Mộc Nhân
Ném đá là một hình
thức trừng phạt cổ xưa có từ thời cổ đại áp dụng cho tội đồ chịu hình phạt
tử hình. Theo đó một nhóm người ném đá vào một người cho đến chết khi
họ phạm vào trọng tội: theo tà đạo, ngoại tình…
Nhà thơ Allena có bài thơ “Người đàn bà 2000 năm trước” nói lên nỗi đau của người đàn bà chịu
tội ném đá vì yêu một người đàn ông đã có vợ:
Người đàn bà 2000 năm
trước
Giữa đám đông chịu nhục
tội tình
Tiếng hét la kêu gào
ném đá
Ngươì đàn bà đầu cúi xuống
lặng thinh
Không ai nhắc ngươì đàn
ông vắng mặt
Như chị bây giờ đối diện
đám đông
2000 năm sau ... đôi bờ
vai chịu đựng
Gánh nỗi riêng đau buốt
đến xé lòng
Hòn đá vô hình đua nhau
ném tới
Chị thấm đòn đau bầm
tím hồn câm
Vây chung quanh họ réo
to: Tội lỗi !
Những khuôn mặt đầy đạo
đức đăm đăm
Không aó chùng đen họ
làm thẩm phán
Kết tội ngươì yêu đến
dám dấn thân
2000 năm trước ...
ngươì đàn bà có khóc ?
Như chị bây giờ .. trên
chiếc ghế tội nhân
Nước mắt kia chắc không
là hối hận
Bởi yêu thương nào có tội
bao giờ
Chỉ thất vọng ... giữa
phiên toà dư luận
Vắng một người ... Dáng
chị đứng chơ vơ!
Ngày nay hình phạt ném đá theo nghĩa đen không còn trong xã hội văn minh hiện đại và cụm từ “ném đá” chuyển sang một ý nghĩa mới mang tính ẩn dụ: đó là cách dùng lời nói, bài viết để trừng phạt, chê bai, đả kích, châm biếm đối tượng nhằm tạo dư luận, hạ thấp uy thế của kẻ bị “ném đá”.
Có kiểu ném đá không dùng “đá”, không dùng ngôn ngữ mà
dùng những hành động khác cũng nhằm mục đích trên đó là kiểu “Ném đá giấu tay” - hành động làm điều xấu, điều
ác mà giấu mặt, cố tỏ ra không liên quan gì đến hậu quả mà mình đã gây ra.
Tuy nhiên nếu đối tượng bị “ném đá” là người có bản lĩnh thì dù bị ném kiểu gì đi nữa thì họ
cũng xem như “Ném đá ao bèo” –
có nghĩa là đâu rồi sẽ vào đấy, ai nói gì mặc kệ, mình không có gì sai trái nên
cũng chả sợ ai, hoặc dám vượt lên dư luận; ví như đá ném xuống ao bèo sẽ làm
bèo dạt ra một lúc rồi sau đó sẽ tụ lại như cũ.
Ném đá cũng có thể là hành động đùa chơi, chọc ghẹo
nhưng cũng có khi gây “u đầu mẻ trán”
bởi “Hòn đá ném đi, hòn chì ném lại”
- anh ném tôi thì tôi cũng tìm cách ném lại anh.
Rốt cuộc là “Lộng
giả thành chơn” - giỡn quá hóa thật.
Nên suy cho cùng “ném
đá” là một trạng thái tâm lí, là phản ứng thái quá chứ không phải là
hành động vì chân lí. Vậy nên ông bà mình có câu: “Yêu nhau thì ném miếng trầu/ Ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra.”
Thôi thì để cho thân thương, vô sự mọi bề, Mộc Nhân
tôi xin mạn phép mấy “Thạch nhân”
(người ném đá) được lấy mấy cục đá trên blog này và thay vào đó là mấy viên đá
lạnh, trong trẻo mà chúng ta quen gọi là “đá tinh khiết” rót bia, nâng ly cùng
bạn bè.
Những hòn đá
ném vào nhau
trước mặt hoặc sau lưng
làm tâm hồn chúng ta thương tích
Những hòn đá
ném từ những bàn tay nặc danh
có khi chỉ là trò đùa
và cả búa rìu khiêu khích
Bên góc vườn nép những bông hoa
mọc lên từ hơi thở đất trời
hương sắc hồn nhiên của loài hoa dại
mang trong mình nỗi đớn đau mong manh
cuộc đời cần lắm màu xanh
và những hương thơm đượm từ hoa lá
nhặt đá tình yêu từ bao điều hỉ xả
để những trò đùa thành khúc hoan ca. (Mộc Nhân)
Trở lại câu chuyện hình phạt ném đá thời cổ đại,
tôi chợt nhớ đến câu chuyện trong Thánh kinh, chuyện kể rằng:
Chúa Jésus đang giảng đạo bỗng có nhiều người lôi một
phụ nữ đến rồi nói: “Thưa ông, mụ gian phụ này đã bị bắt quả tang trong khi phạm
tội. Theo luật Moise, thì phải bị ném đá”. Jésus không nói gì cả nhưng họ
cứ chất vấn mãi… Ngài không thể làm thinh được nữa bèn ngước mặt lên, nói:
“Trong tất cả mọi người ở đây, ai là người chưa từng gây ra tội lỗi có quyền
ném viên đá đầu tiên”. Khi nghe lời phán ấy, dân chúng bắt đầu tản lần từng người
một. Sau cùng chỉ còn có Jésus và người đàn bà tội lỗi giữa công trường mà
thôi.
Jésus bèn hỏi người đàn bà: “Những kẻ tố cáo đi đâu cả
rồi? Không một ai lên án ngươi cả sao?”. Người đàn bà thưa: “Không ạ!”.
Jésus nói: “Ta cũng vậy! Thôi về đi”.
Vậy mỗi người khi định “ném đá” người khác hãy tự suy nghĩ liệu mình có đủ tư cách để làm
điều ấy không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét