyện ồn ào thì dễ thực
hiện hơn, nó quen thuộc hơn, gần gũi hơn, đã được bạn thực hành hàng chục năm
nay rồi. Nên bạn không chịu nghe và tìm mọi cách từ chối sự lắng nghe, chỉ để bảo
toàn cái quán tính của chính mình.
Theo ý kiến cá nhân của
mình, với những ai thật sự khao khát sự giác ngộ thì nên chấp nhận ý tưởng rằng
cách để đi ra khỏi sự đồng hóa với khổ đau, đó là bạn đồng hóa bản thân mình với
một thứ mang bản chất khác biệt với khổ đau, đó là tĩnh lặng. Càng im lặng bao
nhiêu, bạn càng bám sâu vào tầng thực tại nằm ngoài tâm trí bấy nhiêu, bạn càng
hòa nhập với trực giác và tâm hồn bấy nhiêu. Không phải việc đọc hàng ngàn cuốn
sách về Đạo, tranh luận ngày đêm với bạn đồng tu, hay nói đủ thứ về Thượng Đế sẽ
khiến bạn giác ngộ, mà là thực hành tĩnh lặng. Tất cả chỉ có vậy. Mọi học thuyết
rườm rà sẽ chỉ càng làm tâm trí được gia cố tứ bề. Trong khi sự tĩnh lặng thì
bào mòn tâm trí như nước sông bào mòn đá sỏi không hề thương tiếc.
Trước kia, mình rất khó
ngồi yên được một chỗ, là một người rất hiếu động, tinh nghịch và bướng bỉnh.
Mình hay có cảm giác bồn chồn, buồn tay buồn chân muốn làm một cái gì đó cho đỡ
chán. Buổi sáng khi đạp xe ra công viên, mình thường bị thu hút bởi những bông
hoa rung rinh, bởi những giọt sương lấp lánh, bởi bầu trời cao vút xanh thẳm rồi
rút điện thoại ra chụp ảnh. Đang đạp xe mà thấy cảnh đẹp mình cũng dừng lại để
chụp ảnh. Nhưng kể từ ngày mình nếm trải sự tĩnh lặng tự thân, mình chỉ muốn ở
trong đó mãi và cứ ở đó càng lâu càng tốt. Mình nhận thấy rằng việc chụp ảnh
không quan trọng bằng việc thẩm thấu bản chất bình an này. Mỗi lần tâm trí theo
quán tính cũ kích thích lên bởi một điều gì đó, mình lại so sánh bản chất của
nó mang tới với trạng thái bình an này. Và lần nào mình cũng thấy rằng nó không
quan trọng hơn, và phần lớn các suy nghĩ thì không đủ sức cuốn hút để phải làm
theo.
Tại sao con người thường
có xu hướng nỗ lực vươn ra tới bình an, tới tĩnh lặng, và tới God? Vì chúng ta
đã được lập trình góc nhìn và thói quen để tin rằng bình an là thứ nằm ngoài
chúng ta, God cũng là ai đó tách biệt với chúng ta đang đi ngao du ở các tầng
thiên đàng mà tạm thời ta không thấy, còn tĩnh lặng thì không phải là thứ tự
thân có thể tỏa ra được. Chúng ta đã sống với một niềm tin rằng phải chạy đua để
đạt được các phần thưởng, là điểm số cao ở trường lớp, là khoản lương cuối
tháng, là sự chú ý của bàn dân thiên hạ, là chức vụ cao cấp trong công ty, v.v…
Từ nhỏ cho đến lớn, ta được dạy để vươn ra, để gồng lên, để chiến đấu, để cạnh
tranh và để sở hữu nhiều hơn. Điều này đã khiến cho sự chống cự, nỗ lực, căng
thẳng, vội vàng và bức bách trở thành “bản chất” mới của chúng ta, là thứ được
khen thưởng, còn sự im lặng lại được nhìn như một sự trừng phạt. Trạng thái ồn
ào này kéo dài đủ lâu và ở đủ người để chúng ta tin rằng nó là bình thường, là
hiển nhiên, là lẽ phải. Nhưng không. Nó là sự giả dối, là liều thuốc gây mê, và
cần được chấm dứt càng sớm càng tốt. Vì bản chất thực của chúng ta, của mọi con
người, động vật, chim chóc, cây cối, thậm chí đá sỏi là bình an, là tĩnh lặng tự
nhiên, là thư thái và hài lòng không cần điều kiện. Và điều này chỉ có thể được
nhận ra khi một người bất đầu đảo ngược chiều chú ý của họ vào bên trong tâm hồn
và thoát ly khỏi mọi vật chất ồn ào, bao gồm cả những suy nghĩ. Sự thực hành
quyết liệt và miên mật là điều cần thiết cho sự khai sáng về bản chất của thế
giới và của chính người ấy.
“Hạnh phúc là bản chất tự
nhiên của bạn. Không có gì sai khi mong cầu hạnh phúc. Điều sai là đi kiếm tìm ở
bên ngoài trong khi nó ở bên trong ta.” — Ramana Maharshi.
Vậy nên tóm lại, bạn hãy
luyện tập sống trong thinh lặng, tập quan sát cách làm việc của tâm trí, xu hướng
của nó và giới hạn của nó. Bạn sẽ thấy rằng sự tĩnh lặng tuyệt đối là điều có
thể xảy ra và nên được xảy ra nhất trong cuộc đời, không phải cho ai mà cho
chính sự tồn tại hạnh phúc của bạn. Không giống như các thành tựu của thế gian,
là tiền bạc, nhà cửa, danh tiếng, địa vị, một khi sự tĩnh lặng thuần khiết đã
hiển lộ, nó sẽ không bao giờ bị phai tàn.
Nguồn: Suyngam-Vũ Thanh Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét