Thầy giáo Phạm Đạt Nhân (1944 - 2021) trước 1975 TN Đại Học Vạn Hạnh SG, Cao học Triết, dạy học ở nhiều nơi.
Sau 1975 ông về quê dạy môn Văn THCS tại nhiều trường ở Đại Lộc, Q.Nam. Ông làm
thơ, viết tiểu luận phê bình về văn học cùng nhiều bài viết về thế sự, trà dư tửu
hậu, văn hóa phương Đông, phật học, triết học phương Tây…
Ông đã từ giã cõi đời vào chiều 8/10/2021 sau hơn 1 năm lâm trọng bệnh - tại SG.
MN ghi lại mấy dòng này để tri ân, tưởng nhớ ông và cũng để chia sẻ thông tin với đồng môn tại quê nhà.
***
Nhìn lại, tôi thấy mình tạo
dựng được chút “vốn liếng tinh thần” lúc đi "làm nghề" nhiều hơn là
lúc đi học các cấp. Thời đi học, tôi vẫn là tên cà tàng, thường thường bậc
trung. Những năm đầu đi làm ở miền núi, vẫn là gã "amateur", tùy hứng,
lãng xẹt, rắc rối... Cho đến khi chuyển về đồng bằng, tôi được gặp thầy Phạm Đạt
Nhân - người thầy, người anh, người đồng nghiệp cùng tổ chuyên môn, gần gũi, ân
cần. Dường như tôi được nạp nhiều năng lượng tích cực và có "sự biến đổi về
chất" khi tiếp xúc, làm việc với ông. Ông không chỉ là "nguồn" cho
tôi thị phạm, học tập, vững vàng hơn về mọi mặt, nhất là chuyên môn và ứng xử
mà còn giúp tôi trưởng thành và có một vị trí nhất định trong đội ngũ chuyên
môn.
Chiều qua 8/10/2021, ông
đã từ biệt cõi đời sau hơn 1 năm lâm trọng bệnh - tại SG. Lần cuối tôi gặp ông
cách đây 2 năm, khi vợ chồng ông về thăm quê và đến viếng hương song thân tôi.
Tôi ghi lại mấy dòng này
và đăng lại một bài viết của ông để tri ân, tưởng nhớ ông và cũng để chia sẻ
thông tin với đồng môn tại quê nhà.
Cầu mong anh linh ông an
siêu nơi cõi Phật.
***
TRÍ THỨC NGÀY NAY
Phạm Đạt Nhân
Giới trí thức ngày nay
chung số phận bi đát cùng giới bình dân . Tiểu thương, nông dân, công nhân ... muốn
làm người tử tế, sống đời hiền lương cũng không dễ dàng gì nói chi đến trí thức.
Hai chữ trí thức tự nó vốn dĩ cao quý; từ xưa được xếp hàng đầu trong tứ dân (sĩ
- nông – công - thương).
Vì sao tình trạng trí
thúc ngày nay khốn đốn như vậy? Phải chăng trong một xã hội điên đảo, nhiễu
nhương... thì mọi thứ đều không chính danh; và vì bởi không chính danh mới ra
nông nỗi !
Ngày xưa những người có
may mắn được học hành, hiểu nhiều, biết rộng được gọi là KẺ SĨ. Còn người tầm
thường dốt nát, hèn kém thì người ta gọi là THẤT PHU. Cái học ngày xưa là Nho học.
Cái học này hàm chứa đạo học nên còn gọi là Nho giáo. Người thâm Nho gọi
là Nho gia. Nho học không đơn thuần là tri thức mà còn là đạo đức và cả chính
trị - chính trị diễn dịch từ đạo đức. Dạy đạo đức chính trị là dạy cách làm người
(cả cách làm Vua, cách làm quan...). Muốn đạt mục tiêu này thì từ thiên tử cho
đến thứ dân phải qua cửa Khổng, sân Trình.
Một khi đã hiển đạt ,
thành danh rồi thì kẻ sĩ có hai con đường để lựa chọn: xuất và xử. Nếu gặp minh
quân thì "xuất" - ra làm quan, gặp hôn quân thì "xử" - lui
về ẩn cư mở trường dạy học, bảo tồn sĩ tiết. Dù xuất hay xử thì kẻ sĩ bao giờ
cũng chánh tâm thành ý, cương thường, hiếu nghị.
Giữa Vua và kẻ sĩ
có sự tương tác hài hòa. Vua có quyền, kẻ sĩ có học. Cả hai cùng có CHUNG
TRÁCH NHIỆM hợp tác để định quốc an dân. Có ba điều mà kẻ sĩ cấm kỵ:
- Nghèo khó không thay đổi
(bần tiện bất năng di)
- Giàu có không hoang dâm
(phú quý bất năng dâm)
- Đứng trước bạo quyền
không khuất phục (uy vũ bất năng khuất)
Kẻ sĩ được đa số dân
chúng tin cậy, ca ngợi với nhiều mỹ từ SĨ KHÍ , SĨ HẠNH , SĨ TIẾT…
Nho học đến thời Pháp thuộc
được thay thế bởi tây học, chẳng còn ai mặn mà với "cái học nhà Nho"
, bởi "mười người đi học chín người thôi". Sau khi hòa bình lập lại,
dưới thời VNCH những tinh hoa cổ học nói chung được kế thừa, bảo tồn và bồi đắp...
Ngày nay, Nho học cáo
chung, kẻ sĩ không còn, sĩ khí sĩ hạnh cùng chung số phận.
Trí thức ngày nay khác kẻ
sĩ ngày xưa ở CÁI HỌC (nội dung giáo dục). Cái học ngày xưa không tách rời
TRI THỨC với ĐẠO ĐỨC. Cái học ngày nay thì khoa học và đạo đức tách thành hai bộ
môn. Bộ môn đạo đức diễn dịch từ chính trị; lên đến đại học trở thành giáo
trình "tư tưởng HCM".
Phương pháp học tập của
Nho sĩ xưa cũng không cưỡng chế, áp đặt: học đi liền với vấn. Trong chữ “học”
ghi theo chữ Hán có “bộ môn” ở ngoài và chữ “khẩu” trong. Vào cửa Khổng sân
Trình là phải hỏi; hỏi thì phải hỏi cho ra lẽ (thẩm vấn). Suy nghĩ thì suy nghĩ
cẩn thận (thận tư). Biện luận thì phải cho rõ ràng (minh biện). Phương pháp
giáo dục này hoàn toàn khác với phương pháp áp đặt, cưỡng chế, nhồi nhét buộc
người học phải nghĩ một chiều, nhìn một hướng, nói cùng một kiểu làm cùng một cách... Phương pháp GD này làm
thui chột tính sáng tạo, độc lập ... của người học.
Số phận của kẻ sĩ xưa và
trí thức nay đều thăng trầm theo từng giai đoạn lịch sử. Dưới thời Tần Thủy Hoàng,
nho sĩ đã từng bị chôn sống vì chủ trương "phần thư khanh nho" (đốt
sách chôn nho) ; rồi sau đó được phục hưng dưới thời Hán Cao Tổ.
Ở VN thời cải cách ruộng
đất, giới trí thức cùng với địa chủ được coi là đối tượng cần phải "đào tận
gốc, trốc tận rễ".
Ngày nay trí thức XHCN được
nhiều ân sủng để làm nhiệm vụ "gác cổng bảo vệ chế độ". Do vậy
nảy sinh sự phân hóa trầm trọng trong giới trí thức. Khái niệm về hai chữ trí
thức không còn chính danh nguyên nghĩa như nó vốn có. Trí thức hiểu đúng danh
nghĩa là người “vừa sống đời tỉnh thức, vừa
đánh thức mọi người cùng thức”. Người trí thức phải ưu thời mẫn thế, phải
luôn thao thức, quan tâm đến nhân tâm thế đạo, đến sự hưng vong của đất nước.
Không phải hễ có học thức, có tri thức thì là người trí thức !
Người trí thức cũng có 3
loại: Thiện trí thức, ác trí thức và ngụy trí thức. Ranh giới phân biệt 3 loại
này cũng rất mong manh. Trong thời buổi vàng thau lẫn lộn khó lòng phân định ai
chân ai ngụy ai thiện ai ác.
Do môi trường GD, do bối
cảnh xã hội... loại ngụy trí thức chiếm đa số. Người ta châm biếm gọi giới này
là "trí ngủ" hoặc "trí thức trùm chăn". Trần Tế Xương mỉa
mai, chua xót: "Thiên hạ dễ thường
đang ngủ cả/ Tội gì ta thức một mình ta". Những trí thức này sống cầu
an, bàng quan, thờ ơ, lãnh đạm trước những bất công xã hội, trước tình hình của
đất nước... Loại này chủ trương "không
quan tâm đến chính trị". Họ không hề biết đến câu "Quốc gia hưng vong,
thất phu hữu trách".
Loại nguy hiểm nhất là loại
ác trí thức. Nguy hiểm là vì loại này có tài, nhưng thiếu cái tâm. Sở học, sở đạt,
sở kiến của họ không dùng để giúp ích cộng đồng, phục vụ quốc gia dân tộc, mà
dùng để mưu cầu danh lợi bằng con đường a dua, xu nịnh. Họ là những cố vấn mẫn
cán của quan chức và các nhà đầu tư. Họ là những cánh tay nối dài của quyền lực.
Họ là những nhà văn, nhà báo bẻ cong ngòi bút, đổi trắng thay đen. Họ là những
nhà giáo không có lòng yêu thương học sinh - vì hiện tại và vì cả tương lai của
các em! Giáo sư Lý Linh - người Trung Quốc đã cảnh giác về mức độ nguy hiểm của
loại trí thức này. Ông cho rằng loại nảy mang trong đầu rất nhiều điều không tưởng,
họ chỉ thực sự hữu dụng khi nằm ngoài quyền lực và giữ vai trò phê phán nhà cầm
quyền. Khi có quyền lực trong tay họ sẽ trở nên nguy hiểm, thậm chí thảm họa
cho quốc gia. Ông viết "Giới trí thức,
với mắt bén, đầu sáng, có thể trở nên độc tài hơn bất cứ ai. Đặt gươm đao phủ
vào tay họ, thì kẻ đầu tiên mất mạng sẽ chính là những trí thức khác".
Bọn học phiệt thường dùng học vị của mình để phế truất, bôi đen những thiện trí
thức. Dân gian có câu "Cả vú lấp miệng em" là vậy. Điển hình như giáo
sư lão thành Vũ Khiêu đã lợi dụng chức danh , học vị của mình tiếp tay cho Đỗ
Minh Xuân bôi bẩn truyện Kiều. Vừa rồi có một ông giáo sư , hiệu phó trường ĐH
KHXHNV tiếp tay với công an đưa một Sv của mình vào tù; một ông hiệu trưởng
khác làm ngơ trước cảnh GV của trường bị một phụ huynh bắt quỳ gối. Loại
"trí thức" này có học mà không có hạnh, có sĩ mà không có khí, có phẩm
mà không có tiết !
Làm Thầy mà không bảo vệ
cho quyền lợi chính đáng cho học trò của mình. Làm quản lý mà không bảo vệ được
danh dự cho nhân viên của mình. Làm báo mà tiếp tay với nhà sản xuất đầu độc
người dân như trường hợp báo tuổi trẻ ra một quảng cáo thông báo là nước C2, rồng
đỏ an toàn cho người sử dụng, trong khi C2 và rồng đỏ có lượng chì vượt ngưỡng
cho phép 4 đến 9 lần! Những trường hợp trên đây rõ ràng là điển hình của
loại ác trí thức !
Giới trí thức dù bị phân hóa, khốn đốn cỡ nào cũng vẫn còn giá trị cố hữu của 2 chữ trí thức. Muôn đời trí thức vẫn còn giữ tinh thần của tầng lớp của mình . muôn đời trí thức vẫn là người cầm bó đuốc tinh thần của nhân loại; nắm giữ vai trò dẫn dắt quần chúng; lãnh trách nhiệm lãnh đạo tinh thần của dân tộc . Phải nhớ rằng "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách" huống chi là sĩ phu !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét