11/11/18

1.272. THÂN EM NHƯ TẤM LỤA ĐÀO



                  "Thân em như tấm lụa đào
                  Phất phơ giữ chợ biết vào tay ai ?" 
Lâu nay - và hầu như là đa số - người ta vẫn cho rằng đây là bài ca dao than thân, bộc lộ nỗi  băn khoăn lo lắng của một người con gái ở độ tuổi “Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” về chuyện tình duyên, về thân phận của họ trong xã hội, về sự thụ động của họ do hoàn cảnh và các định chế xã hội cũ …

Điều ấy không sai nhưng hãy thử nhìn thêm những góc nhìn tích cực khác: đó là ý thức về những giá trị bản thân và thái độ dám đương đầu !
Trước hết là cụm từ “Thân em” : đây đâu chỉ là lời than thân trách phận mà còn ẩn chứa niềm kiêu hãnh trong hình ảnh so sánh như “tấm lụa đào”. Lụa đào là thứ lụa đỏ, sang trọng dùng cho giới phong lưu, nó có vẻ đẹp lộng lẫy và thắm tươi tượng trưng cho nhan sắc và tuổi xuân phơi phới của cô gái. Một vẻ đẹp bên ngoài nhẹ nhàng mềm mại thanh thoát và tâm hồn son sắt thắm đỏ chói ngời như “tấm lòng son” trong câu thơ trong bài Bánh trôi nước của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Khi nói “Thân em như tấm lụa đào” cô gái đã tự ý thức về sắc đẹp và giá trị của chính mình.
Thế nhưng đây không phải là tấm lụa đào trưng bày trong tủ kính mà lại là một tấm lụa đào “phất phơ giữa chợ”. Từ phất phơ gợi cảm giác bất định, buông xuôi như “hoa trôi man mác biết là về đâu” – Kiều, Nguyễn Du.
Bên cạnh ý thức về nhan sắc, cô gái cũng có ý thức về thân phận mình: như món hàng giữa chợ - người con gái trong xã hội xưa đâu có quyền định đoạt cho số phận của mình; “thân gái mười hai bên nước” trong nhờ đục chịu, nào ai biết được tương lai. Văn học đã tái hiện thân phận một nàng Kiều gian truân, ngậm đắng nuốt cay cho kiếp đoạn trường lưu lạc đời mình; một Vũ Nương chịu hàm oan phải nuốt nước mắt tìm đến cái chết; một bà vợ Tú Xương “Lặn lội thân cò khi quãng vắng”… là những mình chứng cho thân em như tấm lụa đào… “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.
Hình ảnh “phất phơ giữa chợ” là một dự cảm thân phận, là chờ đợi sự may rủi của số phận chẳng “biết vào tay ai”.
Thái độ người phụ nữ ở đây không chỉ thụ động mà dường như sẵn sàng đối mặt với những gì còn đang ở phía trước. Họ đâu sợ trôi hàng thành gái ế tồn kho mà chỉ lo rơi vào “tay ai” ! Đó là tâm thế của con người đối mặt với cuộc đời, sẵn sàng chấp nhận và thách thức. Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì số phận là thứ để đối đầu chứ không phải để than vãn trốn chạy.
Ngẫm cho cùng thì hoàn cảnh tạo ra số phận nhưng phản ứng với hoàn cảnh như thế nào lại phụ thuộc vào tính cách.
Và dẫn theo một câu tục ngữ Hàn Quốc thì “Tích cách chính là vận mệnh”.
Những người phụ nữ có tính cách mạnh mẽ như trong bài ca dao đã luôn làm chủ cuộc đời và vận mệnh của mình, có như thế họ mới khẳng định được mình trong sự phân biệt đối xử của xã hội với giới của mình từ xưa cho đến nay.

Không có nhận xét nào: