21/11/18

1.283. NGUYÊN VÀ CỰU


          Mộc Nhân

          Nhân lúc rỗi hơi xúm xít, có mấy ông hỏi khó: hai từ nguyêncựu trong “tiếp đầu ngữ” (prefix) chỉ người đảm nhiệm chức vụ đã qua khác nhau thế nào ?
Bổn Mộc xin góp đôi lời bàn.

Trước hết về mặt nghĩa thì “nguyên” có nghĩa là “gốc” với hàm nghĩa: vốn có, ban đầu, trước đây có giữ chức vụ nào đó… còn “cựu” có nghĩa là “cũ”, chức vụ đã qua
Vậy nên xét về nội hàm ngữ nghĩa thì cả hai từ này đều có nghĩa tương tự như nhau nên có thể gọi là đồng nghĩa hay gần nghĩa.
Tuy nhiên trong thực tế sử dụng có những khả năng xảy ra như sau:
1. Cả hai từ là đồng nghĩa hoàn toàn.
Ví dụ: dùng cựu thủ tướng hay nguyên thủ tướng; cựu giám đốc hay nguyên giám đốc đều đúng…
2. Cả hai từ là đồng nghĩa hoàn toàn tuy nhiên có khi dùng từ này được nhưng khó dùng từ kia do thói quen hay do sự hài hòa về ngữ âm của cụm từ.
Ví dụ: dùng cựu học sinh, cựu nhân viên chứ không ai dùng nguyên học sinh, nguyên nhân viên…
3. Có sự phân biệt về hàm nghĩa:
a. “Nguyên” dùng trong trường hợp chỉ những người từng đảm nhận các chức vụ, công việc nào đó nay chuyển sang chức vụ khác (chứ chưa nghỉ hưu hoặc đương chức nhưng chuyển sang "ở tù" hoặc bãi nhiệm...).
Ví dụ: ông A trước đây làm chủ tịch, nay chuyển sang đảm nhận chức vụ khác (hoặc bị truy tố) thì sẽ được giới thiệu là “nguyên chủ tịch”.
b. “Cựu” dùng trong trường hợp chỉ những người từng đảm nhận các chức vụ, công việc nào đó nay đã nghỉ hưu.
Ví dụ: ông B trước đây làm chủ tịch, nay đã về hưu thì sẽ được giới thiệu là “cựu chủ tịch”.
4. Có sự phân biệt về số lượng nhiều - ít :
a. “Cựu" dùng đối với danh từ chung số nhiều như: cựu sinh viên, cựu chiến binh, cựu quân nhân, cựu thanh niên xung phong...
b. “Nguyên” dùng đối với danh từ chung số ít: nguyên giám đốc, nguyên trưởng phòng…
5. Dùng thế nào cũng đúng, cũng chấp nhận, không ai bắt bẻ - điều này có thể thấy rõ trên các phương tiện truyền thông, lúc thế này lúc thế kia mà chứa có sự thống nhất. 
6. Đối với tiếng Anh, trong trường hợp này dù là nguyên hay cựu thì chỉ có 1 từ tương đương là “former” mà từ điển dịch sang tiếng Việt là: trước, cũ, xưa, nguyên và đối với những cá nhân ở nước ngoài thì hầu hết các báo tiếng Việt đều dùng "cựu" chứ không khi nào dùng nguyên - bất luận cá nhân ấy còn đương chức hay đã nghỉ hưu.
Còn ở Việt Nam, cá nhân có chức vụ cao nay thuộc loại cựu nhưng vẫn được gọi là nguyên để thể hiện sự trân trọng – ý nói dù họ đã về hưu nhưng vẫn không phải là người cũ !
Vậy nên gọi là Nguyên Thủ tưởng hay Cựu Thủ tướng đều được (trong khi tiếng Anh chỉ có 1 từ là Former Prime Minister).
Tôi cũng đoan chắc rằng trước 1975, không có sự phân biệt nguyên hay cựu mà hầu như người ta đều dùng từ cựu để chỉ về tất cả các trường hợp nói trên.
Tóm lại: 
* Trong thực tế ngôn ngữ tiếng Việt, "nguyên", "cựu" được dùng không theo quy chuẩn nào.
* Các nhà ngôn ngữ học cũng bàn luận nhiều nhưng mỗi người giải nghĩa theo cách hiểu của riêng mình. 
* Tuy có nhiều diễn giải hợp lý nhưng thực tế sử dụng thì như chúng tôi đã trình bày ở trên.
* Việt ngữ là một sinh ngữ nên nó sống động, đa dạng, linh hoạt, phong phú như đời sống và mọi thứ sẽ dần dần ổn định theo thời gian và không gian giao tiếp của nó.

Không có nhận xét nào: