7/4/19

1.396. TẾT HÀN THỰC



Hôm nay - mồng 3 tháng 3 âm lịch, theo phong tục cổ của An Nam từ xưa ngày này là Tết Hàn Thực (ăn đồ nguội).
Xa xưa, đây là cũng một ngày “Tết” được thực hiện các nghi lễ phong tục truyền thống như: không nhóm lửa, chỉ ăn đồ nguội, ăn chay, cúng bánh chay, bánh trôi trên bàn thờ tổ tiên…

Giải thích về tục lệ này, nhiều người đều cho là bắt nguồn từ Trung Quốc, gắn với câu chuyện về cái chết thương tâm của Giới Tử Thôi.
Tích truyện kể rằng Tấn Văn Công trong những ngày gian khổ mưu cầu sự nghiệp bá vương, có lúc bị đói, Giới Tử Thôi đã cắt thịt đùi mình dâng ông ăn. Sau khi tạo dựng nên nhà Tấn, Tấn văn Công ban thưởng khắp nhưng lại quên công Giới Tử Thôi. Ông ta buồn hận bỏ đi. Sau Văn Công nhớ ra triệu vời nhưng Giới không đến, trốn vào rừng. Tìm gọi mãi không được, Tấn Văn Công sai đốt rừng để Giới phải chạy ra; nhưng Giới Tử Thôi ôm cây chịu chết cháy chứ nhất định không tha thứ cho vị quân vương vô tình (lúc này là ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch).
Tấn Văn Công sửa lỗi, nhưng lại gây nên cái chết của Giới Tử Thôi nên hối hận, từ đó sai lệnh cấm lửa trong ngày mồng 3 tháng 3 để tưởng nhớ người bề tôi trung thành mà ông vô tâm đã bỏ quên. Cho đến ngày nay, chắc chắn chúng ta cũng đinh ninh nguồn gốc của ngày tết này là như thế. 
Tuy nhiên, theo nhiều tài liệu sử học thì đây là “phong tục cổ của An Nam từ xưa”. Cách đây đúng 720 năm, Trần Nhân Tông (1258 – 1308) đã nói rõ đó là “phong tục cổ của An Nam từ xưa” trong một bài thơ kèm theo mâm bánh trôi biếu sứ giả nhà Nguyên là Trương Hiển Khanh. Bài thơ như sau:
Giá chi vũ bãi thí xuân sam
Huống trị kim triêu tam nguyệt tam
Hồng ngọc đôi bàn xuân thái bính,
Tòng lai phong tục cựu An Nam.
(Múa giá chi rồi, thử áo xuân
Hôm nay Hàn thực, buổi thanh thần
Bánh rau tinh khiết đầy mâm ngọc
Phong tục An Nam theo cổ nhân.)
Biếu Trương Hiển Khanh bánh xuân
                                         (Trần Lê Văn dịch)
Bài thơ giọng điệu trang nhã, vừa rất ân cần với khách vừa ý tứ sâu xa. 
Trương Hiển Khanh là Thượng thư bộ Lễ của Nguyên triều sang Việt Nam có nhiệm vụ “dụ” vua Trần phải thần phục. Vua tiếp sứ giả ở Điện Tập Hiền với phong cách rất thân mật, chủ tâm theo phong tục An Nam như: thiết đãi các món ăn và bánh trái dân tộc như bánh chay, bánh trôi, bánh chưng, bánh dầy; mời ăn trầu, thậm chí còn mời vào trong trướng “ngồi xuống đất”...  với tinh thần khẳng định bản lĩnh dân tộc. Lúc này nhân dịp ngày Tết Mồng ba tháng Ba vua đã biếu Trương Hiển Khanh một mâm bánh với bài thơ trên có câu “Tòng lai phong tục cựu An Nam” (Theo tục lệ An Nam đã có từ xưa).
 Vì sao Tết Hàn Thực là tục lệ nước Nam chứ không phải ảnh hưởng từ Tàu. Theo sách “Kinh Sở Tuế Thời Ký” (sách này có từ thời nhà Chu, trước thời Hậu Hán tức là trước cả chuyện Giới Tử Thôi) thì ngày thứ 105 trong tiết đông, thường có mưa to gió lớn, người Bách Việt cổ (tiền nhân của dân tộc Việt) gọi là tiết Hàn thực, người ta cấm lửa trong 3 ngày; vì thế Nhân Tông mới nhấn mạnh đây là “phong tục cổ của An Nam”. Sách trên ghi rằng trong tiết này người bản địa (thổ nhân) ra bến sông, ăn và uống rượu vui vẻ. Như vậy có thể nói ngày 3 tháng ba là một lễ hội của cư dân nông nghiệp phía nam mà Việt Nam ngày nay là một trong Bách Việt thời xưa.
So sánh Tết Hàn Thực cổ truyền của Việt Nam với Tết Hàn Thực của Tàu chúng ta thấy khác nhau ở chỗ: Tết Hàn Thực của Tàu theo tích Giới Chi Thôi là một cái tết buồn để tưởng nhớ một công thần bị chết cháy nên kiêng không nổi lửa, chỉ ăn đồ nguội, nấu từ hôm trước; nhưng trái lại với Việt Nam đây là một lễ hội vui, có múa hát, có mặc áo mới và ăn uống linh đình – không nhất thiết phải ăn đồ nguội lạnh. Tết Hàn Thực mồng 3 tháng 3 của ta còn có tục làm bánh chay ngũ sắc, bánh trôi bột nếp trắng tinh để cúng ông bà tổ tiên… nên còn gọi là "Tết bánh trôi - bánh chay".
Ngày nay do nhịp sống hiện đại, giới trẻ ít biết đến ngày này nhưng đa số cư dân làng xã nhất là ở miền Bắc vẫn tổ chức cúng bái, ăn uống vui chơi trong ngày mồng 3 tháng 3.
Tham khảo từ nhiều nguồn

Không có nhận xét nào: