Sách giáo khoa Ngữ văn 8 đã rất thành công
trong việc chọn và xác định văn bản đoạn trích “Hai cây phong” từ tác phẩm “Người
thầy đầu tiên” - Aitmatov. Cách thể hiện ngôi kể, góc nhìn, kết cấu văn bản và
bút pháp trần thuật ... đã tạo điều kiện cho người đọc cảm nhận tốt các giá trị
nghệ thuật của đoạn truyện.
Học sinh sau khi học xong đoạn truyện đẫ ghi nhớ về một
“nỗi xúc động đặc biệt” toát ra một tự nhiên từ bản thân trích đoạn tác phẩm.
Câu chuyện truyền cho chúng ta tình yêu quê hương da diết và lòng xúc động
đặc biệt vì đấy là hai cây phong gắn với câu chuyện về thầy Đuy-sen, người đã
vun trồng ước mơ, hi vọng cho những học trò của mình”.
Trong khuôn khổ của đoạn trích này, hình tượng “hai
cây phong” chỉ vừa vặn là một ẩn dụ cho quê hương và kỉ niệm tuổi thơ. Tầng ẩn
dụ khác – “hai cây phong” như là ẩn dụ của tình thầy trò, ẩn dụ của “vun trồng
ước mơ, hi vọng” – còn muốn hiểu rõ hơn “câu chuyện về thầy Đuy-sen” (cũng như
sự nối kết chuyển hóa giữa hai lớp ẩn dụ này) thì học sinh và giáo viên phải
quan sát trong dặm dài của cả thiên truyện chứ không phải là chỉ trong khuôn khổ
đoạn trích.
Đọc hai phần Chú thích và Ghi nhớ ở
bài này của SGK người dạy tinh ý sẽ cảm nhận được bóng râm của nỗi ám ảnh muốn
kết nối cho được tới chủ đề “thầy trò” “khai sáng văn hóa” mà người biên soạn
muốn hướng tới.
Căn cứ vào đại từ nhân xưng (tôi, chúng tôi) của người
kể chuyện, ta có thể xác định hai mạch kể phân biệt lồng vào nhau trong “Hai
cây phong”. Sự phân tách “hai mạch kể”
này là sự phân tách văn bản theo chiều ngang – một nửa với ngôi nhân xưng thứ
nhất số ít “tôi” và nửa kế tiếp với với ngôi nhân xưng thứ nhất số nhiều “chúng
tôi” đó cũng chính là dòng trần thuật bổ dọc văn bản.
Thực tế thì đại từ nhân xưng (phân biệt ngôi kể thứ nhất
số ít “tôi” và số nhiều “chúng tôi”) của người kể chuyện ở đây không không phải
là yếu tố căn bản tạo kết cấu toàn văn bản. Mặc dù thoạt trông văn bản tựa như
là ghép lại từ hai nửa trước (xưng “tôi”) và sau (xưng “chúng tôi”). Tự bản
chất, chuyện phải được hiểu là vào lúc chỉ liên quan đến cá nhân (kỉ niệm nghĩ
thầm, một mình để lắng nghe cây) thì người kể chuyện dùng ngôi nhân xưng “tôi”,
vào lúc tình tiết truyện liên quan đến một “tập thể” (cùng đua nhau leo lên
cây) thì chuyển qua xưng “chúng tôi”. Là “tôi” để yên tĩnh lắng nghe, là “chúng
tôi” để cùng dõi nhìn và xác nhận với nhau điều quan sát được. Sự thể dường như
vốn đơn giản vậy.
Về
mặt tình tiết truyện nếu “tôi” một mình lên đồi lắng hồn nghe tiếng lá thì ngôi
kể lẽ tự nhiên phải là số ít. Một người muốn lặng yên để lắng nghe người đó sẽ
là “tôi” một mình “… đến với hai cây phong. Rồi sau đó cứ đứng dưới gốc
cây để nghe mãi tiếng lá reo cho đến khi say sưa ngây ngất”. Ngược lại khi cùng
chơi leo cây để nhìn ra mênh mông xa thẳm thì cần chúng bạn để có thể xác nhận
những hình ảnh cùng trông thấy. Khi đó nhân xưng ngôi kể lẽ tự nhiên sẽ là
“chúng tôi”.
Thực chất “chúng tôi” ở đây trong tính cách là chủ thể
lời kể (hình tượng nhân vật người kể chuyện) vẫn là cái “tôi” đó. Chính một cái
“tôi” này thống hợp tất cả các chi tiết tự sự vào trong một trường quan cảm duy
nhất. Trường quan cảm này duy trì một tình điệu tâm tư trữ tình thống nhất
(chất thơ của đoạn trích tạo nên từ đó) trên toàn bài. Cái “tôi” đó về cơ bản
đang hồi tưởng từ những cự li thời gian nhất định. Mẩu chuyện “bọn con trai
chúng tôi” vào buổi học cuối trước kì nghỉ hè ào lên đồi leo cây phá tổ chim rồi
bất thần sửng sốt trước “đất rộng bao la” chẳng qua chỉ là mảnh nhỏ trong dòng
hồi ức của cái “tôi” đó.
Thực ra, nếu như có thể nói đến một cái gì đó gọi là
“mạch” văn ở văn bản này thì ta có thể thấy dòng đi của nó là nối tiếp dựng lên
các hình tượng Ngôi làng cao nguyên — Ngọn đồi có hai cây
phong — Lên đồi đứng ngắm nghe hai cây phong — Leo lên cây
và từ trên những cành cây cao ngất phóng tầm mắt vào thảo nguyên rộng đến tận
chân trời — Quay về với ngọn đồi-ngôi trường-cây phong. Vài ba điểm
nhấn gợi khoảng cách thời gian suy tư được chốt chèn một cách đúng lúc vào những
quãng thích hợp giữa chuỗi tiếp nối các hình ảnh không gian mô tả ngoại tại nói
trên tạo nên một dư ba nội cảm bổ sung cho sự diên triển của hình ảnh. Các điểm
nhấn gợi khoảng cách thời gian suy tư này được đánh dấu bởi các từ/cụm từ cụ thể
“Đã bao lần…” — “Về sau,…” — “Thuở ấy…”.
Nếu
ta hình dung cả văn bản như là một tấm thảm thêu thì một loạt những từ xác định
không gian thời gian như “ven chân núi”, “phía dưới”, “phía trên” “giữa một ngọn
đồi”, “phía sau làng” “nơi ấy” “nơi xa thẳm biêng biếc”, “chân trời”, “trên đỉnh
đồi” và “từ thuở bắt đầu biết mình”, “ban ngày”, “ban đêm”, “có khi…, có khi… và
khi”, “tận ngày nay” rải đều trong toàn văn bản chẳng khác gì những mắt thêu…
Đi vào trường liên tưởng tiếp nhận, chúng phối tác tô nhấn làm chuyển động những
mảnh hình tượng để tạo nên một ảo giác hiện thực trong tưởng tượng của người đọc.
Tình
tiết người kể chuyện xưng tôi tự giới thiệu mình là họa sĩ này cũng đã ám ảnh
cho người đọc tuy nhiên nên hiểu đây là một cách nói tu từ chỉ thích hợp với tiểu
đoạn tả cảnh thảo nguyên nhìn từ trên “những cành cao ngất, cao đến ngang tầm
cánh chim bay” của hai cây phong mà thôi. Và đó cũng chỉ là một phác họa nét lớn
– miền đất bao la mất hút nới chân trời với chỗ gần là chuồng ngựa tưởng là tòa
nhà to nhất thế gian nay thấy bé như một căn nhà xép rồi đồng cỏ và những dòng
sông lấp lánh bên trời như sợi chỉ bạc. Phác họa đó rất nhanh đã được khép lại
để quay về với cảm nhận âm thanh vốn bao trùm toàn văn bản – “Chúng tôi ngồi
nép trên các cành cây, lắng nghe tiếng gió ảo huyền và tiếng lá cây đáp lại lời
gió, thì thầm to nhỏ về những miền đất bí ẩn đầy sức quyến rũ lẩn sau chân
trời xa thẳm biêng biếc kia”.
Hình tượng hai cây phong về cơ bản là hình tượng “chan
chứa những lời ca” : “tiếng lá reo… chúng có tiếng nói riêng và hẳn phải
có một tâm hồn riêng, một tâm hồn chan chứa những lời ca êm dịu… lay động lá
cành, không ngớt tiếng rì rào theo nhiều cung bậc khác nhau… Có khi tưởng chừng
như một làn sóng thuỷ triều dâng lên vỗ vào bãi cát, có khi lại nghe
như một tiếng thì thầm thiết tha nồng thắm truyền qua lá cành như một đốm
lửa vô tình, có khi hai cây phong bỗng im bặt một thoáng, rồi khắp lá cành
lại cất tiếng thở dài một lượt như thương tiếc người nào… nghiêng ngả
tấm thân dẻo dai và reo vù vù như một ngọn lửa bốc chảy rừng rực… hai cây
phong khổng lồ lại nghiêng ngả đung đưa như muốn chào mời chúng tôi đến với
bóng râm mát rượi và tiếng lá xào xạc dịu hiền… Chúng tôi ngồi nép
trên các cành cây, lắng nghe tiếng gió ảo huyền và tiếng lá cây đáp lại lời
gió, thì thầm to nhỏ về những miền đất bí ẩn đầy sức quyến rũ lẩn sau chân
trời xa thẳm biêng biếc kia. Tôi lắng nghe tiếng hai cây phong rì rào, tim
đập rộn ràng vì thảng thốt và vui sướng, rồi trong tiếng xạc xào
không ngớt ấy…”
Thành ra điều quan trọng ở đây vẫn là thanh âm hoặc
nói đúng hơn – một hòa âm vang vọng lẩn trong con người, thiên nhiên, tâm hồn,
kí ức…
Đọc một lượt văn bản này ta thấy người kể chuyện luôn
tìm cách nhấn mạnh ấn tượng thính giác, khắc họa sự cộng hưởng của thanh âm. Có
khi bất thần một luyến láy tự sự được chêm xen khéo léo vào dòng “miêu tả”
thanh âm như càng ám thị ta chú ý chia sẻ với tư thế đắm mình lắng nghe đó.
Với nhân vật trữ tình trong truyện, hai cây phong quê
hương là một dáng hình nhưng là một dáng hình ngập tràn tiếng nói, gắn kết liên
đới với khung trời đồi cao xung quanh bằng những âm vang.
Tất nhiên hình ảnh và âm thanh gắn liền với nhau:
“nghe thấy”, “nhìn thấy”, “thấy thơm”, “thấy mát”, “thấy buồn” … Quan hệ chuyển
hóa âm thanh và hình ảnh trong tri giác và hồi ức làm nên chiều sâu cho sự miêu
tả ở đoạn trích này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét