Bài thơ Mirabeau Bridge - Le Pont Mirabeau - Cầu Mirabeau (1) của nhà thơ Pháp Guillaume Apollinaire (2) được xuất bản lần đầu vào tháng 2/ 1912. Nhiều người đã đọc, nghiên cứu tác phẩm này đều ca ngợi vẻ đẹp trữ tình của nó. Nhiều bản dịch sang Anh ngữ đã được xuất bản, tuy nhiên bản của nhà thơ Mỹ, Richard Wilbur mà tôi dịch sau đây có thể sát hợp các bản khác (3). Các cảm nhận mà tôi chia sẻ sau đây là từ bản dịch này (4). Nhiều bản dịch Việt ngữ do các nhà thơ dịch giả đàn anh xuất bản từ lâu. Mỗi bản cũng có độ sát hợp và cái hay khác nhau, tất nhiên cũng có bài chưa hay.
Tôi cũng có một bản Việt ngữ cùng những chia sẻ riêng.
Cầu Mirabeau bắc qua sông Sein/ Paris, Pháp |
CẦU MIRABEAU
Mộc Nhân dịch
1.
Dưới cầu Mirabeau sông Seine trôi lững lờ
Tình nhân ơi
Ta mãi nhớ
Niềm vui luôn đến sau muộn phiền
Đồng hồ điểm chuông đêm
Ngày đi qua, riêng ta tự tại
2.
Nhìn mặt nhau lúc tay trong tay
Dưới cầu nước trôi
Xin em ở lại
Cầu là vòng ôm níu ta mãi mãi
Đồng hồ điểm chuông đêm
Ngày đi qua, chỉ còn ta
3
Mọi cuộc tình đều như dòng sông
Trôi hoài trôi mãi
Cuộc đời dường như chậm lại
Nhưng ái tình thì khát khao
Đồng hồ gõ chuông đêm nôn nao
Chỉ còn ta tự tại
4.
Trôi đi tháng ngày
Biết mà cũng đành dĩ vãng
Tình yêu hóa thành lãng đãng
Dưới cầu Mirabeau sông Sein trôi
Đêm về trong tiếng chuông
Ngày đi qua, chỉ còn ta thôi.
-------------------
Chú thích:
(1). Cầu Mirabeau: Sông Seine chảy qua
Paris, một thành phố thường được coi là lãng mạn nhất thế giới và cây cầu
Mirabeau cầu bắc qua sông đã trở thành biểu tượng của Paris hoa lệ. Đây là cây
cầu vòm được xây dựng từ năm 1895 đến 1897, được đặt tên
theo Honoré Gabriel Riqueti de Mirabeau (1749-1791). Ông là một nhà văn, chính
khách người Pháp và là một nhân vật nổi bật trong giai đoạn đầu của Cách mạng
Pháp. Ông cũng được coi là anh hùng dân tộc và là cha đẻ của Cách mạng Pháp 1789.
Cầu được ghi tên vào danh mục di tích lịch sử nước Pháp năm 1975, nó là nguồn cảm
hứng cho nhiều tác phẩm văn nghệ.
(2). Guillaume Apollinaire: là một nhà thơ,
nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình nghệ thuật Pháp gốc Ba Lan. Ông là một
trong những nhà thơ lớn của Pháp đầu thế kỷ 20; là một trong những cha đẻ của
chủ nghĩa Siêu thực (Surrealist).
(3). Bản Anh ngữ của Richard Wilbur
(4). Bài này Guillaume Apollinaire viết khi
chia tay với nàng Marie Laurencin. Bài thơ có tám khổ, mỗi khổ có kết cấu (hai khổ
nhỏ hơn) với bốn dòng thơ và hai dòng lặp đi lặp lại. Các câu 1, 3 và 4 của mỗi
khổ nhỏ 4 dòng đều gieo vần; các khổ nhỏ hai dòng đều giống nhau, kết
cấu lặp như điệp khúc góp phần tạo nên nhạc điệu chung cho bài thơ. Hình thức bản
in của bài thơ gồm các chỗ lùi đầu dòng không đều nhau gợi hình dạng ngoằn
ngoèo giống như dòng chảy của con sông. Giọng điệu chung của bài thơ là nỗi
buồn, vương vấn, tiếc nhớ khi mất đi người mình yêu.
Những khổ thơ 2 dòng cứ lặp đều trong suốt bài thơ: “Đồng hồ điểm chuông đêm/ Ngày đi qua, riêng tôi tự tại” (The night is a clock chiming/ The days go by not I). Ngày tàn khi màn đêm buông xuống và tiếng chuông báo hiệu thời khắc đó. Điều này diễn ra đều đặn và liên tục, chỉ có người nói là mỗi đêm đều ra cầu Mirabeau như ngóng đợi điều gì đó hoặc có thể là một người thân yêu - trong khi dưới cầu, sông Sein vẫn trôi mãi. (Nhân đây, nói thêm: do yêu cầu về vần trong bản dịch tiếng Việt nên hai câu lặp này tôi có thay đổi từ ngữ nhưng không đổi ý).
Khổ thơ tiếp theo là dòng hồi tưởng của người nói trong ký ức với tình nhân về khoảng thời gian họ bên nhau: "Nhìn mặt nhau tay trong tay" (We’re face to face and hand in hand), "vòng ôm đắm đuối" (embrace expire). Dẫu thời gian đã trôi qua nhưng người nói mong muốn điều này còn lại mãi. Hình ảnh vòng tay ôm (embrace) có thể hiểu như một nghĩa chuyển ngụ ý rằng vòng tay của họ là “chiếc cầu” để nối kết nhau – dẫu bên dưới, dòng sông trôi mãi.
Với sự phát triển của mạch thơ cùng với hai câu thơ lặp, mối liên hệ giữa thời gian và tình yêu trở nên rõ nét hơn, dẫu đôi khi mệt mỏi: “Mọi cuộc tình đều như dòng sông/ Trôi đi trôi mãi/ Cuộc đời dường như chậm lại/ Nhưng ái tình thì mãi khát khao” (Love elapses like the river/ Love goes by/ Poor life is indolent/ And expectation always violent). Đây là những dòng thơ vừa thực vừa sâu sắc nhất trong bài – với tình yêu, thì hy vọng và khát khao luôn mãnh liệt (violent) dẫu hành trình đời sống luôn biến động. Nhưng thật đáng tiếc, chúng ta không thể quay ngược thời gian; dẫu khát khao chúng ta cũng chẳng thể buộc tình yêu trở lại.
* References:
2. Analysis
3. FrenchPoetry
4. AparisGuide
5. Wikipedia
Dịch và chú thích bởi Mộc Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét