Tại Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội, có nhiều tham luận của các nhà văn, nhà phê bình bàn thảo về thành tựu và xu thế phát triển của văn học Việt Nam từ 1975 tới nay.
Bài này của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
Có thể nói trong 50 năm
qua (1975-2025), các nhà thơ đương đại đã làm chúng ta ngạc nhiên về hệ hình tư
duy thẩm mỹ mới và hiện đại. Thơ của họ đã vượt thoát khỏi những khuôn sáo ước
lệ của vần điệu để thắp lên những hình tượng thơ mới. Không gian thơ được mở rộng
hơn, mở sâu hơn, với tới các chiều kích của những suy tưởng lớn mang tính khái
quát cao. Và, trong trường-thẩm-mỹ này, những vấn đề tưởng chừng lớn lao lại được
khái quát lên từ những cái rất tầm thường, nhỏ bé của đời sống quê hương máu thịt
hàng ngày.
Tôi cho rằng, những nhà
thơ sung sức hiện nay đang có những cách tân được dư luận chú ý là những nhà
thơ đã biết cách giữ được đặc thù của ngôn-ngữ-thơ trong chuyển động đổi mới của
những con chữ với các xu hướng tìm tòi nhằm nâng cao vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ bằng
những ý tưởng mới.
Thơ hôm nay đi về đâu?
Có một số nhà thơ hôm
nay đang hướng đến cách tiếp cận tư duy thơ hiện đại theo kiểu lập trình những
suy tưởng mới, những ý tưởng mới để làm thay đổi nội dung trình hiện của các
bài thơ, để làm cho những con-chữ- thơ có một đời sống tư tưởng sâu sắc hơn, đa
nghĩa hơn, giàu hàm lượng tri thức hơn. Và phải chăng, đây cũng là một hướng
cách tân của thơ đương đại, khi một số nhà thơ đang xem trọng sự đổi mới về
"chất suy tưởng" của nội dung thơ hơn là sự đổi mới về mặt hình thức
nghệ thuật câu chữ trong thơ.
Theo tôi, bản chất của sự
cách tân và đổi mới thơ hôm nay không chỉ nằm ở sự tìm tòi về mặt hình thức nghệ
thuật cấu trúc của ngôn ngữ thơ mà điều thiết yếu căn cốt là ở sự đổi mới nội
dung đời sống được phản ánh trong thơ. Trong rất nhiều thế kỷ qua, các trường
phái thơ lớn trên thế giới qua mỗi thời kỳ đều hướng tới sự tìm tòi
và cách tân thơ. Điều khác biệt (và khu biệt nhất) để có thể nhận ra được các
nhà thơ cách tân của mỗi thời đại có gương-mặt-thơ khác nhau như thế nào chính
là ở nội dung đời sống trong thơ họ ở thời đại ấy đã được phản ánh, khắc họa
trong một trường-thẩm-mỹ nào.
Cách đây hơn hai chục năm, vào năm 2003, trong một cuộc hội thảo về "Thơ Việt Nam đi về đâu?" được tổ chức ở Hà Nội, tôi đã tham luận bằng bài thơ "Thơ hôm nay đi về đâu?" như sau:
Thưa mẹ
Ba mươi ba năm trước
Tiễn con đi từ ga Hàng Cỏ
Mẹ về
Nước mắt dọc đường Nam Bộ
Đứt từng khúc tàu đêm
Ba mươi ba năm sau
Ga không còn Hàng Cỏ
Phố không còn Nam Bộ
Con của mẹ
Vẫn mãi mười tám tuổi
Như chuyến tầu ngày ấy không về
Mẹ ở lại một mình
Không phố
Không ga
Không tất cả
Còn gì để nhớ
Ga Hàng Cỏ dọc đường Nam Bộ
Thưa mẹ
Hôm nay bàn chuyện thơ đi về đâu
Trong con vẫn còn một chuyến tầu
Ba mươi ba năm trước chưa trở về
Phải chăng vì thế
Những câu thơ bây giờ
Vẫn phải lên đường
Làm một cuộc ra đi.
(thơ Nguyễn Việt Chiến)
Tôi nghĩ, sau mỗi cuộc hội
nghị, hội thảo về thi ca, các nhà thơ với những câu thơ của mình, vẫn cần phải
lên đường, làm một cuộc ra đi thật sự cho những sáng tạo mới. Và có thể nói, với
những xu hướng cách tân tích cực và đích thực của các nhà thơ thuộc thế hệ Thơ
Hậu chiến trong 50 năm qua (1975-2015), thơ đương đại Việt Nam đã khởi hành
sang một chặng đường mới. Họ có thể chưa được dư luận và giới phê bình đánh giá
một cách đầy đủ và công bằng. Nhưng tôi tin ở thời gian - thứ thước đo sòng phẳng
nhất đối với mọi giá trị sáng tạo, sẽ ghi nhớ họ khi các nhà thơ đương đại đã làm
chúng ta ngạc nhiên về những tư duy thẩm mỹ mới và hiện đại.
Từ "xương cốt" của ý tưởng đến "da thịt" của cảm
xúc
Theo tôi, cái mới trong
thơ nhiều khi không cần đến sự trình diễn cầu kỳ bằng một hình tượng lạ, một cấu
trúc lạ, một biểu đạt lạ mà điều nó hướng tới phải là một phát hiện mới về tính
suy tưởng của thơ. Thời gian trước đây tôi cho rằng, thơ hay (giống như một tấm
gương phản chiếu) là loại thơ soi vào thấy mình, thấy cuộc sống con người hiện
lên sinh động với các chiều kích khác nhau ở trong đó, còn thơ dở thì có soi
vào mãi cũng không thấy gì. Còn thời gian gần đây tôi lại nhận ra rằng, thơ hay
là thứ thơ làm cho người ta phải kinh ngạc và thật sự rung động bởi một ý tưởng
mới, một suy tưởng mới, một sức sống mới đang làm nên những dạng thức mới của
ngôn ngữ thơ.
Các nhà thơ hôm nay đã
mang lại những phát hiện mới, có giá trị khắc họa bằng ngôn ngữ của thơ, nỗi
đau của những phận người- cái mà chỉ ít năm trước đây, không ít người làm thơ
còn né tránh. Họ đã chạm được vào cõi sâu của tâm hồn, không chỉ bằng sự phá vỡ
sắc cạnh của lý trí mà còn bằng cảm xúc của trái tim, điều đó làm cho người đọc
thấy gần gũi và đồng cảm với nhà thơ, khi độc giả không bị áp đặt bởi một chủ
thể ngôn ngữ có ý định mà được tham dự cùng tác giả vào những cảm xúc được tái
hiện từ cái chất liệu đời thường còn rớm máu và khó nhọc này.
Thật ra, thơ hay có những
tiêu chí gì, chuẩn mực gì vẫn là chuyện muôn đời xưa nay còn phải bàn cãi, vì
cái hay đối với lớp người này (ở thời điểm này) chưa chắc đã là hay đối với lớp
người khác (ở thời điểm khác) và ngược lại. Nhưng có một điều dễ nhận ra, thơ
hay là thứ thơ còn đọng lại được qua sự thử thách khắc nghiệt của thời gian, bởi
thời gian là thước đo sòng phẳng nhất đối với mọi giá trị sáng tạo đích thực của
nghệ thuật văn chương.
Nếu chúng ta coi mỗi bài
thơ là một ngôi nhà thì vật liệu xây cất lên ngôi nhà thơ ấy phải bao gồm các vật
liệu-thi liệu sau: cảm xúc thơ, hình ảnh thơ, nhạc điệu thơ, ý tưởng thơ, hình
tượng thơ, tứ thơ, liên tưởng thơ, suy tưởng thơ. Theo tôi, một vấn đề quan trọng
có thể coi là căn cốt nhất trong việc sáng tạo thi ca chính là việc phát hiện,
xây dựng các tứ thơ cho mỗi bài thơ. Tứ thơ là một khái niệm quen thuộc trong
thi học từ xưa đến nay được nhiều người làm thơ quan tâm đến.
Có nhiều nhà thơ cho rằng:
Tứ thơ là xương sống, là trụ cột của bài thơ, là cái nhân lõi trung tâm của bài
thơ, là cách cấu trúc các ý thơ theo một chủ đề, là cách liên kết sắp xếp mọi yếu
tố cấu thành của bài thơ; tứ thơ là một khung kết cấu, trong đó mạch thơ vận động
từ khởi đầu, phát triển đến kết thúc; mỗi bài thơ có một chủ đích nghệ thuật và
tứ thơ dẫn dắt, tổ chức mạch thơ hướng đến các chủ đích nghệ thuật đó; và tứ
thơ liên quan đến hiệu quả thẩm mỹ của bài thơ và làm nên chất thơ chủ yếu của
một văn bản nghệ thuật ngôn từ.
Tôi cho rằng, nếu coi mỗi
bài thơ là một ngôi nhà thì đường nét kiến trúc của ngôi nhà ấy chính là tứ
thơ. Điều này làm nên sự khác biệt độc đáo của mỗi một văn bản thơ vì bài thơ
hay thường xuất phát từ những tứ thơ hay và độc đáo. Vì thơ là một loại hình
sáng tạo nghệ thuật nên nhà thơ được coi như một kiến trúc sư của tâm hồn. Bởi
thế nhà thơ không chỉ cấu trúc đặt ngôi nhà thơ của mình lên trang viết mà anh
ta (hoặc chị ta) phải đặt ngôi nhà thơ này vào tâm hồn người đọc, vào trái tim,
vào suy nghĩ của độc giả. Vì tứ thơ là hình tượng nghệ thuật xuyên suốt bài thơ
nên tứ thơ chính là quá trình cấu tứ bằng hoạt động của tư duy để sáng tạo hình
tượng nghệ thuật. Khi đó, nhà thơ dùng tư duy thơ để cắt nghĩa, lý giải, khái
quát hiện tượng đời sống bằng một hình tượng tổng quát có sức chi phối toàn bộ
sự cảm thụ, suy tưởng và miêu tả nghệ thuật trong tác phẩm và bằng cả những ẩn
dụ nghệ thuật.
Với tôi, tứ thơ chính là
sự kết hợp hài hòa của các trạng thái hưng phấn trong sáng tạo thi ca như: cảm
xúc, nghĩ suy và trí tưởng tượng. Nếu coi mỗi bài thơ là một sinh thể thi ca,
ta sẽ nhận thấy: Cảm xúc chính là phần da thịt tươi mới, màu mỡ, sống động của
sinh thể thơ; Ý tưởng là phần xương cốt tư duy vững chắc của sinh thể thơ; còn
Tứ thơ chính là cái hồn của sinh thể thơ ấy.
Từ nhận định này, trong
hành trình sáng tác mỗi bài thơ, ta sẽ có một tam-giác-thơ bao gồm 3 đỉnh: da
thịt của cảm xúc thơ, xương cốt của ý tưởng thơ và cái hồn của tứ thơ. Từ 3 yếu
tố này, ta thấy nếu một bài thơ chỉ có da thịt của cảm xúc thơ mà không có
xương cốt của ý tưởng thơ và cái hồn của tứ thơ (hoặc ngược lại chỉ có xương cốt
của ý tưởng mà thiếu phần da thịt của cảm xúc) thì bài thơ ấy là một sinh thể
thơ rất mờ nhạt, lỏng lẻo, èo uột, hời hợt và thiếu sức sống thi ca. Vì thế,
chí ít một bài thơ đích thực, trước tiên phải có đủ 3 yếu tố: cảm xúc, ý tưởng
và tứ thơ theo tam-giác-thơ nói trên.
Nguồn: Baomoi.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét