4/10/21

2.188. TINH PHÁCH TỎA RA TỪ VÒM CÂY

          Mộc Nhân

Lời bạt cho tác phẩm: “Bonsai Ngược – Upside down Bonsai – Các vấn đề về lý luận nghệ thuật và kỹ thuật tạo tác” của tác giả Lê ThạnhKỷ lục gia, Dị nhân Bonsai Ngược Việt Nam (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2021).

***

Có một điều kỳ lạ không cần lý giải là: bất cứ cái cây, bông hoa nào cũng gợi cho chúng ta nhiều mỹ cảm về vẻ đẹp và sự sống. Từ cây ngũ cốc đến loài hoa dại; từ đại thụ trong rừng sâu đến cây trái trong vườn; từ lọ hoa trên bàn đến cổ thụ nơi đình chùa miếu mạo; cây cảnh và bonsai – càng hiển nhiên… Tất cả đều tạo ra xúc cảm và tất nhiên chúng gợi những xúc cảm khác nhau. Nó khác nhau như mỗi cá thể, riêng biệt như đời sống muôn hình vạn trạng, đa dạng như tạo vật… Trong khi điều này lại không tồn tại khi chúng ta giao tiếp với muông thú và con người bởi dường như ở đó, ngoài những giá trị tự thân còn có sự hung hãn, lọc lừa, gây hại hay giả dối…

Cây hoa thì không, tuyệt nhiên không.

Vậy điều bí ẩn, thu hút của một cái cây hay bông hoa là gì ? Chúng có đời sống bất di, lâu nay chúng ta vẫn xem là vô tri vô giác; đó là những suy nghĩ cạn cợt. Thực ra, thế giới cây đầy ắp ký ức, mở ra một cõi sống kỳ diệu, tinh tế trong giao tiếp, đầy cá tính, trong môi trường cộng sinh, có số phận tái sinh cùng những thông tin và cảnh báo… hết sức gần gũi với nhân loại.

Với một cây bonsai ngược, điều này lại càng thú vị bởi bạn sẽ nhìn nó khác hẳn so với khi nhìn một cây bonsai hay cây cảnh bình thường. Nó làm chúng ta kinh ngạc, biết ơn và ngưỡng mộ bởi sự độc đáo.

Những trải nghiệm mới mẻ này không phải ai cũng nhận thức được giá trị của bonsai ngược hay kỳ công tạo tác hình thế của chủ nhân một các dễ dàng bởi bonsai ngược có một hệ thống ngôn ngữ, hình ảnh, biểu tượng, tư duy, suy luận và kinh nghiệm riêng.

Bonsai ngược không chỉ đơn thuần là vấn đề kỹ thuật mà là những thách đố cùng với bao điều kỳ diệu, cảm động và kịch tính. Nó không chỉ là tạo tác mà còn là tri kiến, sự tử tế khi con người đối đãi với cây cối ngay cả trong trạng thái chúng ta mang đến cho nó một đời sống ngược. Ở đây không chỉ có mối quan hệ một chiều mà người và cây đã thiết lập nên mối quan hệ song hành bằng tương tác qua lăng kính đảo ngược để tạo nên những cá thể khác thường thậm chí là phi thường, cùng những mỹ cảm cho tâm hồn và gợi nhiều suy nghĩ.

Nhìn ở góc độ triết học, bonsai ngược là cách để chúng ta nhận thức thế giới khách quan và biểu hiện tư tưởng con người. Khi chúng ta miêu tả tính nghịch của cây để có thể phát hiện trầm tích từ tính thuận của nó, qua đó nhận thức tồn tại đa dạng, sâu sắc hơn.

Nhìn ở góc độ đời sống, bonsai ngược cho chúng ta thông điệp về sức sống từ nghịch cảnh. Nói như Peter Marshall (nhà thần học người Mỹ): “Hãy nhớ rằng cây sồi trở nên mạnh mẽ trong gió ngược, và kim cương hình thành dưới áp lực” (Remind us that oaks grow strong in contrary winds and diamonds are made under pressure).

Nhìn ở góc độ mỹ học, yếu tố ngược đặc biệt khơi gợi và diễn đạt các tâm trạng tới hạn, lên đến cao trào của các trạng thái có ý nghĩa về thẩm mỹ và nhân sinh.

Nhìn ở góc độ sáng tạo, sự phá cách táo bạo, cách mô phỏng tự nhiên theo cái nhìn mới mẻ của người làm bonsai ngược có thể xem như là một dạng thức   “hậu hiện đại” (postmodernism) trong nghệ thuật cây cảnh. Nó không chỉ là yếu tố hình thức mà còn hàm ẩn nhiều nội dung. Nhất là khi hiệu quả thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật từ bonsai ngược tuỳ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân của người tiếp nhận, tuỳ thuộc vào tầng bậc văn hoá mà chủ thế sáng tạo sở thuộc và quan trọng nhất là nó mang đến cho người thưởng lãm sự hưởng thụ hoàn toàn mới mẻ cùng với sự thúc đẩy hướng phát triển của một thú chơi mang đậm dấu ấn nghệ thuật, kỳ công, thể hiện phong cách cá nhân.

Thế giới của bonsai ngược chuyển động rất chậm so với những gì chúng ta quan sát được từ loài người và muông thú nhưng đó là thế giới mà người chơi chăm chút từng giờ, mong đợi từng ngày, cất giấu từng bí ẩn tinh tế và mãi nhen nhóm những mơ ước mới trên con đường xác lập niềm tin vào cái đẹp của mình.

Đọc hết tập sách của Lê Thạnh, tôi suy ngẫm về câu nói của triết gia Hy Lạp Platon: “Hành vi của con người bắt đầu từ ba nguồn chính: khao khát, cảm xúc, và tri thức” (Human behavior flows from three main sources: desire, emotion, and knowledge). Chắc chắn cả ba điều này đều có ở Dị nhân Bonsai ngược Lê Thạnh. Nó giúp anh dấn thân vào cuộc chơi đầy đam mê của mình – không chỉ cho anh mà còn cho bạn, cho tôi, cho những con người "đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu".

Và đến một lúc nào đó, nếu chúng ta huân tập cho mình những phẩm chất ấy thì chúng ta sẽ nhìn thấy tinh phách tỏa ra từ vòm cây (*).

Đó cũng là một điều kỳ lạ không cần lý giải.

 Mộc Nhân – Tháng 10/ 2021

 --------------

(*) Lấy từ câu thơ “And the soul creeps out of the tree”, trong bài thơ "All Hallows" – của Louise Glück (Nobel Văn chương 2020). Bản dịch Mộc Nhân.

Không có nhận xét nào: