6/5/24

3.134. CHỦ NHẬT BUỒN - Bản tình ca huyền thoại

  


Rất nhiều người Việt đã quen thuộc với giai điệu của ca khúc "Chủ nhật buồn", được nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt. Nguyên gốc đó là một bài hát Hungary có tựa “Szomorú vasárnap” (nhạc của Seress Rezső, lời thơ của Jávor László), ra đời vào giữa thập niên 1930s tại Budapest. Phiên bản tiếng Anh có tựa “Gloomy Sunday”, phiên bản tiếng Pháp “Sombre Dimanche”, ngoài ra còn có hàng trăm phiên bản với nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Đây là một ca khúc được liệt vào hàng bất tử trong lịch sử âm nhạc thế giới. Nó từng được mệnh danh là “Ca khúc chết người”, “Quốc ca của những kẻ tự tử”, “Tình khúc buồn nhất của thế kỷ XX”… Một trong những ca sĩ được cho là đã thể hiện hay nhất bài hát này là nữ danh ca người Mỹ da đen Billie Holliday, mà cách thể hiện đầy cảm xúc, đã khiến cho bài hát của cô bị cấm tại Anh Quốc vào năm 1941 vì bị cho là làm nản lòng người nghe vào lúc nước này cần động viên tinh thần dân chúng để chống Phát xít Đức.

Phần lời của bài hát gốc xuất xứ từ một bài thơ tình của Jávor László, khi đó 26 tuổi, phóng viên một tờ báo ở Budapest. Tác giả chia tay với người yêu để nàng đi lấy chồng, ông tuyên bố chấm dứt hoàn toàn các mối quan hệ với cô và xem như cô không còn tồn tại nữa. Bài thơ như một kỷ niệm cho mối tình đã chết, đầy tang tóc với câu mở đầu: “Chủ nhật buồn với muôn cành hoa trắng - Anh chờ em với lời kinh cầu”, để rồi khi mối tình không còn và ngày chủ nhật đối với anh chỉ còn là nước mắt và nỗi âu sầu.


CHỦ NHẬT BUỒN

Phiên bản lời Việt, Phạm Duy

Khánh Ly trình bày



Tác giả phổ nhạc là Seress Rezső, một nhạc sĩ tự học, lúc này còn chưa biết nhạc lý và ký âm nên khi phổ nhạc cho bài thơ này, ông đã phải huýt sáo để một thanh niên biết nhạc lý ghi âm lại.

Sau khi bài hát phổ biến theo kiểu truyền miệng và bản in giấy, một hôm báo chí Hungary loan tin trong vòng 2 tuần liền, đã có hai người tự sát bên bản nhạc “Chủ nhật buồn”. Báo chí bắt đầu phê phán ca khúc và gọi nó là “bài ca giết người”. Các báo Châu Âu khác cũng bắt đầu viết về “Chủ nhật buồn”, có khen có chê, và truyền thông quốc tế bắt đầu gọi ca khúc là “Quốc ca của những kẻ tự tử”. Từ Châu Âu lan sang Bắc Mỹ, tờ New York Times còn loan tin tại Budapest, đã có một làn sóng người nhảy xuống dòng Danube tự tử khi nghe bài hát. Tất nhiên, đây chỉ là một trong những “huyền thoại đô thị” (dạng loan tin) nhưng điều đáng chú ý là nó mở ra cơn sốt “Chủ nhật buồn”. Chỉ khi một nhà sản xuất âm nhạc người Pháp cho thu âm bản nhạc phát hành dưới dạng đĩa đơn, lúc đó cả thế giới mới biết đến Seress, người nhạc sĩ sáng tác và được nghe trực tiếp ca khúc này.

“Chủ nhật buồn” bắt đầu chinh phục thế giới như vậy. Cả châu Âu có mode nghe bài hát này, đau buồn tập thể, dẫn đến tự sát! Tác giả bài thơ Jávor bỗng nổi tiếng và nói về điều này: “Giờ, người ta nghĩ đến tôi như kẻ đào mồ với chiếc xẻng trong tay”.

Người ta nói nhiều đến ma lực vô cùng đặc biệt của bài hát như một hội chứng cuồng tầm cỡ thế giới, đã diễn ra tại Hungary và các nước Châu Âu. Tuy nhiên khi lý giải điều này, các nhà nghiên cứu luôn đăt nó vào bối cảnh nhân loại đang đứng trước hai cuộc Thế chiến và khủng hoảng kinh tế phần nào đã tác động đến tâm lý con người.

Sự nổi tiếng của bài hát đã kéo theo tên tuổi Seress Rezső, nhạc sĩ nghiệp dư không biết nhạc lý, không biết đọc nhạc, không biết ký âm, không biết hát… được thế giới biết đến và người ta nói về ông bằng cụm từ “Không phải nhạc sĩ mà là thiên tài”. Ông sáng tác bằng cách vừa hình dung giai điệu, vừa huýt sáo, và khi thấy “hợp lý” thì nhờ người ghi lại thành bản nhạc. Seress là tác giả của ít nhất 40 ca khúc mà nhiều người Hungary cho rằng có thể còn hay hơn “Chủ nhật buồn”.

Dẫu vậy, cả đời ông nhận khoản thù lao đủ sống. Cho dù ông có rất nhiều tiền tác quyền trong các ngân hàng ngoại quốc, nhưng Seress không bao giờ được nhận vì sau Ðệ nhị Thế chiến, Hungary là phe thua cuộc và mọi khoản tiền của chính phủ và người dân Hungary bị “đóng băng” tại các ngân hàng quốc tế để nước Hung phải bồi thường thiệt hại chiến tranh cho phe Đồng minh. Những năm tháng sau chiến tranh, dưới thời Cộng sản, cái tên Seress Rezső cũng bị đưa vào danh mục cấm vì chính quyền cho rằng các sáng tác của ông mang yếu tố độc hại, hơn nữa, theo cách nói thời bấy giờ, chúng “phục vụ cho chủ nghĩa đế quốc”.

Lúc sáu mươi chín tuổi, tháng 1-1968, khi biết mình lâm trọng bệnh, Seress đã tìm đến cái chết vào một ngày thứ Hai buồn bã bằng cách nhảy từ cửa sổ căn hộ ông sống, tại tầng 4 một tòa nhà. Cả đời bị ám ảnh bởi cái chết, bài ca do ông phổ nhạc cũng là một “tình ca chết chóc”, vậy mà chính cái chết đã đưa Seress vào bất tử, như bản “Chủ nhật buồn” trước đó 35 năm.

***

GLOOMY SUNDAY

    Mộc Nhân, dịch từ phiên bản lời Anh


Chủ nhật buồn

Những giờ thao thức

Những bóng hình thân yêu

Tôi sống với vô vàn bông hoa trắng nhỏ

Không bao giờ lay thức em

 

Không có toa xe màu đen buồn nào tiễn em đi

Những Thiên thần không nghĩ đến việc trở về bên em

Liệu họ có tức giận không

Nếu tôi hướng đến em

 

Chủ nhật buồn, Chủ nhật buồn

Những hình bóng đã qua

Trái tim tôi và tôi quyết định kết thúc

Sẽ thắp nến và những lời cầu nguyện

 

Xin đừng khóc

Hãy cho người ta biết rằng tôi rất vui được chết

Mà không mộng mị nào

Vì trong cái chết tôi được vuốt ve em

Với hơi thở cuối cùng của tâm hồn

Tôi sẽ chúc phúc cho em

 

Chủ nhật buồn

Mơ, tôi chỉ mơ thôi

Tôi thức dậy và thấy em đang ngủ

Trong sâu thẳm trái tim tôi nơi đây

Em yêu, hy vọng rằng giấc mơ tôi chưa bao giờ ám ảnh em

Trái tim tôi đang nói với em

Tôi cần em biết bao

Chủ nhật buồn.

------------------

   * English Text Available here 

   * References:

      1. Wikipedia.en

      2. Wikipedia.vn

      3. Các báo mạng và các từ khóa liên quan trên internet. 



Không có nhận xét nào: