Mộc Nhân
Vừa xong mấy ngày cuối năm nào là:
tất niên, tổng kết, chia tay, gặp anh em bạn hữu ở xa mới về… chưa kịp ngơi
nghỉ lại tiếp đến những ngày đầu năm: khia trương, họp lớp, chúc tết… cứ thế tiệc
tùng nâng ly liên miên không dứt.
Đành rằng đã có luật không cho lái
xe uống rượu bia nhưng đi loanh quanh trong cái thị trấn nhỏ ở địa phương này,
ai không biết mình – ai lại không biết nhau nên luật thì có nhưng lệ thì vẫn
chưa tác động gì nhiều. Vậy là rượu bia thì vẫn có sẵn đó, ai không uống thì
thôi, còn nếu có uống tí chút cũng chưa đến nỗi mất bạc triệu cho tiền phạt.
Chuyện mời mọc là việc của chủ nhà
chủ tiệc, còn uống hay không Là do mình.
Tuy nhiên phải thừa nhận rằng giảm
rượu bia thật sự là một điều làm tôi cảm nhận tết này nhẹ nhàng hơn. Thật ra
không chỉ là chuyện
giảm rượu bia mà muốn cho Tết được nhẹ nhàng, cần buông bỏ những thứ nặng nề
đi.
Những thứ nặng nề đó là gì ? Có thể
kể ra hàng lô hàng lốc như kiêng kỵ, ra ngõ gặp kẻ này người khác, một câu hỏi
câu chào hớ hênh, một cái bắt tay chưa đúng kiểu, một lời quở đầu năm… Tất cả
đều có thể bị cho là thiếu tế nhị, mang đến tâm trạng nặng nề, ức chế và thậm
chí là ám ảnh khiến người ta không muốn giao tiếp với đã gây ra điều đó…
Có những thứ thuộc về văn hóa và có
những cái thuộc về thói quen ứng xử. Tuy nhiên không phải nét văn hóa nào cũng
là tốt và không phải mọi chuẩn ứng xử đều phù hợp. Nhiều thứ suy diễn có thể
gây khó chịu. Nhất là thời buổi hiện đại, thông tin, ý kiến, nhận xét, thái độ
của một cá nhân được chia sẻ trên mạng xã hội có thể gây ra những hiệu ứng đám
đông trái chiều rất tai hại.
Thậm chí người ta còn bày nhau cách
ứng phó, đáp trả lại những lời nói, hành động, cử chỉ mà họ cho là “tạo điềm gở”
trong những ngày đầu năm. Chưa biết những điều ấy có đúng hay không nhưng trước
mắt nó gây ra sự chia rẽ, mâu thuẫn từ những tranh luận và dẫn đến xung đột
trong đời sống. Thiết nghĩ lấy sự nặng nề này để đáp trả sự nặng nề khác thì có
nhẹ nhàng được chăng?
Muốn nhẹ nhàng thoải mái thì chính
mình cần buông bỏ sự khó chịu trong lòng trước. Trước những lời lẽ thiếu thiện
ý thì cứ lờ đi, cười nhẹ cho qua. Người nào thật lòng quan tâm thì mình cũng mở
lòng chia sẻ. Mình thoải mái với người thì người khác cũng sẽ thoải mái với
mình. Mỗi người góp một chút tâm tình thì mọi người đều nhẹ nhàng vui vẻ hơn
trong ngày Tết.
Gặp nhau
ngày tết là gặp cái tình chứ không hẳn là nhu cầu gặp gỡ. Chúc nhau ngày tết là
lễ nghi chứ không phải là lời cửa miệng. Mời mọc ngày tết là mời cái tình chứ
không thuộc về nhu cầu mời mọc… Chính vì vậy mọi thứ phải chu tất, bày biện,
sang trọng, trân trọng…
Mỗi năm tới
tết, về sum họp gia đình, gặp mặt bạn bè, thăm viếng hàng xóm, chúc tụng đồng
nghiệp… là dịp để thiết lập, củng cố hoặc thắt chặt các mối quan hệ tình cảm.
Đó cũng là
dịp để nhìn lại một năm qua cái gì được thì tiếp tục, chưa được thì sửa sang,
nhìn thêm một chút điều gì khiến mình vui, điều gì làm mình khổ, cái nào vui
thì mình tận hưởng, nặng nề thì bỏ bớt đi. Đời cứ thế, nhẹ nhàng cho vui.
Mùa xuân là khắc thiên thu
Đời người là khắc phù du đất trời
Cuộc chơi nào cũng rã rời
Tháng Giêng rồi cũng rớt rơi theo ngày
Đời ngắn
Sao lại thở dài
Chào nhau
Xin cứ lai rai cuộc người
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét