6/10/21

2.192. BIẾT ƠN PHẠM DUY

 Mộc Nhân



Tân nhạc Việt Nam bắt đầu hình thành vào thập niên 40. Hơn tám mươi năm qua, có biết bao nhạc sĩ ghi danh mình trên chặng đường tân nhạc Việt qua các thời kỳ nhưng  trên vòm trời ấy chỉ có khoảng vài chục ngôi sao sáng với các tác phẩm sống mãi trong lòng công chúng yêu nhạc.

Số lượng ca khúc chúng ta có rất nhiều, nhưng những nhạc phẩm có giá trị nghệ thuật, đi được vào lòng người, sống được với thời gian cũng không ít nhưng những tượng đài như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Văn Cao… thì mãi trường tồn.

Phạm Duy sinh năm 1921, tên khai sinh là Phạm Duy Cẩn, lớn lên theo học tại các trường Thăng Long, Cao Đẳng Mỹ Thuật, Kỹ Nghệ Thực Hành... Thời gian ở Cao Đẳng Mỹ Thuật, ông học cùng năm với một người bạn có tên là Nguyễn Văn Cao, sau này thành danh là nhạc sĩ Văn Cao. Khi trở thành nhạc sĩ, Phạm Duy Cẩn bỏ cái tên Cẩn của mình để trở thành Phạm Duy, trong khi đó Văn Cao thì bỏ họ Nguyễn. Giữa hai nhạc sĩ lừng danh này có một điểm chung là cùng theo học hội họa như là một chất men trước khi họ cống hiến cuộc đời mình cho âm nhạc.

Không một ai có thể phủ nhận trong giai đoạn phôi thai của nền âm nhạc Việt Nam, Văn Cao và Phạm Duy là hai trong những cánh chim đầu đàn. Giữa hai nhạc sĩ này có rất nhiều điều chung trong nghệ thuật, thế nhưng hoàn cảnh lịch sử, chính trị và xã hội đã đẩy hai người đi về hai phía khác nhau, để rồi từ khi Phạm Duy chia tay Văn Cao ngoài kháng chiến trở về thành vào cuối năm 1951, di cư vào Nam đầu năm 1952, di tản sang Mỹ vào năm 1975, cho đến khi Văn Cao nhắm mắt vào năm 1995 cả hai không một lần nào gặp lại.

Pham Duy mất năm 2013. Năm 2021 này là 100 năm ngày sinh Phạm Duy. Ông để lại gia tài âm nhạc gồm hàng ngàn ca khúc trong đó có cả trăm bài nhạc để đời bao gồm đủ thể loại, nhiều phong cách.

Có thể kể ra một số ca khúc tiêu biểu:

- Các ca khúc thời kỳ đầu sáng tác: Cô Hái Mơ (phổ thơ Nguyễn Bính), Gươm Tráng Sĩ, Chinh Phụ Ca, Xuất Quân, Thu Chiến Trường, Chiến Sĩ Vô Danh, Nợ Xương Máu, Cây Đàn Bỏ Quên, Khối Tình Trương Chi, Tình Kỹ Nữ, Tiếng Bước Trên Đường Khuya...

- Các ca khúc trong thời kháng chiến: Quân Y Ca, Dân Quân Du Kích, Một Viên Đạn Là Một Quân Thù, Thanh Niên Quyết Tiến, Ngọn Trào Quay Súng...

- Các ca khúc mang phong cách dân ca mới: Ru Con, Mùa Đông Chiến Sĩ, Nhớ Người Ra Đi, Bên Ni Bên Nớ, Bà Mẹ Gio Linh, Về Miền Trung, và Gánh Lúa.

- Các tình khúc tiền chiến: Bên Cầu Biên Giới, Tiếng Đàn Tôi, Đêm Xuân, Chú Cuội, và Cành Hoa Trắng…

- Tình Ca Quê Hương: Tình Hoài Hương, Tình Ca, Bà Mẹ Quê, Em Bé Quê, Viễn Du, Lữ Hành…

- Tình ca: Tìm Nhau, Thương Tình Ca, Ngày Đó Chúng Mình, Kiếp Nào Có Yêu Nhau (thơ Hoài Trinh), Đừng Xa Nhau, Mưa Rơi, Đường Em Đi, Nếu Một Mai Em Sẽ Qua Đời, Còn Gì Nữa Đâu, Nước Mắt Rơi, Đường Chiều Lá Rụng, Tạ Ơn Đời…

- Trường ca: Con Đường Cái Quan, Mẹ Việt Nam…

- Ngoài ra còn có các ca khúc theo chủ đề: Tâm Ca, Đạo Ca, Bình Ca, Nữ Ca, Thương Ca Chiến Trường, Tình Cảm Thiên Nhiên, Huyền Sử Ca, Tục Ca, Trên Đường Tị Nạn, Ngục Ca, Rong Ca, Thiền Ca, Nhục Tình Ca…

Chúng ta biết ơn ông vô cùng bởi với con số hàng ngàn ca khúc, Phạm Duy đã trở thành bậc thầy cho nhiều người lắng nghe, học tập, hưởng thụ, cảm thụ…

Chẳng một ai có thể nhân danh điều gì để vinh danh nhạc sĩ Phạm Duy. Tự bản thân Phạm Duy vốn đã sẵn có một cái danh đích thực, trải dài, còn mãi mà bất kỳ ai trong chúng ta đã hơn một lần cảm nhạc của ông cần có bổn phận biết ơn.

***

* Bài viết có sử dụng thông tin từ nhiều nguồn trên Internet.

Không có nhận xét nào: