18/11/19

1.614. TRẦN LONG ẨN NÓI CÀN


Hôm nay chơi một show nhạc đám cưới, có một bạn trẻ được MC giới thiệu lên hát bản "Một đời người một rừng cây" của Trần Long Ẩn. Tôi - dù chỉ là một người phục vụ - nhưng lấy cái quyền có thể từ chối phục vụ để đưa ra cho em ấy hai lựa chọn: hoặc là em sẽ hát bản nhạc đó mà không có nhạc công đệm đàn hoặc đổi bản nhạc khác. Giới trẻ cũng rất nhạy, tôi chưa giải thích gì nhiều thì em ấy hiểu ra và đổi bài hát khác; có lẽ tôi đệm đàn hay hơn mọi khi vì có người hưởng ứng mình.
Chúng ta không thể hát nhạc của một nhạc sĩ với chút hơi tàn cuối đời mà lại dám lếu láo phủ nhận nền văn nghệ Miền Nam trước 1975 là “độc hại”. Ý kiến của ông Long Ẩn là sự thiếu hiểu biết về văn nghệ, là thái độ giam cầm văn nghệ trong chia rẽ và hận thù.
75 tuổi, lẽ ra đã là người ngộ được rất nhiều điều về nhân tình thế thái; thế mà ông này vì chút hão danh cuối đời của một lãnh đạo văn nghệ mà phát ngôn bậy bạ, chà đạp lên thành quả của nền nghệ thuật đã từng nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ.
Tuổi trẻ có thể nói dại nhưng tuổi già không được phép nói ngu.


***
Công luận Việt Nam đang bày tỏ phản ứng bất bình, tức giận đối với phát biểu của nhạc sĩ Trần Long Ẩn – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM – khi ông cho rằng nền văn học, nghệ thuật của miền Nam trước năm 1975 là “độc hại” vì “xuyên tạc đường lối đúng đắn của Đảng”.
Phản ứng của cộng đồng mạng nổ ra ngay sau khi báo chí Việt Nam tường thuật lại buổi họp giao ban của Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật TPHCM vào ngày 10/11, với sự hiện diện của Bí thư thành phố Nguyễn Thiện Nhân. Tại cuộc họp này, ông Trần Long Ẩn đã tranh thủ cơ hội để phô diễn lập trường. Khổ, khi báo chí tường thuật lại, thì ông Trần Long Ẩn bị ném đá tơi bời - đường dẫn tại đây
“Chúng tôi đề xuất phải hết sức thận trọng với trang sử đen tối của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là bị xâm lược. Văn học, nghệ thuật độc hại của nó xuyên tạc đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ở miền Nam và hiện nay không thể tẩy xóa. Vậy mà đồng thời, phong trào cách mạng ở miền Nam trong văn học, nghệ thuật rất dữ dội, rất lớn thì không biểu dương, không tôn vinh, không học tập, không nhân rộng mà lại đòi xóa nhòa không còn khái niệm âm nhạc cũ trước giải phóng nữa”, báo Phụ Nữ dẫn lời nhạc sĩ Trần Long Ẩn nói trong buổi họp – xem đường dẫn tại đây.
Diễn giải cho phát biểu của mình, nhạc sĩ Trần Long Ẩn nói rằng trong số “63 tỉnh, thành thì có được bao nhiêu đài có phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch? Ít lắm”.
Ông còn kể lại chuyện được Cục Biểu diễn nghệ thuật đề nghị “Làm sao nhờ anh Năm Ẩn phát biểu giùm rằng hiện nay không còn khái niệm nhạc cũ trước giải phóng nữa”, khi đó ông “nghe sốc và đau lắm”, vẫn theo tường thuật của báo Phụ Nữ.
Đồng quan điểm với nhạc sĩ Trần Long Ẩn, tại buổi họp, nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên cũng cho rằng giữa bối cảnh “giới trẻ tin vào mạng xã hội với thông tin độc lạ mà không tin vào báo chính thống”, thì văn học nghệ thuật của Việt Nam phải “đứng vào văn trò như thời chiến”. Ông Liên cũng phê bình rằng việc “ca ngợi bolero của chế độ cũ thì chính là ca ngợi luôn đời sống của giai đoạn đó…”
Ngay sau khi những phát biểu trên được công bố, công chúng Việt Nam đã lập tức bày tỏ sự phẫn nộ đặc biệt đối với nhạc sĩ Trần Long Ẩn, người vốn được biết tiếng với bài “Một đời người, một rừng cây”. Nhiều người dù thích bài hát này nhưng họ đã hoàn toàn sụp đổ sau khi nghe phát biểu trên của nhạc sĩ Trần Long Ẩn.
Trần Long Ẩn là nhạc sĩ lớn lên từ phong trào ca hát của sinh viên học sinh Sài Gòn trước năm 1975, năm 1972 ông rời Sài Gòn ra miền Bắc học tập, tu nghiệp và sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội. Năm 2007, Trần Long Ẩn nhận giải thưởng Nhà nước Việt Nam về văn học nghệ thuật. Hiện ông là Uỷ viên Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM.


Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân tác giả

Không có nhận xét nào: