25/9/23

2.923. ANNO 1829 – Heinrich Heinne

 Theo tựa “Anno 1829” (Năm 1829) mà suy thì bài thơ này Heinrich Heine viết vào năm 1829. Đây là một năm trong thời kỳ nước Đức có nhiều biến động xã hội lớn. Nội dung bài thơ có tính chất phê phán xã hội duy vật với lớp người xem lợi nhuận là trên hết (1).


       NĂM 1829

       Mộc Nhân dịch (2)

 

Hãy cho tôi cánh đồng vàng rộng lớn

Nơi tôi chết một cách huy hoàng

Đừng đặt tôi trong cõi đời chật hẹp

Để trưng bày rồi giết chết chẳng ai hay

 

Người ta ăn uống no nê đầy bụng

Hưởng vinh hoa trong may mắn nhất thời

Lòng bao dung của người cũng lớn

Như cái khe thùng quyên góp kẻ tả tơi

 

Người ta ngậm xì-gà trong miệng

Còn bàn tay thì đút túi quần

Sức tiêu hóa bọn này cũng lớn

Chỉ có chúng ta chẳng thể tiêu hóa hôn quân

 

Họ kinh doanh và giàu lên nhờ đặc lợi

Khắp toàn cầu, chúng ta rõ quá mà

Trong mùi gia vị phả vào không khí

Có mùi của cuộc đua hèn mạt thối tha

 

Tôi có thể nhìn ra biết bao tội lỗi

Những tội ác giết người, máu đổ kinh hoàng

Nhưng chẳng thấy công bằng, thuần phục

Đạo đức rao truyền liệu có xua tan

 

Mây trên cao, hãy mang tôi đi với

Đến miền xa nào đó tức thì

Đến Lapland hoặc tới Châu Phi tít tắp

Đến Pomerania nơi xa – miễn là đi!

 

Hãy mang tôi theo – Sao các người không nghe gọi

Mây trên cao hóa ra thật khôn ngoan!

Chúng chỉ lướt qua phía trên thành phố

Để kiếm tìm, rồi run sợ vội vàng bay.

---------------

Chú thích:

(1). Theo tựa “Anno 1829” (Năm 1829) mà suy thì bài thơ này Heinrich Heine viết vào năm 1829. Đây là (một năm) thời kỳ nước Đức có nhiều biến động xã hội lớn. Nội dung bài thơ có tính chất phê phán xã hội, và sự tôn sùng vật chất của giai cấp tư sản đương thời. Ấn tượng đầu tiên mà bài thơ mang lại là cảm giác bị cô lập, xa lánh và không hài lòng. Cái tôi trữ tình dường như không thoải mái với xã hội xung quanh mình và bày tỏ mong muốn thoát khỏi nó để hướng đến miền đất tự do và muốn chết trên một “cánh đồng cao quý, rộng lớn” hơn là sống trong xã hội ngột ngạt. Tác giả cảm thấy xa lạ trong “thế giới của những người bán hàng” - một thế giới chỉ hướng tới lợi nhuận. Sự mỉa mai và chế nhạo cái gọi là “đạo đức dung hòa” chỉ ra sự xung đột của cái tôi trữ tình với một xã hội mà giá trị con người đã được thay thế bằng giá trị tiền tệ. 

Về hình thức, bài thơ có bảy khổ, mỗi khổ bốn dòng, kết cấu khá cổ điển. Tác giả sử dụng ngôn ngữ châm biếm mạnh mẽ nhằm phê phán giai cấp tư sản cùng nỗi khao khát đào thoát đến xứ sở tự do. Tuy nhiên điều này là bất khả - tác giả sử dụng hình tượng đám mây khôn ngoan bay lướt qua thành phố ở khổ cuối để nói lên điều này.

(2). Nguồn: Text available Here

* Dịch và chú thích bởi Mộc Nhân

Không có nhận xét nào: