24/3/21

2.002. TƯỞNG NHỚ NHÀ VĂN NGUYỄN HUY THIỆP


 

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời vào chiều 20/03/2021, tại nhà riêng, sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật sau cơn đột quỵ, hưởng thọ 72 tuổi. Ông sinh ngày 20/04/1950 ở Thái Nguyên (quê quán Thanh Trì, Hà Nội), nguyên là một giáo viên dạy Sử sau chuyển sang viết văn chuyên nghiệp. Ông được coi là một trong những nhà văn lớn của Việt Nam thời kỳ sau chiến tranh, với tên tuổi gắn liền với các truyện ngắn như Tướng về hưu, Muối của rừng, Không có vua, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê, Sang sông... Ngoài ra, ông còn viết bộ ba truyện ngắn lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết… 

Gây xôn xao dư luận nhiều nhất vẫn là tác phẩm Tướng về hưu, lần đầu được in trên tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1987 đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng văn học vào thời ấy.

Nguyễn Huy Thiệp  còn là tác giả nhiều tiểu thuyết, kịch bản, thơ, tiểu luận. Ba cuốn tiểu thuyết đã xuất bản gồm: Tiểu long nữ, Gạ tình lấy điểm, Tuổi 20 yêu dấu

Nhưng từ khoảng hơn 10 năm nay, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã hầu như không sáng tác gì mới, chỉ vui hưởng tuổi già với con cháu.

Một số tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Pháp như "Un général à la retraite" (Tướng về hưu), Éditions de l'Aube, 1990  hay "À nos vingt ans" (Tuổi 20 yêu dấu)…

***

ĐỌC NGUYỄN HUY THIỆP

Mộc Nhân

Đọc Nguyễn Huy Thiệp lắm lúc cảm thấy thật sự hoang mang vì chưa hiểu anh định nói gì. Tôi làm nghề dạy học, cái gì cũng muốn hiểu, muốn giảng rõ ràng nhưng nhiều truyện của Nguyễn Huy Thiệp thực sự không biết chia sẻ cái hiểu của mình thế nào.

Nhưng truyện của Nguyễn Huy Thiệp lại có sức hấp dẫn khó cưỡng. Anh có nhiều ngón nghề lôi cuốn người đọc.

Lôi cuốn từ cốt truyện ly kỳ thông qua những cuộc phiêu lưu của nhân vật để đưa người đọc vào thế giới lạ cảnh, lạ người, lạ chuyện. Chẳng hạn vào rừng để xem khỉ, xem gấu quần nhau với người… về nông thôn để xem thả diều, bắt cá, đánh vật… đi vào lịch sử để cho bạn đọc rối tinh giữa lịch sử với dã sử, huyền sử… rồi tha hồ mà bịa đặt, thêm thắt…

Nguyễn Huy Thiệp có một thế giới nhân vật cũng độc đáo. Toàn những người góc cạnh gân guốc. Người nào cũng sống đến tận cùng cá tính. Kẻ thì chui lên từ bùn lầy, rác rưởi, tâm địa đen tối; có loại như bậc chí thiện có thể bao dung kẻ xấu lẫn người ác, thậm chí sẵn sàng chết vì đồng loại; có những nhân vật rất bụi có cả thiện và ác – thú tính lẫn nhân tính – vừa bản năng nhưng ở một mặt nào đó của tâm hồn thì lương tri lóe sáng (Sang sông).

Trong truyện ngắn Ông Móng viết về cái chợ đêm bán phân người ở Hà Nội, người ta khoắng tay vào thùng phân để kiểm tra vì phân cũng có thể làm hàng giả. Cuộc sống thật quyết liệt, khốn khổ đến mức con người phải xục xuống bùn, xục sâu xuống tận đáy cho đục ngầu hẳn lên…

Người ta đọc Nguyễn Huy Thiệp cảm thấy ghê ghê, đó cũng là cái hấp dẫn của ông. Đó là thứ ngôn ngữ táo tợn, đôi khi lột trần truồng, một cách tàn nhẫn những ý nghĩ mà người khác thường muốn che đậy đồng thời nó cũng tạo ra nhiều cái ảo, mê li và ma quái… khiến bao kẻ phải khốn khổ, điêu đứng.

Vậy nên văn ông Thiệp cái ảo nhiều hơn cái thực, ảo lẫn lộn với thực.

Nguyễn Huy Thiệp khi viết không hề có ý định che giấu cái tôi của mình. Một cái tôi lưỡng phân: vừa coi đời là vô nghĩa - giọng bỡn cợt, ỡm ờ, bỉ ổi; mặt khác là cái tôi nghiêm túc đi tìm khuôn mẫu của con người chân chính, cao cả, con người mang theo nền văn hóa có sức ảnh hưởng hay cải tạo xã hội tương lai – giọng suy tư, triết lí.

Nếu cái tôi thứ nhất là văn xuôi thì cái tôi thứ hai là thơ. Đôi khi từ những trang văn xuôi bề bộn lại, khinh bạc, tục tĩu lại vút bay tứ thơ trong trẻo, thiết tha, mênh mang buồn. Và cái buồn thương, xót xa vẫn luôn là âm hưởng bao trùm lên mọi trang viết của Nguyễn Huy Thiệp.

Nhân vật nào của Nguyễn Huy Thiệp dường như cũng thích khái quát, triết lý. Đấy là nét hấp dẫn riêng trong truyện của ông. Lời triết lý ấy thường đặt vào các nhân vật có cá tính trong truyện. Có những triết lý kiểu “du côn” thô tục bên cạnh những lời cao siêu uyên bác, đồng thời cũng có nhiều câu khó hiểu, rắc rối nhưng lại giật gân, độc đáo, có sức gợi. Đó là triết lý dân gian được lập ngôn bằng ngôn ngữ đời thường - tuy lấm láp nhưng giẫy nẩy lên từ cuộc sống đến trang sách.

Trích vài câu tiêu biểu trong các truyện ngắn của NHT:

- “Vô sự với tạo hóa, trung thực đến đáy, dù có sống với bùn, chẳng sợ không xứng là người” (Truyện ngắn Những người thợ xẻ). 

- “Văn chương có nhiều thứ lắm. Có thứ văn chương hành nghề kiếm sống, có thứ văn chương sửa mình, có thứ văn chương trốn đời, trốn việc. Lại có thứ văn chương làm loạn” (Giọt máu).

- "Khi đất nước có loạn, việc đầu tiên của nhà cầm quyền là bắt bọn văn nghệ sĩ nhốt hết lại" (Sống dễ lắm).

- "Thi sĩ bao giờ cũng làm những việc lạ thường, đuổi theo những vẻ đẹp kỳ ảo, những vẻ đẹp huyền bí. Chỉ có điều vết chân thi sĩ để lại thường rất nhỏ” (Thiên văn).

- “Tâm hồn không thể sống thiếu những trò phù phiếm và trò chơi vui, tâm hồn giống như con thú, nó lúc nào cũng đói, khi thiếu thức ăn là nó xé xác các tâm hồn khác, cuối cùng thì nó tự xé xác mình” (Bài học Tiếng Việt).

- “Nghề hót phân trên đời là sướng nhất” (Ông Móng). 

- “Khi người ta không có gì để nhìn thì người ta nhòm vào tâm hồn kẻ khác” (Tội ác và trừng phạt). 

- “Chúng ta đang sống trong một đất nước mà bi kịch ở con người chủ yếu do khát vọng về miếng ăn và nhà ở gây ra…” (Tội ác và trừng phạt)

Nguyễn Huy Thiệp nhìn thấy kẻ xấu xa thường xa rời tự nhiên – ông soi điều này vào đám dân thành thị hoặc trí thức giả cầy mà ông gọi là “sự ngu dốt của bọn có học” (Tướng Về Hưu). Còn những người tốt đẹp hầu hết là sống gần tự nhiên, giữ được bản tính của tạo hóa – họ là  những người ở nông thôn, ở núi rừng, sông biển (Ông Móng, Những người thợ rừng, Bài học nông thôn…). Đặc biệt khái niệm “Thiện tính nữ” được ông thể hiện khá rõ khi hầu hết các nhân vật nữ đều là người tử tế vì “bản chất của họ gần với tạo hóa hơn” với vẻ đẹp phồn thực đầy sức sống, trái tim yêu thương (Chút thoáng Xuân Hương). Nguyễn Huy Thiệp là một hiện tượng văn học từ bóng tối văn nghệ những năm 80 đã nhảy ra ánh sáng nhờ nghị quyết về đổi mới văn nghệ. Người ta tìm đọc ông – cả trong nước và thế giới – mổ xẻ văn ông để ngợi ca về sự sáng tạo, dám nói, kiểu nói không giống ai; người ta cũng chửi bới, để mạt sát ông về cái tục (văng tục, cứt đái, nói ra cái sự phồn thực trên trang văn…) và kể cả quy chụp ông là phản động...Nhà văn Đỗ Chu, trong một cuộc họp ở Hội nhà văn từng lớn giọng chửi thẳng Nguyễn Huy Thiệp sau khi bộ ba truyện ngắn lịch sử Phẩm tiết, Vàng lửa, Kiếm sắc được phát hành: "Mặt nó như đám ruộng nẻ, nó dám xúc phạm anh hùng dân tộc, sao không bỏ tù nó đi".

Văn Nguyễn Huy Thiệp thì dữ dội, trần trụi, đau đớn, nỗi giận, thâm trầm… nhưng trong đời thường, ông sống lặng lẽ và khiêm nhường, thậm chí trong giao tiếp rất kiệm lời, không hoạt ngôn như nhiều nhà văn thường như thế.

Ông đã mất, để lại nhiều nuối tiếc cho bạn văn. Tuy nhiên cho tới lúc này, ông vẫn là người để lại những thành tựu trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại.

(Hòa trong không khí tưởng nhớ NHT)

Không có nhận xét nào: