15/1/20

1.660. KÍ ỨC BÊN BẾP TẾT

     Lê Đức Thịnh
Bài đăng trên Đặc san Đại Lộc - Xuân Canh Tý 2020

          Ngày cuối năm là những ngày đẹp và nhiều cảm xúc nhất trong năm. Mọi thứ dường như trôi qua nhanh hơn. Người tất bật, xe cộ hối hả, hoa chộ rộ, tiếng trả chát gọi nhau í ới cấp tập, tâm trạng con người nôn nao nóng lòng về mọi chuyện: một món nợ chưa trả, một món nợ chưa đòi được, vài việc chưa hoàn thành, hàng hoa bán không hết, vài thứ bánh trái vật dụng chưa kịp sắm sanh… Người ta quanh quẩn mà không kịp thấy hoàng hôn chiều giao thừa đã bao phủ.

Nhớ Tết xưa vào thời điểm này, những đứa trẻ quê bọn tôi xúm quanh bếp  lửa ngoài sân, nơi nồi bánh tét sôi sùng sục, lửa nóng rát mặt vì đun bằng củi trối to, cháy đượm. 
Lúc chuẩn bị cho Tết cũng là lúc người dân quê tôi còn đang tất bật xuống đồng cho một vụ mùa sau lũ thế nhưng mọi việc hãy tạm khép lại. Ngoài đồng mầm xanh đã phủ khắp, trong vườn cây trái đã lên tươi. Tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác tiêng tiếc khi nhiều thứ chuẩn bị cho Tết đã bị lũ cuốn phăng:
tiếc vồng cải sớm trổ hoa vàng cha chạy mùa trước vụ
tiếc hàng đu đủ sắp trở mình đón gió xuân sang
vườn nhà bùn non tan hoang lũ về trái nết
giọt nước mắt hòa trong sông nước mênh mang

mùa đã đi cùng nỗi đau xả tràn lũ càn lũ quét
đồng đất nhuốm nâu vàng trôi giấc mơ xuân
tóc mẹ qua đêm càng lên màu trắng xõa
khuya mênh mang chong đèn vớt chuyện ngày qua”
                                                                           (Trích thơ Mộc Nhân)
Đêm cuối năm xúm xít bên ánh bếp, nhìn màu lá chuối xanh đổi màu thẫm trong nồi nước đun sôi trông thật đẹp; những khuôn mặt trẻ thơ cũng đổi sang màu ửng hồng vui sướng. Mùi bánh bay thơm ngào ngạt xen với mùi củi tươi cháy trào ra vài dòng nhựa cây sủi reo dưới ngọn lửa – ba tôi gọi đó là “lửa cười”. Những sợi lạt cuốn chặt quanh khúc bánh ngâm mình trong nước mỗi lúc một siết chặt lại làm những đoạn ở giữa phồng ra, căng bóng dưới lớp nước sôi, hơi lên nghi ngút. Tất cả như đang căng tràn khi thời gian đang ở khúc giao mùa.
Ánh sáng của những cây đèn dầu lắc lư hắt sáng mọi góc vườn, góc nhà để mọi việc được kết thúc trước giao thừa.
Tôi ngồi canh bếp lửa. Nồi bánh tét bập bùng cho đến trước giao thừa mới được vớt ra, sắp trên nia theo hàng, những đòn bánh đẹp nhất, tròn căng và dây buộc sít sao nhất đưa lên bàn thờ ông bà trưng bày. Ba tôi đã vào nhà thắp hương trên bàn thờ, mẹ lục đục dưới bếp cho những công việc cuối cùng trước khi thời khắc giao thừa trôi qua.
Từ hôm hai mươi ba tháng chạp, cúng đưa ông Táo về trời, mẹ tôi đã bắt đầu đi chợ tết, trong nhà không khí trở nên nhộn nhịp. Đi học về, thấy trước hiên bày những lọ thủy tinh, những hũ sành đựng dưa món, dưa chua, cà pháo ngâm, ớt xanh ớt đỏ ngâm dấm chua. Không khí buổi chiều ở nông thôn phảng phất mùi nhang đèn, mùi trầm thơm từ nhà ai bay ra. Hai đứa con trai, anh tôi và tôi, có bổn phận quét sân quét nhà, lau lư hương trên bàn thờ, chùi các chậu sứ ngoài hiên, là những công việc mà tôi thích thú. Đất trời thay đổi mỗi ngày, càng gần hết năm, càng trở nên mờ ảo, dịu dàng, bí mật. Bến đò mưa bụi lay phay tấp nập người qua lại. Trên những con đường mới đây còn lầy lội mưa dầm, nhão quánh bùn và phân trâu, nay đã bắt đầu khô ráo, thoáng thấy vài cánh áo mới, đôi phong pháo đỏ tươi trong quang gánh lùng nhùng. 
Gần cuối năm, mẹ tôi gạt nỗi lo riêng, lấy lại dáng vui vẻ nhanh nhẹn thường ngày, đi tìm những lá chuối lớn, chuẩn bị gói bánh, làm tất bật luôn tay cho đến khuya. Trên cái mâm đồng lớn đựng trên phản gỗ, đậu xanh đã được giã nhỏ để làm nhụy bánh chưng bánh tét, trên một cái mâm khác những xấp lá chuối chồng cao ngất. Sáng ba mươi, vừa đi chợ về, mẹ tôi không kịp thay áo dài, đã hối hả bắc chậu nước lên bếp. Nồi thịt heo ướp sẵn, những thúng gạo nếp hôm trước đã được ngâm nước.
Mẹ tôi cho gói những chiếc bánh chưng vuông vức, nhưng gói bánh tét nhiều hơn, những đòn dài tròn trịa. Củi lách tách nổ, lửa lên đều, nước thỉnh thoảng sôi trào ra phải rút bớt lửa. Đêm càng sâu, trời càng lạnh, mọi người đã đi ngủ hết. Trước sân, cành mai bên bể cạn, nơi mặt nước phồng lên sau mấy cơn mưa, vài con cá chép bé teo đớp bóng, đang khoan thai nở những nụ sáng trong đêm huyền bí.
Trong tiếng lửa củi lách tách, những đôi mắt buồn ngủ nhíu mắt vẫn mở to để nghe bà kể những câu chuyện xưa cũ, ma mị, lạ hoắc lặm vào cả tuổi thơ.
Hình ảnh ấy vẫn mãi tỏa lan trong nhịp sống hiện đại no đủ mà đầy lo âu thiên biến…
Giờ mọi thứ đã đi xa. Cái không khí giao thừa bên bếp Tết liệu mấy ai còn giữ; cái hồn quê trong bánh trái do bàn tay chính mình làm ra để dâng cúng tổ tiên và sử dụng trong trọn Tháng Giêng liệu mấy ai làm… Ba mẹ tôi đã đi xa, nhưng cái hình ảnh bếp Tết đầm ấm vẫn còn mãi khắc ghi đâu đó trong cõi hồn mỗi người.
“ta nghe lơ mơ nỗi buồn tháng hạ
có những dấu chân cha lật lối cày
quá nửa khuya tiếng mẹ đong đưa dỗ dành ta ngủ
mở ra giấc mơ hoa chuối xòe trăm ngón tay ru

đêm nghe mưa rửa bùn hàng tre đầu ngõ
âm vang tiếng xạc xào gõ nhịp chung chiêng
những bắp ngô non trở mình trong bẹ
những nụ cười hoa trái tháng Giêng”.
                                                 (Trích thơ Mộc Nhân)


Không có nhận xét nào: