1/9/23

2.900. MỘC NHÂN và HÀNH TRÌNH CHỮ

   Huỳnh Minh Tâm

  Bài viết này được in trong tập sách “Dưới những lớp ngôn từ” (Tiểu luận - phê bình, chân dung 20 tác giả văn nghệ Quảng Nam đương đại) - Mộc Nhân Lê Đức Thịnh, Nhà xuất bản Đà Nẵng - sách dự kiến xuất bản vào tháng 10/ 2023.




Sơ giao:

Tôi và Mộc Nhân- Lê Đức Thịnh cùng quê, cùng học lớp phổ thông, cùng nghề dạy học và cùng giao thoa thưởng thức cái đẹp và chữ nghĩa. Từ thời học phổ thông, tôi đã nhận ra Mộc Nhân có năng khiếu cảm nhận, yêu thích cái đẹp của hình ảnh, đường nét và ngôn ngữ. Anh thích vẽ và viết, bôi xóa lung tung, làm lại, dẫu chỉ là những bức vẽ trên trang vở học trò với nét bút chì, đề tài hoa quả, chim, cỏ, viết những câu chuyện vớ vẩn, trẻ con.

“Thời gian thấm thoắt thoi đưa”. Sau thời phổ thông, đi học nghề. Do điều kiện kinh tế khó khăn cùng đất nước, sau những năm 1980 của thế kỷ trước, dường như các niềm đam mê trên lắng xuống, nhưng niềm đam mê đàn hát lại nẩy ra. Rồi ra trường, đi dạy, cùng tháng năm, tay đàn ghi ta của anh vững hơn. Sáu năm dạy học ở vùng Nam Giang, với bao khó khăn của một thời cơm áo gạo tiền, con đường về quê gập ghềnh “xa lắc”, nhớ mẹ và sông, về một vùng đất giăng giăng sương mù, trập trùng rừng núi, về hình ảnh những cô gái Cơ Tu, Ve, Tà Riềng… mỗi sáng gùi trên lưng leo núi bẻ măng, hái rau đã ghi dấu ấn trong lòng anh với bao kỷ niệm và tình yêu, bao chia sẻ và luyến nhớ; để rồi, khi về lại vùng quê Đại Lộc giảng dạy, nó dào lên, như sinh lại, chuyển đi những thước phim đan xen những giấc mơ và sự thật, những vẻ đẹp và sự tàn phai, những ký ức đẹp có, buồn có. Nó trải ra, lan tỏa trong cuộc sống của anh mỗi ngày.

Rồi cùng với nghề dạy văn, ăn nằm với con chữ, tất thảy dồn lại, niềm đam mê viết, đam mê con chữ lại bùng phát. Anh đã viết tạp bút, tiểu luận và thơ ca. Thật “đa tài”. Cùng với giảng dạy văn, và những năm “dùi mài kinh sử” tiếng Anh với niềm đam mê và năng khiếu, anh cũng đã lấn sang cả mảng “dịch thuật”, và đã có những thành công nhất định.

Gia tài:

Với người đam mê văn chương, viết lách là gia tài quí giá nhất của họ, có lẽ, không gì ngoài sách. Mộc nhân cũng vậy. Bắt đầu là những trang thơ. Từ những năm 2010 đến bây giờ, anh đã tích lũy nhiều bản thảo và có 8 đầu sách văn học, vài đầu sách tham khảo giáo khoa. Mỗi đầu sách có những cuộc sống riêng tư của nó, phản ánh sự nỗ lực, những nghiên cứu công phu, cách tiếp nhận đời sống, những trạng thái bề bộn của chính tác giả. Ngoài ra anh còn có một trang Blog cá nhân được cập nhật tin, bài, tác phẩm thường xuyên một cách có trách nhiệm với chữ, với cá nhân trong cuộc chơi mạng xã hội, nó được đánh số đếm chỉn chu - và theo quan sát, số bài anh đăng đang tiến tới con số 2.800 bài gồm đủ các thể loại: thơ, văn xuôi, dịch thuật, nghiên cứu, phê bình, thư giãn, âm nhạc, lưu giữ hình ảnh cá nhân…

Gia tài văn chương cứ dày lên mãi theo thời gian, tạo ra những hứng khởi, tiếp thêm năng lượng trên hành trình tìm kiếm “bản ngã” chữ, sự qui hồi hoặc khai phóng vẻ đẹp chữ. Những mê lộ chữ trong nhịp điệu của câu, trong tiết tấu của cũ và mới, chuyển tải hình ảnh và thông điệp. Và nó quí giá, nhiều khi người khác không hiểu được. Như tác giả cầm tác phẩm của mình lên mà tay run run hạnh phúc. Như tối mê sảng đọc thơ mình. Hay như tặng sách cho người mà không tín hiệu hồi âm thì cảm thấy buồn đau, uất ức…

- Những vũ điệu và khúc ca – thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2015

- Bụi trong gió - dịch thuật, Nxb Đà nẵng, 2016

- Bob Dylan - Những hòn đá lăn - Nobel Văn chương 2016 - nghiên cứu, dịch thuật, -Nxb Hội Nhà văn, 2017

- Bob Dylan - Mai sau biết đến bao giờ - Nobel Văn chương 2016 - nghiên cứu, dịch thuật, Nxb Hội Nhà văn, 2018

- Yesterday 60 năm the Beatles - nghiên cứu âm nhạc, dịch thuật - Nxb Hội Nhà văn 2020

- Chúng ta từ cõi lao đao - tạp văn, Nxb Hội Nhà văn, 2020

- Aubade, Thơ Louise Glück - Nobel văn chương 2020 - nghiên cứu, dịch thuật, Nxb Hội Nhà văn 2021

- Ngẫu khúc chữ - thơ, Nxb Đà Nẵng 2021

- Dưới những lớp ngôn từ - tiểu luận, phê bình, Nxb Đà Nẵng 2023

Và anh đang hoàn thành một bản thảo tản văn về địa chí, văn hóa xứ Quảng - dự kiến sẽ xuất bản đầu 2024.

Dấn thân và gặt hái thơ:

Mọi con đường sáng tạo đều phải dấn thân. Sáng tạo là dấn thân. Tựa như “một đi không trở lại”, đam mê và quyết liệt. Từ một thầy giáo dạy văn, từ những năng khiếu, đam mê với con chữ, Mộc Nhân Lê Đức Thịnh đã dấn thân trên con đường thi ca, tạp bút, nghiên cứu, dịch thuật. Theo bước chân văn chương của anh, người đọc dễ dàng nhận ra kiến thức của anh ngày một dày, câu chuyện anh kể ngày một nhuần nhụy. Nhịp thơ của anh ngày một mới mẻ, sáng tạo.

Ở tập thơ đầu tay, Những vũ điệu và khúc ca, 2015, chúng ta cảm nhận thơ anh với những kỷ niệm về vùng đất Nam Giang và tình yêu lứa đôi, cha mẹ… - là một khí quyển thơ lãng mạn, thiên về vẻ đẹp chân thực của hình ảnh, nặng tính “ký sự”, cảm xúc, neo vào lòng bạn đọc là nhịp điệu êm ái, nhiều nhạc tính: “Cả đời mẹ/ lắm gieo neo/ cuối đời nhớ cả/ đói nghèo hanh hao/ ngồi nghe Mẹ kể/ chiêm bao/ máu tim thổn thức/ ngọt ngào nỗi xưa” (Đoản thi dâng Mẹ). Ai làm thơ cũng viết về mẹ với cảm xúc tình yêu thương dâng trào vậy. “Cất trong mây những bài thơ/ hóa mưa/ đất trời cỏ mềm hoa mượt” (Những khúc rời) - mang màu sắc Haiku vừa ẩn dụ, vừa hiện thực. “Thêm một mùa mưa thêm một mùa nhớ/ Anh phục sinh trong một tiếng kinh cầu/ Câu thơ gửi cánh chuồn ngày nắng lụa/ Mùa hồi sinh cười khóc đợi mưa ngâu” (Mưa kỳ vọng). Tình yêu đã thành ký ức để nỗi nhớ dâng đầy vào mùa thu.

Bây giờ, đọc Ngẫu khúc chữ, 2021, qua thời gian chiêm nghiệm về thơ ca và đời sống, về thi pháp và cảm xúc, dường bạn đọc dễ nhận ra thơ anh hoàn toàn lột xác. Tiếng nói lục bát cũng rộng dài, ý tứ đượm hơn: “Bánh chưng gói cả giấc mơ/ nắng mưa gồng gánh/ đôi bờ vai nghiêng” (Mẹ là di sản đền đài) - một hình ảnh mẹ khác, ẩn dụ, dẫu cũng mang trọn những vất vả cơ cực của người Mẹ thiêng liêng. Vẫn thơ bảy chữ, nhưng có cảm giác con chữ cựa quậy và các hình ảnh ảo hơn, khó nắm bắt: “Đêm qua mưa gào lên cung thứ/ cuộc phù sinh thăng một nốt bè/ em qua cung trưởng cao lời gọi/ cỏ bên bờ nghe cuống lá tỉ tê” (Mưa tháng năm) - tình yêu thầm thĩ, ngọt ngào.

Nhưng có lẽ thơ tự do mới là mặt mạnh, diễn đạt được thông điệp và chuyển tải cảm hứng của anh vào thời điểm này. Một bài thơ anh tâm đắc và bạn đọc tôi đây cũng thích thú là Chú chim sẻ trước cơn bão số 13: “Tôi nhìn thấy một con chim sẻ bị thương/chiều qua/ trước cơn bão số 13/ nó đã cố lao ra khỏi chiếc tổ bị gió xé nát/…/Tôi cũng không làm được gì/ thanh thản, bình an/ nhận ra sự tuyệt vọng của chú chim sẻ bé nhỏ/…/ Cuối cùng thì/ chú chim sẻ cô đơn còn kịp/nép vào chiếc tấc màu đen bỏ quên trên dây/../ Trong khi những bài thơ của tôi, của bạn, của chúng ta/ từ trang giấy thành tập thơ/ là những chiếc cầu vồng làm đẹp cho hoàng hôn/ cho lập ngôn của mình/ nhưng không là một chiếc tất cho sinh linh…”. Bài thơ dạng tự sự, cấu tứ so sánh, đẹp, chặt, câu chữ rõ ràng, giản dị, biết tiết chế, và đề tài bập vào “sứ mệnh của thi ca”, với thông điệp: Thơ ca có cứu chuộc nỗi đau, thân phận bi ai của con người trước bão táp, chênh vênh của đời sống hay nó chỉ là cái đẹp dễ vỡ và vô nghĩa? 

Bài Ngẫu khúc chữ của anh cũng ấn tượng và sinh động. Với hình ảnh đứa cháu cầm bút, tác giả nhìn thấy tương lai của vẻ đẹp chữ, ý nghĩa chữ, tính nhân văn của chữ. Với tôi, nhận ra tính nhân văn, một đời dạy văn, hay nghĩ về văn chương tác động đến đời sống, rồi tận tụy với công việc, đứng trước những em học sinh như cánh chim non trẻ, nhỏ nhoi sẽ thế nào sau đó, mai kia trước hiện thực cuộc sống bây giờ quá nhiều trắc trở, khó lường, nên ông giáo Mộc Nhân luôn trong suy tưởng, trằn trọc, và đôi khi nhận ra con chữ có một sức hút mãnh liệt, chữa lành những viết thương tâm hồn: “Hôm nay cháu ta cầm bút/ chập chững những con chữ chưa thành kí tự/ khởi sự đời người từ mùa dịch khô khốc gió foehn/ nối dài những con chữ của tiền nhân/ và chữa lành những vết xước trên trang giấy/ với ngòi bút đầy mực”.

Điều thành công và thú vị nhất với anh là tập thơ Ngẫu Khúc Chữ (2021) đã nhận được những đánh giá tích cực từ bạn thơ, từ những người đánh giá chuyên nghiệp. Anh đã nhận được hai giải thưởng đáng kể:

- Giải B (trong cơ cấu không có A) - Giải thưởng Văn học Quảng Nam 2022

- Giải C - Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 2022

Với nhiều người, giải thưởng có thể không là gì cả bởi nó chỉ có ý nghĩa tại thời gian và không gian đánh giá tác phẩm - nhưng nó là dấu mốc cá nhân của người nghệ sĩ, mang tính khích lệ, ghi nhận, niềm vui…

Tạp bút, tiểu luận, dịch thuật:

Trên hành trình tìm kiếm “bản ngã” chữ, sự qui hồi hoặc khai phóng vẻ đẹp chữ của Mộc Nhân, với tôi, thơ là cánh tay trái của tác giả, còn tạp bút, tiểu luận, dịch thuật là cánh tay phải của anh. Những chuyện trà dư tửu hậu, những chuyện thường nhật, qua ngòi bút của anh, bạn đọc bị cuốn hút, cảm thấy lạ và tiếp những nhãn quan mới. Anh viết khéo, tránh lối mòn, từ cách đặt vấn đề, trích dẫn, với cái nhìn hóm, lạ và độc, tạo bài viết có chuyện để đọc và tranh luận. Chẳng hạn như Chuyện phiếm về cái móc mà tôi thử trích ra đây một số đoạn để các bạn tham khảo:Bên ngoài mấy bao đựng hàng như bao phân, bao gạo, bao cám lợn … nhà sản xuất thường in dòng chữ tiếng Anh Use no hooks có nghĩa là Không dùng móc. Đó là một lời nhắc nhở người sử dụng cần bảo vệ bao hàng cho nguyên vẹn. Người nông dân có biết ý nghĩa dòng chữ ấy không? Chắc chắn là không, thậm chí họ chẳng bận tâm gì đến nó nhưng họ vẫn Không dùng móc vì hai lẽ: Nếu dùng móc sẽ làm hỏng hàng chứa bên trong bao và thiết thực hơn, nếu dùng móc sẽ làm hỏng cái bao tải, có thể tận dụng cái bao để làm việc khác. Sâu xa hơn, họ trân trọng những sản phẩm vật chất có ẩn chứa cả những giá trị tinh thần. Móc cũng có nhiều kiểu loại, dùng móc cũng có dăm bảy đường… Thật buồn nếu cứ mỗi bài viết lại phải thêm phần phụ chú rằng “bài này không có móc”.

Trong một truyện ngắn của mình, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã để cho nhân vật của mình nói một câu đại ý thế này: khi xã hội có loạn thì việc đầu tiên của nhà cầm quyền là bắt bọn văn nghệ sĩ nhốt hết lại! Tuy là một câu nói bông phèng nhưng ông có ẩn ý nói về sức mạnh của cái móc chữ nghĩa và số phận của người viết trong bối cảnh thời đại”.

Thì đấy, bạn xem. Chuyện phiếm mà Mộc Nhân cứ “móc” xỏ xiên, xiên quàng đủ thứ. Văn hóm hỉnh, sâu sắc, đọc vui.

Rồi các tạp bút đã đăng rải rác trên các báo và tạp chí – sau này anh gom vào tập tạp văn với tựa “Chúng ta từ cõi lao đao” với các góc nhìn về: Nói lái, Chửi, Mùi, Mỹ học của cái ngược... đọc rất thú vị.

Về tập sách này, nhà thơ, nhà phê bình Phùng Tấn Đông đã viết: “Vốn là người thơ, người dịch thuật (dịch thơ), thi thoảng anh viết “phiếm luận”, “nhàn đàm” về văn hóa, nghệ thuật với một chất giọng “hiếu/ háo sự” rất Quảng Nam. Đất Quảng từ lâu được mặc định là đất của những người hiếu sự - nơi sinh ra những con người “ưa sinh sự hay can dự vào đại sự” là vậy. Việc chọn những bài viết nhân những lúc “trà dư tửu hậu” in thành sách dường để bạn đọc biết thêm một “ngón nghề” mới của mình đủ biết anh là người say chữ, luôn yêu đời và cũng rất “đau đời” (Có gì từ cõi lao đao - Phùng Tấn Đông).

***

Theo thiển ý của tôi, Mộc Nhân gặt hái, thành công nhất là mảng dịch thuật. Ba đầu sách về Nobel Văn học có độ hot, bán chạy và tạo rất nhiều cảm hứng ở anh cũng như bạn đọc là các tập: Bob Dylan - Nobel Văn chương 2016 (bộ 2 tập xuất bản năm 2017 và 2018), Aubade - Thơ Louise Glück - Nobel văn chương 2020 (xuất bản 2021) cùng hai đầu sách dịch thuật khác mang tính giải trí là Bụi trong gió (tuyển thơ – 2016)Yesterday 60 năm the Beatles (nghiên cứu âm nhạc, 2020) đã cho anh sự tự tin, tính bền bỉ về dịch thuật. Anh viết về tác giả các ca khúc như Beatles hay Bob Dylan… về thơ như Louise Glück, về văn hóa mà họ ảnh hưởng hoặc hưởng thụ, những thi pháp, tiết tấu, nhịp điệu, đề tài của các bài viết của họ rất tỉ mẫn, tương đối đầy đủ và tư liệu đáng tin cậy.

Viết đến đây bất chợt tôi nhớ một đoạn thơ của Louise Glück trong bài Chiếc ly rỗng (The Empty Glass) mà anh dịch và xuất bản trong tập Aubade: “Tôi đã cầu xin nhiều/ Tôi nhận được nhiều/ Tôi đã cầu xin nhiều/ Tôi nhận được ít/ Tiếp đến tôi chẳng nhận được gì/ Tất cả tạo nên phỏng đoán thú vị/ Và tôi nhận ra rằng điều quan trọng là phải tin/ Hãy cố mà tin rằng chỉ cần cố gắng, điều tốt đẹp sẽ đến/ một điều tốt đẹp hoàn toàn không bị ô nhiễm/ bởi sự thúc đẩy thái quá/ thuyết phục hoặc dụ dỗ.”

Cuối cùng cho một…cuộc chơi:

Đôi khi chúng ta có cảm giác đời sống như một cuộc dạo chơi, trần gian là “quán trọ”. Vậy thì hành trình viết của chúng ta, có thể nào? là một cuộc chơi. Người có khiếu viết văn, làm thơ chơi với chữ nghĩa, từ đó họ nhận ra, ngộ ra ý nghĩa của đời sống chăng? Đôi khi tôi cũng tin thành thực như vậy. Và cuộc chơi, hành trình chữ của Mộc Nhân- Lê Đức Thịnh vẫn đang tiếp diễn, và sự mơ mộng thành công luôn là ngọn đèn mờ ảo đâu đó phía trước dẫu đôi khi anh hay tôi hay chúng ta dừng lại để lắng nghe Thanh âm tĩnh lặng – tên một ca khúc của nhạc sĩ người Mỹ Paul Simon, có tựa The Sound of Silence mà tôi và Mộc Nhân thích và hay nghe. 

Giai điệu và dòng ca từ trong ca khúc như là lời tự nhủ, nhắn gửi, rằng khi con người ngồi lại với chính mình thì những thanh âm tĩnh lặng có thể cảm nhận bằng trái tim: “Một ảo ảnh đang từ từ gieo mầm khi tôi đang ngủ/ và ảo ảnh ấy lớn dần trong tâm trí cho đến khi cái đọng lại là thanh âm của tĩnh lặng/ đó là nghi lễ, là ngôn ngữ kí hiệu, là lời tiên tri được viết trên tường của hầm ngầm/ lời thì thầm trong thanh âm của tĩnh lặng” (A vision softly creeping left its seeds while I was sleeping/ and the vision that was planted in my brain still remains within the Sounds of Silence/ that it was forming, the signs said, the words of the prophets are written on the subway walls/ and whisper in the sounds of silence) – trích ca từ The Sound of Silence.

Vâng cuộc đời là vậy, mọi thứ chỉ phỏng đoán, chả biết đâu, nhưng chúng ta cần sống tốt đẹp. Đó là thông điệp chung của thơ ca, dẫu cuộc sống con người bất toàn, bất định, ngắn ngủi. Và chính những bài thơ trong tập “Ngẫu khúc chữ” đã cho tôi cảm hứng để viết lan man bài này, đồng cảm, nhận ra tác giả luôn đau đáu về con đường đi của mình, các tác phẩm của mình đã gửi gắm bao nhiêu thông điệp.

Năm 2023, Mộc Nhân lại ra một tập sách mới – tác phẩm văn nghệ thứ chín trong số mười một xuất bản phẩm (anh có 2 đầu sách giáo khoa tham khảo). Lần này là một tập phê bình văn học mà anh dè dặt gọi là chân dung văn nghệ - Dưới những lớp ngôn từ. Tác phẩm là những chân dung bạn văn được viết theo góc nhìn của anh – chắc chắn chưa thể gọi là toàn diện; có thể là khắc họa những cũng có khi là phác họa thông qua biệt nhãn.

Và điều quan trọng là không ai cấm anh làm điều ấy. Chúng ta không thể cầu toàn ở người cũng như ở mình.

Tôi nghĩ bạn đọc, bạn văn sẽ thể tất mọi điều.

***

Mộc Nhân đã góp mặt trong hoạt động văn nghệ, học thuật với đủ các thể tài: thơ, tản văn, dịch, nghiên cứu, phê bình văn học, giáo khoa - với mười một đầu sách – thiết nghĩ không phải ai cũng sở hữu/ tạo tác một gia tài như thế.

Hy vọng, trong hành trình của mình, dưới chân Mộc Nhân luôn có ánh sáng của những vì sao soi rọi và thân thiện.

                         H.M.T

Không có nhận xét nào: