Mộc Nhân - Tản văn nhân ngày Nhà Giáo VN 20 - 11 - 2019
Tổ Ngữ Văn của tôi |
“Đầu tư vào một người đàn ông được một con
người. Đầu tư vào một người đàn bà được một gia đình. Đầu tư vào một
người thầy được cả một thế hệ” (Invest in a man we have a good husband. Invest
in a woman we have a good family. Invest in a teacher we have a good generation
- Trích theo Rabindranat Tagore - đại thi hào Ấn Độ).
***
Có một thời gian dài do
đất nước quá nghèo khổ nên vị thế ngành giáo dục bị xem thường. “Có thực mới vực
được đạo”, không có miếng ăn cho ra hồn, không có tấm áo lành lặn thì lấy đâu
lo cho con chữ… dù người thầy vẫn cố giữ mình nhưng vẫn không giấu nỗi vẻ nhếch
nhác thảm hại.
Rồi đến giai đoạn sau
chiến tranh do không có người làm nghề dạy học, mạng lưới trường lớp bắt đầu mở
rộng khắp thôn làng cho đến vùng sâu vùng xa… nên khủng hoảng nhân lực giáo dục, việc tuyển
người làm giáo viên khá dễ dãi. Bên cạnh những luồng giáo viên chính qui còn có
những thế hệ sư phạm chữa cháy (thường gọi là giáo viên cấp tốc) gồm: học xong lớp 9 được tập huấn thêm 3 tháng
có thể đi dạy (gọi là 9+3); tốt nghiệp xong cấp 3 học thêm 1 năm sư phạm ra đi
dạy (gọi là 12+1), chưa kể mấy anh bộ đội xuất ngũ mà muốn đi dạy cũng được… Tất nhiên ai đi dạy cũng cố thể hiện vai trò của mình một cách khả
dĩ nhất trong điều kiện được giao phó và dù gì thì xã hội cũng ghi nhận sự đóng góp công sức của đội ngũ giáo viên trong thời kì đó dù sau này số phận của họ khá nghiệt ngã do bị đào thải vì thiếu bằng cấp; số đi học lại cũng trầy trật...
Rồi đến thời kì “mở cửa”,
xã hội lom lem làm kinh tế nhưng thân phận ông thầy thì vẫn hom hem như cũ. Người
thầy lại thêm lần nữa “tự cứu lấy mình” trong bối cảnh lạm phát phi mã, lương ọp
ẹp, đời sống vất vả… Người thầy giờ đây phải tiếp tục bon chen để kiếm sống. Ai kha khá thì mở
hàng quán, nấu rượu gạo, ai có sức thì chạy xe ôm, ai bất chấp thì bán hàng
rong… để giữ “nghề cao quí trong tất cả các nghề cao quí”, ai không trụ nổi thì
bỏ nghề về cày cuốc, buôn bán…
Sau này đến thời kì “kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thì thầy cô giáo lại lao vào cuộc
làm giàu. Nhà giáo làm thêm đủ các kiểu, mở doanh nghiệp, dạy thêm… Hoạt động “dạy thêm” cũng bắt đầu nở rộ từ đây; nhà giáo đã sống khá giả với nghề của mình nhưng vẫn không
khỏi tai tiếng khi nhiều người dùng “chiêu” để bắt ép học trò học thêm gây ra
dư luận tiêu cực trong xã hội… Nhưng dầu sao cũng phải thừa nhận là đời sống vật
chất của giáo viên giờ đây đã khá hơn trước nhiều do mức lương ổn định, có cái
để làm thêm… Ít ra cũng thoát khỏi đối tượng được “xóa đói giảm nghèo” trong xã
hội.
Khi trường học phát triển,
mọi thứ đều phát triển (When schools flourish, all flourishes - Martin Luther).
Giai đoạn hiện nay không còn cảnh nhà giáo
đói nghèo nữa do lương hướng tạm ổn so với mặt bằng chung, nhà giáo đi ra đã
sáng sủa, ăn mặc sang trọng, chi tiêu đủng đỉnh, nhà cửa khang trang, nhiều người
có thể nói là giàu có sung túc… Thầy giáo được đào tạo bài bản, bằng cấp hản
hoi… Thế nhưng bức tranh giáo dục lại nhếch nhác dưới góc nhìn khác với nhiều vấn
nạn: bằng cấp giả, bạo lực học đường, bạo hành trểm, thầy dâm ô, lãnh đạo giáo
dục thiếu chuẩn mực, phát ngôn vô lối, cán bộ giáo dục tham nhũng, áp lực dạy học
tăng lên, môi trường xã hội tác động tiêu cực khiến đạo đức học sinh ngày càng
khó dạy… Người thầy giờ đây không còn lo chuyện cơm áo gạo tiền nữa mà bên cạnh
việc lo chuyên môn họ còn lo kìm mình trước những hành vi tiêu cực của học trò,
lo đối phó với những bất trắc công luận, lo mình bị soi mói… Và dường như giai
đoạn này giáo dục của chúng ta đang dạy học trò làm thế nào để sống hơn là dạy
các em phải sống như thế nào.
Có câu nói nổi tiếng của
cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela là người đạt giải Nobel Hòa bình năm 1993
như một lời cảnh báo đối với bất cứ quốc gia nào coi thường giáo dục: “Để phá hủy
bất kỳ quốc gia nào không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm
xa, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của
sinh viên, bệnh nhân sẽ chết dưới bàn tay của bác sĩ của nền giáo dục đó, các
tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục đó. Tiền bị mất
trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục đó và nhân loại chết dưới
bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo dục đó. Công lý bị mất trong tay
của các thẩm phán của nền giáo dục đó và sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của
một quốc gia."
(Nguyên văn Anh ngữ: Destroying
any nation does not require the use of atomic bombs or the use of long range
missiles. It only requires lowering the quality of education and allowing
cheating in the examinations by the students. Patients die at the hands of such
doctors. Buildings collapse at the hands of such engineers. Money is lost in
the hands of such economists & accountants. Humanity dies at the hands of
such religious scholars. Justice is lost at the hands of such judges. The
collapse of education is the collapse of a nation.)
Thời nào giáo dục cũng
có chuyện tốt hay xấu. Tốt thì hiển nhiên vì thầy phải là tấm gương về mọi mặt
cho toàn xã hội chứ không cho riêng học trò; còn nếu thầy phạm sai lầm về
chuyên môn với học trò với đồng nghiệp hoặc ứng xử với học sinh với phụ huynh với
xã hội chưa tốt thì nhận lấy hậu quả thanh danh khó lường.
Vậy nên mỗi người phải tự giữ mình, mà trước
hết là giữ lấy sự “chính danh” để làm nghề cao quí.
------------
Bài liên quan: Tản mạn về Nghề Giáo
------------
Bài liên quan: Tản mạn về Nghề Giáo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét