28/5/24

3.158. TẢN MẠN CHUYỆN ĐÀN BÀ

 Mộc Nhân

Nữ giới khác với nam giới dựa trên cơ sở sự phân biệt giới tính truyền thống, cơ bản và đặc trưng của loài người: "Nếu em chẳng phải đàn bà/ Thì anh cũng chẳng thể là đàn ông" (Thơ Mộc Nhân).


          Wikipedia đưa ra định nghĩa "nữ giới là một khái niệm chung để chỉ một người, một nhóm người hay toàn bộ những người trong xã hội mà một cách tự nhiên, mang những đặc điểm giới tính được xã hội thừa nhận về khả năng mang thai và sinh nở... Nhìn theo khía cạnh sinh học, nữ giới chỉ những người thuộc giống cái".

          Trong tiếng Việt khái niệm "nữ giới" được phân loại khá cụ thể theo đặc điểm sinh lí lứa tuổi và mỗi từ ngữ chỉ về người nữ mang theo đặc điểm và các sắc thái ý nghĩa khác nhau.

Có nhà địa lí lấy những miền đất trên thế giới để ví với các thời kì của nữ giới. Thời con gái được ví giống như miền đất Châu Phi - nửa hoang vu chưa khám phá, một nửa đang được các nhà thám hiểm phiêu lưu tìm tòi khảo sát (Tiểu thư con gái nhà ai/ Đi đâu đến nỗi mang tai bất kì? - Nguyễn Đình Chiểu). Lúc bước qua tuổi cài trâm họ được ví như miền đất Châu Á thâm trầm và huyền bí (Lỗi từ tấm tức xế chiều/ Hào quang phụ nữ diễm kiều mà ra/ Tại người đâu phải tại ta/ Tại người như thế thành ta điên rồ - Bùi Giáng ). Qua thời đàn bà (Rằng tôi chút phận đàn bà/ Ghen tuông thì cũng người ta thường tình - Nguyễn Du) họ như Châu Mỹ, đã được kỹ nghệ hóa hoàn toàn với một kỹ thuật tinh vi. Khi thành bà già họ giống như Châu Âu trải qua bao lần chiến tranh tàn phá mà vẫn cố giữ mình nhưng rồi đến lúc họ sẽ như Châu Bắc Cực, ai cũng không muốn đặt chân tới (Bà già đi chợ cầu Đông/ Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng... - Ca dao).

Xưng hô với người nữ có các từ: em, nàng, mụ, thị, bà, ả... thể hiện nhiều sắc thái khác nhau: trang trọng, suồng sả, thân mật, rỉa rói, miệt thị...

Tuy nhiên các hoạt động nữ quyền Châu Âu lại tuyên bố không tồn tại thứ nữ tính bản chất nào hết, nó chỉ là tấm áo bó buộc do nam giới khoác cho nữ giới mà thôi, rằng con người bẩm sinh là một tấm bảng trắng về giới tính, nhận dạng giới tính là thứ chúng ta sở hữu về từ cha mẹ và xã hội. Mẩu đối thoại vui sau đây lấy từ cuốn sách thể loại “Triết tếu” nhan đề "Platon và con thú mỏ vịt bước vàoquán bar" của Thomas Cathcart& Daniel Klein (bản tiếng Việt của Nhã Nam)  minh họa cho chủ thuyết ấy qua mẩu đối thoại ngắn: Hai chàng đồng tính đứng ở góc phố nhìn thấy một cô gái tóc vàng, eo thon, váy mỏng bó sát đi qua. Một chàng thốt lên "Ước gì mình là les (đồng tính nữ)!" 

***

Truyền thuyết kể rằng thưở khai thiên, vì thương Adam đơn côi, Thượng Đế bèn lấy một chiếc xương sườn của “đàn ông nông nổi giếng khơi” để làm ra một thứ “đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Nhưng Adam lại buồn vì người "phụ" ấy chưa "nữ" tí nào. Thế là Thượng Đế hiểu ý bèn lấy một chút kiêu sa của hoa hồng, một chút dịu dàng của nhành lan, một chút tinh khiết của cành huệ trắng đem trộn các chất đó với một chút tinh ranh của máu khỉ già, một chút độc ác của con rắn, một chút hung dữ của con sư tử nhồi vào người nữ. Và thế là Eva người phụ nữ đầu tiên với đúng nghĩa của nó xuất hiện bên người đàn ông. Về sau, đàn bà Eva bị con rắn quyến rũ xui ăn trái cấm trong vườn Địa đàng nên Thiên Chúa đã trừng phạt họ bằng mặc định: “chịu nhiều đau khổ lúc thai nghén, sẽ phải đau đớn khi sinh con, sẽ phải quỵ luỵ chồng mày và chồng mày sẽ làm chủ mày” (Theo Sách Sáng thế 3; 16).

          Vậy nên phụ nữ là thứ mà đàn ông không thể thiếu. Hay nói cách khác phụ nữ có mặt trên đời là vì đàn ông, cho đàn ông. Đàn ông có thể thiếu rượu cơm, thiếu áo, thiếu niềm tin lí tưởng, thiếu đam mê nhưng không thể thiếu phụ nữ. Phụ nữ là niềm đam mê của đàn ông ngoại trừ những đàn ông là thầy tu, bề trên, cha xứ... thứ thiệt.

Đàn ông tiếng là mạnh mẽ thế, cứng cỏi thế nhưng thiếu đàn bà là cô đơn, là không làm được việc gì ngoại trừ việc... ngồi thiền hoặc đi tu.

Có một số đàn ông khi thiếu đàn bà thì thành thi sĩ!

Có một số đàn ông khác khi thừa đàn bà thì thành... nhà thơ!

          Người Trung Hoa nói: “Giai nhân tự cổ như danh tướng”, người Nhật Bản nói: “Vắng đàn bà nhà hóa mồ côi” là để nói lên vai trò đặc biệt cuả đàn bà trong gia đình.

Ngoài ra phụ nữ còn có nhiệm vụ lưu truyền nòi giống nên họ sống vì giống loài nhiều hơn là vì bản thân. Từ đó tình cảm và công việc họ đảm trách mang tính giống loài nghiêm túc hơn so với những sự vụ mang tính cá nhân hay nói cách khác họ có chức năng phục vụ nhiều hơn: làm vợ, làm mẹ để phục vụ chồng, con và gia đình bên chồng. Ở Đức ngày xưa người ta cũng chỉ giao phó cho đàn bà ba nhiệm vụ - gọi là 3K - đó là: Kinder (con), Kuche (bếp) và Kirche (nhà thờ).

          Xã hội cũ phân chia phần, xếp ghế đâu đấy cho mỗi người, ai chấp nhận cái tôn ti trật tự ấy là sống yên ổn, không dằn vặt, trăn trở. Chỉ có những người đàn bà có học, có tài mới nhân thức được cái khổ của giới mình mà phải thốt lên khát vọng tháo cũi sổ lồng - thêm vào đó là sự chê bai nam giới: "Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu" (Hồ Xuân Hương).

***

            Nói đến phụ nữ là nói đến cái đẹp dù "Đẹp chẳng mài ra mà ăn được”. Trên thực tế sự  hướng tới những yếu tố hình thức dường như là một bản tính tự nhiên của muôn loài bất kể hoàn cảnh sống ra sao. Với phụ nữ, thẩm mỹ là một nhu cầu tự nhiên và đương nhiên, tùy từng mức độ, điều kiện, tôn giáo và triết lý sống.

          Có năm yếu tố để đánh giá cái đẹp toàn diện của phụ nữ: "nhất thanh, nhì diện, tam khẩu, tứ phong, ngũ dáng". Nghĩa là nghe giọng nói - biết được tâm tính; nhìn mặt thấy được nhân tính; nhìn miệng - cảm được hương tính; nhìn phong thái thấy được khí tính; xem dáng vẻ thấy được tập tính của họ.

Vậy nên khái niệm "Tứ đức" đối với phụ nữ dù xưa cũ nhưng vẫn còn nguyên giá trị: công (đẹp trong công việc), dung (đẹp hình thức), ngôn (đẹp trong lời ăn tiếng nói), hạnh (vẻ đẹp tâm hồn nhân cách). 

          Trong ngôn ngữ, có rất nhiều mỹ từ dùng để nói về cái đẹp của phụ nữ như “trầm ngư lạc nhạn”, "khuynh quốc khuynh thành", "mày ngài mắt phượng"...  chỉ dung nhan người đàn bà tuyệt sắc. Tuy nhiên cái đẹp của phụ nữ là nguồn cảm hứng thẩm mỹ thì đối cực với nó là cái xấu ma chê quỉ hờn cũng khiến bao người hao tốn giấy mực – nhân vật Thị Nở cuat Nam Cao chẳng hạn!

          Xem ra nhan sắc là điểm mạnh của đàn bà mà cũng là một thứ vũ khí có thể dễ dàng đánh gục đàn ông. Bởi vậy người đẹp xuất hiện là những đôi mắt của đàn ông bừng lên ham muốn, thèm khát và có thể dễ dàng xiêu đổ.

          Trong tam thập lục kế thì "mĩ nhân kế" là hiểm nhất. Đổng Trác hùng mạnh thế mà phải chết vì Điêu Thuyền; Từ Hải anh hùng mà phải chết đứng vì Thúy Kiều; Phù Sai quyền lực thế mà phải chết vì Tây Thi… Victo Huygo nhà văn lãng mạn nước Pháp hay ca ngợi phụ nữ và tình yêu mà có lúc cũng phải thốt lên rằng: “Ai cũng có thể tin, cái gì cũng có thể tin, trừ đàn bà”.

            Sức mạnh của đàn bà vừa là sức mạnh tuyệt vời của thiên thần lại có khi sức mạnh hiểm ác của quỷ dữ.  Trong mỗi người đàn bà có cả hai thứ đó.

            Khi đàn bà mà đã mang bản tính quĩ dữ rồi thì thật khó cảm hóa vì "non sông dễ đổi, bản tính khó dời". Từ xa xưa Khổng Tử đã cảnh báo “Duy nữ tử dữ tiểu nhân, vị nan dưỡng dã. Cận chi tắc bất tốn, viễn dữ tắc oán” (Theo sách Luận ngữ, thiên Dương Hoá) nghĩa là: đàn bà với tiểu nhân khó nuôi dạy lắm. Ở gần thì bọn họ khinh nhờn, ở xa thì họ oán.

Tuy nhiên lực hấp dẫn của đàn bà rất mạnh mẽ như thỏi nam châm hút các vụn sắt đàn ông dễ dàng. Cũng vì tính chất hai mặt này của đàn bà mà họ trở nên có sức hút mạnh mẽ hơn đối với đàn ông vì đàn ông thường thích mạo hiểm phiêu lưu, thích bị đàn bà "hút". Nếu không thèm khát đàn bà thì không phải là đàn ông nhưng nếu đánh mất sự nghiệp vì đàn bà thì cũng không phải là đàn ông!

Đàn ông thời xưa khỏe re vì có nhiều thứ như đạo đức, luân lí, pháp luật nhằm bảo vệ vị thế thượng tôn của họ. Còn đàn ông hiện đại thì đáng thương quá vì họ đứng trước nhiều thách thức cám dỗ từ đàn bà - nhất là đàn bà hiện đại - hiểu và phát huy được thế mạnh của mình: được bình đẳng thậm chí được bênh vực trước pháp luật nên hay "làm trời"; công nghệ hiện đại hỗ trợ làm đẹp khiến cho người đàn bà xấu trở nên đẹp, còn người nào đã đẹp lại ngày càng quyến rũ  hơn nên từ đó sinh ra "kiêu" mà lập ngôn rằng "không có người phụ nữ nào xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp"; thời trang khiến cho họ càng hấp dẫn bội phần nên từ đó họ sinh ra thói "chảnh""chảnh như con cá cảnh"; họ được quyền "cởi" khiến cho đàn ông không thể "cưỡng" lại những ma lực từ những show phô diễn sexy nóng bỏng mà sinh ra "khiêu"; và nhiều thứ quyền khác không thể nào kể xiết như quyền đòi hỏi, quyền mua sắm, quyền ghen, quyền làm nũng...

Nguyễn Du viết "Đau đớn thay phận đàn..." dường như không còn phù hợp nữa! Giới trẻ thay câu “Hồng nhan bạc phận” thành “Hồng nhan bạc triệu” cũng có cái lí của họ.

Tuy nhiên câu nói: "Dùng lửa để thử vàng, dùng vàng để thử đàn bà, dùng đàn bà để thử đàn ông" phải chăng là luôn còn nguyên giá trị.



Không có nhận xét nào: