Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Táo quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo.
Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi
chép, do đó có những sự khác nhau về tình tiết, nội dung chính được tóm tắt như
sau:
Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà
không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận
quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang.
Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm
vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.
Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận
ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng
ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.
Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi
đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn.
Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám
chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi
sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.
Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết
không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.
Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế
thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định
Phúc Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một việc:
- Phạm Lang
làm Thổ Công, trông coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.
- Trọng Cao
làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần.
- Thị Nhi
làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.
Truyền thuyết này thể hiện rất đậm nét trong sinh hoạt
của người Việt. Trong bếp ngày xưa, thường có ba "ông đầu rau" - tức
là ba hòn đất nặn dùng để kê nồi đun bếp, trong đó hai hòn nhỏ hơn hòn thứ ba.
Và nhân dân có tục lệ thờ "hai ông một bà", ngày 23 tháng Chạp hàng
năm làm "lễ Táo quân", "Tết ông Công ông Táo", "tiễn
ông Táo lên chầu Trời"... Đây rất có thể là ảnh hưởng của phong tục thờ thần
lửa - một phong tục có từ lâu đời của nhiều dân tộc, tuy nhiên cách thể hiện ở
mỗi nước một khác.
Ví như ở Trung Quốc, từ thời cổ đại, Táo quân (còn được
gọi là "Táo thần", "Táo vương", "ông Táo") đã được
coi là một trong bảy vị thần đất được toàn dân cúng lễ. Nhưng nguồn gốc của Táo
quân thì không nhất quán. Theo sách Hoài Nam Tử, Viêm Đế (tức Thần Nông) mang lửa
đến cho dân nên khi chết được thờ làm thần bếp. Sách Lã Thị Xuân Thu lại coi
Chúc Dung mới là thần quản lý lửa (do Viêm Đế mang tới) nên khi chết người dân
thờ làm thần lửa. Còn sách Tây Dương tạp
trở thì kể: thần lửa trông như một cô gái đẹp, tên là Ổi hay Trương Đan,
tên chữ là Tử Quách, những ngày không trăng thường lên trời tâu về việc người
nào có lỗi...
Chuyện truyền miệng của người Trung Quốc lại cho rằng
trước kia mỗi tháng vua bếp lên trời một lần vào ngày tối (ngày cuối tháng âm lịch)
để báo cáo về từng người trong mỗi gia đình (nhất là về những người đàn bà làm
điều xấu); sau này, mỗi năm vua chỉ lên trời một lần vào ngày 23 hoặc 24 tháng
Chạp. Đến ngày ấy, người Trung Quốc bày bàn thờ gần bếp, cúng vua bếp bằng thịt,
cá, rượu nếp, bánh kẹo; đặc biệt có thêm cả nước và cỏ khô (cho ngựa của vua bếp
"ăn" để bay và chở vua lên trời - khác với Táo quân của ta thì cưỡi
cá chép lên trời).
Tại sao ông Táo lại cưỡi cá chép về trời mà không phải
các con vật khác?
Phong tục của người Việt, ngày 23 tháng chạp, nhà nào
cũng tiễn ông Táo lên chầu trời. Trên bàn thờ có ba chiếc mũ mới bằng giấy: một
màu vàng ở giữa, hai màu đen ở hai bên - tức hai ông, một bà - không có cỗ mặn,
chỉ cúng hương hoa, sau có 3 con cá chép đang bơi trong chậu thau. 3 con cá
chép có ý nghĩa làm "ngựa" để Táo quân lên chầu trời. Sau khi cúng mũ
được đốt và cá chép được mang ra thả ở ao, hồ, sông...
Tết Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp - người ta coi đây
là ngày "vua bếp" lên chầu Trời để tâu lại việc bếp núc, làm ăn, cư xử
của gia đình trong năm qua.
Sớm ngày 23 Tết, các bà nội trợ của mỗi gia đình đã
xách túi ra chợ chuẩn bị cho mâm cỗ cúng Táo quân. Một thứ không thể thiếu
trong buổi đi chợ là cá chép.
Cá Chép Vàng hay còn gọi là (Cá Chép Tiên) là một loài
động vật sống ở trên Thiên Đình, hồi trước sống trên trời, do phạm phải lỗi,
nên bị Thượng Đế đày xuống trần gian để tu hành để chuộc lại tội lỗi của mình
gây ra. Sau khi tu hành có chính quả, thì cá Chép sẽ hóa thân thành rồng và bay
lên Trời. Còn Ông Táo là do Thượng Đế phái xuống trần tục để theo dõi loài người,
xem ai là người Thiện, người Ác.
Sau đó Ông Táo bay về Thiên Đình để tâu lên Thượng Đế
những việc ở dưới trần gian Nhưng mà muốn bay lên Trời, thì Ông Táo phải nhờ đến
cá Chép mới lên được.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét