7/10/21

2.193. TẢN MẠN VỀ NOBEL VĂN HỌC

 


Giải Nobel với câu slogan: "Awarded for the greatest benefit to humankind" (Trao thưởng cho những lợi ích vĩ đại nhất hướng đến nhân loại). Riêng Nobel Văn sẽ được Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố vào 13h ngày 7/10 (giờ địa phương, tức 18h - giờ Hà Nội). Người chiến thắng nhận phần thưởng 10 triệu krona Thụy Điển (25,9 tỷ đồng). 

Kể từ khi ra đời năm 1895 theo di chúc của ông Alfred Nobel, đến nay, Nobel Văn học vinh danh 117 cá nhân, trong đó có 111 tác giả nam và 16 cây bút nữ. Giải lần đầu được trao cho nhà thơ Pháp - Sully Prudhomme - năm 1901. Người phụ nữ đầu tiên đoạt giải là Selma Lagerlöf (1990). 5 năm sau, bà được bầu vào Viện Hàn lâm. Rudyard Kipling, tác giả The Jungle Book, là người trẻ nhất khi đoạt giải năm 1970 (41 tuổi). Nhà văn Anh Doris Lessing là người già nhất - 88 tuổi khi nhận Nobel năm 2007. Năm 1931, giải được trao cho nhà thơ Thụy Điển Erik Axel Karlfeldt, người qua đời trước đó vài tháng. Từ năm 1974, quỹ quy định giải thưởng chỉ được lựa chọn những tên tuổi còn sống.

Jean Paul Sartre từng khước từ tất cả sự vinh danh, bởi ông cho rằng một nhà văn chỉ nên dùng phương tiện của chính mình - chữ viết. "Tất cả danh hiệu mà anh ta đạt được có thể khiến độc giả chịu áp lực, điều tôi không mong muốn", ông viết trong thư từ chối giải gửi Viện Hàn lâm vào ngày 14/10/1964, trong khi Viện Hàn lâm đã quyết định chiến thắng từ ngày 17/9. Nếu lá thư đến trước tháng 9, Ủy ban có thể xoay xở chọn người khác. Ông đoạt giải nhờ "tác phẩm giàu ý tưởng, tràn đầy tinh thần tự do và kiếm tìm chân lý, có ảnh hưởng sâu rộng đến thời đại của chúng ta" - theo đánh giá của Viện Hàn lâm. Jean Paul Sartre là nhà triết học, biên kịch, tiểu thuyết gia và hoạt động chính trị người Pháp. Ông nổi tiếng với cuốn sách viết về thời niên thiếu của ông là Ngôn từ (1964), Buồn nôn (1938), vở kịch Les Mouches (Ruồi) và Huis clos (Phía sau cửa đóng)...

Viện Hàn lâm không bao giờ cho biết dấu hiệu về nhân vật có khả năng đoạt giải tới khi công bố kết quả. Danh sách rút gọn của các ứng viên sẽ được tiết lộ 50 năm sau đó. Theo danh sách từng được hé lộ, Rabindranath Tagore, William Faulkner, Sully Prudhomme, Rudolf Eucken, Paul Heyse... là những người đoạt giải sau một năm đề cử. Karel Capek có tổng cộng bảy năm liên tiếp nhận đề cử (1932-1938) nhưng chưa từng chiến thắng. Vladimir Nabokov vào danh sách rút gọn năm 1974 nhưng giải thuộc về hai tác giả kém tiếng hơn - Harry Martinson và Eyvind Johnson. Bốn năm sau khi nhận giải, Harry Martinson tự tử vì áp lực dư luận.

Nobel Văn học vốn dựa trên toàn bộ sự nghiệp nhà văn, nhưng có chín lần Viện Hàn lâm công bố tác phẩm cụ thể giúp tác giả thắng giải. Năm 1965, giải thuộc về Mikhail Sholokhov nhờ Sông Đông êm đềm, "tác phẩm có sức mạnh nghệ thuật và tính toàn vẹn, mang âm hưởng sử thi, thể hiện một gia đoạn lịch sử của nhân dân Nga". Năm 1954, giải thuộc về Ernest Hemingway vì những cách tân nghệ thuật của ông trong Ông già và biển cả.

Roger Martin Du Gard đoạt giải năm 1937 vì miêu tả những xung đột của nhân loại trong tiểu thuyết Les Thibault. John Galsworthy được vinh danh năm 1932 cùng loạt tiểu thuyết Truyện gia đình Forsyte, với nghệ thuật kể chuyện đặc biệt. Thomas Mann nhận giải năm 1929 nhờ cuốn Gia đình Buddenbrook, được xem là tác phẩm văn học đương đại kinh điển.

Wladyslaw Reymont giành giải năm 1924 với series tiểu thuyết The Peasants, được ví như cuốn sử thi vĩ đại của nhân dân Ba Lan. Knut Hamsun là chủ nhân giải thưởng năm 1920 nhờ tiểu thuyết đồ sộ - Growth of the Soil. Carl Spitteler đoạt giải năm 1919 với tiểu thuyết Olympian Spring. Theodor Mommsen được vinh danh năm 1902 với series văn học sử - History of Rome.

Nobel Văn học là một trong sáu hạng mục của giải Nobel, được trao cho tác giả từ bất kỳ quốc gia nào, theo di chúc của nhà hóa học Alfred Nobel. Viện Hàn lâm Thụy Điển được vua Gustav III thành lập năm 1786, chịu trách nhiệm ra quyết định về Nobel Văn học.

Giải từng bị gián đoạn vào các năm 1914, 1918, 1935, 1940, 1941, 1942 và 1943 vì hai cuộc chiến tranh thế giới. Theo quy chế, nếu không có công trình nào ấn tượng, số tiền thưởng sẽ được bảo lưu đến năm sau. Huy chương do nhà điêu khắc Thụy Điển - Erik Lindberg - thiết kế, có hình ảnh một chàng trai trẻ ngồi dưới gốc cây nguyệt quế sáng tác, bị mê hoặc bởi bản đàn của một nàng thơ. Bằng chứng nhận là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, do các nhà thư pháp Thụy Điển và Na Uy sáng tạo.

Nhiều trường hợp thắng giải gây bất ngờ cho công chúng:

- Năm 1950, học giả Anh - Bertrand Russell - có nhiều tác phẩm liên quan triết, logic học, toán học nhưng giành giải Nobel Văn học.

- Năm 1953, cố Thủ tướng Anh Winston Churchill được trao giải Nobel Văn học nhờ các cuốn tiểu sử xuất sắc và các bài diễn thuyết bảo vệ những giá trị nhân văn dù trước đó người ta dự đoán ông sẽ nhận giải Nobel Hòa bình.

- Năm 1974, hai tác giả đồng thắng giải là Harry Martinson và Eyvind Johnson – hai ông là nhà văn và nằm trong hội đồng 18 thành viên bình chọn giải. Độc giả, giới văn sĩ sau đó phản đối vì tác phẩm của hai ông không được phổ biến bằng cả tiếng Anh và tiếng Thụy Điển. Báo chí, các nhà văn Thụy Điển cho rằng Viện Hàn lâm đã thiên vị hai tác giả.

- Năm 1978, nhà văn Thụy Điển Harry Martinson thắng giải nhưng sau đó đã tự tử bằng cách mổ bụng giống các samurai Nhật vì những chỉ trích, dèm pha của giới văn sĩ Stockholm. Tờ Independent nói Harry Martinson chết để giữ gìn danh dự. 

- Năm 2004, chiến thắng của nữ nhà văn Áo Elfriede Jelinek không thuyết phục bởi tên tuổi bà không vượt ra phạm vi cộng đồng nói tiếng Đức. Knut Ahnlund - một trong 18 thành viên bình chọn giải - đã rời Hội đồng để bày tỏ thái độ phản đối.

- Năm 2009, tác giả người Đức - Herta Mueller - giành giải nhưng nhiều nhà nghiên cứu bày tỏ thất vọng vì họ chưa từng nghe thấy tên bà. Nhiều cây bút không được ủng hộ vì bị cho rằng tên tuổi chưa đủ sức nặng: "Một lần nữa, Viện Hàn lâm Thụy Điển chọn một người vô danh thắng Nobel Văn học. Herta là ai? Bạn sẽ hỏi như vậy và bạn không phải là người duy nhất thắc mắc về điều đó. Mueller ở đưới đáy của danh sách cá cược mà nhà cái Ladbrokes đưa ra. Chỉ vài cuốn của bà từng được dịch sang tiếng Anh...".

- Năm 2012 Mạc Ngôn bị Hertha Muller - người đoạt giải năm 2009 - gọi là "thảm họa", thậm chí khiến bà bật khóc. Trên tờ agens Nyheter của Thụy Điển, Muller nói một tác giả luôn "dùng văn chương để phục vụ mục đích chính trị như Mạc Ngôn" không xứng đáng với giải thưởng cao quý. Các tác phẩm của Mạc Ngôn thường chứa đựng những bình luận xã hội, phản biện các chính sách khắc nghiệt, được cho là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ quan điểm chính trị của Lỗ Tấn và chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của Gabriel Garcia Marquez. Những câu chuyện thường có bối cảnh gần quê hương ông, thành phố Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Một vài cuốn sách của Mạc Ngôn từng bị cấm tại quê nhà vì yếu tố "khêu gợi và thô tục". 

- Năm 2016, ca sĩ, nhạc sĩ Bob Dylan được vinh danh, làm nhiều nhà văn, nhà thơ bất mãn. Tiểu thuyết gia Jodi Picoult nói: "Tôi mừng cho Bob Dylan, nhưng điều này đồng nghĩa tôi cũng có thể thắng giải Grammy?".

- Năm 2019, Peter Handke thắng giải nhưng bị phản đối vì quan điểm chính trị. Ông bị tẩy chay vì từng công khai bảo vệ Slobodan Milosevic - cựu Tổng thống Nam Tư – người bị cáo buộc 66 tội danh liên quan đến diệt chủng, tội ác chống loài người và tội phạm chiến tranh trong các cuộc xung đột đẫm máu ở Bosnia, Croatia và Kosovo những năm 1990. Tổ chức nhân quyền PEN America nói họ "chết lặng" khi nghe tin Peter Handke được vinh danh, "thất vọng với quyết định của Ủy ban Nobel về giải thưởng này"...


Trước giờ công bố Nobel Văn chương 2021.

Nguồn: NobelPrize - và các trang khác.

 

Không có nhận xét nào: