6/2/21

1.962. BÀI THƠ "THÁNG HAI"

Bài này đã đăng trên Văn nghệ Bình Định số Xuân 2021

 

         Thơ: Huỳnh Minh Tâm

              Đề dẫn: Mộc Nhân

Tháng Hai chắc hẳn là tháng của mùa xuân, sau Tết. Thường người ta hay nói đến Tháng Hai trong cụm liên kết Giêng - Hai với ý nghĩa sự sống, vẻ đẹp của tự nhiên và con người vẫn còn tiếp nối trong hành trình khởi đầu của năm.

Tháng Hai trong thơ HMT dường như không khắc họa đậm nét điều nó. Nó là một phức cảm “Nỗi háo hức xen lẫn âu lo”.

Không gian trong bài thơ là không gian đời sống với làng mạc, dốc đèo cùng những ngôi nhà, cây cối, con người, sinh hoạt… vốn dĩ như nó đã là.

Trong cái không gian rộng mênh mang ấy, tác giả vẽ ra những mảng đối lập: Âm thanh tiếng bò rống trần trụi, thê thiết đối lập tiếng cồng chiêng âm vang, náo nức từ một sinh hoạt văn hóa. Không gian thoáng rộng tự nhiên đối lập với không gian hạn hẹp của những chậu cây mà điểm nhấn là những chậu hải đường nằm san sát nhau như bạn tình: chúng như những thực thể lung linh xinh đẹp, có hồn, có tình, có trạng thái và có nỗi niềm. Dường như những cây hải đường là vẻ đẹp còn lại của Giêng – Hai. Tuy nhiên chúng không cứu nổi mình, không đủ sức để níu mùa xuân. Đoạn cuối của đời sống là trạng thái dồn ứ, thỏ thẻ chẳng nguyên do.

Tất cả những cái đối nghịch ấy quyện vào nhau, hóa thân vào nhau khiến đôi khi chúng ta có cảm giác hoài nghi “Thế giới bất định hay tồn tại một thế giới khác”. Dường như có sự xung đột văn hóa nơi này khi tiếng rống trước cái chết của con bò lại là niềm hoan hỉ trong một hành trình văn hóa.   

Chúng hiện hữu rồi lại lẩn khuất vào nhau. Có khi biết mất. Có khi dồn ứ. Có khi đi qua nhau mà chẳng hay biết. Có khi chết đấy nhưng lại tái sinh như một trò chơi. Cái ác ẩn nấp dưới những màu sắc lễ hội…

Điều thú vị là những hình tượng thơ rời, đối lập, manh mún như những mảng đời sống lại được liên kết chặt chẽ với nhau trong một hành trình khá bền vững. Đó là một trải nghiệm cá nhân, khác biệt với những giá trị phổ quát mà chúng ta được biết, đưa bạn đọc trở lại cuộc sống thực của chính họ, với cái nhìn mới để nhận ra các ý nghĩa của nó - Life looks different through everyone's eyes - Đời sống nhìn khác biệt qua lăng kính mỗi cá nhân.

Nụ hôn từ biệt của con người lên những đóa hoa Hải đường làm tôi liên hệ đến ý thơ của Louise Glück trong bài Golden Lily: “Mùa hè này chúng ta đi vào vĩnh cửu/ Tôi đã cảm thấy đôi tay bạn chôn tôi để giải thoát sự hào nhoáng” (this summer we have entered eternity/ I felt your two hands bury me to release its splendor). Trong mỗi vẻ đẹp đều có sự lãng quên hay tàn phai. Thời gian cũng vận hành như thế.

Và phải chăng Tháng Hai – một dấu mốc thời gian giúp con người hiểu thêm về những hành vi của mình: “Nhìn lại phía sau - có kinh nghiệm; nhìn về phía trước - thấy hành trình; nhìn ra xung quanh – thấy được thực tại và nhìn vào bên trong - tìm thấy chính mình (Look back - get experience; look forward – see the tour; look around – see reality and look within - find yourself).

 

THÁNG HAI

Thơ Huỳnh Minh Tâm 

Chúng ta đi qua quá nhiều làng mạc

Những hàng dừa xanh uống nắng tháng Hai

Nhưng sao chốc chốc lại nghe tiếng bò rống

Tiếng cồng chiêng đổ xuống lưng đèo

 

Nỗi háo hức xen lẫn âu lo

Thế giới bất định hay tồn tại một thế giới khác

Đây ngôi nhà thâm thấp nằm dưới vòm tre

Những chậu hải đường nằm san sát nhau như bạn tình

Những chiếc lá hải đường xanh biêng biếc và dịu dàng

Những cánh hoa hải đường đỏ thẫm đung đưa trong nắng

Tiếng nói chúng ta dồn ứ lại trong chậu đất

Nỗi đau cất lên thỏ thẻ chẳng nguyên do

 

Trong tĩnh lặng mỗi ngày hải đường lung linh

Tiếng bò rống đôi khi như thác đôi khi xa thăm thẳm

Tiếng cồng chiêng cũng lặn vào hơi thở ngọn hải đường

Chúng ta biến mất trong ngôi nhà yêu dấu

 

Những người hàng xóm ghé nhà nhưng chẳng thấy ai

Họ hôn đắm đuối những cánh hoa hải đường rồi từ biệt

Xuống một con dốc họ ngỡ ngàng đàn bò sống lại

Nhưng gió cứ đẩy chúng xuống hồ nước đầy rác trong

                        khi chúng đang nô đùa.

Không có nhận xét nào: