2/11/19

1.595. NHỮNG CÂU CHUYỆN THỜI SỰ CẦN SUY NGẪM



Trong tháng Mười có nhiều chuyện thời sự tầm quốc gia mà báo, đài đã đăng tin; mạng xã hội đã bàn luận; nhiều câu chuyện đáng để chúng ta suy nghĩ về lời nói, hành động, cách ứng xử quan chức trước các sự kiện chính trị, xã hội của nhân dân và đất nước. Mỗi kiểu thể hiện đều nói lên tầm văn hóa, văn minh và những góc khuất của cơ chế.
Mộc Nhân điểm chọn và bình luận – chắc chắn còn rất nhiều…
(Trong entry này có các đường dẫn đến các bài báo đã đăng)
1. Phim bị cấm ở Việt Nam, nhận giải nhất tại liên hoan phim quóc tế:
Liên hoan phim Quốc tế Busan diễn ra trong tháng 10/ 2019 tại Hàn Quốc đã trao giải nhất hạng mục “New Currents” (Phim đầu tay) cho bộ phim “Ròm” của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy. Điều đáng nói ở đây là bộ phim bị "án treo" của Cục Điện ảnh Việt Nam tức là không duyệt phát hành, không cho chiếu, không cho đi dự thi tại các liên hoan phim nước ngoài vì nhiều lí do “vi phạm” – việc bộ phim mang đi dự thi bịcho là “thi chui”.
Trưởng ban giám khảo của hạng mục này là đạo diễn người Anh Mike Figgis (tác giả của bộ phim Leaving Las Vegas từng nhận bốn đề cử Oscar) đã nhận xét về Ròm khá ngắn gọn như sau: "Việc sử dụng các bối cảnh thực tế và sống động trong Ròm đã gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo và để lại một cái một cái kết làm thỏa mãn".
Đây là một giải thưởng “chính danh” của một liên hoan phim quốc tế quan trọng. “Ròm” kể về cuộc sóng của những kẻ nghèo hèn, vật vã sống và mưu sinh trong một thành phố đông đúc và hỗn tạp, nơi mà những thân phận của những kẻ bên lề càng lúc càng bị đẩy xuống tận cùng dưới đáy xã hội. Phim do Trần Dũng Thanh Huy cùng với một ê kíp trẻ tuổi và dàn diễn viên nghiệp dư thực hiện mà như đạo diễn nói là: "cả đoàn phim đều ở trong tình trạng ngẫu hứng, có thể quay bất cứ lúc nào và hầu hết đều sử dụng bối cảnh thật". Những góc máy hiệu quả và gây ấn tượng mạnh, đặc biệt là những cảnh rượt đuổi giữa hai nhân vật Ròm và Phúc (nhân vật đối thủ của cậu ta) trong khu phố ổ chuột chằng chịt (đến mức sống ở Sài Gòn hơn 12 năm mà tôi không hình dung nổi nó nằm ở đâu) thực sự gây ấn tượng cho người xem. Hiện thực trong Ròm khốc liệt tăm tối và gần như không lối thoát cho những thân phận nghèo dưới đáy. Bối cảnh khu phố ổ chuột chờ giải tỏa trong Ròm như chực chờ một mồi lửa để bùng cháy và thiêu rụi tất cả. Bạo lực và cái ác trong Ròm đang chực chờ để bùng phát. Đó là lí do Cục điện ảnh cho rằng bộ phim có tính tiêu cực xã hội, không phản ảnh đúng hiện thực xã hội chủ nghĩa!!!
* Một nền điện ảnh bị trói trong tư duy định hướng “an toàn” thì không thể nào ra được với thế giới.

2. Phim có đường lưỡi bò phi pháp vào rạp chiếu ở Việt Nam:
Everest Người tuyết bé nhỏ (Abominable) là bộ phim hoạt hình do Hãng DreamWorks của Mỹ hợp tác sản xuất với Công ty Pearl của Trung Quốc. Bộ phim kể về hành trình của cô bé gốc Hoa tên Yi cứu Người tuyết thoát khỏi sự giam cầm của một nhóm các nhà khoa học và đưa nó trở về quê hương trên đỉnh Everest. Đầu tháng 10, phim ra rạp chiếu ở Việt Nam và khán giả phát hiện tấm bản đồ của Yi nơi đánh dấu các danh thắng nổi tiếng cô vẫn hằng mong một ngày sẽ được tới du lịch, có những đường đứt đoạn hình lưỡi bò. Sau đó, đến giữa tháng 10, phim đã bị gỡ khỏi lịch chiếu .
Được biết đây không phải là lần đầu xảy ra sự cố kiểu này.
Khi dư luận và báo chí chất vấn về chuyện này, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát – thành viên hội đồng duyệt phim TW cho rằng “hình ảnh đường lưỡi bò chỉ xuất hiện vài lần, mỗi lần mấy giây, mọi người cứ làm quá” !!! Tuy nhiên bà và hội đồng cũng nhận thiếu sót.
* Đúng là cách nói tùy tiện của người có trách nhiệm.

3. Thảm kịch 39 "thùng nhân" và cách ứng xử:
Thảm kịch 39 người thiệt mạng trong container ngày 23/10/2019 quá kinh hoàng cho bất cứ một quốc gia nào nếu đó là công dân của họ. Khi nhận được một tin kinh hoàng như vậy, người đứng đầu quốc gia sẽ bày tỏ sự đau xót trước công luận. Xác đáng hơn nữa là một tưởng nhớ trên toàn quốc. Bởi vì quá bi thương, bi thương đến nỗi bất cứ quốc gia nào cũng mong đó không phải là công dân của nước mình. Cho nên, khi có tin là có người Việt trong số 39 nạn nhân được thông báo ban đầu là người Trung Quốc, thì hầu như người Việt Nam nào cũng cầu mong đó không phải là người Việt, hay chỉ là người duy nhất. Cho đến bây giờ, khi có tin có nhiều người Việt hơn, thì nhiều người Việt vẫn cầu mong không đúng sự thật. Đơn giản bởi điều đó quá đau thương cho một quốc gia.
Sáng ngày 28/10/2019, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tới thăm văn phòng Hội đồng Quận Thurrock, thị trấn Grays, Essex để tưởng niệm 39 nạn nhân xấu số chết trong xe container hôm 23/10/2019. Ông đã viết lời chia buồn: "Cả đất nước, thậm chí là cả thế giới, đều sốc trước thảm kịch vừa qua và sự tàn nhẫn mà số phận đã buộc những con người vô tội này phải chịu đựng, chỉ vì họ hy vọng có được một cuộc sống tốt đẹp hơn tại đất nước này. Chúng tôi bày tỏ sự thương tiếc những người đã thiệt mạng trong thảm kịch và xin chia buồn với gia đình các nạn nhân. Chúng tôi lên án sự tàn độc của những kẻ chịu trách nhiệm cho tội ác này. Toàn chính phủ Vương quốc Anh quyết tâm sẽ làm mọi thứ trong quyền hạn để buộc thủ phạm phải đối diện công lý.”
Thủ tướng Anh không đổ lỗi cho những người di cư. Ông khẳng định họ là “những con người vô tội”. Và ông công nhận hy vọng của họ “có được một cuộc sống tốt đẹp hơn tại đất nước này” là xác đáng. Ông chia buồn với gia đình các nạn nhân và kết tội cho bọn buôn người, cam kết “buộc thủ phạm phải đối diện công lý.” Người dân Anh thì thắp nến cầu nguyện cho 39 người thiệt mạng bất chấp lý do gì. Cảnh sát Anh thì cúi đầu tưởng niệm khi đoàn xe chở 39 thi thể rời khu công nghiệp Waterglade để đến nơi khám nghiệm tử thi. Họ thậm chí ăn năn vì đã kiểm soát quá chặt dẫn đến cái chết bi thương của những người di cư.
Trong khi đó, trả lời phóng viên bên hành lang họp Quốc Hội cũng sáng ngày 28/10/2019, ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An cho biết: “Vụ 39 người bị thiệt mạng trong container tại Anh, trong đó có thể có người Việt Nam là “sự việc rất đáng tiếc” - thì cũng đúng là đáng tiếc thật, nhưng sao nghe nó vô cảm với đồng bào quá. Chưa nghe quan chức VN nào nói lời chia buồn với thân nhân các nạn nhân trên truyền thông !
* Một quốc gia hùng mạnh là một quốc gia nhân văn. Những kẻ đứng trên đỉnh cao quyền lực không có lòng nhân ái trong ứng xử với đồng bào mình thì luôn là những kẻ vô tâm; có khi dè dặt quá cũng hóa vô cảm vô tâm.

Bổ sung sau khi đăng bài này: sáng ngày 3/11 - lần đầu tiên người đứng đầu nhà nước lên tiếng chia buồn cùng gia đình các thùng nhân này.

4. Công an Việt Nam lập trung đoàn kỵ binh:
Trong tháng 10, Bộ Công an đề xuất thành lập “Trung đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh” mang tính chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
          “Kỵ binh” là gì ? Mọi người đều hiểu đó là đội quân cưỡi ngựa và chỉ có quân đi bằng ngựa mới gọi là kỵ binh. Kỵ binh là một nét đặc trưng của quân sự thời xưa gắn với rất nhiều yếu tố như: người lính cưỡi ngựa phải được huấn luyện thuần thục, phải đạt được những tiêu chuẩn sức khỏe, phải có kĩ năng vừa cưỡi ngựa tốc độ vừa bắn súng, sử dụng võ thuật, biết chăm sóc ngựa, yêu ngựa…
Hiện nay trên thế giới, kỵ binh vẫn còn tồn tại ở một số nước như Anh, Pháp, Mỹ… nhưng rất hạn chế, không phát triển, ít dùng cho chiến đấu và chủ yếu triển khai trong các sự kiện, lễ hội để tăng thêm nét đẹp – nói chính xác là để làm cảnh.
Công an VN đề xuất lập kỵ binh để làm gì trong tình hình đô thị hiện nay nhỉ: cơ sở hạ tầng hiện nay xuống cấp, phố xá chật chội, người đông, xe cộ dày đặc, kẹt xe triền miên, ngập lụt triều cường liên miên… thì làm sao dùng ngựa vào việc săn đuổi tội phạm. Nếu ở miền núi thì còn có thể phù hợp. Hơn nữa nước ta làm gì có truyền thống dùng kỵ binh mà phải giữ gìn như các nước khác.
Nhớ lại năm 2015, Hà Nội thống nhất với đề xuất của Công an TP về việc thí điểm mô hình cảnh sát trật tự cấp phường sử dụng xe đạp tuần tra kiểm soát, kết hợp công tác vận động, tuyên truyền về trật tự đô thị. Hiện nay thì mô hình này đã xếp xó, xe đạp xếp kho.
Đề xuất này được dư luận chế giễu, một phen chửi bới vì đó là trò hề, một sự ngu dốt, thiếu thực tiễn, bắt chước nước ngoài “học làm sang”…
Tại sao ngành Công an không đề xuất các phương án đúng chuyên môn như làm sao để giảm bớt tội phạm cướp giật, tội phạm lừa đảo, buôn người… mà lại đi đề xuất những chuyện không khả thi như vậy?. Đúng là chuyện khôi hài!

5. Đi nhờ chuyên cơ quốc gia:
Gần một năm nay danh tính 9 người "đi nhờ" máy bay chuyên cơ của chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân trốn ở Hàn Quốc vẫn được giữ kín. Chỉ đến khi báo Hàn đăng tin thì mọi người mới biết. Đây là hành vi không thể chấp nhận do vụ này không chỉ sỉ nhục với dân VN mà còn có khả năng là một vụ môi giới đưa người ra nước ngoài dạng cao cấp.
Khi sự việc bại lộ, ông tổng thư kí Văn phòng Quốc hội nói: “Đây chỉ là những người đi nhờ máy bay”. Cụm từ “đi nhờ” đã trở thành cụm từ dối trá, lập lờ khiến dân chúng phẫn nộ vì bị xúc phạm.
Văn phòng quốc hội không biết ai đi nhờ phương tiện của mình? Công an không biết những người đó là ai? Bộ kế hoạch đầu tư không biết được danh sách những người được mình cho đi?...
Thực ra họ biết nhưng phải giấu kín vì nhiều lí do quan trọng và khi chính quyền không minh bạch thông tin thì dân chúng có quyền hoài nghi, đồn đoán: những người này đã chung chi khoản tiền rất lớn để được đi nhờ; họ là những người thân, con cháu của quan chức lớn...
Dù ở trường hợp nào thì đây cũng là một vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng và nó càng khiến cho nhân dân ngày càng mất lòng tin vào giới cầm quyền.

6. Hà Nội rơi vào khủng hoảng nước bẩn quá dễ dàng:
Suýt chút nữa, Thủ Đô Hà Nội đã rơi vào một cuộc Soah – đại thảm họa. Nhân mạng có thể đã bị xóa sổ một phần, một nửa hoặc toàn bộ mà không cần đến tiếng nổ của một quả bom nào cả. Đấy không phải là thông tin đe dọa mà đang cảnh báo rất thật. Thảm họa sẽ xảy ra tức khắc, nếu số dầu thải đầu nguồn đã phát hiện bị thay thế bằng một loại chất kịch độc không màu, không mùi khác. Cùng với sự quan liêu, tắc trách, vô trách nhiệm như hiện tại, 8,5 triệu dân Hà Nội có thể đều đã thiệt mạng trước khi kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Nguồn nước sinh hoạt cấp cho dân Hà Nội bị kẻ xấu đổ trộm dầu thải ra khe núi thuộc xã Phúc Tiến sau đó địa bàn có mưa to dẫn đến dầu từ khe núi chảy xuống suối Trâm xã Phú Minh (Kỳ Sơn, Hòa Bình) và lan đến kênh dẫn nước vào nhà máy nước sạch sông Đà.
Thử hình dung, nếu việc đổ trộm chất thải kia không chỉ đơn thuần là một hành vi vô ý thức, vô đạo đức mà cao hơn, một âm mưu cố ý thì sự việc sẽ nghiêm trọng đến mức nào ?
Tôi không bàn đến việc kẻ xấu đã thực hiện hành vi nhằm mục đích gì; cơ quan điều tra đã phá án ra sao; chúng sẽ bị kết tội bao nhiêu năm tù; công ty cấp nước có trách nhiệm gì, đền bù ra sao… mà chỉ nói đến việc chúng ta coi thường khâu “an toàn nguồn cấp nước”.
Không chỉ ở Hà Nội mà các đô thị trong cả nước đều có thể dễ dàng bị thảm họa này. Đước biết ở các nước tiên tiến, nguồn nước dẫn về nhà máy xử lí và cung cấp nước cho đô thị được bảo vệ cẩn thận, xa khu dân cư, người dân không được vào gần…
Đây là một cảnh báo quan trọng trước khi tội ác có thể xảy đến và vô trách nhiệm cũng chính là tội ác!

7. Không dám gọi tên quân xâm lược:
Trung tướng Trần Việt Khoa - Giám đốc Học viện Quốc phòng – phát biểu trước Quốc hội: “Từ tháng 5, khi Việt Nam hoạt động dầu khí trên Biển Đông, và đặc biệt là từ tháng 7 đến những ngày tháng 10 vừa qua, “nước ngoài đã đưa lực lượng xuống phản đối chúng ta một cách hết sức phi lí”.
Cụm từ “nước ngoài” chắc chắn là nói đến Trung Quốc nhưng không hiểu sao ông này không dám gọi đích danh kẻ thù !
Từ cụm từ này dân mạng diễu nhại thành các câu: “Đảng cộng sản Nước Ngoài”, “Tình hữu nghị Việt Nam-Nước Ngoài đời đời bền vững”, “Có bảy tỉnh của Việt Nam có chung đường biên giới với Nước Ngoài”…
          Tôi thiết nghĩ: làm tướng mà không dám gọi tên giặc xâm lăng thì sao có thể làm cho giặc sợ nói chi đến chống giặc, thắng giặc. Ông này không xứng đáng đại diện cho dân cho nước.
          Buồn nhiều hơn là cười vui.

8. Tang lễ Mẹ Tổng Thống Hàn Quốc:
Một câu chuyện đáng chia sẻ với mọi người về đám tang của thân mẫu Tổng thống Hàn quốc Moon Jae In vừa tạ thế vào cuối tháng 10 này, bà thọ 92 tuổi. Tổng thống Hàn Quốc đã ra thông cáo nhấn mạnh:
- Các quan chức chính quyền không cần tới viếng, mà phải tiếp tục thực hiện công tác điều hành quốc gia như bình thường, không nên dành thời gian đi viếng ảnh hưởng công việc chung. Tổng thống sẽ trở lại làm việc ngay sau lễ tang mẹ.
- Ngoài người thân trong gia đình, tổng thống không nhận vòng hoa viếng, không tiếp các cuộc thăm viếng của các quan chức nhà nước.
- Không gian lễ đường trang nghiêm, trầm mặc với sự hiện diện của các ma sơ và thành viên gia đình.
Tổng thống muốn lễ tang là một sự kiện riêng tư của gia đình, không để ảnh hưởng công việc chung và không muốn lễ tang là cơ hội cho bất kỳ ai. Hàn quốc là một quốc gia Á đông song giờ văn minh không khác gì Âu Mỹ.
Quan chức Việt Nam có học tập và làm theo tấm gương ngài Moon Jae In không nhỉ !

Không có nhận xét nào: