9/10/21

2.196. CẢI THIỆN SỨC KHỎE BẰNG CÁC LIỆU PHÁP ĐƠN GIẢN (1)

 

LTS: Loạt bài “Cải thiện sức khỏe bằng các liệu pháp đơn giản” do Bác sĩ Huỳnh Hải gởi đến nhằm mục đích chia sẻ những kinh nghiệm chữa bệnh đơn giản, dễ áp dụng khi gặp các vấn đề sức khỏe mà nếu không hiểu biết hoặc không có cách giải quyết tự thân thì sẽ dẫn đến các hệ lụy về sau, lại tốn thì giờ, tiền bạc và suy giảm sức khỏe lâu dài. Để trang cá nhân thêm phong phú, tôi đăng tải các nội dung này, chắc chắn sẽ có ích có bạn và tôi. Trong bài này, các bạn sẽ hiểu thêm về các tình huống sức khỏe: (1) Cải thiện Hội chứng ruột kích thích (2) Co giật mi mắt (3) Chiếc gối và giấc ngủ.

Loạt bài này sẽ gắn nhãn "Sức khỏe" để các bạn dễ tìm kiếm.

Xin cảm ơn Bác sĩ Huỳnh Hải đã chia sẻ.

 

1. CẢI THIỆN HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH

Bệnh nhân bị Hội chứng ruột kích thích thường có các triệu chứng sau:

- Đau bụng âm ỉ. Tình trạng đau bụng, nặng bụng này sẽ giảm đi ngay sau khi đi đại tiện.

- Thường đi phân nát, lỏng, không thành khuôn, không có máu (do không có tổn thương thực thể ở đại tràng).

- Số lần đại tiện từ 3 lần trong một ngày đến nhiều hơn, nhất là vào buổi sáng. Khi muốn đại tiện bệnh nhân phải đi ngay vì có cảm giác phân sắp ra nếu bệnh nhân cố cầm lại. Ở dạng bón, bệnh nhân không bị tiêu chảy.

- Bụng chướng hơi, cảm giác nặng nề và ậm ạch.

- Bệnh nhân thường có tâm trạng lo lắng, căng thẳng, chóng mặt nhẹ, đau đầu, hồi hộp, ngủ không ngon giấc…

- Nếu bệnh nặng, rất bất tiện trong sinh hoạt thường ngày vì bệnh nhân đi đại tiện lỏng nhiều lần làm trở ngại trong công việc.

Những triệu chứng này kéo dài có thể liên tiếp từ vài tháng đến 1 hoặc 2 năm. Thường các triệu chứng của HCRKT giảm rồi lại tái phát. Những bệnh nhân này đã đi khám nhiều lần được chẩn đoán là HCRKT (còn gọi là viêm đại tràng mãn, hội chứng đại tràng kích thích, viêm đại tràng kích thích).

HCRKT thường gặp ở nam giới hay uống bia trong thời gian dài. Tuy nhiên cũng gặp ở nam giới và cả phụ nữ chưa từng uống bia. Người bệnh dù đã được khám nhiều nơi, đã được bác sĩ tư vấn rõ, đã siêu âm bụng nhiều lần nhưng họ vẫn thường có tâm trạng lo lắng, hay nghĩ đến bệnh  u bướu.

Thật tế HCRKT không phải là một bệnh nặng, gây nguy hiểm cho người bệnh mà nguyên nhân là do thay đổi nhu động đường tiêu hoá, do đại tràng dễ bị kích thích. Yếu tố tâm lý lo lắng, căng thẳng của bệnh nhân càng làm bệnh có khuynh hướng nặng thêm.

Những lời khuyên của bác sĩ mà bạn thường nghe là không nên lo lắng, không nên uống sữa ăn ya ua, phô mai, dầu, mỡ, bơ, xúc xích, rượu, bia, nước ngọt có gaz. Nên ăn nhiều thức ăn dễ tiêu hoá, nhai thức ăn kỹ.

Đơn thuốc bác sĩ ghi cho bệnh nhân bị bệnh HCRKT thường có men tiêu hóa, vi khuẩn có lợi cho ruột, thuốc chống co thắt cơ trơn, thuốc cầm tiêu chảy, thuốc nhuận trường, thuốc điều chỉnh tình trạng rối loạn lo âu, thuốc điều hòa nhu động ruột qua cơ chế thần kinh, có đơn thuốc còn cho cả kháng sinh. Tuy nhiên bệnh HCRKT không có nguyên nhân rõ ràng nên bệnh nhân HCRKT uống thuốc thì những triệu chứng khó chịu có giảm nhưng sau đó bệnh lại tái phát! HCRKT là một bệnh làm nản lòng cho thầy thuốc và mệt mỏi cho bệnh nhân!

Xin được giới thiệu với các bạn động tác tập thể dục đơn giản, một số trường hợp bệnh (#70%) có kết quả tốt, để chữa bệnh Hội Chứng ruột Kích Thích:



      Bệnh nhân ngồi trên ghế. Úp lòng bàn tay trái vào rốn (dưới rốn là ruột non, xung quanh ruột non là khung đại tràng). Sau đó úp lòng bàn tay phải lên lưng bàn tay trái. Gập người ra trước 45 độ, cổ thẳng (1 lượt). Bệnh nhân chỉ cần thực hiện động tác này mỗi ngày 2 lần, mỗi lần tối thiểu 100 lượt. Thường thì kết quả sau 1 tháng, khoảng 70% trên tổng số bệnh nhân có đáp ứng tốt, số lần đi đại tiện từ 4 lần/ngày còn 2 thậm chí 1 lần, giảm hoặc không còn đầy bụng, ậm ạch, đau âm ỉ nữa. Sau đó người bệnh nên tập động tác này tiếp tục vài tháng. Quả thật đây cũng là một “dũng sĩ diệt ruồi”. Hy vọng dũng sĩ này hổ trợ cho các bạn trong việc điều trị bệnh Hội Chứng Ruột Kích Thích.



2. CO GIẬT MI MẮT

Có những bệnh mà trong dân gian giải thích nghiêng về tâm linh. Ví dụ như mi mắt bị giật lại nghĩ mình sẽ gặp chuyện xui!

Thật ra khi mi mắt bị giật không chủ ý, chính là cơ quanh mắt bị mỏi. Cơ mắt mỏi có thể do bị căng, mệt mỏi, khô mắt, sử dụng nhiều chất kích thích như trà, cà phê, bia, rượu, thuốc lá. Có thể người bị giật mi mắt đã trải qua thời gian làm việc căng thẳng, thức khuya kéo dài, mắt thường tiếp xúc với nguồn quá sáng, hoặc thường tập trung vào màn hình vi tính, vào điện thoại, vào những dòng chữ nhỏ trong sách, hoặc thường xuyên bị thiếu ngủ.

Có một số rất ít trường hợp mắt nháy là triệu chứng của những bệnh nặng như Parkinson, u trong hốc mắt.

Tùy nguyên nhân mà bạn có thể chỉnh cho thích hợp: Các bạn cần ngủ đủ giấc, không thức quá khuya, hạn chế tiếp xúc với màn hình vi tính, điện thoại, không đọc sách trong một nơi không đủ ánh sáng, chườm khăn nhúng nước ấm lên mắt…

Và các bạn chỉ cần bổ sung một khoáng chất và một vitamin đã kết hợp trong một viên thuốc, do đa số trường hợp cơ mi mắt giật do mỏi cơ quanh mắt, nên loại thuốc sau đây xem như một loại thuốc làm dịu sự dẫn truyền thần kinh nên có thể cải thiện được chứng giật mi mắt tốt.

Đây là một kinh nghiệm cho riêng cho bản thân, cũng như cho những bệnh nhân mà tôi điều trị. Nhưng cũng xin được nhắc các bạn, là trước khi sử dụng một dược phẩm nào cũng nên hỏi ý kiến của bác sĩ nhất là bác sĩ đang điều trị cho các bạn.

Các bạn chỉ cần uống mỗi ngày 3 viên Magne B6 (1 viên Magne B6 gồm Magne 470mg và vitamin B6 5mg) : sáng 1 viên, trưa 1 viên, chiều 1 viên sau khi ăn, uống liên tiếp 10 ngày, mục đích để giảm sự kích thích dẩn truyền thần kinh-cơ.



Đây là một loại thuốc rất lành tính, rất ít khi có tác dụng phụ.Tuy nhiên các bạn lưu ý không được dùng cùng lúc với thuốc Tetracycline, Levodopa, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng viêm corticoid để phòng ngừa sự tương tác không thích hợp và có thể tạo nên những phức hợp mà cơ thể không hấp thu được.

Đa số trường hợp triệu chứng co giật mắt sẽ ổn sau 10 ngày dùng thuốc.

 

3. ĐỘ CAO CỦA GỐI VÀ BỆNH

Ngoài người bạn đời đang sống với tôi, tôi còn hai người bạn đời khác nữa cũng ở chung nhà. Đó là 2 chiếc gối kê đầu. Những chiếc gối từ lúc tôi còn sơ sinh, rồi đến những hậu thân của nó đã cùng tôi sống cùng tôi đã hơn suốt nửa cuộc đời.

Trên thị trường có nhiều loại gối, nhiều kiểu dáng, chất liệu, công dụng khác nhau.

Cá nhân tôi, hồi còn trẻ thì ngủ gối nào cũng được. Đến lúc có tuổi rồi, nhiều khi thức dậy cảm thấy mình mẩy đau nhức, chân tay tê, mỏi cổ. Nhất là ở vùng gáy, rất khó chịu. Tất nhiên có nhiều nguyên nhân và nhiều liệu pháp chữa trị như uống thuốc Đông hoặc Tây y, châm cứu, vật lý trị liệu kéo cổ bằng tạ, chạy tia laser công suất thấp, day ấn huyệt…

Trong trường hợp này, bệnh lý có liên quan đến chiếc gối. Nhiều người rất “kén gối” khi ngủ. Nguyên nhân làm bạn đau vai, mỏi đau cổ, tê tay… là ở chiếc gối mà bạn đang ngủ.

Chiếc gối quá cao (dày) sẽ làm cột sống cổ gập góc với cột sống ngực, thậm chí làm sai tư thế cột sống. Tình huống có thể xảy ra là chèn ép thần kinh cổ cánh tay, chèn ép động mạch cảnh, căng các cơ và dây chằng xung quanh.

Ngủ gối quá cao, gập cổ lâu ngày còn là một trong những nguyên nhân gây nên thoát vị đĩa đệm.

Để cải thiện một số triệu chứng đau vai, mỏi cổ, nhiều chiếc gối được thiết kế, độ dày chiếc gối mỏng, phần tựa đầu lên thì thấp, phần tiếp xúc với cổ thì cao hơn để cơ cạnh cột sống cổ có chỗ tựa.

Theo tôi nghĩ, mỗi người đều nên có một cái gối thích hợp với mình. Tiêu chuẩn là buổi sáng sau khi thức giấc, vùng đầu cổ vai, tay phải dễ chịu. Đồng thời các bạn phải dựa trên những nguyên tắc: khi nằm lên gối, cột sống cổ của bạn phải thẳng với cột sống ngực, do đó trước tiên là chiều dày chiếc gối phải mỏng, vừa.



Nhưng có 1 điểm tế nhị là khi các bạn nằm nghiêng do phải tựa vai lên sàn, nên độ cao gối phải cao hơn chiếc gối mà các bạn nằm ngửa. Vì nếu nằm nghiêng mà gối thấp quá thì đầu cổ sẽ bị ngoẹo xuống. Như vậy, các bạn phải có 2 chiếc gối: gối thấp khoảng 3cm dùng khi nằm ngửa và 1 gối hơi cao dày khoảng 6 cm hơn để dành cho lúc nằm nghiêng.

Chắc chắn buổi sáng sau khi thức dậy, những rắc rối ở vùng cổ giảm đi gần như hết hẳn.

Còn tiếp

Không có nhận xét nào: