29/5/24

3.160. WHO HAS SEEN THE WIND? – by Christina Rossetti

 AI NHÌN THẤY CƠN GIÓ?

     Mộc Nhân dịch (1)

  from "Who has seen the Wind", by Christina Rossetti (2)




Ai nhìn thấy cơn gió?

Tôi và bạn đều không

Khi chiếc lá run vẫy

Gió tràn khắp mênh mông.

 

Ai nhìn thấy cơn gió?

Tôi và bạn đều không

Khi muôn cây cúi đầu

Gió đi qua lồng lộng.

-------------------

Chú thích:

(1). Text Available Here

(2). Lời bàn của Mộc Nhân:

   “Who has seen the wind?” (Ai Nhìn Thấy Cơn Gió?) của Christina Rossetti là một bài thơ sử dụng cách diễn đạt tương đồng ở các khổ thơ để thể hiện tính phổ quát của khái niệm. Tính phổ quát này liên quan đến chủ đề cốt lõi của bài thơ, rằng những thứ mà chúng ta không thể “nhìn thấy” vẫn có thể tác động đến chúng ta ở những mức độ khác nhau. Cách đặt câu hỏi, rồi trả lời ngay  khiến người đọc bị cuốn vào nhịp độ nhanh của ý thơ, điều này phù hợp với một bài thơ nhỏ nhưng có chủ đề quá lớn. Hình tượng “gió” vừa đầy chất thơ vừa nâng cao chiều sâu của ý nghĩa, chiều rộng của không gian ý tưởng. Nếu thay ý thơ bằng cách diễn đạt hiển ngôn “Bạn không thể nhìn thấy mọi thứ tác động đến thứ khác” thì tư tưởng vừa không có chất nghệ thuật và tác động tiềm ẩn của những thứ vô hình này sẽ không được mạnh mẽ. Hơn nữa, bằng cách thể hiện những yếu tố vô hình này dưới dạng “gió” vừa tự nhiên, vừa tăng thêm sự tinh tế đặc biệt cho ý nghĩa, có sức lay động bởi một điều gì đó không thể nhận biết được.

   Cách hỏi và trả lời tạo nên sự tương đồng, lôi kéo người đọc vào một thực tế cụ thể, phổ quát, thống nhất chặt chẽ đến mức không cần phải đề cập đến sự khác biệt của độc giả bởi yếu tố tự nhiên vẫn tác động đến thế giới xung quanh chúng ta, chúng ta chỉ nhận biết khi gió “rung vẫy” (trembling) hoặc “cúi đầu” (bow down their heads). Đằng sau những động từ miêu tả là những sắc thái cuộc sống như tình yêu, lòng tốt, cái ác, sự sáng tạo, lòng trắc ẩn, sự khao khát… Đây là tất cả những thứ sẽ tác động vật lý và tâm lý đến con người theo những cách khá đa dạng. Tuy nhiên, tác giả muốn nói rằng chúng ta nhận ra nó trong khoảnh khắc “đi ngang qua” (passing through, passing by) tức là chỉ trong thời gian và không gian nhất định rồi kết thúc. Tuy nhiên,  những khoảnh khắc mạnh mẽ ấy vẫn ít nhiều có tác động đến nhận thức, tâm lý của chúng ta bất chấp việc có thể “nhìn thấy” chúng hay không. Điều này là tự nhiên, như gió, như trải nghiệm của mỗi cá nhân tong cuộc sống.

 * References:

1. Poemanalysis

2. Thẻ Christina Rossetti



 

Không có nhận xét nào: