Trong vườn cũ - một phần không thể thiếu của cố hương |
Trong truyện Cố Hương có đoạn
kể Nhuận Thổ bẫy chim: “Hôm sau, tôi rủ hắn bẫy chim. Hắn nói: – Không được
đâu! Phải chờ tuyết xuống cho nhiều đã. Làng em toàn đất cát, hễ tuyết xuống
thì em quét lấy một khoảnh đất trống; dùng một cái que ngắn chống một cái nong
lớn, rắc ít lúa lép, thấy chim tước xuống ăn, đứng đằng xa giật mạnh sợi dây buộc
vào cái que, thế là chim bị chụp vào nong hết. Thứ nào cũng có: sẻ đồng, chào
mào, “bột cô”, sẻ xanh lưng. Vì thế, tôi lại càng chờ ngày tuyết xuống.”
Đọc đoạn văn trên cứ nghĩ bên Trung
Quốc chim chóc có loài cũng giống bên ta. Tuy nhiên khi đọc đến chỗ miêu tả
con “tra” mới thắc mắc không biết con
tra là con gì ? - “Lúc bấy giờ trong ký ức tôi, bỗng hiện ra một
cảnh tượng thần tiên, kỳ dị: Một vừng trăng tròn vàng thắm treo lửng lơ trên nền
trời xanh đậm, dưới là một bãi cát bên bờ biển, trồng toàn dưa hấu, bát ngát một
màu xanh rờn. Giữa ruộng dưa, một đứa bé trạc mười một, mười hai tuổi, cổ đeo
vòng bạc, tay lăm lăm cầm chiếc đinh ba, đang cố sức đâm theo một con tra. Con vật bỗng quay lại, luồn qua háng đứa
bé, chạy mất.”
Chất liệu bức tranh kí ức này chắc chắn
được xây dựng lên từ trò chuyện giữa hai đứa trẻ hai mươi năm về trước và câu
chuyện đâm tra nhưng giống ấy tinh khôn lại thêm lông da trơn
như mỡ quay ngắt lại luồn qua chân biến mất mà Nhuận Thổ kể lại
đó nghe ra cũng sinh động ra phết.
Tác giả của bức tranh kí ức và là người
kể chuyện xưng “tôi” chẳng phải là đã nói rõ từ đầu rằng đó là một bức tranh
“thần tiên, kỳ dị” và đoạn Nhuận Thổ kể chuyện canh dưa đâm tra bỗng dưng lại
có một chèn ngang lời thuật – “Hồi đó và cho cả đến bây giờ nữa – tôi vẫn chưa
biết con tra là con gì. Chẳng căn cứ vào đâu, tôi cứ tưởng tượng hình thù nó
như con chó con nhưng dữ tợn hơn”…
Kí ức mỗi chúng ta đều có bao bức
tranh “thần tiên, kỳ dị” vẽ lên bao nhiêu thứ “chẳng căn cứ vào đâu”. Những bức
tranh rồi sẽ nhòa hỏng đi trước phản quang gay gắt của thực tại.
Chúng ta có tình yêu nhưng rồi tình
yêu cũng tiêu điều như làng cũ.
Chúng ta có lí tưởng nhưng rồi lí tưởng
cũng tan như tuyết trên mặt đất.
Chúng ta có bạn bè nhưng rồi banjbef
cũng sẽ như con tra kia chui qua háng một cách bỡn cợt và biến mất…
Thành ra thay vì cứ loay hoay với việc tìm hiểu
con tra là con gì quan trọng hơn là hãy xem bức tranh kí ức của Lỗ Tấn đó đã mờ
khuyết dần đi như thế nào trong dòng tự sự thiên truyện. Thành ra thay vì tiếc
nuối vì chưa bắt được con tra nào thì hãy vui với kí ức và gọi nó là kí ức con
tra…
Vào cuối thiên truyện, nhân vật “tôi”
nói rõ: “Hình ảnh đứa bé oai hùng, cổ đeo
vòng bạc, đứng giữa ruộng dưa hấu, tôi vốn nhớ rõ lắm, nhưng bây giờ bỗng nhiên
cũng mờ nhạt đi”. Và tới lúc truyện kết thúc, bức tranh đó chỉ còn lại mỗi
phong cảnh suông, chẳng còn cậu bé cũng chẳng còn con tra : “Tôi đang mơ màng, thì trước mắt tôi hiện ra
cảnh tượng một cánh đồng cát, màu xanh biếc, cạnh bờ biển; trên vòm trời xanh đậm,
treo lửng lơ một vừng trăng tròn vàng thắm. Tôi nghĩ bụng: đã gọi là hy vọng
thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư. Cũng giống như những con đường trên mặt
đất; kỳ thực, trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường
thôi.”
Trong cái thế giới mà “không thể nói đâu là thực, đâu là hư” ấy
có khi cũng chả phải là ở bên cạnh để phản ánh-lưu tồn hay bên trên cho là lãng
mạn-huyễn ảo trong cuộc sống mà chính là đang lồng ghép và hòa trộn vào giữa thế
giới của những con đường từng đi, sẽ đi hay từng không đi nữa trên mặt đất mênh
mông… Trong số muôn nẻo đường đi đó, hẳn luôn có đường về cố hương và đường về
của kí ức. Kí ức thực hay hư… kí ức rồi có vút đi như cánh chim mùa đông tuyết
trắng, biến mất như bóng tra dưới mênh mông ánh trăng nương dưa bờ biển xanh là
tùy vào cách nghĩ, cách sống của mỗi người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét