Vụ gian lận thi cử 2018 tại Hà – Sơn - Hòa bị phanh
phui chỉ là giọt nước bẩn tràn ly bởi vì thực tế, gian lận thi cử ở nước
ta đã có từ lâu và tăng trưởng theo thời gian với nhiều biến thể phù hợp với từng
thời kì.
Nguyên nhân sâu xa của nó xuất phát từ thói gian dối của
con người. Gian dối thì dân tộc nào, quốc gia nào, chế độ nào cũng có nhưng
gian dối có phát triển, phổ biến hay không thì tùy thuộc vào quản lí xã hội và
sự nghiêm minh của pháp luật.
Năm 1841 dưới thời vua Thiệu Trị, Cao Bá Quát được cử
làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Trong khi chấm bài thi thấy một số bài văn hay
nhưng phạm húy, không muốn vì lỗi nhỏ mà đánh trượt người có tài, Cao Bá Quát
cùng Phan Thời Nhạ ngầm lấy muội đèn làm mực chữa 24 bài cho đỗ 5 sĩ tử. Đến
khi sự việc bị phát giác, Cao Bá Quát nhận tất cả, nói: “Tôi thấy các bài hay
sính bút làm vậy chứ không ai gửi gắm, dặn dò gì cả”. Án được dâng lên
vua, Cao Bá Quát và Phan Thời Nhạ bị tội tử hình nhưng sau đó được giảm án từ
“trảm quyết” (chém chết ngay) thành án “giảo giam hậu” (giam lại, đợi thắt cổ đến
chết sau) và cuối cùng, án Cao Bá Quát được đổi sang tống ngục. Về sau ông được
cho đi “dương trình hiệu lực” nghĩa là được phép lập công chuộc tội. Ngẫm ra: “Cầu
nhân vị đắc thành chiêu họa, Đồng bệnh tương lân khước lụy nhân” (Tìm điều nhân
chưa chắc được đã mang tai họa đến, Cùng cảnh thương nhau lại làm lụy cho người)”.
Cao Bá Quát sửa bài thi chỉ vì muốn triều đình chọn được hiền tài; còn ngày nay khi cơ chế thị trường và
quyền lợi, quyền lực của kẻ ăn trên ngồi trước được xã hội dung túng thì nạn
gian dối thi cử bắt đầu phát triển.
Những năm 1980-1990, hiện tượng gian dối, náo loạn
trong các kì thi TN cấp 2, cấp 3, Bổ túc văn hóa… diễn ra đại trà khi thí sinh
đi thi được phụ huynh, nhân viên phục vụ, công an bảo vệ và cả thầy cô giáo hỗ
trợ “ném tài liệu” hoặc “làm ngơ” cho thí sinh quay cóp… và được đánh đổi bằng
ăn uống, nhậu nhẹt, vui chơi thoải mái trong những ngày tổ chức thi.
Những chuyện như thế ai cũng biết, ai cũng tham gia,
ai cũng dung túng, thông cảm… vì họ chỉ mong con em có tấm bằng tối thiểu để
vào đời. Những chuyện này dù có nhiễu nhương nhưng chưa bị quyền lực cấp trên
và đồng tiền chi phối.
Khi kinh tế xã hội phát triển đặc biệt là với cơ chế
thị trường, mọi thứ đều có giá của nó. Gian lận thi cử cũng chuyển sang giai đoạn
mới, tinh vi hơn: theo “quy trình” chặt chẽ và có giá cả cụ thể bởi không ai đi
làm không công cho người khác bao giờ.
Từ đây hình thành khái niệm “gà”. Danh từ “gà” để chỉ
người đi thi được phụ huynh bỏ tiền ra chạy điểm; động từ “gà” để chỉ các hoạt
động gian dối hoặc hỗ trợ gian dối thi cử như gà bài, gà điểm, gà đề… tất cả đều
hướng đến mục tiêu là những con gà đi thi được đỗ như ý (tùy theo mức giá, độ mạnh
của quyền lực hay quan hệ). Tiền chục triệu cho một trường THPT công lập, tiền
hàng trăm triệu đồng cho một suất vào đại học, tiền tỷ cho một vé vào trường
sau này ăn nên làm ra dễ thu lại vốn như an ninh, quân đội... đều có cả.
Và khi những chuyện như thế được mặc nhiên dung túng,
chấp nhận thì nó trở nên phổ biến, trở thành “chuyện làm ăn”, “lợi nhuận khủng”
trong mỗi kì thi. Nếu bị phát hiện thì cũng được bao che bằng tiền và quyền lực;
cực chẳng đã mới “rút kinh nghiệm sâu sắc” và nói chung là không chết ai. Chính
vì thế mà người ta bất chấp tất cả, lôi kéo nhau thành một ê-kíp vận hành nhịp
nhàng từ người đứng đầu hội đồng thi cấp tỉnh đến các vị trí thấp hơn, có cả
giáo viên làm nhiệm vụ giám khảo và sĩ quan an ninh làm nhiệm vụ bảo vệ giám
sát các công đoạn của kì thi cũng như chấm thi…
Chống lại tham nhũng tiêu cực thi cử là chống lại quyền
lợi và quyền lực của nhóm lợi ích tha hóa của bộ phận không nhỏ giáo viên và
quan chức trong và ngoài ngành giáo dục; sự tha hóa có cơ bùng phát gặp khi tổ
chức thi thiếu chặt chẽ, luật pháp chưa minh bạch, xử phạt không nghiêm minh -
thật không dễ dàng chút nào.
Từ trước khi vụ gian lận thi cử ở Hà - Hòa – Sơn phanh
phui, có thể nói cả xã hội chưa coi trọng đúng mức hệ lụy nguy hiểm của gian lận
thi đối với giáo dục và toàn xã hội thể hiện ở chế tài xử lý lỏng lẻo, không có
tác dụng ngăn chặn, răn đe, tội phạm còn được dung túng, xử qua loa, mang tính
“nhân văn”, chỉ “khiển trách”, “cảnh cáo” hay “rút kinh nghiệm sâu sắc”.
Cái vòng luẩn quẩn ấy sẽ
không dứt một khi gian dối vẫn ngự trị nơi trường học. Nguồn nhân lực sẽ ra sao
khi được đào tạo, nuôi dưỡng trong bối cảnh như thế? Từ giáo dục gian lận sẽ tỏa
ra ngoài đời, vào chốn quan trường,… tiếp tục hoành hành, đe dọa sự phát triển
và an nguy dân tộc.
Hãy thử tưởng tượng từ điểm 0 và điểm
1 được phù phép lên điểm 8 hoặc 9,5 - số điểm được gian lận lên đến 29,95 điểm và trở thành thủ khoa các trường hàng top.
Đúng là khinh mạn tri thức, khinh mạn luật pháp lại còn hàm hồ coi thường công
chúng bằng những phát ngôn như “cộng điểm nhầm chứ không phải nâng điểm” hoặc
“tự nâng điểm cho thí sinh là con lãnh đạo để đưa lãnh đạo vào tròng” hoặc “rất
buồn khi con được nâng điểm” thạm chí bản thân thí sinh gian dối còn lên mặt
báo để “chia sẻ kinh nghiệm trở thành thủ
khoa”… Tất cả phản chiếu rõ ràng hình ảnh của một bộ phận quan chức suy
đồi về đạo đức, chúng không chỉ ăn cắp tiền bạc, ăn cắp cơ hội của người khác
mà còn coi thường cảm xúc của nhân dân.
Và hãy tưởng tượng một con cái của “bộ
phận không nhỏ” ấy chẳng cần công tôi học tập rèn luyện nhưng con đường
quan chức, cơ hội làm lãnh đạo và kiếm tiền vẫn rộng mở. Sau này khi ra trường
làm nhà giáo, chúng sẽ dạy sự dối trá; làm bác sĩ chúng
sẽ biến bệnh nhân thành
nạn nhân; làm công an chúng sẽ dùng dùi cui để làm tiền
nhiều hơn lý trí và công
lý; làm chỉ huy chúng sẽ đàn áp cấp dưới và gợi ý sự tiêu cực; làm lãnh đạo cấp thấp chúng sẽ tìm mọi cách
tham nhũng và phục vụ cho nhóm lợi ích; làm lãnh đạo cấp cao chúng sẽ dung túng
trở lại cho tiêu cực bằng việc ngồi xổm trên luật pháp – biết đâu trong số đó
sau này có kẻ bán rẻ đất nước và dân tộc cho ngoại bang…
Dù nằm ở bộ phận nào, nắm giữ vị trí nào, mục tiêu của
chúng là
tiền và quyền bằng vơ vét, kiếm chác để vinh thân, phì
gia… Cứ thế, con cháu hay thân quyến của chúng sẽ được nối nghiệp bằng sự trí
trá lưu manh.
Gian lận thi cử là bộ mặt của giáo dục, giáo dục cũng chỉ là một tấm
gương phản chiếu thảm trạng của xã hội.
Xã hội này trong tương lai sẽ do loài "gà" nắm giữ ! Ai phải chịu trách nhiệm này? Thật xót
xa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét