1/3/25

3.438. THƠ QUẢNG NAM TRONG DÒNG CHẢY THƠ VIỆT

   Mộc Nhân: Nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23 - Nguyên tiêu Ất Tỵ 2025, vào ngày 8/2, Chi hội Văn học trực thuộc Hội VHNT tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Thơ Quảng Nam trong dòng chảy thơ Việt đương đại”. Các tham luận tại Tọa đàm này tập trung phân tích, đánh giá về thơ và những nỗ lực đổi mới thơ hôm nay; về chất lượng và chỗ đứng của thơ Quảng Nam trong bối cảnh chung của thơ Việt Nam đương đại, chỉ ra những mặt mạnh, mặt yếu của thơ Quảng Nam và đề xuất một số hướng tiếp cận, sáng tạo mới...

Bài đã đăng trên Tạp chí Đất Quảng
số 243, Tháng 3/ 2025

Với mỗi nền văn học, ở từng giai đoạn, thơ ca luôn trong trạng thái tìm tòi, thử nghiệm, thay đổi, mà không gì khác hơn là nhu cầu đổi mới. Đổi mới thơ luôn là điều tự nhiên nằm trong ý thức người làm thơ, nó có tính thách thức, bất toàn và không bao giờ thỏa mãn từ phía bạn đọc lẫn tác giả. Vậy nên đánh giá về thơ, luôn là việc khó, tương đối, chỉ qua một vài góc nhìn nào đó mang tính chủ quan; và vì thế, dường như là không có điểm dừng, khó/ không làm hài lòng mọi người. Câu chuyện về thơ luôn hết sức phong phú và cả sự... nhiêu khê - có cả khen chê, thị phi, cá tính, sự khác biệt...

1. Trong đời sống thơ ca Quảng Nam đương đại đã và đang có không ít tác giả mà tên tuổi gắn liền với các thể thơ từ truyền thống đến hiện đại. Lục bát có Nguyễn Tấn Sỹ, Nguyễn Bá Hòa. Thơ 5, 6, 7, 8 chữ có Nguyễn Hải Triều, Phạm Thông, Mai Thanh Vinh. Thơ tự do có Huỳnh Minh Tâm, Nguyễn Giúp, Thái Bảo Dương Đỳnh, Nguyễn Mậu Hùng Kiệt, Hải Điểu... Thơ tự do có vận dụng các yếu tố tân hình thức có Phùng Tấn Đông, Đỗ Thượng Thế, Phạm Tấn Dũng, Đỗ Tấn Đạt,... Bán cổ điển có La Trung, Hồ Xoa. Thơ tercets có Mộc Nhân. Với thể thơ rất mới là thơ 1-2-3 có Nguyễn Kim Thịnh, Phạm Thế Chất... Các hình thức thơ này vừa là “thế mạnh” của một số tác giả cụ thể, vừa có sự hòa quyện trong cùng một tác giả, tạo nên sự đa dạng ở mỗi người viết nói riêng và cho thơ Quảng Nam nói chung. Cách thể hiện cảm xúc của tác giả trong mối quan hệ với bạn đọc, theo đó cũng trở nên đa dạng. Có nhiều bài thơ thể hiện cảm xúc chia sẻ, “dễ đọc”. Có những bài thơ thể hiện cảm xúc chinh phục qua các tầng bậc ngôn ngữ ẩn dụ, đôi khi người đọc phải “đọc giữa hai dòng chữ” mới cảm nhận được. Có những bài thơ thách thức cảm xúc bạn đọc, khó hiểu, khó đọc, khó nhớ - nói chung là “khó” trong sự tiếp nhận của độc giả...

Về nội dung, các tác giả thơ Quảng Nam đương đại tiếp tục khai thác các đề tài phổ biến như tình yêu trai gái, tình yêu quê hương, những suy ngẫm thế sự... Riêng mảng đề tài về đất nước, về Tổ quốc được viết trong cảm xúc nghệ thuật tinh tế, ẩn chứa lòng tự hào, ý thức về lãnh thổ, như trong nhiều bài thơ của  Nguyễn Đức Dũng - khác với cách viết về Tổ quốc trong thơ thập kỷ 70-80. Ngoài ra, thơ dành cho thiếu nhi, thơ dịch cũng có một số xuất bản phẩm hoàn chỉnh. Ngoài các trang mạng xã hội, blog cá nhân, in (xuất bản) thành tập, người làm thơ ở Quảng Nam có một kênh phổ biến tác phẩm quen thuộc là Tạp chí Đất Quảng và một phần là Báo Quảng Nam. Cùng với đó, nhiều tác giả đã trở thành cộng tác viên quen thuộc của một số tờ báo, tạp chí văn nghệ các địa phương trong nước và các báo, tạp chí Trung ương.

Như mọi sinh quyển thơ ca khác, Quảng Nam có thơ hay và cũng có cả thơ... chưa hay. Trong một tiến trình dài, mới và cũ, hay và chưa hay đan xen, lẫn lộn, thì điều này là hiển nhiên. Tất cả cùng tồn tại, sinh thành trong sự tôn trọng cái khác biệt và tôn trọng nhau giữa những người viết; trong cảm nhận, đánh giá ít nhiều có tính chủ quan, tương đối - bởi thơ ca luôn có sự hoán đổi giá trị qua mỗi giai đoạn, mỗi tác giả, mỗi cách nhìn.

Dông dài một chút như vậy để thấy rằng, thơ Quảng Nam có đầy đủ các sắc thái, giao diện về mọi mặt từ nội dung đến hình thức trong tương quan với thơ Việt Nam hôm nay; có thành tựu, có những đóng góp đáng kể để có thể tự hào và hài lòng khi nói về thơ mình.

2. Đổi mới thơ là việc khó đánh giá, bởi khái niệm đổi mới cần phải được nhìn nhận từ nhiều phía, nhiều cách tiếp cận. Tuy nhiên, trong một phạm vi nhất định, có thể thấy những nỗ lực nhằm đổi mới thơ thường biểu hiện rõ ở phương diện hình thức nhiều hơn nội dung. Ví như: Đổi mới phong cách từ thơ truyền thống sang thơ hiện đại; Đổi mới trong nội tại tác giả để câu chữ, thi ảnh dần hay hơn; Luôn tìm tòi cái mới và lạ trong diễn đạt hình tượng, tứ thơ; Tiếp cận với tân hình thức và các khuynh hướng mới từ bên ngoài; Tìm tòi, thử nghiệm cái mới được khởi xướng...

Tuy nhiên, phải thừa nhận là thơ Việt đương đại - trong đó có thơ Quảng Nam, vẫn chưa có những bước đi táo bạo, chưa tiếp cận đầy đủ các trào lưu đã và đang trở nên quen thuộc với thơ ca thế giới, như chủ nghĩa lập thể, trừu tượng, giễu nhại, giải cấu trúc. Những sự đổi mới thơ cho đến lúc này vẫn còn ít nhiều chật vật, dè dặt, bởi thị hiếu thẩm mỹ, cách tiếp cận và phê bình dường như vẫn đang trong trạng thái bất phân định.

Dù vậy, một cách chủ quan, vẫn có thể đặt niềm tin vào thành tựu của một số tác giả thơ đương đại Quảng Nam đã thành danh như Nguyễn Tấn Sĩ, Phùng Tấn Đông, Huỳnh Minh Tâm, Nguyễn Giúp, Nguyễn Chiến, Phạm Tấn Dũng, Đỗ Thượng Thế... hoặc các tác giả viết ít nhưng có nội lực con chữ như Đỗ Tấn Đạt.

Đổi mới thơ là một quá trình gắn với những điều kiện về xã hội, văn hóa, tư tưởng. Về phía tác giả, sự đổi mới cần nội lực, khả năng sáng tạo chứ không chỉ là khoác cái áo mới cho thơ ca. Và chắc chắn những đổi mới thơ bị chìm khuất, lẫn lộn trong dòng chảy thơ đương đại mà đến một lúc nào đó sẽ được khái quát và ghi nhận.

Có lẽ, điều nên/ phải thừa nhận là sự cô đọng, giản dị, cảm xúc và ám ảnh... chắc chắn vẫn là mục tiêu cao nhất của thơ hay và đổi mới. Mọi đổi mới vẫn phải mang đặc trưng của thơ. Đi quá xa vào việc làm mới, làm lạ về mặt hình thức mà bỏ qua tính ổn định, bền vững của thể loại cũng đồng nghĩa với việc bỏ quên người đọc. Thơ không bao giờ chỉ là thơ. Đằng sau thơ bao giờ cũng có một cái gì khác - mỹ học, triết học, thần học, văn hóa, và các giá trị phổ quát của nhân loại.



 

Không có nhận xét nào: