27/9/23

2.926. ĐỨC MẸ DIÊU TRÌ KIM MẪU

  Theo Cao Đài Đại Đạo, ngày rằm tháng Tám hàng năm là ngày Vía Đức Diêu Trì Kim Mẫu. Tôi chia sẻ những nội dung này để bạn đọc quan tâm có thể hiểu thêm


  ***

  Tùy theo tôn giáo hay tín ngưỡng thờ Mẫu bản địa mà ngài được tôn xưng bằng nhiều danh hiệu khác nhau như: Đạo Cao Đài và Đạo Phật gọi là Diêu Trì Kim Mẫu, Đức Phật Mẫu, Kim Bàn Phật Mẫu, Cửu Thiên Huyền Nữ… Tín ngưỡng thờ Mẫu gọi bà là: Bà Thiên Hậu, Địa Mẫu, Đại Từ Mẫu, Mẫu Hoàng, Diêu Trì Địa Mẫu, Tây Vương Mẫu… Dân gian thường gọi là Bà Trời hay Bà Mẹ Đất (Địa Mẫu)… Những tên gọi này cũng có sự giao thoa.

Theo Thần thoại Trung Hoa: bà là một nữ thần với nhiều hình tượng khác nhau. Có khi bà là một vị thần nữ nhân từ, thường đi với các tỳ nữ xinh đẹp. Bà thường ngồi trên một con chim phượng hoàng hay một con công, trên đầu có một chiếc khăn trùm đầu. Hình ảnh bà cũng thường được thể hiện cùng chim hạc hay các loại thần điểu.

Theo Đạo giáo: bà là nữ thần hiền lành, từ bi mang dáng vẻ của một bà lão. Bà có vị thế tối cao, tiêu biểu trong hệ thống tín ngưỡng Đông Á. Diêu Trì Kim Mẫu do nhị khí âm dương hình thành, có quyền phép vô biên, nắm gọn thiên điều càn khôn. Bà cai quản các nữ thần, hơn nữa, trong Tam Thế, bất kỳ ai khi đắc đạo thành tiên khi lên trời đều phải bái Diêu Trì Địa Mẫu thì mới có thể đến chín tầng mây.

Theo một truyền thuyết khác, Tây Vương Mẫu mặc áo màu hoàng kim, eo mang kiếm Phân Cảnh, phục sức đầy hoa văn đẹp đẽ, dung mạo đẹp đẽ, đầu bà đội mũ Thái Chân Thần Anh, chân mang giày Huyền Quỳnh Phụng Văn. Hình tượng Diêu Trì Kim Mẫu là tượng trưng cho những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

***

Theo Vũ trụ quan của Đạo Cao Đài: vào thời kỳ “Hỗn độn tôn sư” (Hỗn mang) trong vũ trụ chỉ có “Nhứt Khí chi trung” (Khí Hư Vô); Khí Hư Vô ngưng kết thành Đại Linh Quang (Thái Cực), rồi thiên biến vạn hóa, vô tận vô cùng thành Càn khôn Vũ trụ. Ngôi Thái Cực duy nhứt và Đấng tối cao là Ngọc Hoàng Thượng Đế (Đức Chí Tôn). 

Đức Chí Tôn phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi (Song thủ chi nội) là Dương Quang và Âm Quang. Đức Chí Tôn chưởng quản Khí Dương Quang, còn Khí Âm Quang chưa có ai chưởng quản. Vậy nên Đức Chí Tôn mới hóa thân ra Đức Phật Mẫu để chưởng quản Khí Âm Quang. 

Vậy, nguồn gốc của Đức Phật Mẫu là một hóa thân đầu tiên của Đức Chí Tôn để làm chủ Khí Âm Quang, cầm phân nửa quyền lực của Đức Chí Tôn và luôn luôn tùng theo mạng lịnh của Đức Chí Tôn. 

Theo Kinh Cao Đài, Đức Chí Tôn được gọi là Thầy và Đức Phật Mẫu (Diêu Trì Kim Mẫu) được gọi là Mẹ

Tiếp đến, Đức Phật Mẫu tạo hóa ra Vạn linh gồm đủ Bát hồn: Kim thạch hồn (kim loại và đá), Thảo mộc hồn (cỏ cây), Thú cầm hồn (muông thú), Nhơn hồn (con người), Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn. Trong đó, chúng sanh gồm: Kim thạch, Thảo mộc, Thú cầm, Nhơn loại – trong “Phật Mẫu Chơn Kinh” có câu “Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh”. 

Riêng con người ở cõi linh thiêng được ban cho 2 thể: Chơn linh (tức là Linh hồn - do Đức Chí Tôn ban cho) và Chơn thần (tức là xác thân, hình hài - do Đức Phật Mẫu tạo ra để bao bọc Chơn linh). Do đó, chúng sanh gọi Đức Chí Tôn là Đại Từ Phụ và gọi Đức Phật Mẫu là Đại Từ Mẫu (CHA MẸ hoặc THẦY MẸ). Còn con người nơi cõi phàm trần có 3 thể, hai thể đã nói trên và thể thứ 3 là xác thân phàm do cha mẹ sinh ra.

Tóm lại, toàn cả chúng sanh trong Càn khôn Vũ trụ hay toàn cả Vạn linh, đều là con cái của Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, bao gồm cả Đức Phật Thích Ca cùng hằng hà sa số Phật, các bậc Tiên Thánh, Chúa Jésus…

***

Như trên đã nói, Đức Diêu Trì Kim Mẫu được Chí Tôn hóa sinh ra từ ngôi “Vô cực” – tức là lúc đó trời đất chỉ có “Nhứt khí chi trung”, chưa phân cực (lưỡng nghi) nên gọi là VÔ CỰC. Đức Diêu Trì Kim Mẫu có lòng từ bi, có lòng thương xót, độ dẫn tất cả chúng sanh (TỪ); ngài là bậc Tôn nghiêm ở ngôi cao (TÔN). Vậy nên  nhơn sanh gọi ngài là Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn.

Phật Mẫu ngự tại Cung Diêu Trì nên gọi ngài là Diêu Trì Kim Mẫu. “Diêu” có nghĩa là ngọc diêu, một loại ngọc quí; “Trì” có nghĩa là ao, hồ. Hai chữ Diêu Trì ghép lại có nghĩa là: Trong ao có nhiều ngọc quí báu – từ này ngụ ý tả cảnh đẹp thần tiên.

Phật Mẫu chưởng quản Kim Bàn nên gọi là Kim Bàn Phật Mẫu.

Phật Mẫu ngự tại Cửu Trùng Thiên (tầng trời thứ 9) nên gọi là Cửu Thiên Huyền Nữ

Phật Mẫu tạo ra Vườn Đào Tiên và dùng các quả Đào Tiên ban thưởng cho các Chơn linh tu hành đắc đạo khi trở về cõi Thiêng liêng. Hằng năm, đến kỳ Đào Tiên chín, Đức Phật Mẫu mở Hội Yến Bàn Đào nơi Diêu Trì Cung, dùng các quả Đào Tiên và Tiên tửu, chiêu đãi các Đấng Tiên Phật nơi cõi thiêng liêng nên ngày này gọi là Hội Yến Diêu Trì.

Quyền năng của Đức Diêu Trì Kim Mẫu được nói đến trong 2 bài kinh : Phật Mẫu Chơn Kinh và Tán Tụng Công Đức Diêu Trì Kim Mẫu cùng nhiều bài Thánh Ngôn khác (Xem Kinh Tận Độ).

Bài viết sử dụng tư liệu từ nhiều nguồn:

- Daotam.info

- Wikipedia

- Kinh Cao Đài


 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào: