4/3/19

1.365. SIÊU CHÙA VÀ CÔNG NGHIỆP TÂM LINH


           Nguyễn Duy Xuân

Thời gian gần đây, xứ mình “đoạt” được nhiều cái nhất thế giới, từ vật bé mọn như bánh chưng, bánh phồng tôm, tô phở, ly cà phê,… đến cái to lớn như đường sá, cáp treo, chùa chiền,… 
Không bao lâu nữa, bạn bè quốc tế sẽ phải ngả mũ thán phục trước một công trình đồ sộ mà có lẽ trong tương lai chưa một nước nào đủ sức vượt qua: Ngôi chùa lớn nhất thế giới, tọa lạc trên một diện tích 5.100 ha (tương đương 51km2), xấp xỉ bằng diện tích một xã lớn ở miền núi hay một huyện nhỏ ở đồng bằng Bắc bộ. 

Những cái “nhất” như thế, liệu có đáng để tự hào? Liệu có phải là minh chứng cho sự phát triển, phồn thịnh của đất nước trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa? 
Bánh chưng nặng hàng tấn không sử dụng được, tô phở vừa làm xong phải đổ đi, ly cà phê có dung tích cả ngàn lít, xong giây phút kỉ lục rùm beng thì cũng rơi vào quên lãng. 
Chùa tuy to nhất châu lục, lớn nhất thế giới nhưng “hoành tráng không tôn nghiêm/ồn ào không tĩnh lặng/Phật vẫn buồn ngàn năm”. 
Rõ là những cái “nhất” như thế không làm nên thương hiệu Việt kiểu như Honda, Yamaha của Nhật Bản, Samsung, Hyundai của Hàn Quốc hay Vivo của Trung Quốc. 
Có cái nhất vô bổ, chỉ để thõa danh hão nhất thời của một số ít người nhưng cũng có cái nhất khiến ông chủ của nó hốt bộn tiền. 
Đua xây chùa to có phải vì thành tâm với Đức Phật? 
Dư luận không khỏi ngỡ ngàng trước một loạt những dự án du lịch tâm linh siêu khủng đang mọc lên như nấm. 
Những siêu dự án ấy được chính quyền cấp hàng ngàn héc ta nhưng chỉ một phần rất nhỏ dành cho việc xây dựng chùa chiền, còn lại chủ yếu là để xây các tổ hợp kinh doanh giải trí, tham quan – nghỉ dưỡng như nhà hàng, khách sạn, biệt thự, sân golf,… Toàn những thứ xa xỉ, cao cấp không có chỗ cho người lao động đang vất vả với cuộc mưu sinh. 
Để mọc lên những khách sạn, nhà hàng, resort, sân golf trên diện tích hàng ngàn héc ta như thế, thật không dễ nếu tách khỏi dự án khoác áo “du lịch tâm linh”. 
Có một ngành “công nghiệp không khói” mới mẻ đang hình thành mà lợi nhuận của nó không một ngành nghề nào có thể theo kịp, vượt xa cái gọi là “một vốn bốn lời”. 
Đó là ngành “công nghiệp tâm linh” với những “Công ty nhà chùa”, “thị trường thần thánh”, “doanh nhân sư sãi”,…
Hàng vạn, hàng vạn người đang bị dẫn dụ, cuốn vào vòng xoáy vận hạn: Cầu may, cầu tài cầu lộc, cầu chức tước, dâng sao giải hạn,…
Cả một xã hội chìm trong khói hương, sì sụp quì lạy, chen chúc, giành giật để mong đạt được điều không tưởng. Nó hoàn toàn xa lạ đối với giáo lý tốt đẹp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Câu răn “Phật tùy tâm” chẳng còn nghĩa lý gì giữa thời buổi kim tiền. 
Đức Phật nào ở trong những ngôi chùa hào nhoáng, hoành tráng với những kỉ lục vô đối? 
Tôi bỗng nhớ đến hình ảnh ngôi chùa một thời khi tóc còn để chỏm. Những ngôi chùa của làng thường tọa lạc giữa đồng không mông quạnh, mái ngói rêu phong. Cảnh chùa tĩnh lặng, bình yên, có cái gì đó khiến cho mọi người kể cả những đứa trẻ như tôi tin ở chốn linh thiêng khiêm nhường ấy có Ngài (Đức Phật) ngự, để rồi tự răn mình luôn làm điều thiện, tránh xa cái ác, lo tu tâm tích đức.
Rồi chiến tranh đi qua, những ngôi chùa gắn bó bao đời với làng quê không còn nữa, phần vì do bom đạn, phần vì do chính bàn tay con người với tư duy một thời quyết xóa sạch những gì được cho là tàn tích của phong kiến. 
Bây giờ thì, không chỉ chùa cũ được phục dựng, người ta còn đua nhau xây chùa mới. Những ngôi chùa hoành tráng, siêu khủng, lòe loẹt mọc lên như nấm. Nó quá xa lạ so với những ngôi chùa cổ kính bé nhỏ nhưng đậm chất văn hóa của ông cha. 
Phú quí sinh lễ nghĩa! Đành là thế, nhưng lễ nghĩa nào thì cũng phải tiếp nối dòng chảy muôn đời trong truyền thống văn hóa dân tộc. 
Nhưng buồn thay, hình như mọi giá trị đang bị đảo lộn. 
          Nếu không chấn chỉnh việc dung dưỡng những hành vi trái với giáo lítốt đẹp của nhà Phật; nếu không chấm dứt việc xây dựng chùa chiền tràn lan núp bóng những dự án “du lịch tâm linh” để trục lợi; nếu không loại bỏ những lễ hội mang tính bạo lực, phản cảm, khích lệ mê tín dị đoan; nếu không… thì văn hóa dân tộc sẽ đi về đâu? 

          * Bài đã đăng trên Vietnamnet ngày 3-4-2019 nhưng sau đó đã bị gỡ
              Tuy nhiên vài trang khác đã kịp thời đăng lại.

Không có nhận xét nào: