19/11/19

1.615. HAI CÂU CHUYỆN VỀ ÔNG THẦY



Nhân ngày Nhà giáo, mình đăng hai câu chuyện này để thư giãn và suy ngẫm. Một chuyện “nghiêm túc” và một chuyện “hài hước”.
Cách ứng xử của người thầy không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của một cá nhân học trò mà đôi khi còn tác động đến cả xã hội.

1. THẦY CÓ NHỚ EM KHÔNG?
Một thanh niên nhìn thấy người thầy thời tiểu học của mình tại một đám cưới. Anh ta tiến đến chào thầy kính cẩn: “Thầy có nhớ em không ạ?”
Thầy giáo nói: “Thầy không nhớ lắm, hãy nói về em xem nào”.
Người học trò: “Em đã học lớp 5 mà thầy chủ nhiệm, hồi đó em đã ăn cắp chiếc đồng hồ của một bạn trong lớp. Em chắc là thầy nhớ chuyện đó mà. Lần ấy một bạn trong lớp có một chiếc đồng hồ rất đẹp, vì vậy em quyết ăn trộm nó. Bạn ấy khóc và báo với thầy có người cắp đồng hồ của bạn. Thầy bảo cả lớp đứng cho thầy soát túi. Em nhận ra rằng hành động của mình sẽ bị phơi bày ra trước mặt tất cả các học sinh và giáo viên. Em sẽ bị gọi là thằng ăn cắp, một kẻ nói dối và hạnh kiểm của em sẽ bị hoen ố mãi mãi. Thầy đã bắt chúng em đứng quay mặt vào tường và nhắm mắt lại. Thầy soát đã từng chiếc túi, và khi lấy chiếc đồng hồ từ túi của em, thầy tiếp tục soát đến túi của bạn cuối cùng. Xong xuôi, thầy kêu chúng em mở mắt ra và thầy ngồi xuống ghế. Rồi thầy giơ cái đồng hồ cho cả lớp thấy và đưa trả lại cho bạn ấy. Thầy không nêu tên người ăn cắp chiếc đồng hồ. Thầy không nói với em một lời và không bao giờ đề cập chuyện đó với bất cứ ai. Suốt những năm tiểu học, không một giáo viên hay học sinh nào nói về với em về chuyện ăn cắp đồng hồ.
Em nghĩ, Thầy đã cứu vớt cho nhân phẩm của em ngày đó. Thầy không nhớ em sao? Sao thầy lại không nhớ em được, thưa thầy? Em chắc là thầy phải nhớ câu chuyện em đã ăn cắp cái đồng hồ và thầy không muốn làm em xấu hổ. Đó là một câu chuyện không thể nào quên”.
Người thầy lắng nghe rồi đáp: “Thầy cũng không thể nào nhớ được ai đã lấy cắp cái đồng hồ ngày đó, bởi vì khi thầy soát túi tất cả các em, thầy cũng nhắm mắt mà.”
* Lời bàn: Trong đời sống, chúng ta cần phải sáng suốt trong mọi hành xử. Có những người cần động viên, có những người cần cố vấn, có những người cần giám sát. Người thầy càng phải biết đối với học trò phải vun xới, tha thứ, tôn trọng… dù các em phạm sai lầm chứ không phải là trừng phạt.

2. CHUYỆN THẰNG ĂN CƯỚP
Vú của vợ thằng bạn tôi đột nhiên xuất hiện rất nhiều những nốt đỏ li ti, cứ ngày một lan rộng ra nhiều hơn khiến nó rất hoang mang và nó quyết định đưa vợ đi khám.
Nó đưa vợ đến một bác sĩ giỏi khám xét và ông ấý kết luận chắc nịch: ung thư vú, phải cắt bỏ.
Sau khi cắt mất cặp vú, thì vợ thằng bạn tôi mới phát hiện ra rằng, mấy cái vết đỏ ấy chả phải là ung thư mà chỉ là vì cái xu-chiêng quá chật hay là bị tẩm hóa chất gì đó.
Vợ chồng anh kia lập tức đến bệnh viện tìm cậu bác sĩ kia để bắt đền, nhưng cậu ta đã lặn mất tăm. Không còn cách nào khác, vợ chồng anh ta đành báo công an. Khi đơn từ viết đầy đủ và hẹn ngày đến nộp thì cán bộ điều tra vắng mặt, năm lần bảy lượt đều thế…
Tôi nghe vợ chồng thằng bạn kể lại sự tình thì sốt ruột quá, bảo: “Được rồi! Mai tôi sẽ đi cùng vợ chồng bạn. Sẽ bằng mọi cách tìm gặp anh cán bộ điều tra, tôi biết anh cán bộ ấy”.
Hôm sau, 3 người cùng đến đồn công an tìm gặp anh cán bộ điều tra. Tất nhiên, anh cán bộ điều tra không ở đó, gặng hỏi thì có người chỉ anh ta đang dự tiệc ở nhà hàng…
 Ba người đến tận nơi.
Vừa bước vào chưa kịp nói gì thì một cậu ngồi ngay đầu bàn, khi vừa nhìn thấy tôi, nó đon đã mời ngời rồi mừng vui kể lể:
- Em chào thầy ạ! Thầy không nhận ra em à? Em là thằng A đã được ba mẹ nhờ thầy sửa điểm để đỗ thủ khoa kì thi tốt nghiệp cấp ba năm xưa đây mà.
Tôi ậm ờ, vì thú thật là tôi đã sửa điểm cho biết bao thế hệ học sinh thân yêu rồi, làm sao mà nhớ nổi, nhưng rồi tôi vẫn phải giả vờ:
- À… Ờ… Thầy nhớ chứ! Thế năm đó, em nộp hồ sơ xét tuyển vào trường nào?
- Dạ, em nộp vào đại học an ninh! Cũng thủ khoa luôn thầy ạ!
Đúng lúc này, thằng bạn kéo áo, ghé tai tôi thì thào: “Đây chính là anh cán bộ điều tra chúng ta đang tìm đó!”.
Tôi sững sờ, chưa kịp phản ứng gì thì lại một cậu khác ngồi phía cuối bàn đứng dậy bảo:
- Thầy ơi, vậy thầy có nhận ra em không? Em cũng được ba mẹ nhờ thầy sửa điểm cùng năm đó đấy ạ! Nhờ vậy, em đã đỗ vào trường y, và giờ đang làm bác sĩ ngon lành rồi ạ!”. 
Tới lượt vợ thằng bạn tôi kéo áo, ghé tai tôi, bảo: “Đây chính là thằng bác sĩ đã cắt vú em đó anh!”.
Tôi ngỡ ngàng, chưa kịp nói được gì thì lại thấy một cậu nữa ngồi chỗ góc bàn đứng dậy nói: “Thầy ơi, thế thầy có nhận ra em không? Em cũng được thầy sửa điểm năm ấy đấy. Nhờ vậy, em đã đỗ vào đại học ngoại thương, giờ, em là chủ của chuỗi các shop bán áo quần phụ nữ ạ”
Tôi lại thấy vợ thằng bạn thì thầm với chồng: “Thằng này là chủ shop bán cái xu-chiêng cho em đó”.
Hình như vợ chồng chúng nó đang rất muốn lao vào mà chửi bới, sỉ vả cái lũ mất dạy đã làm vợ chồng chúng nó khốn khổ.
Tôi phải ngăn chúng lại bằng giọng van nài: “Thôi, đừng chửi chúng nó! Chửi tao đây này! Tao mới chính là thủ phạm gây ra những chuyện này! Tao mới chính là kẻ phải chịu trách nhiệm về cặp vú của vợ mày!”. 
Tưởng mọi chuyện thế là xong, nhưng chưa: trên đường về, vợ chồng thằng bạn tôi lại bị một thằng cướp phóng từ phía sau lên giật mất điện thoại và túi xách. Vợ chồng thằng bạn lại định đi báo công an, nhưng tôi lại gạt đi, bảo:
- Thôi, đừng báo! Tao đây mới chính là người phải chịu trách nhiệm cho vụ cướp vừa rồi!
Vợ chồng thằng bạn sửng sốt nhìn tôi, hỏi: “Mày cũng sửa điểm cho cái thằng cướp đó luôn hả?”.
Tôi lắc đầu: “Không! Thằng cướp đó trước đây học rất giỏi. Đúng ra, nó đã đỗ đại học nếu như tao không sửa điểm cho mấy thằng kia. Vì học giỏi mà trượt đại học oan uổng, còn bọn dốt thì được sửa điểm, đỗ cao, đi học công an, bác sĩ, kinh tế… nên nó đâm ra bất mãn, chán đời, lêu lổng chơi bời, để rồi giờ... nó trở thành thằng ăn cướp. Tao ân hận.
* Lời bàn: miễn bàn 
------------------------------
Bài cùng chủ đề: Ngăn kẻ dốt làm thầy
Nguồn: ST

Không có nhận xét nào: